Ashui.com

Wednesday
Jan 08th
Home Tương tác Góc nhìn Thiết kế đô thị tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài: Bao giờ?

Thiết kế đô thị tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài: Bao giờ?

Viết email In

Dự kiến cuối tháng 9/2013, TPHCM sẽ thông xe và đưa vào sử dụng đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài đoạn từ nút giao thông Nguyễn Thái Sơn đến cầu Bình Triệu. Ngoài việc thông xe, sự hình thành tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài còn cần các cơ quan chức năng tiến hành chỉnh trang đô thị suốt dọc tuyến đường.  
 

Tạo lập không gian đô thị hiện đại, văn minh 


Cần thiết kế đô thị dọc tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài.
(Ảnh: TBKTSG) 

Cùng với công tác đầu tư xây dựng tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, UBND TPHCM đã yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP nghiên cứu, lập thiết kế đô thị cho toàn tuyến đường. 

Chủ nhiệm đề án nghiên cứu xây dựng quy chế kiến trúc dọc tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, ông Huỳnh Xuân Thụ, Giám đốc Trung tâm Thông tin triển lãm thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết, nguyên tắc cơ bản trong chỉnh trang đô thị dọc đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài là tạo lập một không gian đô thị hiện đại, văn minh, có cảnh quan đẹp, khang trang, công trình kiến trúc hài hòa với cảnh quan thiên nhiên… 

Nguyên tắc này sẽ được ứng dụng uyển chuyển để phù hợp với từng khu vực cụ thể. Đối với khu vực hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp, do mật độ dân cư khá cao với nhiều khu nhà còn khá lụp xụp nên sẽ được ưu tiên cho công tác chỉnh trang đô thị. Nhà mới sẽ được xây dựng theo hướng dành tầng trệt cho kinh doanh. Tầng trệt phải xây lùi vào để tạo vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ và phải thực hiện nghiêm theo Quyết định 135 của UBND TPHCM về phát triển nhà liên kế trong khu vực nội thành. Theo quyết định này, nhà xây mới phải dành diện tích tầng trệt cho kinh doanh và gửi xe (nếu cần). Các khu nhà phố hiện hữu sẽ được bố trí lại theo từng cụm, từ vài chục đến vài trăm nhà và có đường giao thông chung kết nối ra với đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Theo ông Huỳnh Xuân Thụ, sở dĩ phải bố trí nhà theo hướng này vì đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài tuy là đường nội đô nhưng là tuyến đường huyết mạnh cho cả khu vực. Vì thế, đây là giải pháp để hạn chế tình trạng nhà dân áp sát đường, người dân cứ lao xe ra đường, vừa không an toàn vừa ảnh hưởng đến tốc độ lưu thông chung của cả tuyến đường. Người đi bộ có nhu cầu qua đường sẽ sử dụng hầm chui hoặc cầu vượt.

Khu vực rạch Xuyên Tâm “đi qua” đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài sẽ được nghiên cứu để tôn tạo lại cảnh quan sông nước đặc trưng của vùng Nam bộ. Phần đất nằm trên quận Thủ Đức, do chưa có nhiều công trình kiến trúc sẽ được nghiên cứu xây dựng thành những trung tâm dân cư hiện đại với hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ. 
 

Đừng để lỡ thời điểm 

Bao giờ bức tranh không gian kiến trúc đáng mơ ước ấy thành hiện thực? Ông Huỳnh Xuân Thụ cho biết, UBND TPHCM đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị tỷ lệ 1/2000 và xây dựng quy định quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan trục đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Đồ án thiết kế đã được Trung tâm Thông tin triển lãm trình Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định, chuẩn bị cho UBND TPHCM xem xét, phê duyệt.

Tuy nhiên, về phần mình, dường như nhiều người dân vẫn chưa hay biết về bức tranh kiến trúc nêu trên. Song hành với tiến độ hoàn thành đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, không ít gia đình đã bắt đầu xây, sửa lại ngôi nhà của mình vốn đã bị giải tỏa ít nhiều để dành đất cho xây đường. Những ngôi nhà… siêu mỏng hoặc hình dạng kỳ dị, không đủ chuẩn để xây mới theo quy định đã và đang mọc lên. Ngay gần cầu vượt dành cho người đi bộ gần nút giao thông Nguyễn Thái Sơn, một ngôi nhà chỉ sâu khoảng 1,5m, chiều rộng 5m-6m đã hình thành. Nhiều ngôi nhà đang xây, sửa lại không thấy có diện tích ở tầng trệt dành cho để xe… “Phải ổn định cuộc sống” - đó là câu trả lời của hầu hết người dân khi được hỏi về việc gấp rút xây, sửa lại nhà.

Thực ra, không phải đến khi xây dựng đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, TPHCM mới chú trọng đến việc thiết kế cảnh quan, kiến trúc, chỉnh trang đô thị tại các trục đường. TPHCM đã từng yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc xây dựng quy chế kiến trúc dọc đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa khi con đường này được cải tạo, mở rộng nhằm tạo ra một không gian đô thị đẹp cho thành phố trong mắt du khách quốc tế khi đi từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố. Thế nhưng, do “hụt” một bước so với tiến độ chỉnh trang lại nhà của người dân dọc tuyến đường nên nghiên cứu này không được thực hiện. Sau đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TPHCM tiếp tục chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu quy chế quản lý kiến trúc các trục đường: Xa lộ Hà Nội, đường Võ Văn Kiệt, đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, quy chế quản lý kiến trúc cả ba tuyến đường này đang được sở nhanh chóng tiến hành. 

Xây dựng quy chế quản lý kiến trúc không gian đô thị trên các tuyến giao thông trọng điểm là quyết định đúng đắn của TPHCM. Tuy nhiên, vấn đề hiện tại là công tác thực hiện. Người dân rất mong mỏi, trường hợp như đã xảy ra đối với quy chế quản lý kiến trúc không gian đô thị trục đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa không lặp lại. Đường Võ Văn Kiệt đã đi vào vận hành. Hơn 5km trong tổng số hơn 13,6km đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài chuẩn bị được thông xe… Mong rằng TPHCM sớm hoàn thiện và ban hành quy chế quản lý kiến trúc, không gian đô thị những tuyến đường trên để bộ mặt thành phố thêm nhiều khu phố, tuyến phố đẹp. 

Phạm vi nghiên cứu thiết kế đô thị đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài sẽ bắt đầu từ điểm đầu tuyến: khu vực nối với sân bay Tân Sơn Nhất đến điểm cuối là nút giao thông Linh Xuân. Chiều rộng toàn khu vực được tính từ lộ giới đường trở ngược vào sâu trong các khu dân cư khoảng 150m.

Hiện tại, theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến 2025 của TPHCM, hướng đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài không có các tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như metro, monorail… Do vậy, trước mắt Sở QH-KT đề xuất xây dựng một tuyến xe buýt con thoi hoạt động liên tục trên trục đường. Tuy nhiên, tại điểm giao cắt giữa đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi với tuyến metro đi về phía quận Gò Vấp, Hóc Môn (theo Quy hoạch phát triển GTVT đến 2025 sẽ có một tuyến metro đi từ trung tâm TP về hướng Gò Vấp, Hóc Môn) sẽ hình thành nhà ga vận tải hành khách công cộng cùng với một trung tâm thương mại, dịch vụ đa chức năng. Nhà ga và khu trung tâm sẽ được xây dựng như là một điểm nhấn về kiến trúc cho toàn khu vực. Riêng khu vực đầu đường, đoạn giao với sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được nghiên cứu xây dựng một công trình kiến trúc có giá trị cao để đón chào du khách đến với thành phố.

Bên cạnh việc phát triển đô thị dọc tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, công tác chỉnh trang đô thị phải là động lực cho việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo định hướng chung của thành phố: tăng cường các hoạt động thương mại dịch vụ… Chỉnh trang đô thị cũng phải gắn kết với việc khai thác tối ưu giá trị quyền sử dụng đất dọc tuyến đường nhằm gián tiếp thu hồi một phần vốn ngân sách Nhà nước đã chi xây dựng tuyến đường và bù đắp một phần kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị của thành phố.

Dọc tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài còn một số cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, nhiệm vụ của nghiên cứu thiết kế cảnh quan kiến trúc sẽ phải tính đến việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm và phát triển thêm mảng xanh để bảo vệ môi trường. Toàn bộ thiết kế không gian đô thị trên tuyến sẽ là một tổng thể thống nhất, hài hòa ngay trong nội tại và với các đô thị lân cận. Tuy nhiên, tính đa dạng vẫn được tôn trọng để người dân có nhiều lựa chọn. Chỉ có một vấn đề cần nghiêm túc thực hiện, phát triển đô thị phải hướng tới sự phát triển bền vững, tiết kiệm đất, sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường.

(Nguồn: Trung tâm Thông tin triển lãm thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM) 

Nguyễn Khoa 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...