Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Chống ùn tắc giao thông Hà Nội: Thuế, phí "đè bẹp" ô tô

Chống ùn tắc giao thông Hà Nội: Thuế, phí "đè bẹp" ô tô

Viết email In

Ngoài phí vào nội đô giờ cao điểm TP Hà Nội đang xây dựng, nếu được Chính phủ thông qua, sắp tới xe cá nhân sẽ phải đóng thêm phí bảo trì đường bộ và phí lưu hành nội đô.

Ô tô "cõng" 11 loại thuế, phí

8 loại phí, thuế ô tô bao gồm: Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, phí trước bạ, phí đăng kiểm, phí đăng ký biển số, phí bảo hiểm vật chất, phí bảo hiểm dân sự, phí xăng dầu.

3 loại phí ô tô sẽ phải đóng thêm gồm: Phí bảo trì đường bộ (dự kiến thu từ 1-7 tới): Ô tô con đến 9 chỗ 1,9 triệu đồng/năm; xe máy 80.000 - 100.000 đồng/năm. Phí lưu hành nội đô: Ô tô 20 đến 50 triệu đồng/năm; Xe máy 500 đến 1.000.000 đồng/năm. Phí vào nội đô giờ cao điểm: 30.000 đồng/lượt ô tô đến 7 chỗ ngồi; 50.000 đồng/lượt ô tô còn lại.

Theo Sở GTVT Hà Nội, Thủ đô có hơn 370.000 ô tô (chưa kể khoảng 50.000 phương tiện vãng lai), mỗi tháng có thêm gần 5.000 ô tô đăng ký mới.

Cùng phí vào nội đô giờ cao điểm đang được TP Hà Nội xây dựng, Bộ GTVT cũng vừa trình Chính phủ hai phương án thu phí phương tiện cá nhân là phí lưu hành và bảo trì đường bộ. Riêng phí bảo trì đường bộ, Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT cho biết, theo kế hoạch bắt đầu từ tháng 7 tới, sẽ áp dụng rộng rãi trên cả nước.

Đây là loại phí thu theo đầu phương tiện cho cả ô tô, xe máy nhằm tạo quỹ duy tu, sửa chữa đường bộ. Mức phí Tổng cục Đường bộ đưa ra đối với ô tô từ 9 chỗ trở xuống là 1,9 triệu đồng/năm, xe máy từ 80.000 - 100.000 đồng/năm.

Do đây là loại phí đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ nên Chính phủ chỉ ra Nghị định là Bộ GTVT triển khai”, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng Cục trưởng - Tổng Cục đường bộ cho biết.

Theo nhiều chuyên gia, cùng với phí vào nội đô giờ cao điểm của TP Hà Nội, nếu Chính phủ thông qua phí lưu hành nội đô và phí bảo trì đường bộ, sắp tới ô tô sẽ phải đóng 11 loại phí.

Nhiều người dân Hà Nội khi hay tin có nhiều loại phí giao thông chuẩn bị thu 20 đến 50 triệu đồng/năm, đã tính đến việc bán xe, nhất là công chức, viên chức, giảng viên.

Theo anh Nguyễn Bá Thành (tập thể Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân), với lương giáo viên cộng tiền dạy thêm, hai vợ chồng được hơn 10 triệu đồng, tích cóp mãi gia đình anh mua được chiếc ô tô Hyundai Getz để đi lại cho đỡ mưa nắng, nhưng trước tình trạng nhiều khoản phí ra đời và giá dịch vụ không ngừng tăng, vợ chồng anh Thành băn khoăn: “Từ hôm phí trông giữ xe tăng thêm 50%, ngoài vé 30.000 đồng/lượt gửi ban ngày, hiện mỗi tháng vợ chồng tôi còn phải trả cho bãi trông xe đêm 1,2 triệu đồng, nếu thời gian tới phải nộp thêm các khoản phí giao thông, chúng tôi chắc chắn phải bán xe”.

Khó giảm ùn tắc

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong lúc hạ tầng giao thông, đặc biệt là ùn tắc cần có nhiều giải pháp để cải thiện, hóa giải. Tuy nhiên các biện pháp mà Bộ GTVT cũng như Hà Nội vừa đưa ra chỉ nhằm đánh mạnh vào túi tiền người dân, chứ không thấy đẩy mạnh phát triển hạ tầng. Phương án thu nhiều loại phí trên đầu phương tiện chỉ có thể nghĩ đến khi đường sá, cơ sở hạ tầng và cả dân cư được đầu tư, quy hoạch đúng mức.

Dân cư nội thành mỗi năm một đông hơn. Chưa nói đến việc di dời các trường học, bệnh viện ra ngoại thành. Chỉ riêng nhiều tuyến đường, dự án có vai trò điều tiết và giảm phương tiện đi vào nội đô cả Bộ GTVT và Hà Nội triển khai hơn chục năm nay chưa có dự án nào hoàn thành đúng nghĩa”, ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội dẫn chứng.

Theo ông Nghiêm, để giải bài toán ùn tắc hiệu quả nhất, vấn đề đầu tiên phải làm là hoàn thiện quy hoạch và các dự án gỡ “nút thắt” cho giao thông Thủ đô như vành đai, đường sắt trên cao... rồi mới tính đến thu phí phương tiện cá nhân.

Cùng quan điểm, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, với mức phí lưu hành nội đô từ 20 đến 50 triệu đồng/năm cho ô tô, 500.000 đến 1.000.000 đồng/năm cho xe máy; rồi ô tô còn phải đóng 30.000 đến 50.000 phí lượt vào nội đô giờ cao điểm là rất vô lý. Không chỉ gây khó khăn, ảnh hưởng đi lại, sản xuất của người dân mà đây còn là một chủ trương không được quy định trong các văn bản, pháp lệnh của nhà nước.

Nhìn ở góc độ quản lý, ông Liên cho rằng, thay vì thu phí tất cả phương tiện, trên một số tuyến phố, khu vực thường xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm cơ quan chức năng nên cấm ô tô, như đã cấm taxi dịp Tết vừa qua. “Trong giờ cao điểm, nếu cơ quan, đơn vị nào có nhu cầu đi vào các tuyến phố, khu vực cấm thì xin phép hoặc mua vé lưu thông riêng như các nước đang áp dụng. Như vậy vừa hiệu quả lại vừa công bằng”, ông Liên nói.

Trọng Đảng - Ảnh: Hồng Vĩnh

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo