Ashui.com

Wednesday
Apr 24th
Home Tương tác Góc nhìn Hà Nội không nên "ôm đồm" nhiều làng cổ

Hà Nội không nên "ôm đồm" nhiều làng cổ

Viết email In

“Thống kê vào giữa năm 2013 cho thấy trên toàn thành phố có khoảng 60 làng đủ tiêu chí đề xuất trở thành di tích quốc gia” - ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội cho biết. “Tuy nhiên, từ bài học của làng cổ Đường Lâm, ngành quản lý vẫn thận trọng và chưa thể triển khai đề xuất công nhận thêm những trường hợp tương tự”.

Thông tin của ông Tiến được đưa ra tại hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị các làng cổ ở Hà Nội do Viện Bảo tồn Di tích (BTDT) Việt Nam tổ chức, diễn ra 27/12. Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội vẫn chỉ có duy nhất làng cổ Đường Lâm được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia - cho dù dư luận từ lâu đã nhắc tới hàng loạt làng cổ khác cần bảo tồn.


Những rắc rối quanh trường hợp Đường Lâm là kinh nghiệm quan trọng cho việc bảo tồn làng cổ tại Hà Nội
.

Hàng ngàn làng nghề trong diện bảo tồn

Điển hình trong số này là trường hợp của làng cổ Cự Đà (Thanh Oai), một cụm kiến trúc đặc sắc tại vùng ven Hà Nội với sự kết hợp hài hòa giữa phong cách Pháp thuộc địa và kiến trúc nhà cổ của các hộ dân sống bằng nghề làm tương truyền thống.

Tuy nhiên, theo những nghiên cứu của KTS Lê Thành Vinh (Viện trưởng Viện BTDT), ở thời điểm hiện tại, do không được đầu tư bảo tồn đúng mức, cụm di tích này đã bị hủy hoại nghiêm trọng và rất khó phục hồi.

“Với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, Hà Nội cũng là nơi “nuốt chửng” các làng cổ với tốc độ cực nhanh qua những biến đổi về kiến trúc, môi trường sống, thói quen sinh hoạt” - ông Vinh nói - “Và cái khó của chúng ta là việc tìm ra phương thức bảo tồn chúng trong sự tác động của môi trường sống hiện đại”.

“Lịch sử đô thị Hà Nội là lịch sử phát triển của làng lên phố, với hàng loạt thay đổi về áp lực dân cư, hạ tầng đô thị, thói quen văn hóa” - nhà nghiên cứu Chu Thu Hường (Viện BTDT) nhận xét thêm. “Thực tế ấy diễn ra một cách khách quan. Bởi vậy, chúng ta nên có sự nghiên cứu để lựa chọn bảo tồn, cũng như chấp nhận sự mất đi của những không gian hoặc kiến trúc không còn phù hợp với cuộc sống hôm nay”.

Trong thời gian qua, có nhiều thông về việc các làng cổ Hà Nội đang bị biến dạng trong quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng: đến thời điểm hiện tại, bản thân hai từ “làng cổ” tại Hà Nội vẫn chưa được định nghĩa rõ giữa các hệ thống khái niệm: làng có bề dày văn hóa lịch sử, làng có truyền thống sản xuất hàng thủ công, làng có kiến trúc đặc thù theo kiểu Bắc Bộ...

Thống kê số lượng làng cổ tại Hà Nội hiện nay rất nhiều. Chỉ riêng ở khái niệm làng nghề, những thống kê gần nhất của Phòng quản lý di sản văn hóa Hà Nội cho thấy: trên địa bàn thành phố có khoảng 1.300 làng nghề, trong xu thế đô thị hóa không thể cưỡng lại, bao nhiêu làng trong số này cần được chọn lọc để bảo tồn?

Cần nghiên cứu và vẽ bản đồ làng cổ

“Muốn đưa ra được câu trả lời, trước hết chúng ta hãy làm một công việc thiết thực: tập trung nghiên cứu và... vẽ bản đồ về hệ thống làng cổ quanh Hà Nội” - GS Phạm Đình Việt (Trường ĐH Xây dựng Hà Nội) nhận xét.

Theo GS Việt, một cách chung nhất, hệ thống làng tại Hà Nội có thể được phân loại theo 4 tiêu chí cơ bản: làng nghề, làng truyền thống (có những nét riêng biết về khoa bảng hoặc lịch sử), làng có kiến trúc cổ đặc trưng và làng đã mất đi hết những yếu tố truyền thống mà chỉ còn tên gọi (như trường hợp các làng hoa Ngọc Hà, Nhật Tân tại Hà Nội).

“Tùy theo thực tế và giá trị của từng làng, chúng ta mới có thể đưa ra những biện pháp bảo tồn ở mức độ hợp lý” - GS Việt nói. “Đặc biệt, với những làng nằm lọt giữa vùng đô thị đang phát triển như hiện nay, việc tiến hành bảo tồn gần như là bất khả thi. Sự mất đi của các làng Kẻ Mơ, Ngọc Hà, Bưởi... tại Hà Nội là ví dụ điển hình”.

Xa hơn, GS.KTS Hoàng Đạo Kính đặt câu hỏi: “Ý tưởng bảo tồn các làng cổ hiện có xuất phát từ tâm lý hoài cổ của chúng ta, hay chủ yếu là từ nhu cầu thật sự của cộng đồng dân cư bản địa? Bởi trong những chuyến điền dã đã, tôi nhận thấy những người dân địa phương đều không quá mặn mà với việc bảo tồn, gìn giữ nếp sống cũ của mình, mà thay vào đó luôn là nhu cầu có một cuộc sống hiện đại, tiện nghi và phát triển hơn...”.

Sơn Tùng


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo