Ashui.com

Thursday
Nov 28th
Home Tương tác Góc nhìn Lộn ngược Sông Đà

Lộn ngược Sông Đà

Viết email In

Quanh tôi là ngổn ngang bời bời hiện trường xây dựng nhà máy thủy điện (NMTĐ) Lai Châu đang kỳ khai phá khẩn trương. Con sông Đà giữa những thiết bị máy móc thi công cơ chừng như hẹp lại?

Ngó xuống những hoắm nước ngầu đỏ đang cuốn đi hàng búi cổ thụ do máy gạt máy xúc xả xuống chợt láng máng sống lại cái câu nằm lòng thời làm điện Hòa Bình: "Hỡi Sông Đà, ta chinh phục ngươi!" Và đúng thế, với những nỗ lực không ngừng nghỉ hiện tại, chỉ tiêu tiến độ thi công NMTĐ Lai Châu đều vượt!

Mon men vài cái ngược

Có một thứ lộn ngược nữa cũng phải rón rén kể ra đây. Nấc thang năng lượng cuối cùng của Sông Đà là Lai Châu? Có lẽ thế... Thông thường, khai thác công năng thủy điện của một dòng sông, người ta làm từ trên xuống. Tuần tự như thế thì công việc lấp sông thi công đập chắn đê quai cho những nấc thang năng lượng xuôi dòng sẽ gặp rất nhiều tiện ích. Nhưng Việt Nam mình lại lộn lại, tuần tự theo một trật tự ngược Hòa Bình, Sơn La rồi mới Lai Châu.

  • Ảnh bên : Khu tái định cư thủy điện Lai Châu học được gì ở KTĐC của thị xã Mường Lay (Lai Châu)? (Ảnh: Xuân Ba)

Dằng dặc Hòa Bình (hơn chục năm) nhanh gọn Sơn La (đã hoàn thành tổ máy I vượt tiến độ 2 năm) và bây giờ đang khẩn trương Lai Châu. Có thể nói biện pháp tình thế vắt qua hai thế kỷ nối từ thời bao cấp sang kinh tế thị trường của kế hoạch trị thủy sông Đà được những người thợ thủy điện Sông Đà thực hiện sáng tạo và hiệu quả!

Mạo muội gọi là biện pháp tình thế bởi lịch sử trao cho những người thợ thủy điện Sông Đà một sứ mệnh thiêng liêng: Phải có một công trình thủy điện ngầm gần sát với Thủ đô kịp thời đáp ứng những yêu cầu cấp bách về kinh tế quốc phòng. Xong cái Hòa Bình, chưa kịp thở phào, lại phải gấp gáp góp sức giải ngay bài toán an ninh năng lượng quốc gia với việc song hành vừa hoàn thành tiếp Sơn La vừa khẩn trương làm Lai Châu.

Ngược như thế và bập vào những vô số biện pháp cấp bách tình thế như vậy nhưng đội quân xây dựng thủy điện thiện chiến liên tiếp làm sáng thêm thương hiệu Sông Đà!

Ngồi theo dõi kỳ họp Quốc hội cuối năm 2009 hẳn nhiều người dân nước Việt bừng lên cảm giác sốt ruột lẫn xúc động khi Quốc hội bàn thảo sát sạt chi li để quyết việc làm Lai Châu. Ấy là phải tính phải lựa phương án thi công để NMTĐ Lai Châu đảm bảo lẫn tuổi thọ và hiệu quả của công trình. Phải tính, phải lường, phải khắc phục những thứ hiểm họa nhỡn tiền lẫn lâu dài nào trên thượng lưu sông Đà.

Liệu công suất 1.200 MW và dung tích hồ chứa Lai Châu có an lành? Rồi sau cú động đất ở Tứ Xuyên (cách Lai Châu chả phải là xa lắm) phải tính, phải lựa đến những nếp đứt gãy những đỏng đảnh địa chất này khác của những tầng đá gốc Lai Châu vv...

Rồi vầng khói vàng nâu của khối thuốc nổ đã bùng lên tại rẻo đất ngay sát sông Đà tại xã Nậm Hàng của huyện Mường Tè ngày khởi công công trình NMTĐ Lai Châu. Trước thời điểm đó những đội quân thi công thiện chiến của Tổng thầu Tập đoàn Sông Đà, Sông Đà 5, 7, 9, 10... cộng thêm quân của Binh đoàn Trường Sơn của Tổng công ty thi công cơ giới (LICOGI) từng là lực lượng chủ công làm thủy điện Sơn La đã về tập kết tại Nậm Hàng.

