Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới "Vua tiền mặt" Ronson xây dựng tòa nhà cao nhất London

"Vua tiền mặt" Ronson xây dựng tòa nhà cao nhất London

Viết email In

Trùm xây dựng Gerald Ronson từng bị tống vào tù ở Anh, rồi suýt bị phá sản ở Mỹ, nhưng rốt cuộc vẫn gượng dậy được. Giờ đây, bất chấp cơn bão khủng khoảng tài chính toàn cầu đang diễn ra, tỷ phú thích tích trữ tiền mặt này đang chuẩn bị xây Heron Tower (Tháp Heron) cao 246m - tòa nhà cao nhất London, thủ đô nước Anh, như một món quà tặng cho thành phố quê hương mình.



Lời nhắn nhủ cho đời sau

Trong bối cảnh khủng khoảng tài chính toàn cầu hiện nay, việc xây thêm một tòa nhà chọc trời với hàng trăm nghìn mét vuông văn phòng như Heron Tower xem ra là một tính toán sai lầm. Thế nhưng, Gerald Ronson vẫn không hề nao núng. Bởi lẽ ở tuổi tròn 70, ông trùm xây dựng này đã quá quen với cái cảnh “ba chìm, bảy nổi” của cái nghiệp kinh doanh nhà đất. Ông thừa nhận thị trường bất động sản toàn cầu sẽ còn trì trệ cho tới năm 2015, nhưng vẫn mở hết tốc lực xây dựng để tòa nhà “cao nhất, tốt nhất London” của ông khánh thành trong vòng 2 năm nữa, đúng với tiến độ như đã đặt ra.

Heron Tower cao 246m sẽ là một dấu ấn mà trùm xây dựng Ronson muốn để lại ở London, nơi ông sinh ra và lớn lên. Ngọn tháp bọc kính này có hình dạng một ngón tay khổng lồ chỉ thẳng lên trời xanh, như muốn nói: Dù bao phen vấp ngã, song ta vẫn là người chỉ ra hướng đi cho tương lai! Đó chính là lời nhắn nhủ đầy thách thức của tỷ phú Gerald Ronson với đời sau.

Ông nội của Gerald Ronson là người Do Thái và vẫn còn mang họ Aaronson khi từ Nga chuyển sang London sinh sống hồi đầu thế kỷ 20. Bố ông là Henry Ronson đã "bỏ bớt" hai chữ "a" ở đầu để có một cái họ na ná tiếng Anh. Và tới đời Gerald Ronson, ông đã khẳng định được vị thế của cái họ ấy bắt đầu từ ”hai bàn tay trắng”. Năm 14 tuổi, ông còn làm việc trong xưởng mộc tồi tàn của cha; năm 17 tuổi, ông đã tách ra lập một xưởng sản xuất đồ gỗ riêng mang tên Heron và trở thành triệu phú khi mới 25 tuổi. Sau đó, ông từng bước biến Heron thành một thương hiệu nổi tiếng - một trong những hãng có vốn lớn nhất Vương quốc Anh.

Những cú vấp ngã nhớ đời

Gerald Ronson thích ví mình với Donald Trump, vua bất động sản Mỹ. Giữa hai người này có nhiều điểm tương đồng. Họ đều là con cháu của những người nhập cư và cả hai đều muốn để lại dấu ấn riêng của mình bằng các tòa nhà chọc trời cao nhất thành phố. Không những thế, cả hai đều từng bị nhiều cú vấp ngã “nhớ đời” trên thương trường.

Cú vấp ngã đầu tiên của Ronson xảy ra hồi năm 1990, khi ông dính líu vào một vụ bê bối liên quan đến hãng bia Guinness mà ông là một trong những cổ đông chính. Hồi ấy Guinness muốn thôn tính hãng sản xuất rượu mạnh Distillers có giá trị cổ phiếu vốn hóa gấp đôi mình. Để làm điều đó, Ronson cùng 3 cổ đông khác đã tung ra nhiều triệu bảng Anh tổ chức mua ồ ạt cổ phiếu Guinness nhằm đẩy giá của chúng lên cao. Vụ việc bại lộ, Ronson và 3 cổ đông trên, được mệnh danh là “bè lũ bốn tên Guinness”, bị đưa ra tòa. Báo chí Anh đã gọi đây là “vụ án thế kỷ”, bởi bên bị khăng khăng chối cãi và quả quyết rằng đây là một vụ xét xử bài Do Thái. Thực tế là có tới 3 trong “bè lũ bốn tên Guinness” nói trên là người Do Thái. Nhưng rốt cuộc ông vẫn bị vào tù một năm.

Một thời gian ngắn sau đó, Ronson đã phải hứng cú sốc thứ hai: Một cuộc khủng hoảng tín dụng ở Mỹ đã khiến công việc kinh doanh của Ronson đến bờ vực phá sản. Khi đó, hãng Heron của Ronson bị mắc nợ tới 2,4 tỷ bảng Anh và ông đã phải bán hãng này cho một consortium của “Vua chứng khoán” Michael Milken. Qua vụ này, Ronson bị mất đứt 1 tỷ bảng Anh và bị biến thành một nhân viên làm việc cho chính hãng mà mình lập ra. Được cái là Milken đã để cho ông “toàn quyền hành động” và từ đó ông dần lấy lại được vị trí của mình.

  • Ảnh bên : Trùm xây dựng Gerald Ronson

“Vua tiền mặt”

Là một doanh nhân thế hệ cũ, Ronson cho đến nay vẫn không hề dùng máy tính cá nhân và điện thoại di động mà chỉ dùng một chiếc máy ghi âm. Không những thế, ông còn nghiêm cấm nhân viên mang điện thoại di động đến phòng họp.

Và cho đến bây giờ ông vẫn luôn thận trọng giữ lại những khoản tiền mặt lớn. Trên chiếc sofa trong văn phòng của ông có một chiếc gối thêu dòng chữ: “Cash is King” (Tiền mặt là Vua). Cũng vì thế người ta gọi nhạo ông với cái tên “Vua tiền mặt”.

Không ngờ, chính nhờ biết giữ tiền mặt, mà giờ đây ông có thể cười vào mũi các đối thủ của mình. Khi cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay bắt đầu diễn ra, Ronson ngồi trên một “núi tiền mặt” 200 triệu bảng Anh (330 triệu USD), trong khi các trùm xây dựng khác lao đao vì cổ phiếu của mình sụt giá thê thảm. Cũng nhờ vậy giờ đây Ronson có thể yên tâm ngồi chờ những hợp đồng mà ông thấy có thể “ngon ăn”. Thật ra bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính, Ronson hiện vẫn không thiếu những hợp đồng như vậy: Ông đang có một dự án xây dựng đường ống dẫn dầu từ nay đến năm 2014 trị giá 1,4 tỷ bảng Anh và một loạt dự án xây dựng khác ở London cũng như Madrid.


Heron Tower lời nhắn nhủ của Gerald Ronson dành cho đời sau ở thủ đô London


Hiện thời, Ronson vẫn làm việc 6,5 ngày một tuần và mỗi ngày làm việc từ 12-14 tiếng đồng hồ. Sáng thứ Bảy hàng tuần, ông thường lái xe kinh lý 74 trạm bán xăng kiêm siêu thị, một hình thức kinh doanh do chính ông du nhập từ Mỹ vào, hiện có doanh thu tới 300 triệu bảng Anh/năm.

Hiện chưa rõ liệu Heron Tower có là tuyệt tác cuối cùng hay chỉ là bước đệm để trùm bất động sản này tiến tới những dự án còn kỳ vĩ hơn nữa, nhất là khi ông lão 70 tuổi vẫn cảm thấy “sung sức bằng hai anh chàng tuổi 35 cộng lại”.

Minh Bích

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo