Tại các cuộc họp góp ý Đề án thí điểm chính quyền đô thị, hầu hết các ý kiến cho rằng cơ chế điều hành hiện nay đã quá lỗi thời đối với trung tâm đô thị lớn gần 10 triệu dân như TPHCM. Những rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách và sự phân cấp đang làm chậm bước phát triển theo hướng nhanh và bền vững của TPHCM. Trong những lần đi giám sát việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa IX, đoàn công tác Thành ủy, UBND TP đều chấn chỉnh công tác lãnh đạo, điều hành ở mỗi đơn vị, đồng thời tháo gỡ một số vướng mắc cho cơ sở. Song nhìn toàn cục và nhìn xa hơn, mới thấy đó chỉ là những giải pháp tình thế, “ăn đong” nhiều hơn, chứ chưa thể nói căn cơ, lâu dài.
Trong các kỳ họp HĐND TPHCM, nhiều chất vấn xung quanh việc thực hiện các công trình, chương trình đang bị ách tắc, nhưng qua việc giải trình của một số sở, ngành đã cho thấy bộ máy quản lý phản ứng chậm chạp, kém hiệu quả và hễ động chuyện là đùn đẩy lẫn nhau. Giám đốc sở này nói rằng, tiến độ công trình chậm một phần do công ty kia chưa di dời hệ thống ngầm điện, cấp thoát nước, cáp quang, điện thoại... Công ty lại bảo, công trình ngầm do nhiều đơn vị khác quản lý, nên công ty không thể tự quyết định được. Thành ra, chẳng ai chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này cả!
Sự không rõ ràng giữa trách nhiệm thủ trưởng với trách nhiệm cá nhân, đi đôi với chế độ lãnh đạo tập thể không phù hợp các nguyên tắc quản lý hành chính, đã dẫn đến sự vận hành ì ạch, cứng nhắc của cả bộ máy. Cách tổ chức, quản lý điều hành hiện nay dẫn đến một hệ quả tất yếu là họp hành triền miên. Hễ vướng mắc là họp. Họp chưa giải quyết xong lại họp tiếp. Ở nhiều cơ quan, cứ có văn bản nào của cấp trên là tổ chức họp để phổ biến. Nhiều cơ quan cho rằng họp, truyền đạt xong là hoàn thành nhiệm vụ! Do nhiều cuộc họp quá nên bản thân người có thẩm quyền không thể tham dự hết được.
Trong nhiều trường hợp, thủ trưởng cử nhân viên đi họp thay, nhưng người này không có thẩm quyền nên không thể giải quyết được vấn đề phối hợp. Có người bay từ Nam ra Bắc hoặc ngược lại chỉ để họp 2 giờ, khá tốn kém mà hiệu quả chưa chắc đã cao. Mà họp xong rồi, triển khai được là cả vấn đề không dễ dàng. Khi đi giám sát các công trình nhà ở xã hội, nhà tái định cư, đoàn giám sát MTTQ TPHCM nhận ra một “căn bệnh” cố hữu luôn tồn tại trong bộ máy, đó là công việc của sở này nhiều lúc choàng sang sở kia; ngay bản thân mỗi sở cũng lẫn lộn chức năng tham mưu và chức năng hành chính công quyền…
Chính vì vậy, đề án thí điểm chính quyền đô thị đang là một đòi hỏi cấp bách, không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, giải quyết các vấn đề phức tạp trong quản lý đô thị hiện nay mà còn tạo điều kiện để TPHCM chăm lo đời sống nhân dân ngày một tốt hơn.
Huỳnh Đạt
- Làm đẹp bộ mặt đô thị ở các trục đường lớn: Quy định không theo kịp đời sống
- TP.HCM “thất thủ” trước triều cường?
- “Luật Đất đai cần có những thay đổi toàn diện”
- Thế giới viết gì về cuộc sống vỉa hè ở Hà Nội?
- Chủ tịch Bitexco: “Chưa bao giờ nhiều cơ hội như hiện nay”
- Biệt thự kiểu Pháp: Hỏng dần
- Bức tranh giao thông Hà Nội tầm nhìn đến năm 2050
- Bộ ảnh sống động về Hà Nội năm 1989 của nhiếp ảnh gia người Mỹ
- Cẩn trọng chọn dự án PPP
- Mỹ quan đô thị TPHCM - Thực trạng cũ, thách thức mới