Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Dự án thành phố sinh thái của Trung Quốc bế tắc

Dự án thành phố sinh thái của Trung Quốc bế tắc

Viết email In

Các dự án xây dựng thành phố sinh thái của Trung Quốc từng được kỳ vọng trở thành những hình mẫu thiết kế đô thị xanh. Song vì phần lớn các ý tưởng xây dựng do các kiến trúc sư nước ngoài thai nghén không đi sát với đời sống của người dân bản địa, những dự án từng được quảng bá rất rầm rộ này hiện đang đi vào bế tắc.

Các đô thị sinh thái đồng loạt lỡ hẹn

Nếu theo đúng kế hoạch, Dongtan, “thành phố sinh thái đầu tiên của thế giới” bây giờ đã đang trong quá trình hoàn thiện. Ý tưởng của mô hình này là chuyển hóa vùng đầm lầy gần thành phố Thượng Hải thành khu đô thị cung cấp nhà ở cho nửa triệu người với các công trình tiết kiệm năng lượng. Theo đó, rác thải sẽ được tái chế để cung cấp nhiên liệu, khu bờ sông sẽ được đặt các cối xay gió phát điện công suất nhỏ.

Công trình sinh thái này dự kiến hoàn thiện giai đoạn đầu vào hội chợ Thượng Hải Expo 2010 để chứng minh cam kết của thành phố về việc xây dựng một tương lai xanh.


Dự án Dongtan 

Tuy nhiên hiện tại, khu đô thị gần như chưa được xây dựng, trong khi nhiều hộ dân đã rời khỏi hòn đảo. Mặc dù dự án được quảng bá rộng rãi trên toàn thế giới, song người dân bản địa lại biết rất ít về nó. Các nhà chức trách đứng đầu dự án đã bị cắt chức vì dính vào vụ rắc rối tham nhũng, còn những người kế vị họ lại thất bại trong việc quản lý dự án.

Trong khi đó, trên báo chí Trung Quốc, các chuyên gia môi trường và các nhà khoa học đã lên tiếng phản đối dự án vì nó được thực hiện ở khu đầm lầy duy nhất còn sót lại ở Thượng Hải, ngôi nhà của các loài chim di trú quý hiếm.

Dongtan và các thành phố sinh thái khác khắp Trung Quốc lẽ ra đã có thể là những hình mẫu cho sự phát triển bền vững, nhưng thay vì thế, hiện chúng lại tiêu biểu cho những kế hoạch táo bạo chỉ nằm trong dự tính hoặc thất bại vì thực thi kém.

Thường thì những thành phố xanh khổng lồ này được thiết kế bởi những công ty kiến trúc nước ngoài nổi tiếng song lại thiếu hiểu biết sâu sắc về chính trị, văn hóa và kinh tế Trung Quốc. Chính vì thế họ không thể nhận biết được nhu cầu của người dân bản địa – đối tượng phục vụ trực tiếp của các thành phố xanh.

Shannon May, một nghiên cứu sinh tiến sỹ về nhân chủng học của đại học California, Berkely, khi nghiên cứu về những vấn đề của thành phố xanh Huangbaiyu, đã viết: “Trong khi những dự án khoa trương này đem lại danh tiếng và lợi nhuận cho các doanh nghiệp nước ngoài và sự thăng tiến cho các quan chức chính phủ Trung Quốc, chúng bỏ mặc những người dân mà đáng lẽ chúng phải phục vụ”.


Dự án Dongtan 

Dự án Huangbaiyu có kế hoạch biến một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Liaoning phía Đông Bắc Trung Quốc thành một khu đô thị sử dụng năng lượng hiệu quả. Một phần của kế hoạch là sử dụng loại cỏ khô đặc biệt và gạch đất nén để xây dựng. Tuy nhiên, trong số 42 ngôi nhà đầu tiên được xây vào năm 2006, chỉ có một số nhỏ sử dụng loại gạch này. Các chi phí vượt trội khiến cho việc xây dựng nhà ở vượt quá khả năng chi trả của người dân. Bên cạnh đó, tuy một số ngôi nhà đã hoàn thiện, nông dân từ chối sinh sống trong đó vì theo họ sân nhà quá nhỏ để họ chăn nuôi gia súc và ổn định sinh kế.

Tuy thất vọng, song kết quả này không đáng ngạc nhiên. Với đất nước đang phát triển bùng nổ này, mọi người điều muốn tin rằng mọi chuyện đều có thể thực hiện được, bất chấp việc thiếu những căn cứ khả thi. Trong trường hợp của Dongtan và Huangbaiyu, những bất cập không phải là không tránh được, và từ hai dự án này có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm cho tương lai.

Trung Quốc đã trở thành “phòng thí nghiệm” hay công xưởng cho những công nghệ mới và cho những thiên tài của thế giới hiện thực hóa những giải pháp cho tương lai. Các kiến trúc sư nước ngoài đã thiết kế rất nhiều công trình nổi tiếng của Bắc Kinh như Sân vận động Tổ Chim, Tháp truyền hình CCTV... Những tiêu điểm quốc tế này giúp giải thích những hy vọng, và trong trường hợp này, là cả những thất vọng liên quan tới những thành phố sinh thái.

McDonough, kiến trúc sư người Mỹ, nhân vật quan trọng trong phong trào kiến trúc xanh của Mỹ, người chịu trách nhiệm thiết kế Huangbaiyu cũng như lập kế hoạch cho các dự án sinh thái khác của Trung Quốc, cách đây vài năm từng bày tỏ khát vọng xây dựng 12 thành phố sinh thái cho Trung Quốc với kế hoạch cung cấp nhà ở cho 400 triệu dân trong 12 năm.

Tuy nhiên, do sức ép phê bình của báo chí, công ty kiến trúc và thiết kế đô thị William McDounough + Partners của McDonough đang giảm dần hoạt động của mình tại Trung Quốc. Còn phía Arup, công ty thiết kế xây dựng của Anh chịu trách nhiệm lập kế hoạch và thiết kế Dongtan, vẫn đang tiếp tục thúc đẩy dự án xanh Dongtan.


Dự án Huangbaiyu

Nguyên nhân bế tắc các dự án đô thị sinh thái

Sự đình trệ của dự án Dongtan được giải thích là do tranh cãi về chủ đầu tư dự án. Cả 2 phía - một bên là Công ty Arup, một bên là Tổng Công ty Đầu tư Công nghiệp Thượng Hải - đều cho rằng phía bên kia sẽ tài trợ cho dự án. Phía Arup nghĩ rằng họ thiết kế dự án còn Trung Quốc sẽ thi công và chi trả cho họ một khoản tiền lớn. Phía Trung Quốc lại nghĩ rằng Arup sẽ xây dựng nó và họ sẽ được nhận một thành phố xanh miễn phí.

Nguyên nhân bế tắc thứ hai được cho là có liên quan tới chính trị. Khi bí thư Đảng ủy Thượng Hải Chen Liangyu - một nhân vật nổi tiếng đứng sau dự án - bị kết án 18 năm tù giam vào năm 2008 vì tội hối lộ và lạm dụng chức quyền, tiến trình thực hiện dự án đã bị ngừng lại.

Với trường hợp của Huangbaiyu, sự thiếu hiểu biết về nhu cầu của dân bản địa từ phía nhà lập dự án là nguyên nhân phát sinh vấn đề. Việc thiếu tầm nhìn về tính khả thi của vấn đề chắc chắn cũng là một bất cập. Những khoảng sân nhỏ và những xáo trộn trong việc sử dụng gạch xây dựng là một ví dụ cho những bối rối trong thực thi dự án.

Gần đây, người dân Trung Quốc quan tâm nhiều tới những quy định rõ ràng về kiến trúc xanh hơn là thiết kế những thành phố mới. Để một dự án cộng đồng xanh có thể thành công, không chỉ cần giảm phát thải carbon mà còn phải đáp ứng điều kiện “có thể sống được” - nghĩa là phù hợp với điều kiện bản địa. Thiếu sự tham vấn kỹ càng ý kiến của người dân sẽ là một thách thức cho các nhà thiết kế nước ngoài khi muốn biến những người nông dân thành những cư dân thành thị, cho dù đó là một ý định tốt.

Đỗ Ngọc Huyền


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo