Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới PHÁP : Đất nông nghiệp - nguồn tài nguyên sinh học cần được bảo vệ

PHÁP : Đất nông nghiệp - nguồn tài nguyên sinh học cần được bảo vệ

Viết email In

Trong những thập niên gần đây, thặng dư nông nghiệp và mật độ dân cư thấp ở Pháp đã khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng diện tích không gian tự nhiên (đất nông nghiệp và đất rừng) còn rất lớn. trong bối cảnh đó, đất nông nghiệp hoàn toàn có thể trở thành nguồn quỹ đất dự phòng cho quá trình mở rộng đô thị. Nhưng quan điểm này cần phải xem xét lại nếu căn cứ vào những nhu cầu trong tương lai về lương thực, sinh học và năng lượng.

Mỗi năm ở Pháp có khoảng 35.000 héc-ta đất tự nhiên trở thành đất đô thị. Thêm vào đó là khoảng 20.000 héc-ta không gian xanh, sân vườn và thảm cỏ phục vụ riêng cho nhu cầu của người dân trong đô thị. Đó phần lớn đều là những diện tích đất nông nghiệp màu mỡ. Cho đến nay, có thể nói rằng diện tích đất đô thị ở Pháp đang chiếm khoảng 4,2 triệu héc-ta, tức là khoảng 700 m2/người. Diện tích này vẫn tiếp tục tăng với nhịp độ bình quân đầu người là gần 10 m2/năm. Tới năm 2050, nếu mức bình quân đầu người vẫn giữ ở mức 700 m2 thì diện tích đất đô thị có thể sẽ lên tới 5 triệu héc-ta. Còn nếu tình trạng mở rộng diện tích đất đô thị vẫn tiếp tục duy trì thì con số này sẽ lên tới 7,5 triệu héc-ta. Như vậy, trong vòng năm thập niên tới, đất đô thị sẽ chiếm thêm từ 2,5 đến 12% diện tích đất nông nghiệp hiện nay, tương đương từ 5 đến hơn 20% tiềm năng sản xuất nông nghiệp sẽ bị mất đi bởi 4,2 triệu héc-ta đã đô thị hoá hiện nay đã chiếm mất hơn 1/4 diện tích đất nông nghiệp màu mỡ nhất của nước Pháp. Đến năm 2050, tỷ lệ này có thể sẽ là hơn 1/3. Đây là những con số rất đáng lo ngại bởi từ nay đến năm 2050 nhân loại sẽ phải đối mặt với hai thách thức lớn về lương thực và năng lượng, đó là phải đảm bảo nuôi sống được 9 tỷ người trong khi nguồn dầu mỏ có thể sẽ cạn kiệt.

Nuôi sống 9 tỷ người

Để có thể đảm bảo được nhu cầu lương thực của 9 tỷ người vào năm 2050, sản lượng lương thực của toàn thế giới sẽ phải tăng gấp đôi. Điều này có thể sẽ thực hiện được với một số điều kiện nhất định. Thứ nhất phải tăng được diện tích đất tưới tiêu thêm 40%, tức là từ 280 triệu héc-ta như hiện nay lên 390 triệu héc-ta. Thứ hai phải tăng được sản lượng nông nghiệp bình quân theo mỗi héc-ta. Thứ ba là phải tăng được diện tích đất nông nghiệp mà điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách khai phá thêm đất rừng, nhất là khu vực rừng già Amazone hay các cánh rừng thuộc khu vực bồn địa Công-gô. Tuy nhiên, do nhiều trường hợp khác nhau, các điều kiện khai thác đất rừng Amazone sau khi khai phá hiện nay có thể dẫn tới tình trạng suy kiệt tiềm năng đất đai chỉ sau 15 năm. Mặc dù vậy, không nên xem nhẹ những hậu quả của quá trình mở rộng đô thị. Do phần lớn các địa bàn được đô thị hoá đều nằm ở những khu vực đất nông nghiệp khá màu mỡ nên sẽ trực tiếp làm giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2050, trong tổng số 3 tỷ dân tăng thêm của Trái đất, nếu mỗi người đều cần một diện tích đất đô thị như mức bình quân đầu người của Pháp tại thời điểm năm 2003 thì toàn thế giới sẽ phải có thêm 211 triệu héc-ta đất đô thị. Những con số đó cho thấy tầm quan trọng của việc kiểm soát quá trình đô thị hoá để có thể đảm bảo việc mở rộng được diện tích đất nông nghiệp trước tác động của dân số và đô thị.


Rừng già Amazon

Thách thức của thời kỳ hậu dầu mỏ

Đến năm 2050 sẽ có nhiều phương án giải quyết vấn đề năng lượng theo hướng phụ thuộc ở nhiều mức độ khác nhau vào các nguồn năng lượng hạt nhân, năng lượng hoá thạch (than, khí đốt, dầu mỏ) và năng lượng tái tạo. Theo ước tính của các chuyên gia trong lĩnh vực này, đến thời điểm đó, nhu cầu năng lượng của nhân loại sẽ ở mức từ 12 đến 25 tỷ TEP (tấn tương đương dầu mỏ). Nếu đưa ra giả thiết rằng trong số này sẽ có từ 4 đến 5,8 tỷ TEP có nguồn gốc từ năng lượng sinh khối thì diện tích đất tự nhiên cần có phải là từ 2 đến 2,7 tỷ héc-ta. Cũng cần nhấn mạnh rằng việc khai thác năng lượng sinh khối sẽ là điều tất yếu. Còn đối với năng lượng tái tạo, chúng ta hiện có các dạng năng lượng địa nhiệt, năng lượng thuỷ triều, mặt trời, gió và nước. Chính các loài thực vật cũng là một “công cụ hấp thụ” trực tiếp và chuyển hoá một phần năng lượng mặt trời. Nếu tính xa hơn tới thời điểm sau năm 2050 và sau khi đã cạn kiệt các nguồn năng lượng hoá thạch, kể cả năng lượng hạt nhân, thì khi đó nhân loại sẽ chỉ còn các nguồn năng lượng tái tạo. Việc thu hồi năng lượng mặt trời thông qua thực vật khi đó sẽ còn quan trọng hơn, nhất là trong quá trình sản xuất nhiên liệu cho các phương tiện giao thông. Mặt khác, dầu mỏ vốn không chỉ là một nguồn năng lượng mà còn là một nguồn nguyên liệu cơ bản để sản xuất chất dẻo, các loại nhựa PVC, dầu nhớt, v.v…

Do đó, khi nguồn dầu mỏ cạn kiệt sẽ phải có giải pháp thay thế các phân tử dầu mỏ bằng những phân tử có nguồn gốc thực vật (xenluylô, phân tử sinh học) để làm nguyên liệu sản xuất những sản phẩm trên. Như vậy, nhu cầu duy trì các thảm thực vật đương nhiên sẽ phải tính tới đơn vị hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ héc-ta. Chẳng hạn trong lĩnh vực dệt may, sợi tổng hợp hiện chiếm 60% thị phần. Nếu các nguồn dầu mỏ cạn kiệt, tức là hết nguồn nguyên liệu để sản xuất sợi tổng hợp, thì sẽ phải tăng sản lượng sợi bông lên gần gấp ba, tức là diện tích trồng bông cũng phải tăng gấp ba, trong khi tổng diện tích trồng bông trên toàn thế giới hiện nay đã đạt 36 triệu héc-ta. Nói tóm lại, trong những thập niên tới chúng ta sẽ phải chứng kiến tình trạng cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các mục đích sử dụng khác nhau đối với diện tích đất tự nhiên trên toàn cầu (giữa nông nghiệp với công nghiệp, năng lượng, sinh học và đô thị).



Theo kế hoạch phát triển năng lượng sinh học của Liên minh châu Âu (EU) đến năm 2010 thì diện tích nông nghiệp của khu vực này đã đạt tới giới hạn. Để đạt được mục tiêu đảm bảo 5,75% nhiên liệu sinh học cho giao thông sẽ cần phải mở rộng diện tích các loại cây trồng cung cấp nhiên liệu sinh học lên 15 đến 18 triệu héc-ta. Nhưng đây là điều mà châu Âu không thể đạt được. Ngay cả khi tận dụng tối đa các diện tích đất hoang hoá và chấp nhận giảm xuất khẩu ngũ cốc thì EU sẽ vẫn phải nhập khẩu từ Braxin một lượng nguyên liệu để sản xuất nhiên liệu sinh học tương đương từ 7 đến 8 triệu héc-ta cây trồng. Nói cách khác, các nước EU sẽ ngày càng bị lệ thuộc về năng lượng và lương thực. Ngay từ bây giờ những xung đột về mục đích sử dụng giữa sản xuất lương thực và năng lượng đã bắt đầu bộc lộ. Tại Braxin, trước tình trạng giá dầu mỏ gia tăng, diện tích trồng mía để làm nguyên liệu sản xuất ethanol (nhiên liệu sinh học) đã tăng mạnh khiến cho diện tích trồng mía để sản xuất đường dần bị thu hẹp. Hậu quả là giá đường đã tăng tới 70%. Thí dụ đơn giản này cho thấy những vấn đề phức tạp cần giải quyết về mặt tổ chức thị trường nông sản để dung hoà giữa nhu cầu tiêu dùng lương thực và năng lượng.

Trước những khác biệt ngày càng gia tăng giữa các nhu cầu sử dụng diện tích đất tự nhiên và các nguồn tài nguyên sẵn có ở cả cấp độ của mỗi quốc gia và cũng như trên toàn cầu, đất nông nghiệp cần được coi như một nguồn tài nguyên sinh học hàng đầu của các thế hệ trong tương lai. Do đó cần có những chính sách quyết liệt nhằm gìn giữ nguồn tài nguyên này trên cơ sở của các mô hình phát triển bền vững.

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo