Ngày 10/10/2013, Thủ đô Hà Nội tròn 59 năm ngày giải phóng, đánh dấu quãng đường dài với bao nhiêu khó khăn, thử thách, nhất là trong xây dựng, kiến thiết, đưa “trái tim của cả nước” phát triển mạnh với niềm tự hào và kiêu hãnh.
Toàn tâm, toàn lực
Hà Thành - vùng đất thanh lịch, yên bình như là nơi “đất lành chim đậu,” hội tụ người dân khắp mọi miền Tổ quốc về sinh sống, đang phát triển cả về văn hóa di sản và hội nhập sâu kinh tế. Tuy nhiên, mật độ dân số đông đúc, đô thị quá tải đã trở thành nỗi bức xúc, trăn trở của người dân bấy lâu.
Để giải quyết được vấn đề này, chính quyền các cấp Thủ đô thời gian qua dường như dồn hết tâm lực, tài chính để quy hoạch, xây dựng phát triển hệ thống giao thông đô thị với một khối lượng đồ sộ.
(ảnh: VOV Giao thông)
Những ai đã từng sinh sống, hay đến thăm Thủ đô cách đây 5 năm về trước, có lẽ ấn tượng in hằn nhất mà nhiều người không ngần ngại dùng thuật ngữ là “khiếp đảm” về giao thông. Khách du lịch năm châu đến Hà Nội cũng lo ngại nhất vấn đề đi lại với những con đường nhỏ, người tham gia giao thông đi lại lộn xộn, xe cộ chật như nêm. Bên cạnh đó, không ít người từ nhiều tình, thành phố khác đến Hà Nội với mong muốn lập nghiệp, sinh sống tại đây, nhưng đành phải rời bỏ chốn phồn hoa đô hội để về quê cũng chỉ mỗi lý do đơn giản là giao thông không chịu nổi.
Ấy vậy, chỉ một thời gian ngắn, hệ thống giao thông nội đô Hà Nội như khoác lên mình bộ mặt hoàn toàn mới lạ, thậm chí là đổi thay đến ngạc nhiên.
Thành phố gần hoàn thiện hệ thống các đường vành đai: vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3, đây là những tuyến huyết mạch đến những địa điểm tập trung đông đảo cơ quan, dân cư. Điển hình, đường vành đai 3 và đường cao tốc trên cao (đi trên đường vành đai 3) có thể nói là giải quyết rất lớn lưu lượng xe tải, xe con và xe khách. Vận chuyển hàng hóa, hành khách vào địa bàn Hà Nội không phải đi vào nội đô và tuyến đường này có thể đến bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, sân bay Nội Bài và là đầu nối đi các tỉnh phía Bắc…
Còn ở nội đô, thành phố chủ trương tập trung xây nhanh những cây cầu vượt nhẹ, giải tỏa ách tắc ở những nút thắt tập trung đông xe cộ, nhất là vào giờ cao điểm. Cách đây không lâu, tại những nút thắt, ở một số tuyến đường ách tắc giao thông nghiêm trọng với hàng giờ đồng hồ là chuyện thường thấy. Còn nay, khi có sự cố xảy ra cũng chỉ ách tắc vài chục phút; tỷ lệ tắc đường giảm một nửa. Trong khi đó, mật độ dân số tập trung vào đô thị ngày càng gia tăng.
Có thể kể một số cầu vượt đóng vai trò lớn trong việc giảm ùn tắc, đỡ gây phiền hà, tốn kém tiền của, thời gian cho nhân dân như: Các cầu vượt Láng Hạ-Lê Văn Lương; Ngã tư Sở; Cầu vượt Giải Phóng; Trần Khát Chân-Đại Cồ Việt; Nguyễn Chí Thanh-Liễu Giai…
Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, trước tiên thành phố đã xác định được đây là nhiệm vụ cấp bách, cần làm ngay, vì vậy đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc một cách quyết liệt. Bên cạnh việc phê bình các đơn vị không thực hiện đúng tiến độ, thành phố quan tâm biểu dương, khen thưởng kịp thời những nhà thầu, cá nhân có nhiều cố gắng hoàn thành đúng tiến độ, tạo động lực thi đua để có kết quả như hôm nay. Có nhiều cây cầu vượt chỉ hoàn tháng trong vòng 3 tháng, về trước so với tiến độ rất nhiều.
Qua xây dựng các cây cầu trên đã để lại cho Hà Nội nhiều bài học, Ủy ban Nhân dân thành phố cũng đang chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải tiếp tục phát huy thành quả và sớm rút ra kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo, sớm hoàn thành các công trình giao thông tiếp theo như Dự án đường vành đai 1, đoạn Ô Chợ Dừa-Hoàng cầu, thông xe trong tháng 12/2013; đường vành đai I (đoạn Ô Đông Mác-đê Nguyễn Khoái) thông xe trong năm 2014; đường vành đai II đoạn Nhật Tân-Cầu Giấy thuộc dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội vốn vay WB, hoàn thành toàn bộ công trình trong quý I/2005.
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công các dự án: Đường vành đai II, đoạn Vĩnh Tuy-chợ Mơ-ngã Tư Vọng, đường vành đai II (đoạn Ngã Tư Sở-Ngã Tư Vọng), đường vành đai I (đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục). Trong năm 2014, thi công dự án cầu vượt tại nút giao Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch; dự án cải tạo nâng cấp cầu Dịch Vọng bắc qua sông Tô Lịch; nghiên cứu đầu tư cầu vượt đường Nguyễn Văn Cừ-Nguyễn Sơn; đẩy nhanh tiến độ 5 điểm đỗ xe trong đó có 2 điểm lắp ghép cao tầng Trần Nhật Duật và Nguyễn Công Hoan.
Cầu vượt nút giao Nguyễn Chí Thanh-Kim Mã-Liễu Giai (ảnh: VTC)
Tầm nhìn xa
Thành phố Hà Nội đang quy hoạch phát triển hệ thống giao thông với tầm nhìn xa cho hàng chục năm tới để đáp ứng là đầu mối giao thông của 5 tuyến đường sắt, 7 tuyến quốc lộ hướng tâm vào Thủ đô. Sân bay Quốc tế Nội bài, từ thành phố Hà Nội có các tuyến bay tới 40 điểm đến quốc tế tại châu Mỹ, Á, Âu và Úc. Hà Nội cũng đã được xây dựng các tuyến đường lớn nối liền với 2 cảng biển quốc tế Hải Phòng và Cái Lân (Quảng Ninh), qua Quốc lộ 5, Quốc lộ 18 với khoảng 2 giờ đồng hồ chạy xe.
Định hướng xuyên suốt của Hà Nội trong những năm tới là phát triển giao thông tạo sự liên kết giữa Hà Nội với các vùng lân cận, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các trung tâm thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế, đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh. Giải quyết ách tắc giao thông, gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đầu tư xây dựng các tuyến vận tải công cộng lớn như đường sắt trên cao, tàu điện ngầm (khoảng 5 tuyến đường sắt vào nội đô), các công trình ngầm… Dành quỹ đất cho giao thông đô thị khoảng 18 -20% diện tích đất đô thị (trong đó giao thông tĩnh 4-6%), riêng các quận nội thành cũ đạt khoảng 10-12%.
Bức tranh giao thông của Hà Nội đến năm 2050 bao gồm việc cải tạo mở rộng các tuyến trục chính hướng tâm; xây dựng mới các trục chính liên kết các khu đô thị mới; xây dựng các nút giao cắt khác mức trên các đường trục chính đô thị và sẽ dành quỹ đất để bố trí hệ thống bến bãi đỗ xe hợp lý.
Về giao thông công cộng, vận tải hành khách công cộng sẽ bố trí khoảng 26% năm 2020 và 43% đến năm 2030. Hà Nội sẽ liên kết đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh bằng đường sắt ngoại ô và xe buýt. Đường sắt quốc gia, sẽ cải tạo 5 tuyến hiện trạng; xây dựng mới đường sắt vành đai 4; xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam.
Còn đường sắt đô thị trung tâm, sẽ phát triển hệ thống đường sắt vận tải hành khách khối lượng lớn (UMRT) kết hợp với mạng lưới xe buýt nhanh tạo thành mạng lưới liên hoàn, hiệu quả cao. Xây dựng mạng lưới đường sắt nội đô, gồm 8 tuyến với tổng chiều dài 280km, trong đó có nhiều đoạn ngầm để đi vào nội đô lịch sử. Khi đấy, vận tải hành khách công cộng đạt khoảng 45-55%; mật độ mạng lưới giao thông công cộng: 2.0-3.0 km/km2.
Khi có đầy đủ hệ thống giao thông liên hoàn, thành phố phát triển các trung tâm đô thị gắn với các đầu mối giao thông công công, giảm áp lực đi lại. Nhiều trường học, cơ quan, công sở đang được lên kế hoạch và xin phép di dời trong nay mai.
Về giao thông hàng không sẽ nâng cấp mở rộng sân bay quốc tế Nội Bài đạt công suất 30-35 triệu hành khách/năm vào sau năm 2030; sử dụng sân bay Gia Lâm khai thác dân dụng tầm ngắn; sân bay Hòa Lạc và Miếu Môn chủ yếu phục vụ quân sự, khi cần thiết có thể phục vụ dân sự.
Với những định hướng trên, hiện nay hàng năm Hà Nội đang phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng hệ thống giao thông. Cái khó hiện nay, cũng như cái khó về lâu dài đã thấy trước là vấn đề giải phóng mặt bằng cho những con đường, cây cầu đã định. Kinh phí giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư chiếm phần rất lớn khoảng 60-80% giá trị thi công một con đường. Một ví dụ minh chứng gần đây nhất, ngày 8/10, thành phố Hà Nội khởi công dự án xây dựng đoạn tuyến Ngã Tư Sở-Ngã Tư Vọng có tổng mức đầu tư khoảng 2.560 tỷ đồng; trong đó phần bồi thường giải phóng mặt bằng là hơn 2.000 tỷ đồng, còn lại là tiền xây dựng, xây lắp, thiết bị./.
Nguyễn Văn Cảnh
- “Luật Đất đai cần có những thay đổi toàn diện”
- Thế giới viết gì về cuộc sống vỉa hè ở Hà Nội?
- Chủ tịch Bitexco: “Chưa bao giờ nhiều cơ hội như hiện nay”
- Đề án thí điểm chính quyền đô thị: Đòi hỏi cấp bách
- Biệt thự kiểu Pháp: Hỏng dần
- Bộ ảnh sống động về Hà Nội năm 1989 của nhiếp ảnh gia người Mỹ
- Cẩn trọng chọn dự án PPP
- Mỹ quan đô thị TPHCM - Thực trạng cũ, thách thức mới
- Phức tạp như tượng đài
- Thiết kế đô thị kiểu nào khi nhà siêu nhỏ, siêu mỏng đã lấp kín?