Nậm Hàng bữa chúng tôi lên đây mới nếm trải một trận cuồng phong. Nhiều số lán trại tạm bằng bạt trên công trường bị xô lệch tốc, bay mái. May mà không có thiệt hại về người. Sự dằn mặt, răn đe đó của thiên nhiên không làm nản lòng người đến đây.

Mới hơn 4 tháng từ thời điểm khởi công mà hình sông thế núi đã là thứ vật đổi sao dời bởi khối lượng 6 triệu m3 đất đá đã được bóc tách san gạt. Tất cả lực lượng thi công đang khẩn trương dồn sức hoàn thành nhiều hạng mục cho ngày lấp sông vào tháng 3 năm sau. Nếu hoàn thành đúng tiến độ, sẽ làm lợi 3.000 tỷ đồng. Còn không, điều quan trọng hơn sẽ chậm tiến độ công trình NMTĐ Lai Châu phải lùi lại cả một năm.

Ngồi một chặp với Tổng thầu công trường, Thạc sĩ kinh doanh Nguyễn Hữu Tiến vừa tu nghiệp ở Hoa Kỳ, so sánh cung cách mần ăn của thuở làm thủy điện Hòa Bình, Sơn La tự nhiên thấy ngơ ngác bởi bây giờ nhiều phương cách thi công sáng tạo và đổi mới.

Tỷ như việc tiến hành đồng thời trên một mặt bằng những là san gạt trên cao đổ bê tông ở giữa và đoạn cuối đắp đê quai. Chạy đua với việc tích nước hồ Sơn La (không chạy thì ngập) trong điều kiện thi công chật hẹp, công trường NMTĐ Lai Châu đã chạm đến cái mốc đáng nể: hoàn thành 6 triệu trên tổng 15 triệu m3 đất đá phải đào đắp.

Công sức và gắng gỏi là vậy nhưng vẫn không giấu được cái thở dài của vị Tổng chỉ huy thầu. Tham gia thi công trên công trường NMTĐ Lai Châu có 3 lực lượng chính như trên đã nói. Hàng ngàn tỷ đồng các lực lượng tham gia thi công đã ném vào nhiều hạng mục nhưng việc thanh toán lại quá chậm. Cụ thể ứng với khối lượng công việc công trường NMTĐ Lai Châu đã bỏ ra là 936 tỷ đồng nhưng tiền mới về tài khoản công trường mới có 251 tỷ đồng bằng 25%. Nhiều đơn vị đã phải nợ lương công nhân.

Có nhiều người chưa nhận được lương từ tháng 12 năm ngoái cộng với chỉ số trượt giá CPI gần đã gây cho các lực lượng thi công không ít khó khăn. Nói ra những điều ấy để thấy hết những gắng gỏi bươn chải. Chậm lương nhưng kiên quyết không để hơn 2.000 công nhân đói đứt bữa. Phải liên tục đảm bảo bữa ăn, đảm bảo calo để trụ ba ca tại công trường.

Chăm chắm với mục tiêu tối thượng cụ thể là ngày lấp sông và xa hơn là an ninh năng lượng cho đất nước. Lương tâm danh dự trách nhiệm của những người thợ Sông Đà với đất nước là vậy và cầm chắc thắng lợi của tiến độ ngăn sông cùng việc làm lợi 3.000 tỷ đồng nhưng những tổn thất thiệt hại của việc trượt giá của lãi vay thì ai lo liệu?

38 ngàn tỷ tổng vốn cho NMTĐ Lai Châu (đang mới ghi trong nghị quyết và sổ sách?) dùng để trang trải cho từng tiến độ thời gian thi công, cho từng hạng mục quả chẳng phải dễ, chẳng phải sẵn trong thời buổi này. Lẽ nào bữa ăn người thợ công trường phải đắp đổi trù liệu do chậm lương từ những ách tắc giải ngân đâu đó?

  • Ảnh bên : Nơi con đập chính NMTĐ Lai Châu

Mai này Mường Tè…

Tổng thầu Nguyễn Hữu Tiến lấy tay xoa xoa lên đầu cười ông chồng người Mông cắt, vợ gội đây tóc nhờ.

Cơ chế thị trường có phép mầu nhiệm là điều tiết là cân bằng cung cầu. Có cầu Na Hang cầu Lai Hà vắt ngang Sông Đà việc đi lại thông thương khá dễ dàng nên công trường không bị chia cắt như trước. Bên hông công trường có một khu chợ với nhiều loại hình dịch vụ có sức đáp ứng cho hàng ngàn lao động trên công trường. 

Từ khi khởi công nhiều lắm những thứ ăn theo công trường mang lại thu nhập kha khá cho bà con các dân tộc Mường Tè nhất là thanh niên địa phương. Công trường NMTĐ Lai Châu thiếu tiền. Thiếu cả thợ. Trước mắt là lao động phổ thông thủ công.

Tỷ như công ty 705 Sông Đà đang có sẵn việc cho hàng trăm lao động nhưng chưa biết tìm đâu? Bên LICOGI và Binh đoàn Trường Sơn cũng đang thiếu lao động phổ thông. Từ nay đến cái mốc NMTĐ Lai Châu phát điện là 6 năm, nhu cầu lao động phục vụ cho công trường phải hàng ngàn người.

Chợt nhớ bữa ngồi với lãnh đạo Lai Châu được biết Lai Châu có khoảng 3.000 thanh niên phần đông là người dân tộc đang trong độ tuổi lao động. Thu nhập từ ngày công của họ lên nương lên rẫy và những thứ lặt vặt khác chỉ vài chục,cao là vài trăm ngàn đồng/ tháng. Nên cơ hội để tìm việc làm cho thanh niên gặp rất nhiều khó khăn. Cái cầu nối nào để dắt dẫn lực lượng lao động đang dư đang sẵn ấy đến với công trường NMTĐ Lai Châu?

Được biết những phần việc đang dư sẵn ở công trường tính rẻ cũng gần 2 triệu đồng/ người/ tháng. Đó là với lao động phổ thông, thời vụ. Chưa kể những thanh niên dân tộc may ra được đào tạo thành những thợ lành nghề. Tại sao không? Công trường đang còn tồn tại những 6 năm.

Dư quỹ thời gian cho họ có mặt tại công trường để đổi đời với sự nghiệp CNH ngay tại địa phương mình. Lại còn chưa kể khi NMTĐ hoàn thành lực lượng công nhân kỹ thuật tham gia vận hành quản lý nhà máy sẽ có nhiều gương mặt của thanh niên dân tộc người bản Nậm Hàng và xa hơn là Sìn Hồ, Phong Thổ...

Chợt nhớ đến Lò Thị Chăm, cô gái Thái duyên dáng thạo việc làm nhiệm vụ hướng dẫn du lịch trên lòng hồ sông Đà. Mái tóc xõa của Chăm búi tằng cẩu (dấu hiệu gái có chồng) đã hai năm. Sáu năm trước, từ bản Nà Lẻng heo hút ở lòng hồ Sông Đà, Chăm được tuyển đến công ty du lịch Hòa Bình.

Tiếng Anh bây giờ lưu loát. Có lẽ trù liệu ngay đi bây giờ thì vừa các loại hình du lịch mai kia lòng hồ thủy điện Lai Châu ngập nước. Bao nhiêu thanh niên người Mông người Sán Dìu người Thái, Lô Lô... của Lai Châu sẽ đứng chân sẽ chiếm chỗ sẽ có cơ hội đổi đời với NMTĐ Lai Châu tại các dây chuyền hướng dẫn du lịch xuôi ngược rong ruổi trên lòng hồ Lai Châu nối với lòng hồ Sơn La Hòa Bình? Mà đâu chỉ có các loại hình du lịch lòng hồ? Còn du lịch sinh thái. Còn cơ man nào là công việc nuôi trồng đánh bắt thủy sản ven và trên lòng hồ Lai Châu?

...Lộn ngược rồi lại lộn xuôi thượng nguồn sông Đà không phải trăm bảy mươi thác trăm ba mươi ghềnh bằng thuyền đuôi én thuở trước mà với đường mới ô tô đời mới vo vo bánh xe lăn. Chợt tiếc đành lỗi hẹn với ông Tống Xuân Hải Bí thư huyện ủy Mường Tè ghé khu tái định cư (TĐC) lòng hồ Lai Châu đang được ráo riết triển khai.

43 điểm trên mặt bằng khu TDC theo mô hình nông thôn mới cho 1.331 hộ với 5.367 nhân khẩu phải di dời. Hiện tại đã di dời 47 hộ dân chuyển từ Nậm Hàng về Noong Kiêng. Mô hình nông thôn mới là thế nào? Chắc chắn Mường Tè nói riêng và Lai Châu nói chung sẽ đúc rút từ kinh nghiệm khi di hàng vạn hộ dân của thị xã Mường Lay và hàng vạn hộ của công trình thủy điện Sơn La.

Xuân Ba 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...