Chủ trương giải tỏa các điểm trông giữ xe tại 262 tuyến phố của Hà Nội nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người dân đồng tình ủng hộ, trong khi không ít ý kiến kêu ca, phản đối. Cũng dễ hiểu, một chính sách dù chuẩn bị thế nào khi ban ra khó tránh khỏi đụng chạm đến quyền lợi của bộ phận này, bộ phận kia. Trong cuộc họp với Hà Nội ngày 20/2 vừa qua, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã thẳng thắn: "Cấm trông giữ xe tại 262 tuyến phố, chỉ một bộ phận nhỏ bị ảnh hưởng, nhưng cả thủ đô được hưởng lợi vì vỉa hè, lòng đường thông thoáng, giao thông đi lại thuận lợi".
Khi đường phố bị chiếm dụng, ách tắc xảy ra, người dân kêu ca. Nhưng khi giải tỏa các điểm đỗ xe chiếm dụng lòng đường hè phố, cũng không ít ý kiến bức xúc. Ai cũng biết đây là việc chẳng đặng đừng, xuất phát từ sự thấp kém về cơ sở hạ tầng của Hà Nội. Việc hy sinh quyền lợi của bộ phần này, bộ phận kia vì lợi ích chung vốn là điều không lạ, miễn là “sự hy sinh” ấy không vi hiến, không vi phạm quyền công dân. Nhưng rõ ràng, việc này bộc lộ hạn chế của một đô thị lớn như Hà Nội, không chỉ hạn chế về hạ tầng, mà còn hạn chế về cơ chế điều hành. Hà Nội là đô thị lớn và hướng đến một siêu đô thị trong tương lai, hơn nữa lại là thủ đô, bộ mặt của cả nước, nhưng rõ rằng “tính làng” trong phát triển đô thị ở thủ đô dường như đang tỏ ra “còn mãi với thời gian”, nhất là trong giao thông.
Đã có nhiều người, phải thốt lên, đến thế kỷ 21 rồi mà Hà Nội vẫn chỉ như một cái làng lớn, từ cơ sở vật chất lẫn cơ chế quản lý dù bên ngoài “được tráng một lớp màu đô thị” (lời nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Thái). Sự nhếch nhác, chắp vá, lộ cộ, thiếu đồng bộ thể hiện lồ lộ qua từng con đường, góc phố, qua những biểu hiện kém văn minh của một bộ phận không nhỏ dân cư. Xe cộ dừng đậu tràn lan, người đi lại lộn xộn, tranh lấn, bất chấp luật lệ giao thông.
Cái ý thức coi đường phố như đường làng đã ăn quá sâu thành thói quen của nhiều người. Nó không chỉ gây ách tắc, mà lớn hơn khi mỗi năm nó cướp đi hơn 10.000 sinh mạng con Rồng cháu Tiên vì tai nạn giao thông, cùng với hơn 10.000 người khác bị thương sống dở chết dở. Có nghĩa là mỗi năm có hàng chục nghìn gia đình tang tóc, góa phụ và trẻ mồ côi.
Vì vậy, chúng ta không thể đi lại trên đường phố một cách vô tổ chức, vô luật lệ như đường làng. Nay, Hà Nội đi tiên phong trong việc “gác” quyền lợi bộ phận nhỏ vì quyền lợi chung, nhưng sâu xa hơn cần thấy rằng, Hà Nội có những đặc thù và yêu cầu của một thủ đô lớn, thì phải có cơ sở pháp lý tương thích để giải quyết các mối xung đột lợi ích đang hằng ngày đặt ra cho chính quyền Hà Nội. Nhiệm vụ của bộ máy hành chính là giải quyết các mối xung đột lợi ích chứ không phải hi sinh một trong những lợi ích của xung đột ấy. Sự khang trang, thống nhất về bộ mặt đô thị, ý thức chấp hành pháp luật cũng như các quy định chung của một đô thị chắc chắn phải được xây dựng trên cơ sở pháp lý. Một đô thị thủ đô có diện tích hơn 3.000 km2, với dân số cả thường trú lẫn tạm trú có thể lên đến 10 triệu người, đã đến lúc Hà Nội phải tiến đến một mô hình chính quyền đô thị. Hà Nội không thể mãi là một cái làng lớn.
Nguyễn Gia
- “Đêm sáng” và câu chuyện mưu sinh của người di cư về Hà Nội
- Quản lý phát triển đô thị: Nghiêm khắc nhưng không nên cứng nhắc
- Nhà ở xã hội: Chuyện không của riêng ai
- Chung cư Hà Nội: Phí tăng cao, dịch vụ không đổi
- Nơi ở hôm qua, nơi ở hôm nay
- Chắc gì đất thuộc sở hữu được sử dụng tốt hơn đất đi thuê!
- Không thể lấy ý chí tiến công thay cho khoa học
- Chống ùn tắc giao thông Hà Nội: Thuế, phí "đè bẹp" ô tô
- Nhỏ và xinh mới là Hội An
- Vụ Tiên Lãng: Phán quyết “có hậu” và bài học lớn