Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Tương tác Góc nhìn Thu nhập cao hơn nhờ "làng lên phố"

Thu nhập cao hơn nhờ "làng lên phố"

Viết email In

Trong khi nhiều ý kiến lo lắng cho các giá trị văn hóa, tính bền vững của phát triển kinh tế... ở những khu vực đô thị hóa thì theo kết quả “Điều tra, khảo sát ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa tới sinh kế của người dân ven đô ở Việt Nam”, đô thị hóa đã có tác động tích cực nhiều hơn là tiêu cực đối với kế sinh nhai của người dân…  

Dự án “Điều tra, khảo sát ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa tới sinh kế của người dân ven đô ở Việt Nam” đã tiến hành khảo sát, phân loại những ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa tới việc duy trì, phát triển sinh kế của người dân tại 3 địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh trong 10 năm trở lại đây, là Bắc Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Trong tổng số 900 hộ được điều tra, có khoảng 1/3 hộ đã từng bị thu hồi đất. 78% trong tổng số gần 300 hộ bị thu hồi đất đó cho biết diện tích đất của họ bị thu hồi hoàn toàn.


Theo Báo cáo, đô thị hóa tác động tích cực hơn là tiêu cực đến sinh kế của người nông dân. 


Hệ quả của việc bị thu hồi đất là các hộ sẽ phải chuyển đổi nơi sinh sống và sản xuất, kinh doanh. Với những hộ bị thu hồi đất, hầu hết số tiền được đền bù được sử dụng để xây dựng nhà cửa và một phần dành cho tiết kiệm và đầu tư. 

Kết quả điều tra cho thấy, quá trình đô thị hóa đã có ảnh hưởng tích cực tới sự thay đổi nghề nghiệp của người dân. Chuyển đổi nghề nghiệp đang đi theo hướng tăng tỷ trọng người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp, giảm nhanh số người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tuy nhiên, với một nhóm nhỏ lao động ở độ tuổi trung niên, đô thị hóa ảnh hưởng không tốt tới kế sinh nhai của họ do việc thay đổi nghề nghiệp ở tuổi này khó khăn hơn rất nhiều. Đặc biệt, nếu coi đô thị hóa là một cơ hội cho chuyển đổi nghề nghiệp và tăng thu nhập thì rào cản về trình độ nhân lực đã khiến cho các hộ dân chưa tận dụng được hết cơ hội này.

Theo kết quả điều tra thu được, thu nhập bình quân của các hộ trong mẫu năm 2012 là 101 triệu đồng/năm, trong đó có 44% là từ lương và trợ cấp, 28% từ hoạt động buôn bán, dịch vụ, 9% là từ hoạt động làm thuê, 7% từ hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp và 12% là từ các hoạt động còn lại như trồng lúa và hoa màu hay chăn nuôi.

Tính riêng các hộ bị thu hồi đất, nguồn thu từ hoạt động dịch vụ chiếm tỷ trọng nhiều hơn trong tổng thu nhập của hộ so với bình quân chung của các hộ trong mẫu điều tra. Có thể thấy, đô thị hóa một mặt làm thu hẹp diện tích đất sản xuất nông nghiệp của hộ, mặt khác góp phần đẩy mạnh các hoạt động cung cấp dịch vụ, buôn bán trong địa bàn và giúp hình thành và phát triển các hoạt động phi nông nghiệp mới. 

Đô thị hóa vẫn giữ mối quan hệ làng xóm 

Mối quan hệ “hàng xóm láng giềng” xa cách, ít chia sẻ là điều thường nhận thấy ở các đô thị. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, mặc dù sống ở những vùng đô thị hóa nhưng quan hệ làng xóm đặc trưng của người dân nông thôn vẫn còn khá bền chặt. Mối quan hệ với người cùng làng, xã vẫn là mối quan hệ chủ yếu được duy trì bởi đối tượng điều tra (75%).

Bên cạnh việc duy trì các nguồn vốn xã hội vốn có, người dân ở các địa bàn điều tra cũng được hưởng lợi từ quá trình đô thị hóa do hệ thống các dịch vụ đô thị cũng trở nên sẵn có hơn. Khi được hỏi lúc có việc lớn cần được giúp đỡ thì hộ sẽ nhờ cậy ai thì ở cả ba địa bàn, gia đình họ hàng hai bên, bạn bè, hàng xóm là những nguồn lực mà hộ sẽ trông cậy. Chính quyền cũng được coi là một nguồn lực hỗ trợ đối với một tỷ lệ tương đối các hộ tại Bắc Ninh và Bà Rịa (40-48%) trong khi ở Đà Nẵng chỉ là 16%.

Như vậy, theo nghiên cứu này thì xét trên các yếu tố là nguồn lực đảm bảo sinh kế của người dân, đô thị hóa đã có tác động tích cực nhiều hơn là tiêu cực đối với kế sinh nhai của người dân. Về cơ bản, chuyển đổi nghề nghiệp của người dân đang theo hướng đi đúng, tức là từ khu vực có năng suất thấp (nông nghiệp) sang khu vực có năng suất cao hơn (phi nông) dẫn tới thu nhập từ các nguồn thu phi nông nghiệp cũng tăng đáng kể trong những năm gần đây. Trong khi đó, vốn xã hội truyền thống của người dân (quan hệ họ hàng, làng xã) vẫn được duy trì và có phần tăng thêm (tham gia các tổ chức, đoàn thể).

Tuy nhiên, vốn nhân lực vẫn còn là một vấn đề nan giải không chỉ đối với mỗi hộ gia đình và còn đối với cả các địa phương và toàn xã hội.

Nhằm nâng cao chất lượng các chính sách đô thị hóa nhằm ổn định sinh kế cho người dân sau quá trình đô thị hóa, nhóm điều tra kiến nghị cần nâng cao hiệu quả của chính sách quản lý đô thị.

Theo đó, việc nghiên cứu sự phân cấp và phân quyền trong quản lý đô thị cần hợp lý hơn để đạt được hiệu quả cao nhất trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay ở Việt Nam. Các chính sách đảm bảo sinh kế cho người dân sau đô thị hóa cần dựa trên đặc điểm đô thị hóa của từng tỉnh. Chính sách giáo dục và đào tạo ngoài việc dựa trên định hướng phát triển chung của Nhà nước cần dựa trên nhu cầu phát triển của địa phương.

Ngoài ra, các chính sách giáo dục và đào tạo của tỉnh cần dựa trên nhu cầu của người lao động, nhu cầu của doanh nghiệp, cũng như nhu cầu của xã hội để có những chương trình đào tạo thích hợp. 

Mỹ Hạnh (VnMedia.vn) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo