Đã có không ít ý kiến trái ngược nhau về hiệu quả của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng mà Chính phủ dành cho thị trường bất động sản (BĐS).
Song, tùy theo cách nhìn nhận của mỗi người mà gói hỗ trợ này trở nên tiêu cực hay tích cực. Thật sự, lúc đầu khi gói hỗ trợ mới được công bố, doanh nghiệp gặp khá nhiều khó khăn để giúp người mua nhà tiếp cận, chúng tôi cũng không ngoại lệ.
Để giải quyết vướng mắc này, chúng tôi đã phải làm việc kỹ lưỡng với các ngân hàng như Vietinbank, Vietcombank nhằm thống nhất quy trình, thủ tục rồi sau đó hướng dẫn lại cho khách hàng có nhu cầu. Kết quả là đã có 70 khách hàng mua căn hộ EHome 3 Tây Sài Gòn tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, chiếm khoảng 33% trên tổng số người ở TP.HCM được vay vốn tính đến thời điểm này.
Do đó, không hẳn là gói 30.000 tỷ đồng đã thất bại, ít nhất là về mặt tâm lý. Chắc chắn, Chính phủ sẽ dè dặt khi triển khai gói hỗ trợ này vì vấn đề ở đây là nếu mở một cách "không phanh" thì bóng ma lạm phát và bong bóng BĐS sẽ trở lại.
Tuy nhiên, nhu cầu nhà ở của xã hội còn rất lớn nên năm 2014, hy vọng Nhà nước sẽ nới lỏng hơn các quy định của gói 30.000 tỷ đồng nhằm giúp thêm nhiều người dân có điều kiện an cư. Thị trường BĐS sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng trong năm 2014, đặc biệt ở phân khúc giá trung bình. Vấn đề còn lại là người mua nhà có được tạo điều kiện để tiếp cận vốn dễ dàng hơn không.
Về phía doanh nghiệp, nếu kỳ vọng gói 30.000 tỷ đồng là đòn bẩy để đưa thị trường quay lại mạnh mẽ là điều không thể vì con số này vẫn còn quá nhỏ nhoi so với những khó khăn hiện tại.
Thậm chí, 100.000 tỷ đồng cũng không thể giải cứu hết hàng tồn kho của các doanh nghiệp. Do đó, để vực dậy thị trường, các doanh nghiệp phải hiểu được thị trường, hiểu được người mua muốn gì để làm ra sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu.
Người dân không thiếu tiền, cái chính là họ đã mất niềm tin qua đợt bong bóng BĐS vừa qua. Do vậy, các công ty BĐS cần thể hiện sự sáng tạo ở thời điểm này, phải tự lực cánh sinh để thay đổi tình hình chứ không nên ngồi chờ được cứu hay chờ giá tăng trở lại.
Trong bối cảnh hiện nay, tôi rất mong các công ty BĐS cùng phối hợp để nghiên cứu ra một dòng sản phẩm phục vụ được cho đại bộ phận người dân như ở các nước phát triển. Bởi TP.HCM vẫn còn rất nhiều người chưa có nhà ở, các khu dân cư lấn chiếm kênh rạch, các khu ổ chuột vẫn còn phổ biến.
Do đó, một chương trình hợp tác quy mô lớn như thế chắc chắn sẽ được rất nhiều người ủng hộ vì có lợi cho tất cả các bên, góp phần cải tạo bộ mặt đô thị.
Nguyễn Vĩnh Trân - Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Nam Long
- “Lướt buýt” nghĩ về văn minh ở Kyoto
- Văn hóa đô thị Hà Nội những ngày Tết
- La liệt nhà “dị dạng” trên con đường 1 tỷ đồng/mét
- Ách tắc hạ tầng giao thông
- Sông hồ Hà Nội bị bức tử: Cấp phép, giám sát kiểu gì?
- Loay hoay “phân lô bán nền”
- TPHCM: Cải thiện hạ tầng giao thông
- Hà Nội không nên "ôm đồm" nhiều làng cổ
- Đà Lạt, phố và người...
- Bảo tồn Hoàng thành Thăng Long: Nhiều mảng sáng tối