Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Đà Nẵng - Thành phố của những cây cầu đáng nhớ

Đà Nẵng - Thành phố của những cây cầu đáng nhớ

Viết email In

Nhắc đến Đà Nẵng, người ta hay liên tưởng đến việc được nô đùa cùng những con sóng trong xanh ở bãi biển Mỹ Khê tuyệt đẹp, được chiêm ngưỡng thắng cảnh có một không hai ở bán đảo Sơn Trà hay núi Ngũ Hành Sơn, được đắm mình trong không khí mát lạnh giữa trưa hè oi bức của đỉnh núi Bà Nà… Tuy nhiên, bất cứ ai đã từng đặt chân đến Đà Nẵng đều không khỏi tò mò và háo hức khi đến với những cây cầu bắc qua sông Hàn, đây không chỉ là cầu nối những bờ vui, mà còn là những công trình nghệ thuật đặc sắc, một nét đặc trưng của mảnh đất miền Trung anh hùng. 


Cầu Sông Hàn

Nếu người ta hay ví Đà Nẵng như một nàng tiên tỉnh dậy trong buổi sớm ban mai xinh đẹp và quyền rũ thì dòng sông Hàn vắt qua giữa lòng thành phố như dải lụa quấn quanh bờ vai người đẹp. Ở dải lụa đó có những cây cầu được ví như những đường xuyến tô điểm cho người con gái thêm đậm đà xuân sắc. Mỗi cây cầu có một vẻ, nhưng tựu chung tất cả đều là những công trình nghệ thuật mang dấu ấn thời gian, một điểm đến không thể thiếu nếu đặt chân đến Đà Nẵng.

Nối những bờ vui

Ngược trở lại thời gian sau năm 1975, khi mà đất nước mới được thống nhất, Đà Nẵng chia thành hai khu rõ rệt. Phía Đông sông Hàn, nơi người ta hay nhắc đến với hai từ nghe không mấy thiện cảm đó là “quận ba”, nơi đây đa phần là những dãy nhà chồ ọp ẹp, những khu lao động nghèo khó quanh năm sống bằng lao động chân tay và nghề chài lưới. Ở đó một thời dài, không mấy người dám đặt chân đến vì môi trường ô nhiễm trầm trọng, cuộc sống tạm bợ nghèo khó, là điểm nhức nhối của thành phố với vô số tệ nạn phát sinh.

Đối lập với đó là bờ Tây sông Hàn là một thế giới khác hẳn với cuộc sống đô thị hối hả, sôi động cùng các dãy phố buôn bán, tấp nập, sầm uất. Ở đó con người như sang trọng hơn, giàu có hơn và đẳng cấp hơn. Mặc dù quận ba nằm đó ngay cạnh thành phố, nhưng tưởng chừng như nó xa lắc xa lơ tận đâu, và để so sánh cuộc sống và con người giữa 2 bờ Đông và Tây sông Hàn người ta thường ví von một cách đầy chua xót: “Con gái quận ba không bằng bà già quận nhất”.

Năm 1997, với ý chí quyết tâm thay đổi đời sống kinh tế, xóa đi sự cách biệt giữa hai bờ sông Hàn, chính quyền Đà Nẵng đã quyết định đầu tư xây dựng cầu Sông Hàn bằng tiền đóng góp của DN và người dân. Sau gần 3 năm thi công, cầu quay Sông Hàn chính thức đi vào hoạt động đã kéo đôi bờ xích lại gần nhau, làm cho khu vực Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, nhất là vùng ven biển nhanh chóng trở thành khu vực thu hút đầu tư và du lịch hấp dẫn. Nhờ có cây cầu quay ra đời mà bộ mặt của dải đất bờ Đông sông Hàn đã thay đổi rõ rệt, cuộc sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng được cải thiện. Sự đổi thay kỳ diệu này đã thức tỉnh cả một vùng phố Đông, biến nơi đây thành bãi biển Mỹ Khê tuyệt đẹp, những khách sạn và resort hạng sang, những khu dân cư đông đúc hiện đại, những con đường to đẹp thênh thang không chỉ làm cho người dân nơi đây mà cả nước cũng phải ngỡ ngàng.

Không dừng lại ở “một cây cầu nối những bờ vui”, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng còn muốn có thêm nhiều cây cầu khác để Đông - Tây hai bờ gần gũi, người dân đi lại thuận tiện và tạo thêm nhiều cơ hội khai thác tiềm năng kinh tế, du lịch của thành phố. Năm 2003, Đà Nẵng lại tiếp tục cho xây dựng cây cầu Thuận Phước, một cây cầu dây văng đẹp và hiện đại nhất nước nối liền quận Hải Châu với bán đảo Sơn Trà. Ngày 19/7/2009 cầu Thuận Phước được khánh thành trong niềm vui khôn tả của chính quyền và nhân dân thành phố. Kể từ đó đến nay, cầu Thuận Phước là cánh tay nối dài từ đường Nguyễn Tất Thành đến Đại lộ Hoàng Sa - Trường Sa, làm đòn bẩy đánh thức con giao long trong giấc ngủ dài vươn mình ra biển. Và một loạt dự án lớn quanh cây cầu này đã được hình thành. Cây cầu đã góp phần đánh thức vị trí đắc địa của bán đảo Sơn Trà với diện tích hơn 4.700 ha và là gạch nối cuối cùng trên tuyến đường du lịch ven biển tuyệt đẹp từ Hội An đến chân đèo Hải Vân, là đòn bẩy lôi cuốn nhiều nhà đầu tư đến với Đà Nẵng.

Và rồi còn nhiều hơn thế nữa khi 2 cây cầu mới đang được triển khai thi công là cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý. Với thiết kế hiện đại, mỹ thuật chắc chắn chỉ trong một thời gian tới khi hoàn thành đây cũng sẽ là những cây cầu huyền thoại với rất nhiều kỷ lục mà bất cứ thành phố nào trên cả nước cũng muốn có. Từ hai cây cầu này Đà Nẵng sẽ phát triển nhanh và mạnh hơn, xứng tầm với một đô thị phát triển của cả nước và khu vực.
 

Cầu Thuận Phước

Những tuyệt tác nghệ thuật

Có thể nói không ngoa, Đà Nẵng là một trong những đô thị nhiều cây cầu nhất Việt Nam. Chỉ tính riêng chưa đầy 11 km dọc sông Hàn đã có 9 cây cầu bắc ngang sông, và phần lớn trong số đó đều là những công trình nghệ thuật với lối kiến trúc đa dạng, độc đáo, gắn liền với những kỷ lục Việt Nam.

Đầu tiên phải kể đến đó là cầu quay sông Hàn, là chiếc cầu quay đầu tiên và duy nhất của Việt Nam do chính kỹ sư, công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công. Điểm khác biệt tạo nên sự thú vị của cây cầu khiến du khách phải thức đến tận nửa đêm để chứng kiến cho bằng được phần giữa của cây cầu quay ngang 90 độ quanh trục, và nằm dọc theo dòng chảy của dòng sông, mở đường cho tàu bè đi qua. Đêm xuống, khi thành phố lên đèn thì chiếc cầu lại lung linh với muôn ngàn ánh đèn nhiều màu sắc, tạo nên một khung cảnh lung linh huyền ảo, thu hút rất nhiều người dân và du khách đến tham quan.

Đã hơn hai năm nay, bất cứ ai đặt chân đến Đà Nẵng cũng được bạn bè, người thân dẫn đi thăm quan một tuyệt tác nghệ thuật mới là cây cầu Thuận Phước, một bộ sưu tập những cái nhất về công nghệ làm cầu ở Việt Nam. Khánh thành vào tháng 7/2009, với chiều dài 1.855m, cầu Thuận Phước được đánh giá là cầu treo dây võng dài nhất ở Việt Nam. Cầu còn có 2 trụ tháp cao tới 92m, cách nhau 405m được kết cấu với dầm hộp thép hợp kim suốt toàn bộ nhịp treo dài 655m. Đây cũng là lần đầu tiên tại VN áp dụng công nghệ dây võng để xây dựng một cây cầu có khẩu độ nhịp chính được đánh giá lớn nhất nước. Đến với cầu Thuận Phước ngày nay, đặc biệt là vào ban đêm, người ta như thấy một bức tranh hoành tráng với sự quyến rũ bằng công nghệ ánh sáng. Suốt chiều dài cầu người ta bố trí hàng ngàn ngọn đèn đứng với ánh sáng muôn màu thay đổi liên tục tạo nên một bức tranh sống động, hấp dẫn. Cầu Thuận Phước giờ đây không chỉ là nơi thăm quan, hóng mát trong những ngày hè oi bức mà còn là địa điểm lý tưởng để các đôi uyên ương đến ghi lại những bức ảnh, làm phong phú thêm bộ sưu tập ảnh cưới lãng mạn của mình.

 Nếu chỉ nói về cầu quay sông Hàn, cầu Thuận Phước mà không nói đến những cây cầu đang được thi công xây dựng như cầu Rồng - bước đột phá về thiết kế mỹ thuật thì sẽ thật là thiếu sót. Cây cầu này khi làm xong sẽ có hình dáng con rồng đang lượn trên mặt sông Hàn và hướng ra biển Đông, đầu rồng ngẩng cao và thân rồng uốn lượn. Cầu Rồng sẽ trở thành trục chính của TP Đà Nẵng theo trục Đông - Tây, là tuyến đường ngắn nhất nối sân bay Đà Nẵng với các khu du lịch cao cấp bên bờ biển. Thiết kế của cầu Rồng đã được Hiệp hội Cầu đường thế giới công nhận là một trong những công trình có kiến trúc độc đáo, mới lạ, tạo nên nguồn cảm hứng đặc biệt về một thành phố đang chuyển mình mạnh mẽ, đây sẽ là một biểu tượng mới của Đà Nẵng trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Và còn nữa là cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý, một cây cầu đầu tiên của Việt Nam có sàn vọng cảnh. Đây là cầu dây văng một mặt phẳng, với kết cấu dây và tháp nghiêng đầu tiên ở Việt Nam. Cầu có chiều dài 680,5m, rộng 30,5m, với điểm nhấn độc đáo lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam chính là giữa cầu có tháp trụ hình chữ Y ngược cao 149m so với mặt sông. Bên trong tháp trụ chính này được thiết kế hệ thống thang máy để đưa du khách lên đỉnh tháp ngắm toàn cảnh thành phố Đà Nẵng.

Nói về những cây cầu ở Đà Nẵng, chị Nguyễn Trà My – một du khách đến từ Hà Nội đã phải thốt lên: có lẽ không ở đâu trên đất nước Việt Nam lại có nhiều cây cầu đẹp và hoành tráng như ở Đà Nẵng. Người ta có thể đến đó để đi dạo và chụp ảnh lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ, hay thoải mái dạo chơi dười gầm cầu với một cảm giác thích thú, sạch sẽ và an toàn.

Tiến Dũng

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo