Sự phát triển chóng mặt của TP, bên cạnh những tòa nhà cao tầng, thì dưới chân cầu Bình Lợi, quận Bình Thạnh còn tồn tại một làng chài nghèo. Xóm ngụ cự ở đây là những chiếc ghe gỗ chắp vá. Với họ, cái nghèo chưa bao giờ… buông tha.
Những ngày cận tết, chúng tôi có chuyến đi quăng chài cùng với các ngư dân ở xóm ngụ cư này.
Ông Chúc cố gắng quăng lưới thật mạnh hi vọng bắt được nhiều cá hơn
Làm bạn với “hà bá”
Những ngày qua, các ngư dân ở đây cố gắng quăng chài, kéo lưới nhiều hơn, hi vọng kiếm được nhiều tôm, cá hơn để bàn thờ tổ tiên có thêm chiếc bánh chưng, hoa quả. Con cháu của họ năm mới có thêm những chiếc áo mới...
Gần 1 giờ trưa, trời yên sóng lặng, chiếc ghe của vợ chồng ông Nguyễn Văn Chúc, sinh năm 1957, là một ngư dân sống ở gần chân cầu Bình Lợi thuộc phường 13, quận Bình Thạnh, nhẹ nhàng rẽ nước lướt về hướng quận Gò Vấp.
Chòng chành trên con nước, chỉnh vội chiếc nón lá để che nắng từ hai bên hông của ghe “táp” vào mặt, vợ ông Chúc, bà Nguyễn Thị Hinh, sinh năm 1959 khua mạnh mái chèo để vượt qua những đám lục bình khổng lồ. Bà hoài niệm: “Vợ chồng tôi làm bạn với sông Sài Gòn hơn 30 năm qua. Chính con sông này đã nuôi sống hai vợ chồng và 5 đứa con gái, giờ đây chúng nó cũng đã trưởng thành và có gia đình gần hết rồi. Ngày đó, mỗi khi đi chài mà tâm trạng hai vợ chồng lúc nào cũng lo lắng, sợ hãi. Đi quăng lưới chỗ nào cũng phải chở 5 đứa theo, xếp xếp cho tụi nó nằm ở giữa ghe. Rồi những lúc trời mưa to gió lớn, thủy triều dâng cao, những con sóng dữ như muốn nuốt chửng “ngôi nhà nổi” này không biết bao nhiêu lần. May mắn trời thương nên 5 đứa nhỏ vẫn lớn khôn cho đến giờ”.
Thoát khỏi “ma trận” của đám bèo, ông Chúc bò qua phía đuôi ghe giật mạnh chiếc máy nổ, tiếng nổ bành… bành… vang lên như xé toạc không gian yên tĩnh trên sông. Hơn 30 phút cỡi sóng, chiếc ghe đưa chúng tôi đến đoạn sông Vàm Thuật là nơi quen thuộc mà vợ chồng ông thường ngày bắt cá.
Với dáng người nhỏ thó, làn da nâu xậm và mái tóc cháy vàng vì nắng. Ông Chúc lôi tấm lưới nặng chừng 7kg từ trong thùng ghe ra, sau đó ông nhanh chóng cuộn lại và dùng sức quăng mạnh xa ra. Đang lom khom kéo tấm lưới chưa lên khỏi mặt nước, thì bất ngờ ông Chúc giật mình còn bà Hinh thì cố gắng khua mái chèo đưa mũi chiếc ghe đi chỗ khác. Thì ra phía trước là chiếc ca nô của các nhà hàng ven sông đang lao đi vùn vụt tới. Ông Chúc giải thích, “các con thuyền lớn và ca nô tạo ra những con sóng lớn, nếu mình không kịp “chạy trốn” là nguy cơ ghe bị chao đảo rồi chìm ngay, chuyện ngư dân chìm ghe, mất lưới vì các con sóng lớn là chuyện bình thường”.
Cứ thế, vợ ngồi chèo, chồng quăng lưới, rồi họ cùng nhau gỡ cá. Khoảng 3 giờ chiều, nhìn xuống nước, ngó bầu trời ông Chúc nói: “Về thôi mấy chú ơi, thủy triều sắp lên rồi, các, cua nó đi hết”. Nhìn ngăn đựng cá, bà Hinh nói, “bao nhiêu đó khoảng chừng 2kg cá, bán cũng được 50 ngàn đồng. Trừ tiền xăng ra thì chắc được 30 ngàn đồng. Ngày trước, sông chưa bị ô nhiễm, cá, tôm nhiều lắm, giờ tôm dường như tuyệt chủng ở đây. Lúc đó, bắt được nhiều như vậy mới nuôi được 5 đứa nhỏ, giờ bắt chỉ đủ mua mắm qua ngày thôi, chứ cá đâu nữa mà bắt”.
Bên trong “căn nhà” nổi của gia đình bà Liên
Bát cơm… dưới đáy sông
Chòng chành trên con nước, chiếc ghe đưa chúng tôi len lỏi vào các nhánh sông Sài Gòn trên địa bàn quận Bình Thạnh. Khu vực này nước sông bốc mùi hôi thối nồng nặc. Đứng giữa vòng vây của sự ô nhiễm, một người đàn ông đang ngâm mình hụp người dưới dòng nước đen ngầu để bắt trùn chỉ.
Mặc chiếc áo thun rách rưới trên người và khoác thêm chiếc áo mưa phương tiện để chống lạnh bên trong, anh Nguyễn Huy Lịch, sinh năm 1964, nở nụ cười và khoe: “Những người bắt trùn chỉ xem chiếc áo mưa mặc bên trong như là chiếc áo giáp chống đạn vì nó chống lạnh rất tốt”.
Công việc thường ngày của anh là “đấu tranh” với trùn chỉ. Nơi nào có trùn chỉ sinh sống đều in dấu chân trần và đôi tay thoăn thoắt liên tục xúc của anh. Trùn thường sống ở những vùng dơ bẩn và hôi thối, chúng nằm sâu dưới lớp bùn nhão. Anh Lịch khom người xúc một thố bùn và liên tục đãi, đến khi trên thố chỉ còn một màu đỏ thì anh hốt trùn bỏ vào chiếc xô nhựa, rồi đem bán cho những người nuôi cá kiểng.
Anh tâm sự: “Tôi đeo bám nghề này đã hơn 20 năm. Bắt trùn chỉ thật sự kiếm tiền nhiều hơn nghề chài lưới, mỗi ngày bán được khoảng 300 ngàn đồng. Nhưng ít có người làm lắm, vì nghề này phải đánh đổi lại nhiều bệnh tật. Một ngày phải ngâm mình trong nước đến 10 tiếng đồng hồ, lúc nào cũng ngửi mùi ô nhiễm của nước sông, vì vậy tôi bị bệnh viên xoang và đau phổi nặng. Còn việc đạp phải mảnh sành, mảnh sứ bị nhiễm trùng là chuyện thường ngày. Nếu không làm thì biết làm nghề gì nữa đâu. Tôi ráng làm nuôi hai đứa con đang ở tuổi ăn học, sau này mong tụi thoát khỏi cái nghèo và xóa đi cái nghề cực nhọc của cha nó”.
Mặt trời ngả về hướng Tây, xa xa những tòa nhà cao ốc nhá nhem ánh đèn, cũng là lúc chúng tôi chia tay anh Lịch. Chiếc ghe nhỏ ì ạch đưa chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Ven hai bên các nhánh sông, những người mưu sinh trên sông vẫn cố nén lại bên dòng nước đen ngòm. Họ hi vọng kiếm thêm thu nhập trong những ngày cuối năm…
Kẻ cô độc trên sông
Trời càng xẩm tối, thủy triều mang hơi lạnh cùng những cơn gió bắt đầu hất vào mặt. Những ngư dân âm thầm quay về. Nhưng ngược lại những người mưu sinh bằng các loại nghề khác trên đoạn sông này lại đón nhận vui mừng. Vì thủy triều cho họ thêm thu nhập.
Chiếc ghe nhỏ của vợ chồng ông Chúc đưa chúng tôi len lỏi mọi ngóc nghách của các nhánh sông Sài Gòn thuộc địa bàn quận Bình Thạnh, Gò Vấp để gặp những mảnh đời mưu sinh bằng các nghề chìm nổi. “Trên các tuyến sông, những nơi nào có nhiều rác rưởi nhất, là ở đó chính là “chén cơm” của họ, ông Chúc nói.
Thấp thoáng từ xa, một người đàn ông đang cắm cuối vớt những chai nước ngọt bằng nhựa, bịch ni lông…ở gần các bụi dừa nước. Nở nụ cười mến khách, ông Nguyễn Văn Huân, sinh năm 1957, cho biết mình nhặt ve chai trên sông Sài Gòn đã hơn 10 năm qua. Ông kể: “Ngày trước tôi cũng là đồng nghiệp của vợ chồng Ba Chúc, nhưng từ khi hai vợ chồng li thân thì tôi chuyển qua mưu sinh bằng nghề lượm ve chai. Vì nghề cá thì một người chèo, một người quăng, kéo lưới thì mới đủ cơm cháo, giờ một thân một mình thì đành phải bỏ nghề thôi”. Rít vội hơi thuốc để chống lạnh, ông nói tiếp: “Tôi sống và lang thang trên sông nước riết rồi quen, chiếc ghe này là ngôi nhà nổi duy nhất gắn liền với cuộc đời còn lại của tôi”. Chiếc ghe của ông có chiều dài khoảng 5 mét, chiều rộng khoảng 1,5 mét. Ghe không lắp máy nổ, bên trong chỉ có một thùng nước để uống, một bếp ga mi ni và hai cái xoong nhỏ và các bao ve chai ông lượm được. Ngoài ra, chẳng có vật gì có giá trị.
Tuy mới có ngoài 50 tuổi, nhưng mái tóc ông Lịch đã ngả hai màu tiêu muối, mười ngón tay của ông nhăn nheo và sưng tấy lên, do ngâm nước quá nhiều. “Nghề này bấp bênh lắm chú ơi, có ngày kiếm được vài ngàn, nhiều nhất là được 50 ngàn đồng. Mình phải đi xa mới kiếm được nhiều, một tuần tôi chèo xuống Lái Thiêu, Bình Dương 2 lần để nhặt. Mình chèo quanh các quán nhậu ven sông để chờ khách quăng chai nhựa xuống là mình nhặt. Tôi xem những người khách ngồi ăn uống ở các quán gần bên sông là những ân nhân của mình”.
Anh Lịch ngâm mình dưới nước 10 tiếng một ngày để mưu sinh
“Con rái cá” cứu hộ
Quay về xóm chài, trong cơn mưa như trút nước, những ngư dân ở đây tụ lại trong ngồi trong “căn nhà” nổi của vợ chồng ông Chúc. Họ cùng nhau hoài niệm lại quãng đời thăng trầm cùng sông nước của mình và hi vọng những ước mơ bình dị.
Sống đã gần nửa đời trên sông nước, tài sản quý giá nhất của vợ chồng ông Chúc là chiếc ghe nhỏ và tấm lưới chài. Trên con sông này, họ không chỉ giăng câu thả lưới để nuôi con. Mà hơn 30 năm qua, vợ chồng ông đã cứu, vớt khoảng 300 người bị tai nạn và tự tử trên sông. Người dân ở đây gọi ông Chúc là “con rái cá cứu hộ”.
Trên lưu vực, bất cứ ngày hay đêm, hễ nghe tiếng kêu cứu có người bị nạn là vợ chồng ông cho ghe nổ máy đến đó ngay. Trong cơn mưa chiều tháng 7 vừa qua, nghe người dân báo có người tự vẫn ở khu vực gần cầu Bình Lợi. Ông Chúc cùng vợ nhanh chóng cho ghe chạy đến ứng cứu. Sau khi chồng vớt được nạn nhân lên, thì bà Hinh loay hoay sơ cứu. Khi tỉnh dậy, cô gái kể lại sự nông nổi của mình. Do đang có thai 5 tháng với người tình. Cô tìm đến cái chết vì sợ xấu hổ với chồng ở nước ngoài sắp về. Vài ngày sau, vợ chồng ông đã vớt thêm hai cái xác xấu số nữa.
Anh Trần Đình Đức, quê ở Nghệ An, là công nhân sửa cầu Bình Lợi đến giờ vẫn còn nhớ mãi cái ngày được ba, mẹ nuôi cứu sống. Hôm đó, anh cùng 4 đồng nghiệp đang loay hoay sửa cầu thì dàn giáo sập xuống nước. Ba công nhân bơi được vào bờ, còn anh Đức và một công nhân bị dòng nước cuốn đi. Nghe tiếng kêu cứu, vợ chồng “rái cá” cho ghe lao theo và cứu được anh Đức, người công nhân còn lại bị dòng nước xoáy cuốn đi, đến hôm sau mới tìm được xác. Sau khi tỉnh táo lại, anh Đức cảm thấy mình như được “sinh” ra lần nữa, nên nhận vợ chồng ông Chúc làm cha, mẹ nuôi. Sau lần được hồi sinh ấy, anh Đức đã bỏ nghề rồi về quê sinh sống, nhưng mỗi tháng anh đều liên lạc hỏi thăm. Những ngày lễ anh gởi quà vào biếu ba, mẹ. Cứ thế, đến giờ vợ chồng ông Chúc có gần 10 người con nuôi.
Cầu Bình Lợi sau khi khánh thành thì không biết làng chài đi về đâu
Những ước mơ bình dị
Cạnh mái ấm của vợ chồng ông ba Chúc là chiếc thuyền nhỏ cũ rách của gia đình cụ Ngô Thị Liên, năm nay bà đã bước sang tuổi 80. Gia đình bà ngụ cư ở đây cùng 3 người con trai và một người con dâu. Dưới cơn mưa như trút, cụ Liên cầm thùng nhựa hì hục tát nước mưa dưới sàn ghe ra ngoài. Sau đó, bà vội vã chạy qua hỏi ông Chúc: “Chú 3, có thấy thằng Ái, thằng Minh hồi chiều quăng chài ở đâu không, mưa to gió lớn mà tụi nó chưa về tui lo quá”. Tụi nó trú mưa ở chỗ mấy anh em bắt trùn chỉ bà à, xíu trời tạnh tụi nó về. Bà vào uống ly trà xanh cho ấm”, ông Chúc trả lời bà.
Ngồi bệch xuống sàn, Cụ Liên tâm sự: “Thoắt một cái ổng đi theo ông bà cũng đã 20 năm. Từ ngày đó đến giờ, tôi chỉ ở nhà lo cơm nước cho 3 đứa con trai sớm hôm đi quăng chài về. Ba thằng con trai nhà tôi năm nay cũng đã qua tuổi 40 rồi. Tụi nó làm bạn với con nước cũng hơn 20 năm. Cái nghèo cứ đeo bám không chịu buông tha cái xóm ngụ cư này. Những lúc mưa to sóng nổi, có lúc đã bước sang ngày mới mà tụi nó chưa về, tôi chạy nhờ hàng xóm chèo đi tìm giúp”.
Chỉ tay về “mái ấm” cũ nát của mình, cụ Liên lo lắng: “Chiếc thuyền, nơi sinh hoạt của 5 mẹ con giờ đã hư hỏng nặng. Lớp gỗ dưới đáy thuyền bị mục nên ngày nào cũng phải tát nước, một đêm phải dậy tát nước 2 đến 3 lần. Mùa nắng mình còn đủ sức tát nước, chứ không biết đến mùa mưa năm sau “ngôi nhà” có chống chọi nổi dòng nước không nữa”.
Tuy cuộc sống ở xóm chài khó khăn, nhưng họ vẫn sống chan hòa và chia sẻ với nhau từng ly nước. Đã bao năm qua những hộ dân sống trên bờ đã cho họ câu điện và nước sạch để sinh hoạt. Em Nguyễn Thị Bích Ngọc con gái út của ông Chúc cho biết: “Phụ nữ sống trên sông chuyện bất tiện nhất là đi vệ sinh. Những người phụ nữ ở đây rất biết ơn các cô, chú ở trên bờ giúp đỡ”.
Ngồi trú mưa trong khoang ghe chật chội, anh Quí, một người đến đây câu cá giải trí chỉ tay về phía bé Tuấn Anh, sinh năm 2006 là cháu ngoại của ông Chúc nói: “Công việc chài lưới trên sông là làm theo con nước lên xuống. Nên việc học hành của những đứa trẻ ở đây dường như đều đi vào ngõ cụt. Tôi đang tìm nguồn tiền tài trợ để thằng bé được đi học. Mới đây tôi nghe chị Hinh nói là có một trung tâm trên địa bàn nhận giúp đỡ cho bé Tuấn Anh, nhưng họ yêu cầu mình phải viết giấy cam kết cho thằng bé luôn thì họ mới đồng ý. Thấy ông bà ngoại và cha mẹ của nó khổ quá, tôi cố gắng trong khả năng của mình để giúp đỡ cho thằng bé được đi học như bao đứa trẻ cùng trang lứa”.
Điều mà các ngư dân ở đây lo lắng là cây cầu Bình Lợi 2 sắp được khánh thành. Vì vậy, cái xóm chài nghèo này phải tìm chỗ ngụ cư mới. Ông Chúc trầm ngâm một hồi rồi nói: “Hầu hết khu vực sông Sài Gòn trên địa bàn không còn chỗ nào cho cái xóm chài này ngụ cư nữa. Thật sự mình sống ở đây riết quen rồi, giờ mà di cư đi nơi khác chắc chắn sẽ khó khăn gấp bội. Vợ tôi đang mang trong mình căn bệnh tiểu đường. Nếu đi chỗ khác, không biết bà con xung quanh có cho điện, nước sạch, chuyện “vệ sinh”… nữa không. Nếu có được phép màu thì tôi sẽ ước cả cái xóm chài này được ăn ngon mặc đẹp. Chúng tôi được sống trong một căn nhà nhỏ ở đất liền, hằng ngày đưa rước con cháu đi học”. Còn cụ Liên cũng nói lên khao khát của mình: “Mái ấm của 5 mẹ con đã hư hỏng nặng quá rồi, ngày nào cũng phải tát nước. Ước gì trong một đêm chiếc ghe cũ rách mới trở lại”.
Trời đã tối, ánh đèn lộng lẫy của thành phố đã bao trùm cả xóm chài. Chia tay họ. chúng tôi gửi vợ chồng ông Chúc một ít tiền xăng chi phí và mua hết số cá của những ngư dân đánh được trong ngày.
Nguyễn Đình Du
- Nhỏ và xinh mới là Hội An
- Vụ Tiên Lãng: Phán quyết “có hậu” và bài học lớn
- Để không còn những vụ Tiên Lãng khác
- Giữ lại cầu Nguyễn Văn Trỗi (Đà Nẵng)
- Đà Nẵng - Thành phố của những cây cầu đáng nhớ
- Tết quê trong hồn người phố thị
- Ăn ở nơi nhà mình
- Dân đô thị với nếp sống tiểu nông
- Thành phố đáng sống
- Một góc quý của kiến trúc Sài Gòn