Dù chúng ta đang công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đang hội nhập với thế giới nhưng hình như cái chất làng quê nông nghiệp vẫn đằm sâu trong mỗi con người, kể cả với những người được xem là cư dân thành phố.
Cứ dịp cuối năm là đường phố nhộn nhịp hẳn lên. Mọi người đổ ra đường sắm Tết, ngắm Tết, chơi Tết và hoài niệm về ngày xưa. Trong dòng người đổ ra phố, phần lớn là người nhà quê. Họ ra phố để lập nghiệp, bươn chải không biết mệt mỏi trong ngày thường, nhưng ngày Tết họ dành cho quê.
"Tinh hoa tỉnh lẻ về quê..."
(ảnh: Huy Vương)
Đất nước phất triển, công việc ở thành phố dễ kiếm tiền hơn ở nông thôn. Do vậy, người ở làng tìm mọi cách để ra thành phố. Những đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... tràn ngập người ngoại tỉnh. Dù đó là những công chức cao cấp của Nhà nước hay chỉ là người đi thu gom phế liệu, Tết gần đến, họ chỉ nghĩ về quê nhà và tìm cách trở về.
Ngày thường Hà Nội đông đúc là thế, ấy vậy mà trong những ngày Tết, bỗng vắng hoe. Vì thế, không biết ai đó đã "tức cảnh" làm mấy câu thơ vui vui: Tinh hoa tỉnh lẻ về quê?Thị trấn Hà Nội buồn tê tái buồn.
Đúng là vào dịp Tết, đường phố Hà Nội vắng lặng và rộng thênh thang. Năm ngoái, một người bạn ở Hà Nội gọi điện cho tôi vào trưa mồng Một Tết: "Từ sáng, mình ra phố, dạo cả tiếng đồng hồ mà chưa gặp ai. Có lẽ sang năm mình cũng tìm về một làng quê nào đó cho đỡ lạc lõng."
Không khí Tết ở làng quê có sức hút ghê gớm, nó lay động, mời gọi, lôi kéo bằng được mọi người trở về. Vào những ngày 24 (sau khi tiễn ông Công, ông Táo) cho đến 29 Tết, các bến xe, bến tàu chặt cứng người.
Trên mọi nẻo đường lèn chặt các phương tiện giao thông. Chưa hết, năm nay một số chủ xe giường nằm cao cấp lên kế hoạch chạy cả tối 30 lẫn mồng Một Tết để phục vụ nhu cầu đi lại của những người vướng bận công việc ở Hà Nội hay muốn xem pháo hoa ở Thủ đô, nhưng vẫn muốn có mặt ở quê trong ngày Tết.
Có vẻ như cuộc sống hiện đại, tiện nghi không thay thế cái quê mùa của làng xóm được. Vì vậy, dù ở đâu, làm gì thì Tết cũng phải về quê. Nếu ai không về được thì cũng tạo ra "chất quê" trong ngôi nhà của mình.
Chất quê hoà quyện trong phố
Những người ở quê thì ngược lại, họ cố gắng mang ra thành phố những thứ họ nuôi trồng được để bán hay biếu, tặng những người sống ở thành phố. Bây giờ có nhiều người đánh giá cao sản vật của nhà quê. Đó là gạo quê, gà quê, rau quê...
Ở vùng nông thôn, chủ yếu người dân dùng hương trầm trong dịp Tết. Đây là loại hương trầm làm thủ công, hoàn toàn không có chút hoá chất nào. Mùi thơm của nó dịu nhẹ, lan toả trong không trung, tạo nên sự thiêng liêng và huyền bí. Nay loại hương này bắt đầu được người thành phố yêu thích.
Người nhà quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Thái Bình... mấy năm nay đã làm hương trầm theo đơn đặt hàng của người phố. Một người ở phố Kim Mã Thượng (Ba Đình, Hà Nội) năm nay đã bán được cho hàng xóm và những người qua lại phố này được khoảng ba triệu cây hương trầm. Thậm chí có hội chợ Tết cũng đã bày bán loại hương này và có rất nhiều người mua.
Việc đốt vàng mã, tiền âm phủ vốn không được nhiều người ủng hộ vì nó gây lãng phí và ô nhiễm môi trường, nhất là ở thành phố. Nhưng đây lại là một phong tục lâu đời của nhân dân ta vì vậy bây giờ hầu hết ở các khu tập thể nhà cao tầng ở thành phố đều phải có dụng cụ cho mọi người hoá vàng.
Dường như cái gì có nguồn gốc từ làng quê đều được nâng niu, trân trọng. Điều này làm ấm lòng những người từ làng quê ra đi và luôn luôn đau đáu nhớ về, nhất là trong dịp Tết.
Hoa cải đang chiếm lại "vị trí truyền thống" của mình
Tôi ra Hà Nội từ năm 1975, nhưng khi bạn bè hỏi "Tết ở Thủ đô như thế nào" thì tôi không trả lời được. Chưa năm nào tôi đón Tết ở Hà Nội. Muộn nhất là 28 Tết, tôi đã có mặt ở quê nhà. Làng biển quê tôi không có gì quá đặc biệt, nhưng nó có sức hút mãnh liệt đối với tôi.
Cái câu thơ "Còn mươi bữa nữa về ăn tết/Vườn cải bừng hoa, bướm liệng vàng" thường ám ảnh tôi những ngày này. Và cái ảnh hình cải vàng, bướm lượn, sao nó lay động tâm can con người ta đến thế.
Đó là câu thơ của ai, tôi không biết nhưng nó luôn trở lại trong tôi từ khi tôi bắt đầu sống xa nhà. Với tôi, có lẽ đây là câu thơ gợi nhớ làng quê dịp giáp Tết vào bậc nhất. Thật ra, với người nhà quê chúng tôi, hoa cải chứ không phải hoa đào là thứ hoa gây ấn tượng mạnh mẽ trong dịp Tết, bởi hầu như nhà nào cũng có.
Cải là thứ cây vốn trồng để ăn lá. Nó là một loại rau phổ biến khắp trong nam, ngoài bắc. Mọi nhà trồng để ăn nhưng ai cũng cố tình để lại một vài luống cho nở hoa vào dịp Tết. Đây là một công việc lợi cả đôi đường: Hoa để ngắm, sau đấy nó kết hạt để làm giống cho mùa sau.
Trong một thời gian dài hoa cải chính là biểu tượng Tết quê vì nó mộc mạc, dễ thương, dễ trồng, lại có ích. Bức tranh những ngày giáp Tết ở làng vô cùng sinh động và nhiều màu sắc: Trong sân là nếp trắng, lá dong xanh, đậu vàng. Ngoài vườn là cam, bưởi đến độ chín, hoa cải vàng rực trên thảm lá xanh; khi nắng bừng lên, những cánh bướm rập rờn bay lượn...
Có vẻ như hoa cải đã lấy lại được "vị trí truyền thống" của mình khi trong những ngày giáp Tết Nhâm Thìn, dù trời rất lạnh nhưng các bạn trẻ Thủ đô kéo nhau đi tìm hoa cải để chụp ảnh.
Họ kéo nhau ra bãi sông Hồng, sang Gia Lâm để chụp cho được những bức ảnh với vườn cải bừng hoa vàng thắm trời đất. Có những bạn trẻ kỳ công hơn, họ lên tận cao nguyên Mộc Châu để chụp ảnh với hoa cải trắng. Có thể nói cái hồn quê trong những ngày giáp Tết đã về lại trong tâm tưởng của người thành phố, khiến họ đi tìm sự mộc mạc, trong trẻo, bình yên lắng đọng ở hoa cải.
Người phố giữ làng và khôi phục lại làng
Trong mươi năm trở lại đây, tốc độ đô thị hoá diễn ra chóng mặt. Nhiều thôn làng với nhà mái ngói, cây đa, giếng nước nay đã trở thành phường với đường nhựa, đường bê tông và những căn nhà 4 - 5 tầng hình ống. Chính điều này cũng khiến nhiều người hụt hẫng, làm họ nhớ tiếc cái hồn quê mang mác. Nhiều vùng quê đã lên kế hoạch giữ làng. Một số người ở thành phố cố gắng dựng lại nhà cổ, nhà sàn để làm nguôi ngoai nỗi nhớ làng của bao người hoài cổ.
Trong lễ hội hoa với chủ đề Hà Nội điểm hẹn phố và hoa vừa qua có hẳn một ngôi nhà cổ nguyên vẹn. Đây là một trong những nơi thu hút nhiều người đến ngắm nhìn và chụp ảnh. Những người mới lớn thú vị đến ngỡ ngàng khi tận mắt chứng kiến ngôi nhà điển hình của làng quê đồng bằng Bắc bộ hàng trăm năm trước.
Có một điều thú vị là đại đa số những người trẻ tuổi ngày nay không từ bỏ gốc gác làng quê của mình, dù họ sinh ra và lớn lên ở thành phố. Chính vì thế mới có câu thơ: Trẻ giờ sinh ở trăm nơi/ Hỏi quê vẫn nói: Cháu người làng Đông (Cao Xuân Thưởng).
Có nhiều người ra Hà Nội lập nghiệp, "công thành, danh toại" rồi, có nhà cửa, vợ con ở phố rồi nhưng khi nào họ cũng canh cánh nỗi quê. Điển hình cho những người đó là anh Ngô Trí Nhân và Ngô Quang Xuân. Đây là hai anh em ruột, một người là tướng trong quân đội, một người được phong "Đại sứ suốt đời" vì có những cống hiến có ý nghĩa trên mặt trận ngoại giao, đặc biệt là việc Việt Nam gia nhập WTO.
Hai người đàn ông từng trải, sang trọng là thế, nhưng khi nói đến quê là rơm rớm nước mắt. Số là làng của họ bị san bằng trong chiến dịch "Làng ta di động, thêm đất mình cày". Hai người này quyết tâm khôi phục lại làng.Tết năm ngoái tôi chứng kiến họ cùng với Hoa hậu Ngô Phương Lan (là con gái của Đại sứ Ngô Quang Xuân) tất tả đi lại trên đường làng trong giá rét để đốc thúc công việc xây dựng nghĩa trang của dòng họ. Với hai người sinh ra ở quê thì đây là điều dễ hiểu. Còn đối với Ngô Phương Lan - cô sinh ở phố, đi hết châu Âu, châu Mỹ; trở thành Hoa hậu, nhưng vẫn lội ruộng, lội đồng về quê là một điều thú vị. Hình như những gì tốt đẹp nhất của làng quê vẫn ẩn sâu trong tâm hồn cô Hoa hậu này.
Tết cổ truyền là một di sản văn hóa của dân tộc. Dù chúng ta đang công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đang hội nhập với thế giới nhưng hình như cái chất làng quê nông nghiệp vẫn đằm sâu trong mỗi con người, kể cả với những người được xem là cư dân thành phố.
Hồ Bất Khuất
- Vụ Tiên Lãng: Phán quyết “có hậu” và bài học lớn
- Để không còn những vụ Tiên Lãng khác
- Giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi (Đà Nẵng)
- Đà Nẵng - Thành phố của những cây cầu đáng nhớ
- Xóm chài lưới trên sông Sài Gòn
- Ăn ở nơi nhà mình
- Dân đô thị với nếp sống tiểu nông
- Thành phố đáng sống
- Một góc quý của kiến trúc Sài Gòn
- Bảo tàng Chăm và giấc mơ giản dị