Người Việt mình phải chăng vẫn có một nếp ở theo phong cách riêng, thể hiện qua những không gian sống, kiểu cách bài trí nhà cửa không nhầm lẫn vào đâu được, một lối ở rất Việt? Bước vào thời đại mới, tuy ta đã du nhập được nhiều kỹ thuật và tiện nghi của phương Tây trong nhà ở, nhưng vẫn mong muốn tìm về một cái gì riêng tư, phù hợp với lối sống Việt trong chốn trú ngụ.
Nói cho cùng, lối ăn ở đều do yếu tố sinh hoạt và cảm thụ dân tộc quy định. Quan sát ngôi nhà người Việt tại thành phố lớn hoặc đã ra nước ngoài lâu năm, tôi vẫn nhìn thấy nhà cửa của họ còn duy trì một phong cách riêng, không nhầm lẫn với nhà cửa của người châu Á khác. Ví như thói quen tạo một góc bàn thờ tổ tiên, ăn ở xúm xít nhau, gia đình quây quần nhiều thế hệ, ăn cơm với chén đũa, nấu nướng tại nhà, quan hệ mật thiết với bà con, bạn bè, kể cả quan hệ xóm giềng thân mật theo truyền thống phương Đông… Ngày xuân, mời bạn đi xem lại các ngôi nhà vườn cũ và nhà cửa mới của người mình.
Nhà cửa hiện đại phương Tây tuy đã cung ứng được rất nhiều tiện nghi phục vụ cuộc sống mới, nhưng chưa thành công trong việc tạo dựng được một “mái ấm gia đình” và không khí “giao tiếp cộng đồng”.
Những ngôi nhà vườn một thời…
Nhà vườn là một tổng thể được sắp xếp dựa trên các yếu tố tâm - sinh lý, điều kiện địa hình và cả trình độ thẩm mỹ. Bố cục không gian nhà vườn hầu như đều tuân thủ một trật tự, lớp lang truyền từ đời này sang đời khác. Thoạt nhìn, tưởng như bất biến nhưng cũng khá uyển chuyển cho phù hợp với điều kiện vật chất và địa hình từng nơi.
Vào những năm trước 1975, ở Sài Gòn, lớp kiến trúc trẻ chúng tôi có nhiều dịp gặp gỡ và nhìn thấy bản vẽ một số ngôi nhà do các KTS như Nguyễn Gia Đức, Võ Đức Diên, Nguyễn Bá Lăng... Họ thuộc thế hệ KTS Đông Dương thứ nhất từng thiết kế nhà cửa cho lớp thị dân Hà Nội bắt đầu sinh sống theo lối mới phương Tây. Tuy nhiên nếp nhà, cách sắp đặt vẫn bàng bạc nét nhà Việt truyền thống.
Ví như một biệt thự vườn ở phố Hàng Đẫy do KTS Nguyễn Gia Đức thiết kế vào năm 1943. Ta còn nhìn thấy sau tường hoa và cổng vào, một dãy cau thẳng tắp, mở ra một khoảnh sân rộng lát gạch Bát Tràng. Nhà chính mở ra khu vườn với hồ sen, thảm cỏ, đường đi có mái che thoáng mát. Vườn trước trồng cây quỳnh, ngô đồng, vườn sau trồng cây ăn trái, long não, hoàng lan. Mặt bằng đã bố cục kiểu phương Tây, với sảnh lớn, phòng khách rộng, nhưng không quên gác thờ tổ tiên.
Sinh sống ở cố đô Huế một thời gian dài, tôi đã biết thế nào là nhà vườn Huế. Phải nói đây là nơi qui tụ các khu nhà vườn hoàn mỹ, thể hiện tính nhân văn và thẩm mỹ cao của chốn đế đô, với các khu vườn cùng những ngôi nhà rường đẹp. Ngôi nhà xuất hiện trước tiên trên đất Thuận Hóa, lan dần ra cả vùng Ngũ Quảng, vào tận đất Đồng Nai.
Bước từ ngoài đường vào, qua chiếc cổng xây với 2 cánh cửa gỗ thượng song hạ bản, mở một lối đi rộng có 2 bờ chè tàu cắt xén cẩn thận. Cuối đường che chắn ngang là một tường bình phong thấp ngăn tầm nhìn thẳng vào ngôi nhà.
Vườn là một tổ hợp cây cảnh mai, lan, cúc, trúc, một vài khóm tùng, mấy gốc hồng, gốc bưởi... gợi nên sự phong lưu, thanh thản của chủ nhân. Sân trước rộng rãi có hồ nước thả sen tạo thoáng mát quanh năm.
Nằm ở vị trí trung tâm một khuôn viên quy hoạch tỉ mỉ như thế, là ngôi nhà rường 3 gian (hoặc 5 gian) 2 chái bằng gỗ mít, gỗ kiền bóng loáng, chạm trổ tinh vi càng thể hiện sự khoáng đạt và tinh tế của tâm hồn xứ Huế thuở xưa. Đồ gỗ bài trí trong nhà như sập gụ, tủ chè, tràng kỷ, cùng với hoành phi, câu đối càng tôn tạo nên nội thất ngôi nhà rường. Tất cả như toát lên cái trí tuệ, óc thẩm mỹ về nghệ thuật kiến trúc lẫn trang trí của nhiều thế hệ người Huế.
Vẫn còn đó nét truyền thống trong ngôi nhà hiện đại
Ngôi nhà ở phố thị bước vào thời đại mới đã khác do kỹ thuật, vật liệu, lối sống không còn như xưa. Nhưng tôi vẫn nhìn thấy, dẫu ở thành phố trong nước hay nhà cửa đồng bào mình ở nước ngoài, các nét gợi nhớ nếp sống và lối ăn ở của người Việt mình vẫn còn đó.
Nhà cửa hiện đại phương Tây tuy đã cung ứng được rất nhiều tiện nghi phục vụ cuộc sống mới, nhưng chưa thành công trong việc tạo dựng được một “mái ấm gia đình” và không khí “giao tiếp cộng đồng”. Trong ngôi nhà bố cục tiêu chuẩn hóa chặt chẽ kiểu hiệnđại phương Tây, người mình vẫn tranh thủ xếp đặt cho được những không gian riêng. Đó là những không gian ăn ở theo lối Việt, nào góc thờ, nơi tiếp khách, phòng karaoke, chái bếp, vườn rau. Nơi thờ tự nay chỉ còn là một “góc thờ”, nhỏ gọn và không rườm rà. Điều cốt yếu là tạo một góc tâm linh, tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Nếu phòng tiếp khách phương Tây đơn giản và nhỏ, người mình thường nới rộng ra, hoặc kết hợp với phòng sinh hoạt gia đình rất thoáng rộng, bày biện trang trọng xem như bộ mặt của gia đình.
Ở phố thị chật hẹp nhưng vẫn tìm cách bố trí một hàng ba veranda, khoảng không gian gợi nhớ ngôi nhà truyền thống Việt, tạo không gian mở, hòa vào thiên nhiên. Người mình ưa thích cây cảnh, nhưng không cầu kỳ như người Nhật, mà thực dụng, vẫn tạo được khoảng xanh mà có ích. Ở nhà căn hộ chung cư chật hẹp thì bố trí vài chậu hoặc hộc đất trồng cành hoa, rau mùi, ớt hành. Nhà nào có bãi hoa thảm cỏ quanh nhà thì xén bớt trồng xen rau thơm, bụi sả, cụm hành, mảng rau muống gieo hạt, chậu ớt, dàn bí bầu, bụi trúc...
Nhìn lại kiến trúc ngôi nhà Việt xưa và nay, tôi mới thật sự hiểu hết ý nghĩa câu nhận xét khá tinh tế của một người bạn Pháp và là nhà nghiên cứu kiến trúc François Tainturier khi nói về nền kiến trúc nhà cửa mới ở nước ta:
"Trên thực tế, không phải phần vật chất của công trình tạo nên đặc thù và tính bền vững của nền kiến trúc Việt Nam, mà đó là một trật tự mang tính biểu tượng bao gồm những nghi thức và cung cách hành xử. Cư trú tại một nơi chốn, sinh sống trong một không gian luôn đòi hỏi ta phải tôn trọng cái trật tự này, thể hiện qua khoa địa lý phong thủy và việc thờ cúng tổ tiên. Có thể nói rằng các nhà kiến trúc Việt trong giai đoạn độc lập đã không đi ngược lại trật tự này, tuy họ đã thoát ra khỏi các ràng buộc về mặt kỹ thuật lẫn hình thức kiến trúc liên quan”.
KTS Nguyễn Hữu Thái
- Cảnh đời ở các khu "ổ chuột" châu Á
- “Đêm sáng” và câu chuyện mưu sinh của người di cư về Hà Nội
- Quản lý phát triển đô thị: Nghiêm khắc nhưng không nên cứng nhắc
- Nhà ở xã hội: Chuyện không của riêng ai
- Chung cư Hà Nội: Phí tăng cao, dịch vụ không đổi
- Đường phố, giao thông làng
- Chắc gì đất thuộc sở hữu được sử dụng tốt hơn đất đi thuê!
- Không thể lấy ý chí tiến công thay cho khoa học
- Chống ùn tắc giao thông Hà Nội: Thuế, phí "đè bẹp" ô tô
- Nhỏ và xinh mới là Hội An