Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Không thể lấy ý chí tiến công thay cho khoa học

Không thể lấy ý chí tiến công thay cho khoa học

Viết email In

Thực nghiệm xã hội là một công đoạn cực kỳ quan trọng đối với các dự án, chương trình và kế hoạch lớn. Không một dự án nào, cho dù được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất, với các chuyên gia giỏi nhất, có thể một lần hoàn hảo và đảm bảo không có rủi ro.

Nhà xã hội học nổi tiếng người Mỹ – Macionis – có nói nếu khi một chính khách cho rằng chính sách mà anh ta sắp ban hành là hoàn toàn đúng, thì đó hoặc là một người thông minh tuyệt đỉnh hoặc là một kẻ ngớ ngẩn. Chính vì thế, với những dự án, kế hoạch tốn tiền, mất thời gian, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan ra chính sách và đặc biệt liên quan đến số phận của nhiều người thì công đoạn thực nghiệm là bắt buộc.

Thực nghiệm xã hội là việc thử nghiệm một chính sách, một kế hoạch ở một mẫu có quy mô nhỏ nhưng có tính đại diện nhằm kiểm định lại chính sách đó lần cuối cùng trước khi mang ra áp dụng đại trà ngoài xã hội. Với các phương pháp nghiên cứu và kỹ thuật đo lường người ta trả lời các câu hỏi đại loại như chính sách đó có thể thực hiện được không; nếu thực hiện được thì cần phải có những điều chỉnh gì cho khả thi; những gì phải loại bỏ bớt; những điều kiện gì về tổ chức, vật chất, pháp lý phải bổ sung để có thể tiến hành đại trà v.v. Thực nghiệm này có ý nghĩa khách quan với tất cả các lĩnh vực khác nhau. Cho dù nhân loại rất sốt ruột (còn hơn cả với giao thông) nhưng các nhà khoa học vẫn phải thực nghiệm rất nhiều lần trên một nhóm tình nguyện để kiểm định các loại thuốc điều trị HIV/AIDS.

Với tinh thần trách nhiệm của một công dân, tôi nói thực rằng ở đất nước chúng ta có quá nhiều chính sách quốc gia và tỉnh thành thất bại vì bỏ qua thực nghiệm xã hội tiến thẳng đến nhân dân, làm tổn hại không biết bao nhiêu tiền của quốc gia, tinh thần của nhân dân, làm rối loạn xã hội và hơn thế nữa còn làm mất đi thời gian của nhiều thế hệ (cái không làm lại được). Những dự án, chính sách kiểu như thế không ít, chẳng hạn như hợp tác xã nông nghiệp bậc cao, cải tiến bảng chữ cái, viết lại sách giáo khoa, đại học đại cương, nuôi tôm trên cát, làm đê bao ngăn mặn, sổ hồng sổ đỏ…

Nên nhớ, ở các nước châu Âu, Bắc Mỹ và một vài nước phát triển ở châu Á, cho dù là ai đi nữa – kể cả tổng thống – nhưng một khi ra một chính sách, một kế hoạch thất bại gây tổn hại kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng thì phải chịu trách nhiệm và bị trừng phạt (hay tự trừng phạt) với phần mà anh đã gây thiệt hại cho dân chúng.

Trở lại với những giải pháp gần đây ở nước ta trong lĩnh vực giao thông, giá như Hà Nội cho thử nghiệm việc bố trí lệch giờ học, giờ làm ở một hai trường phổ thông, vài ba cơ quan nhà nước rồi sau đó rút kinh nghiệm thì đâu đến nỗi phải khiến cho số đông dân Hà Nội gần như “phát điên lên vì rối loạn nhịp sống” trong khoảng thời gian hai tuần (từ 1 – 13/2/2012), trước khi chính quyền và cơ quan chức năng nhận ra sai sót của mình để điều chỉnh lại một bước (giờ tan học lúc 18 giờ, thay vì 19 giờ như lúc đầu).

Trong số những người chịu tác động bởi kiểu “thử nghiệm đại trà” này, đa số là trẻ em!

Việc ban hành một chính sách với người có quyền rất dễ (ít nhất là ở nước ta), nhưng có một nguyên tắc trong số nhiều nguyên tắc không được phép quên là nếu anh (cơ quan công quyền) đòi hỏi người dân thực hiện một điều luật nào đó, nhưng người dân không thể thực hiện được vì anh không có các điều kiện đảm bảo cho người dân thực thi thì lỗi trước hết thuộc về anh. Ngoài ra, người lãnh đạo cơ quan công quyền trong trường hợp này còn bị coi là vi phạm đạo đức của người quản lý vì đã ra lệnh mà không quan tâm đến hậu quả.

Anh không thể phạt tôi vì lý do bỏ rác không đúng nơi quy định, trong khi không có bất cứ một sọt rác nào.


Ở nước ta hiện nay, sự gia tăng dân số cơ học có nguyên nhân chủ yếu là trào lưu di cư tự phát từ nông thôn ra thành thị (Ảnh minh hoạ: Từ An)

Việc thu hồi giấy phép giữ xe trên 262 tuyến đường nhằm làm cho đường thông hè thoáng, người dân không còn để xe trên vỉa hè để đảm bảo mỹ quan đô thị, trả lại vỉa hè cho người đi bộ là chủ trương rất đáng hoan nghênh của Hà Nội, ít nhất là về mục đích của hành động. Song, trước khi ban hành quy định buộc người dân phải thực hiện, cơ quan công quyền ở Hà Nội phải cung cấp cho người dân các điểm giữ xe hợp lý, đáp ứng được nhu cầu gửi xe của người dân.

Một quyết định đưa ra đã biết là chưa phù hợp, khó hiện thực hoá thì việc ban hành vội vã chỉ làm khó cho dân, làm khó cho người thực thi công vụ trực tiếp (cũng là người dân) và chắc chắn đến một lúc nào đó sẽ buộc phải thu hồi quy định hay để cho tự nhiên biến mất (nhiều chính sách của ta đã rơi vào trường hợp như thế). Chính điều này càng làm cho uy tín của cơ quan công quyền bị giảm sút, lòng tin của người dân xao động, nhiều người bị thiệt hại do liên đới với chính sách đó.

Tôi có gọi điện cho mấy anh bạn là nhà nghiên cứu có tiếng ở viện Xã hội học Hà Nội để hỏi xem các anh có được hỏi ý kiến hay tham gia vào việc ra các quyết định nóng liên quan đến trật tự giao thông thời gian qua ở thủ đô không. Câu trả lời là không! Những chính sách trọng yếu như thế mà các nhà xã hội học đứng ngoài rìa thì thật là lạ!

Việc ra một chính sách liên quan đến quốc kế dân sinh phải hết sức thận trọng và nghiên cứu nghiêm túc, không thể lấy “ý chí tiến công duy ý chí thay cho khoa học”. Tôi vẫn biết những người ra chính sách như thế rất có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, nhưng nếu chỉ với tinh thần ấy thôi thì chưa đủ.

TS Nguyễn Minh Hoà

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo