Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Góc nhìn Quản lý phát triển đô thị: Nghiêm khắc nhưng không nên cứng nhắc

Quản lý phát triển đô thị: Nghiêm khắc nhưng không nên cứng nhắc

Viết email In

Tuần qua, tại TPHCM xảy ra hai sự kiện nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Đó là việc một số doanh nghiệp kinh doanh cao ốc văn phòng tại khu trung tâm TP xin được chuyển đổi chức năng sang nhà ở và vụ xây dựng sai phép ở đảo Kim Cương. 

1 - Đối với sự kiện thứ nhất, người viết không có ý định bàn thêm mà chỉ xin đưa ra một vài thông tin để bạn đọc nhận xét. Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, việc chuyển đổi chức năng công trình từ văn phòng sang căn hộ không ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông. Một gia đình từ 4-5 người sống trong một căn hộ diện tích khoảng 80m² chắc chắn sẽ không có nhu cầu đi lại nhiều như khi sử dụng căn hộ ấy làm văn phòng có thể đáp ứng cho 20-30 người đến làm việc.

Định mức nước và nhu cầu sử dụng nước cho cư dân sinh sống tại căn hộ cao hơn gần 10 lần so với nhu cầu sử dụng nước của một người chỉ đến để làm việc. Thế nhưng, số người đến làm việc lại nhiều hơn. Đó là chưa kể sẽ có một số lượng không nhỏ khách đến đơn vị này liên hệ công tác. Ảnh hưởng nếu có, chính là ảnh hưởng đến hạ tầng xã hội của khu vực trung tâm: trường học, bệnh viện…

Khi xem xét cho chuyển đổi công năng, TPHCM cần cân nhắc yếu tố này, thế nhưng cũng phải xét đến một thực tế: giá căn hộ tại khu trung tâm chắc chắn không rẻ. Do vậy, gần như chỉ có người thu nhập khá trở lên mới mua. Với những gia đình như vậy, khả năng phải sống chen chúc đông người trong một căn hộ không cao. Vì thế, không nên lo lắng quá mức về sự gia tăng dân số ở khu trung tâm.

Tất nhiên, để xem xét cho cao ốc nào được chuyển đổi công năng, ngành chức năng phải cân nhắc kỹ, công bằng, công tâm nhưng cũng đừng nghĩ đang làm lợi cho riêng doanh nghiệp nào. Mỗi một cá nhân, một doanh nghiệp trong xã hội đều có quyền được nhà nước trợ giúp khi gặp khó khăn. Vấn đề là sự trợ giúp ấy trong sáng, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cả cộng đồng. Điều quan trọng nữa, từng con người, từng doanh nghiệp phát triển, hợp lại mới có cả xã hội phát triển. 


2 - Sự kiện thứ hai:
Xây cao ốc sai phép ở đảo Kim Cương. Hiện đã có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này và các ý kiến khá khác nhau. Trong khi cơ quan chức năng cho rằng, không những xây dựng vượt số tầng cao được phép, chủ đầu tư cao ốc ở đảo Kim Cương còn xây vượt mức số diện tích sàn xây dựng đã được phê duyệt. Nhưng chủ đầu tư lại khẳng định: Việc xây dựng lố số tầng là có nhưng không làm tăng chiều cao công trình, không làm tăng diện tích sàn xây dựng, không làm tăng số căn hộ thương mại… 


Dự án Đảo Kim Cương (ảnh minh họa) 

Thực hư như thế nào, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét và xử lý. Người viết bài không tham gia và chỉ xin được cung cấp thêm thông tin. Dưới góc độ kiến trúc sư, nhiều người cho rằng, trong quản lý xây dựng không nên đi quá sâu vào chi tiết công trình. Ngành chức năng chỉ nên quản lý các chỉ tiêu kiến trúc cơ bản như chiều cao, tổng diện tích sàn xây dựng, đảm bảo chủ đầu tư không xây dựng thêm căn hộ để đưa thêm người vào sinh sống, ảnh hưởng đến việc cân đối quy hoạch chung của cả khu vực… 

Người dân ở TPHCM đã từng có thời khốn khổ khi xây nhà mà thay đổi nội thất bên trong so với thiết kế được duyệt. Nhiều người đã bị ngành chức năng xử lý đến hàng năm trời. Người dân phản đối và ngành chức năng đã phải thay đổi quan điểm: chỉ quản lý xây dựng theo các chỉ tiêu kiến trúc cơ bản, diện mạo công trình… còn phần nội thất để các chủ nhà tự chọn, tự thay đổi theo sở thích. 

Nguyễn Khoa 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo