Để có thể xây dựng các khu đô thị, khu chung cư hay khu tái định cư thì ngay ở bản thiết kế quy hoạch đã phải thể hiện được trạm xử lý nước thải tại chỗ. Tuy nhiên trên thực tế, nước thải sinh hoạt vẫn xả thẳng ra sông hồ mà chưa qua xử lý.
Vậy trách nhiệm thuộc về cơ quan chức năng nào khi toàn bộ sông hồ trên địa bàn thủ đô Hà Nội đang chết dần?
Bắt đầu từ những năm 2002 cho tới nay, trên địa bàn thủ đô mọc lên hàng chục khu đô thị (KĐT), hàng trăm khu chung cư (KCC). Song hành với đó là vấn đề nan giải: dù đã có quy định nhưng một loạt những KĐT, KCC vẫn ngang nhiên xả thải nước sinh hoạt chưa qua xử lý ra môi trường. Và ngạc nhiên hơn, dù tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm, nhưng tới nay vẫn chưa nhận được sự khắc phục từ chính phía chủ đầu tư, cũng như từ phía các cơ quan chức năng.
Cả khu đô thị Mễ Trì và The Manor (ảnh lớn) đều xả thải ra môi trường trong khi trạm xử lý nước thải tiền tỉ của The Manor để hư hỏng (ảnh nhỏ) (Ảnh: Nam Anh)
Theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, Phó giám đốc Công ty CP dịch vụ Sudico, đơn vị quản lý KĐT Mỹ Đình - Mễ Trì, hiện có khoảng trên dưới 1.000 hộ dân sinh sống trong 5 tòa nhà cao tầng do Sudico quản lý. Trung bình hằng tháng KĐT Mỹ Đình - Mễ Trì thải ra môi trường 15.000 m3 nước thải sinh hoạt. Do chưa có trạm xử lý nước thải nên toàn bộ lượng nước thải vẫn được cho dẫn chảy tới hệ thống kênh mương trên địa bàn H.Từ Liêm, sau đó đổ thẳng ra sông Nhuệ. Vẫn theo ông Hùng, hiện mức thu phí môi trường của mỗi hộ dân tại KĐT Mỹ Đình - Mễ Trì chỉ là 1.000 đồng/m2/tháng. “Mức phí này chỉ đủ để chúng tôi xử lý nước thải bằng phương pháp vi sinh, mà phải từ 3 - 4 tháng chúng tôi mới cho làm một lần. Chúng tôi đã nhiều lần đưa ra đề xuất tăng mức thu mỗi hộ lên 3.100 đồng/m2/tháng để có kinh phí xử lý nước thải được tốt hơn, nhưng các hộ dân đều phản đối”.
Cũng liên quan tới việc thu phí xử lý nước thải, trao đổi với Thanh Niên, ông Trương Đức Tú, quản lý chính của khu nhà phức hợp The Manor (thuộc KĐT Mỹ Đình - Mễ Trì), cho biết: “Nhằm tiết kiệm chi phí vận hành, đơn vị quản lý trước đó đã cho ngừng hoạt động hệ thống xử lý nước thải trong suốt nhiều năm liền, khiến không ít chi tiết máy quan trọng nhập ngoại bị hư hỏng. Hiện ngoài việc gấp rút cải tạo, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải này, chúng tôi còn nghiên cứu việc tăng phí để đảm bảo sao cho cả chu trình vận hành xử lý nước thải được hoạt động tốt”. Theo dự kiến, thay vì thu mức phí 10.000 đồng/m2 /tháng, đơn vị quản lý của ông Tú sẽ tăng lên thành 17.000 đồng/m2/tháng thì mới đủ chi phí vận hành máy móc.
Trách nhiệm của Sở Xây dựng và Tài nguyên - Môi trường
Tại các tòa nhà cao tầng 6B02, 9B01, 9B02 (nằm trong KĐT mới Dịch Vọng) do Công ty CP phát triển đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư, dù được trang bị hệ thống xử lý nước thải nhưng phần lớn các hộ dân lại không mấy tỏ ra mặn mà. “Chúng tôi tốn gần 12 tỉ đồng để lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tới từng căn hộ, nhưng chủ nhân của chúng đều kêu tốn điện và chỉ chực rút điện, không cho hệ thống xử lý hoạt động. Do vậy mà hiện giờ phần lớn nước thải sinh hoạt vẫn chưa qua xử lý và theo đường nước mưa để ra cống rãnh, sau đó đổ ra sông Tô Lịch”, ông Trương Văn Đạt, cán bộ Phòng Tư vấn giám sát của công ty phản ánh.
Trao đổi với báo Thanh Niên về hệ thống xử lý nước thải tại các KĐT, KCC, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hiện là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam, khẳng định theo đúng quy định, các chung cư cao tầng mới đều phải có hệ thống thu và xử lý nước thải, khi nước thải đạt tiêu chuẩn thì mới được đưa ra môi trường bên ngoài. Khi đấu nối hệ thống thoát nước của chung cư vào hệ thống thoát nước chung của TP, cơ quan chức năng cũng phải kiểm tra xem hệ thống xử lý nước thải đã đạt yêu cầu hay chưa thì mới cho phép đấu nối.
Vẫn theo TS Liêm: “Trước mắt các cơ quan chức năng cần phải xem xét lại việc cấp phép xây dựng đã ổn hay chưa. Bởi theo tôi, việc phát triển một loạt các KĐT, KCC như thời gian vừa qua vẫn theo kiểu tự phát và thiếu quy hoạch. Theo đó các KĐT và các KCC nằm rải rác khắp nơi trong TP, mà không có quy định cụ thể là KĐT, KCC hay nhà máy, xí nghiệp phải nằm tập trung thành từng khu vực. Thực trạng này sẽ gây khó khăn trong việc thu gom nước thải sinh hoạt về một mối để xử lý đạt chuẩn trước khi đổ ra sông hồ”.
TS Liêm cho biết thêm: “Kinh phí đầu tư cho một trạm xử lý nước thải tốn kém gấp 3 lần xây dựng một hệ thống cung cấp nước sạch có cùng công suất. Trong khi đó các chủ đầu tư mới chỉ chú trọng phát triển nhà để bán, nên gần như họ sẽ chẳng bao giờ quan tâm tới việc đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tại chỗ".
Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm chính thuộc về Sở Xây dựng và Sở TN-MT, ông Liêm khẳng định./.
"Kiểu gì cũng có vấn đề”Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho hay: Theo đúng quy định thì ngay từ khi lập thiết kế quy hoạch, phía chủ đầu tư đã phải thể hiện được việc phải dành ra một quỹ đất nhất định để xây dựng trạm xử lý nước thải. Ngoài ra trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng cũng bắt buộc phải có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường theo quy định. Nếu không chủ đầu tư không được phép triển khai dự án. Tuy nhiên, một cán bộ thanh tra xây dựng thuộc Sở Xây dựng Hà Nội lại cho biết: “Sau khi được cấp giấy phép, lực lượng thanh tra của sở, của các quận, huyện… cũng đều phải có trách nhiệm kiểm tra quá trình xây dựng các KĐT, KCC này. Nếu phát hiện việc thi công không tuân thủ đúng với những gì thể hiện trong quy hoạch ban đầu thì cơ quan chức năng có quyền hạn đình chỉ xây dựng… Vậy mà không hiểu sao, qua từng đó khâu mà các KĐT, KCC không hề có trạm xử lý nước thải tại chỗ mà vẫn có thể hoàn thành rồi đưa vào sử dụng, chắc kiểu gì cũng có vấn đề”. Tiếp tục đem thắc mắc này hỏi ông Nguyễn Quốc Tuấn, chúng tôi nhận được câu trả lời: “Xin phép không trả lời câu hỏi này”. Vẫn theo ông Tuấn, việc xử lý nước xả thải sinh hoạt từ các tòa nhà này là do Sở TN-MT Hà Nội chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với các cơ quan chuyên môn của Sở TN-MT Hà Nội, thông tin mà Thanh Niên có được cũng chỉ là những dự án nhằm bảo vệ môi trường sông hồ Hà Nội trong tương lai. |
Hà An (Thanh Niên)
- Thu nhập cao hơn nhờ "làng lên phố"
- “Lướt buýt” nghĩ về văn minh ở Kyoto
- Văn hóa đô thị Hà Nội những ngày Tết
- La liệt nhà “dị dạng” trên con đường 1 tỷ đồng/mét
- Ách tắc hạ tầng giao thông
- Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng: Mở quá hóa lo!
- Loay hoay “phân lô bán nền”
- TPHCM: Cải thiện hạ tầng giao thông
- Hà Nội không nên "ôm đồm" nhiều làng cổ
- Đà Lạt, phố và người...