Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Cố đô Huế - Một kiệt tác đô thị của phương Đông

Cố đô Huế - Một kiệt tác đô thị của phương Đông

Viết email In

Ngày 11/12/1993, quần thể di tích Cố đô Huế đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. 

Đây là một trong những quần thể di tích tiêu biểu cho những thành tựu về kiến trúc, điêu khắc, thẩm mỹ và sức lao động sáng tạo của con người Việt Nam trong suốt một thời gian dài. 

Đặc biệt, trong nghệ thuật kiến trúc, Cố đô Huế được đánh giá như một “kiệt tác đô thị, một điển hình nổi bật của một Kinh đô phong kiến phương Đông.”  


Đại nội Huế.
(Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN) 

Trong gần 400 năm, từ năm 1558-1945, Huế đã từng là thủ phủ của chín đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triệu đại Tây Sơn, rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Trong nhiều thế kỷ, nhiều tinh hoa của cả nước đã được chắt lọc, hội tụ về đây, hun đúc nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. 

Nhắc đến Huế, người ta nghĩ ngay đến những thành quách, cung điện vàng son, những đền đài miếu vũ lộng lẫy, những lăng tẩm uy nghiêm, những danh lam cổ tự trầm tư u tịch, những thắng tích thiên nhiên khéo tạc. Nổi bật nhất trong đó là Quần thể Di tích Cố đô Huế - di sản văn hóa tiêu biểu đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới vào ngày 11/12/1993.

Sự tôn vinh đặc biệt này cũng là sự kiện đánh dấu sự hội nhập của di sản văn hóa Huế, một trong những di sản văn hóa tiêu biểu nhất của Việt Nam, niềm tự hào của mỗi người dân đất Việt.

Nằm ở bờ Bắc sông Hương, tổng thể kiến trúc của cố đô Huế được xây dựng trên một mặt bằng diện tích hơn 500ha và được giới hạn bởi ba vòng thành theo thứ tự ngoài lớn, trong nhỏ:

Kinh Thành Huế là công trình do vua Gia Long xây dựng từ năm 1805 và được vua Minh Mạng tiếp tục hoàn thành vào năm 1832. Tại đây, các vua triều Nguyễn đã cho xây dựng khá nhiều thành quách, cung điện và các công trình của hoàng gia.

Thành có 10 cửa ra vào và xung quanh thành có thiết lập 24 pháo đài để phòng thủ. Trải qua gần 200 năm, khu kinh thành hiện nay hầu như còn nguyên vẹn với gần 140 công trình xây dựng lớn nhỏ.

Hoàng thành Huế (hay còn gọi là Đại Nội) là khu vực nằm bên trong Kinh thành Huế. Đây là nơi đặt các cơ quan cao nhất của chế độ quân chủ và là nơi thờ tự các vua chúa đã quá cố.

Hoàng thành gồm có hơn 100 công trình kiến trúc đẹp được chia ra nhiều khu vực như Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu, điện Phụng Tiên, Phủ Nội Vụ, Vườn Cơ Hạ, điện Khâm Văn...

Tử Cấm Thành Huế là khu vực nằm trong Hoàng Thành ngay sau Lưng điện Thái Hòa. Đây là nơi dành riêng cho nhà vua và gia đình.

Tử Cấm Thành được xây dựng năm 1804, bao gồm gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ, trong đó nổi bật là Đại Cung Môn, Cần Chánh, Càn Thành, Cung Khôn Thái, Duyệt Thi Đường, Thượng Thiện, Thái Bình Lâu...

Xuyên suốt cả ba tòa thành là con đường Thần đạo chạy từ bờ sông Hương. Dọc hai bên con đường này là những công trình kiến trúc nổi bật như Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, Cung Diên Thọ, Kỳ Đài, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, lầu Kiến Trung...

Ngoài ra còn có hàng trăm công trình kiến trúc lớn nhỏ bố trí cân đối, đan xen cây cỏ, khi ẩn khi hiện giữa những sắc màu thiên nhiên, luôn tạo cho người xem một cảm giác nhẹ nhàng thanh thản.

Xa xa về phía Tây của Kinh thành, nằm hai bên bờ sông Hương, lăng tẩm của các vua Nguyễn được xem là những thành tựu của nền kiến trúc cảnh vật hóa. Tổng thể có bảy khu lăng, mỗi khu mang một sắc thái riêng nhưng đều là những kỳ công tạo tác của con người phối hợp với cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ tươi đẹp và thơ mộng của xứ Huế.

Bên cạnh thành quách, cung điện, lăng tẩm nguy nga tráng lệ, Huế còn lưu giữ rất nhiều công trình kiến trúc độc đáo gắn liền với thể chế của hoàng quyền. Đó là đàn Nam Giao - nơi nhà vua tế trời; đàn Xã Tắc - nơi thờ thần đất, thần lúa; Hổ Quyền - đấu trường duy nhất dành cho voi và hổ; Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và dựng bia khắc tên Tiến sỹ văn thời Nguyễn; Võ Miếu - nơi thờ các danh tướng cổ đại và dựng bia khắc tên Tiến sỹ võ; điện Hòn Chén - nơi thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na...

Là Kinh đô của một triều đại phong kiến với thiết chế chính trị dựa trên nền tảng Nho giáo, lại từng là thủ phủ của Phật giáo một thời, bên cạnh những kiến trúc cung đình lộng lẫy vàng son, Huế còn lưu giữ hàng trăm ngôi chùa thâm nghiêm cổ kính.

Ông Amadou MahtarM’bow - Nguyên Tổng giám đốc UNESCO đã nhận xét: “Huế không chỉ là một mẫu mực về kiến trúc mà còn là một cao điểm về tinh thần và một trung tâm văn hóa sôi động - ở đó đạo Phật và đạo Khổng đã thấm sâu, hòa nhuyễn vào truyền thống địa phương, nuôi dưỡng một tư tưởng tôn giáo, triết học và đạo lý hết sức độc đáo.”

Là một di sản văn hóa vật thể và tinh thần mang ý nghĩa quốc hồn, quốc túy của dân tộc, Huế là một hiện tượng văn hóa độc đáo của Việt Nam và thế giới.

Trong suốt 20 năm, Huế đã nỗ lực không ngừng để gìn giữ nguyên vẹn những giá trị văn hóa của các di tích.

Đến nay, đã có khoảng 100 công trình kiến trúc được phục hồi, bảo quản, chống xuống cấp, với tổng kinh phí gần 800 tỷ đồng. Gần đây nhất, dự án trùng tu tổng thể kinh thành với mức đầu tư gần 1.300 tỷ đã mở ra triển vọng phục hồi toàn diện hệ di sản độc đáo này trong tương lai./. 

(TTXVN) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo