Thành công của Yujiapu - dự án xây dựng quận tài chính tương tự Manhattan (New York, Mỹ) của Trung Quốc đang bị nghi ngờ khi xung quanh là hàng loạt tháp văn phòng vắng vẻ và khách sạn chưa hoàn thiện.
Các tòa nhà chọc trời ở phía bắc thành phố cảng Thiên Tân không hề có dáng vẻ của một đô thị lớn, với cửa kính phủ bụi và nhiều nơi bị ngừng thi công. Năm 2010, tòa nhà đầu tiên hoàn thành tại quận Conch Bay ngay gần đó không hấp dẫn được người thuê đã là điềm báo cho sự thất bại của quận tài chính Yujiapu.
Các tòa nhà vẫn đang trong quá trình xây dựng tại Yujiapu. (Ảnh: Bloomberg)
"Đầu tư vào đây cũng chẳng khá hơn ném tiền xuống ao là mấy. Anh sẽ chẳng có đường lùi đâu. Rất khó để bán lại cho người khác", ông Zhang Zhihe (60 tuổi) nhận xét khi tìm kiếm cơ hội đầu tư tại đây.
Tình hình bỏ hoang tại Thiên Tân chính là thách thức mà các lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối mặt, khi vừa phải kiềm chế bùng nổ đầu tư dựa vào vốn vay, vừa phải duy trì tăng trưởng và việc làm trong nước. Quý I, Thiên Tân chỉ tăng trưởng 10,6% so với năm ngoái. Năm 2010, tốc độ tăng trưởng cả năm là 17,4%, cao hơn nhiều so với trung bình cả nước. Nếu năm nay, tốc độ này dừng ở 10,6%, đây sẽ là con số thấp nhất kể từ năm 1999.
Công ty phụ trách tài chính của thành phố - Tianjin Binhai New Area Construction & Investment chỉ đạt doanh thu 5,9 tỷ NDT (950 triệu USD) năm 2013. Lợi nhuận giảm 37% xuống gần 250 triệu NDT. Trong khi đó, hãng phải trả khoản nợ 20,7 tỷ NDT năm nay, bao gồm nợ ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp và thương phiếu - gần gấp 3 năm ngoái. Tháng trước, họ đã phát hành 2,5 tỷ NDT tín phiếu để có tiền trả nợ ngân hàng.
"Cả chính quyền địa phương và trung ương đều biết rõ thị trường bất động sản lao dốc sẽ càng làm tăng rủi ro cho hệ thống tài chính. Họ sẽ phải làm tất cả để giảm đòn bẩy tài chính một cách có trật tự", Liu Li-Gang – kinh tế trưởng tại ngân hàng ANZ cho biết.
Giới chức Trung Quốc đã cam kết kiềm chế rủi ro nợ chính quyền địa phương. Hồi tháng 5, Ngân hàng trung ương nước này (PBOC) cho biết sẽ giám sát chặt tình hình trên. Người đứng đầu cơ quan kiểm toán nước này hồi đầu tuần cũng nhận xét tăng trưởng nợ địa phương đã chậm lại.
Theo Bloomberg, các dự án bất động sản tại Thiên Tân có rất ít dấu hiệu hồi sinh. Việc thi công tại Glorious Oriental - tòa tháp đôi chung cư - văn phòng đã bị ngừng lại. Còn Country Garden Phoenix - được quảng cáo là khách sạn lớn nhất châu Á - cũng vẫn đang là cái khung rỗng.
Dù vậy, dự án này chưa chắc đã thất bại. Quận Phố Đông (Thượng Hải) từng rất chật vật giữa thập niên 90, sau đó vẫn trở thành trung tâm tài chính của Trung Quốc. Trịnh Châu - thủ phủ tỉnh Hà Nam giờ cũng trở nên rất đông đúc, trái ngược với tình cảnh vắng vẻ vài năm trước đây.
Michael Hart - Giám đốc hãng môi giới bất động sản Jones Lang LaSalle cho biết hy vọng hiện tại là chính quyền địa phương sẽ giúp lấp đầy các tòa nhà, có thể bằng các doanh nghiệp nhà nước. "Yujiapu quá biểu tượng và nổi tiếng, gắn liền với tên Thiên Tân. Họ không thể không cố hết sức để giúp nơi này thành công", ông nói.
Wang Wei, một người dân ở Thiên Tân thì cho biết giá bất động sản tại đây cao gấp 6 lần kỳ vọng của anh. "Tôi đã xem rất nhiều báo cáo về khu vực này, nhưng rõ ràng đây chẳng phải nơi phù hợp để ở. Ít nhất là hiện tại. Chẳng có cửa hàng, trường học, bệnh viện hay hàng xóm", anh nói.
Hà Thu
- Nghĩ từ đất nước của các vị thần
- Nghệ thuật công cộng: Những bức tượng kỳ quặc trên thế giới
- 6 siêu dự án của Trung Quốc tại nước ngoài
- Phép màu kỹ thuật nông nghiệp tại Israel
- Quản lý đô thị hiệu quả tại Singapore
- Những thành phố lý tưởng cho người đi bộ
- Brazil: Sự tương phản giữa sân cỏ và cuộc sống ở khu ổ chuột
- 12 sân vận động tại World Cup 2014 ở Brasil
- Ánh sáng nơi khu ổ chuột Rocinha
- Những công trình sinh thái nổi tiếng tại Trung Đông