Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Chuyện tòa nhà mới xây đã đổ ở Thượng Hải

Chuyện tòa nhà mới xây đã đổ ở Thượng Hải

Viết email In

Những hình ảnh một tòa nhà 13 tầng sắp khánh thành tự nhiên đổ làm một công nhân thiệt mạng ở Thượng Hải một lần nữa báo động về những công trình xây dựng không bảo đảm chất lượng ở Trung Quốc.

Sự cố xảy ra vào lúc rạng sáng 27/6/2009 tại một khu chung cư đang xây bên bờ Nam sông Điện Phố, quận Mẫn Hành, TP Thượng Hải: Một tòa nhà 13 tầng, cao 83 mét bỗng nhiên đổ sập xuống, trơ ra cả bộ cột chịu lực trông khá mỏng manh và được liên kết có vẻ lỏng lẻo với phần móng. Một công nhân có tên Xiao, 28 tuổi, quê ở tỉnh An Huy bị thiệt mạng mặc dù đã cố gắng nhảy qua cửa sổ khi tòa nhà đổ sụp. Những hình ảnh do Tân Hoa xã cung cấp cho thấy tòa nhà được xây dựng một vùng đất yếu, đầy bùn lầy.


Tòa nhà 13 tầng bỗng sụp đổ

Thật khủng khiếp! Tòa nhà đổ rất nhanh sau khi có khá nhiều công nhân đã kịp chạy thoát khỏi nó”, Fang Zenghui, một người có dịp chứng kiến sự cố, nói với các nhà báo. “Nó đổ đánh rầm một cái. Tôi không tin vào mắt mình nữa”. Còn bà Zhang Supong cho biết gia đình bà và hàng xóm thực sự hoảng loạn khi thấy mặt đất rung lên lúc rạng sáng. “Giống như một trận động đất”, bà nói với China Daily.

Tờ Shanghai Daily hôm qua cho biết, Chủ tịch thành phố Thượng Hải, ông Han Zheng đã chỉ đạo mở một cuộc điều tra thật cặn kẽ về nguyên nhân xảy ra sự cố này. Cơ quan chức năng của thành phố đã khẩn trương sơ tán khoảng 130 gia đình sống xung quanh khu chung cư nói trên để kiểm tra nền móng của 7 tòa nhà khác được xây với thiết kế giống tòa nhà đã sụp đổ.

Phát biểu với China Daily, một người đàn ông 30 tuổi cho biết anh sẽ hủy hợp đồng với chủ xây dựng và đòi lại số tiền mà anh đã trả để mua một căn hộ tại tòa nhà ngay cạnh công trình vừa đổ. Khu chung cư này nằm tại một vị trí khá thuận lợi ở Thượng Hải, chỉ cách khu buôn bán của thành phố có 5 ga tàu điện ngầm. Người đàn ông này nói căn hộ mà anh mua có giá 18.000 nhân dân tệ (hơn 45 triệu đồng) /m2.


Trơ móng của tòa nhà

Trả lời phỏng vấn tờ Shanghai Daily, hai chủ xây dựng là hãng địa ốc Shanghai Meidu và Công ty xây dựng Shanghai Zhongxin cho biết họ đang liên hệ với những người mua nhà để thỏa thuận về khả năng trả lại tiền. Khu chung cư đang xây nói trên đã được bán 77% số căn hộ.

Vụ tai nạn này là một đòn tiếp theo đối với các nhà kinh doanh địa ốc Trung Quốc, những người vốn đang lao đao trước cảnh thị trường nhà đất ảm đạm do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chắc chắn nhiều người mua nhà tại các chung cư đang xây sẽ lo lắng sau vụ sụp đổ nhà này.

Đây là thí dụ mới nhất về tình trạng công trình kém chất lượng, một mối lo ngại đã tồn tại nhiều năm qua ở Trung Quốc. Làn sóng xây dựng ồ ạt cùng với một nền kinh tế phát triển quá “nóng” đã khiến ở nhiều nơi việc thiết kế và khảo sát địa chất không được tiến hành chu đáo, quá trình xây dựng không được giám sát chặt chẽ, tình trạng xây ẩu, sử dụng vật liệu không đủ tiêu chuẩn trở nên tràn lan. Theo một chuyên gia xây dựng, cho tới nay ở Trung Quốc vẫn chưa có một tiêu chuẩn thống nhất nào trong việc xây dựng các cao ốc, các tòa nhà công cộng.


Các kỹ thuật viên đang tìm hiểu nguyên nhân

Cơn sốt xây dựng thể hiện rất rõ ở Thượng Hải, hiện là thành phố lớn nhất Trung Quốc với 15 triệu dân. Tại các vùng phụ cận thành phố này liên tục có những khu phố mới ra đời. Một số khu được xây trên những vùng đất yếu, không đủ tạo độ vững cho các tòa nhà cao tầng. Khu tài chính Lư Gia Châu, bên bờ sông Hoàng Phố, nơi tập trung nhiều nhà cao tầng nhất, trong một thời gian dài nền đất lún từ 1,2 cm đến 1,5 cm mỗi năm. Đã có thời gian chính quyền thành phố Thượng Hải phải hạn chế xây nhà cao tầng. Việc hạn chế này còn xuất phát từ lý do mật độ nhà cao ốc quá cao sẽ cản gió, gây nóng bức, che khuất tầm nhìn, làm xấu đi hình ảnh của một thành phố vẫn đặt mục tiêu phải trở thành một đô thị có chất lượng sống cao. Nhưng trước thực tế đất chật người đông, làn sóng xây dựng các cao ốc vẫn diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên không phải tất cả đều được bảo đảm về chất lượng xây dựng.

Ý kiến lo ngại về chất lượng xây dựng đặc biệt rộ lên kể từ sau khi xảy ra vụ động đất ở Tứ Xuyên hồi tháng 5/2008. Trong số 70.000 người thiệt mạng vì động đất đó có rất nhiều học sinh. Không ít bậc cha mẹ cho rằng con của họ bị thiệt mạng không chỉ do động đất, mà còn các ngôi trường ở Tứ Xuyên bị xây quá ẩu, với những vật liệu kém chất lượng và bày tỏ sự bất bình trước nạn tham nhũng cũng như thiếu trách nhiệm trong ngành xây dựng. Hồi ấy chính phủ Trung Quốc đã phải mở cuộc điều tra xem tại sao gần 7.000 ngôi trường bị sập trong vụ động đất đó, trong khi có những tòa nhà công sở ở cạnh chúng lại không bị đổ.

N.Đ. 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo