Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Quy hoạch sông nhìn từ các nước

Quy hoạch sông nhìn từ các nước

Viết email In

Hiện nay, rất nhiều thành phố lớn, hiện đại trên thế giới đều có các con sông tạo nên cảnh quan và điểm nhấn của bộ mặt 
đô thị. 

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong thời kỳ công nghiệp các cơ sở sản xuất và hàng hải như xưởng đóng tàu, nhà kho, nhà máy công nghiệp nặng... luôn chiếm cứ các khu vực dọc bờ sông. 

Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều thành phố đã nhận ra tầm quan trọng của việc quy hoạch ven sông để tạo ra môi trường đô thị xanh và mở.  


Marina Bay Sands, Singapore 
(nguồn: Ashui.com) 

Các thành phố như New York (Mỹ), Melbourne, Sydney (Úc)… lập ra các cơ quan riêng với quyền kiểm soát tài nguyên đất đai, tài sản, tài chính… để thực hiện dự án phát triển và quy hoạch ven sông. 

Tầm nhìn xa, kết hợp công tư

Trong một cuộc hội thảo hồi tháng 1/2013 do dự án đô thị hóa Nam Á của WB tổ chức, các học giả trên thế giới đã thảo luận sâu về những thách thức, chiến lược, các mô hình thành công của hoạt động quy hoạch ven sông đô thị. 

Các chuyên gia xác định có năm yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của việc quy hoạch và phát triển khu vực ven sông đô thị.

Thứ nhất, tầm nhìn xa tạo lực đẩy bền vững cho nhiệm vụ phát triển. Các sáng kiến phát triển đô thị thường kéo dài nhiều thập kỷ. Do đó, việc tạo ra một tầm nhìn, kế hoạch phát triển lâu dài, đảm bảo được sự quan tâm của cộng đồng, khối tư nhân và chính phủ là điều tối quan trọng.

Chuyên gia Richard Marshall, thuộc Hãng kiến trúc và thiết kế Perkins+Will, cho biết các thành phố như Thượng Hải ở Trung Quốc hay Abandoibarra tại Tây Ban Nha thực hiện dự án phát triển và quy hoạch ven sông liên tục trong 20-30 năm.

Thứ hai, cơ quan chịu trách nhiệm phát triển và quy hoạch ven sông phải đảm bảo được quyền độc lập, không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi chính trị. Các dự án phát triển đô thị thường dễ bị đổ bể do chính quyền thiếu ý chí chính trị hoặc những thay đổi nhân sự bất ngờ trong các cơ quan nhà nước.

Thứ ba, các dự án quy hoạch đất ven sông phải đảm bảo đa chức năng và chất lượng cao. Các chuyên gia cảnh báo việc sử dụng đất đai ven sông một cách bất hợp lý và không đồng bộ sẽ dẫn tới những thiệt hại tài chính nghiêm trọng đối với thành phố.

Phần lớn các khu ven sông ở nhiều thành phố hiện đại là sự kết hợp giữa không gian văn phòng, trung tâm kinh doanh, trung tâm cộng đồng với chức năng bán lẻ, giải trí và định cư.

Thứ tư, tiến trình phát triển và quy hoạch phải đảm bảo có sự tham gia ngay từ đầu của cộng đồng cư dân và doanh nghiệp khu vực.

Một trong những thách thức lớn nhất của việc phát triển vùng ven sông là việc cộng đồng dân cư và doanh nghiệp tại đây phải di dời. Do đó, nhà chức trách cần tham khảo ý kiến và đảm bảo quyền lợi của họ ngay từ ban đầu.

Thứ năm, mô hình hợp tác công tư thường đem lại thành công cho các dự án quy hoạch và phát triển khu vực ven sông đô thị. Các cơ quan nhà nước thường gặp hạn chế về nguồn lực tài chính và con người.

Trong khi đó, các dự án chuyển đổi vùng ven sông từ giá trị thấp trở thành các khu giá trị cao luôn thu hút khối tư nhân. Các thành phố có thể sử dụng khối tư nhân để nghiên cứu thị trường, đánh giá việc sử dụng đất, huy động tài chính... 


Khu dân cư Battery Park City ở New York (Mỹ) được đánh giá là một mô hình quy hoạch ven sông cực kỳ thành công
 (Ảnh: Wikipedia) 

Thành công nhờ cơ quan độc lập làm quy hoạch

Thành phố New York khi phát triển khu công viên - dân cư - văn phòng Battery Park City ở mũi tây nam đảo Manhattan đã lập hẳn cơ quan độc lập Battery Park City Authority để thực hiện việc quy hoạch và xây dựng. 

Chuyên gia Bonnie Harken của Hãng tư vấn Nautilus International Development Consulting nhận định chính nhờ sự độc lập mà Battery Park City Authority đã hoạt động thành công suốt năm thập kỷ bất chấp những thay đổi trong chính quyền thành phố New York trong quãng thời gian đó. 

Các mô hình tham khảo

Tại châu Á, có rất nhiều mô hình quy hoạch và phát triển ven sông đô thị thành công. Đầu tiên có thể kể đến chiến lược đô thị hóa sinh thái khu vực ven sông Hàn ở Seoul (Hàn Quốc) từ thập niên 1990 đến năm 2010.

Sông Hàn dài 514km và rộng khoảng 1km, chảy qua trung tâm Seoul. Trong thế kỷ 20, do dân số Seoul tăng nhanh nên hoạt động đô thị hóa gặm nhấm vào hai bên bờ sông Hàn. Con sông này trở thành nạn nhân của tốc độ tăng trưởng kinh tế chóng mặt của Seoul.

Đến thập niên 1980, sông Hàn bị ô nhiễm nặng do nước thải sinh hoạt và công nghiệp của thành phố.

Các bãi cát trắng biến mất và môi trường sinh thái bị hủy hoại. Từ thập niên 1990, chính quyền Seoul thực hiện hàng loạt dự án cải tạo sông Hàn và quy hoạch lại khu vực ven sông theo hướng gần gũi với môi trường tự nhiên.

Nhà chức trách bắt đầu xây hàng loạt công viên dọc bờ sông Hàn, kết hợp với các sân bóng, đường chạy bộ, bể bơi và các cơ sở giải trí khác.

Các dự án quan trọng khác là phát triển rừng Seoul, đảo Seonyudo và đảo Bamseom làm khu sinh thái dọc sông Hàn. Nghiên cứu của ĐH Quốc gia Singapore cho biết có rất nhiều yếu tố tạo ra sự thành công cho nỗ lực cải tạo bờ sông Hàn của Seoul.

Đó là ý chí chính trị và sự kết hợp của chính phủ với khối tư nhân. Các dự án như rừng Seoul và đảo Seonyudo đều được phát triển thông qua nhiều vòng tham khảo ý kiến người dân và đấu thầu thiết kế cuối cùng một cách cạnh tranh, công khai, minh bạch. 


Đảo Bamseom trên sông Hàn (nguồn: Ashui.com) 

Một ví dụ khác ở châu Á là vịnh Marina tại Singapore. Đây là nơi sông Singapore tiếp nối với biển. Từ thập niên 1960-1970, Chính phủ Singapore đã xác định biến khu vực này thành một trung tâm kinh doanh - giải trí - định cư mang tầm thế giới. Chính phủ bắt đầu di dời các khu nhà gần cửa sông Singapore, dọn sạch các khu nhà kho, cơ sở công nghiệp tại đây.

Nhà chức trách thực hiện kế hoạch phát triển với mục tiêu tạo một trung tâm đa chức năng, bao gồm nhà ở, văn phòng, khách sạn, trung tâm mua sắm, các trung tâm giải trí và không gian công cộng. Dù đây là dự án của chính phủ, nhưng các công ty tư nhân cũng được tạo điều kiện triển khai các dự án quan trọng góp phần tạo ra khu Marina Bay hiện đại.

Một mô hình đáng chú ý nữa là trung tâm kinh doanh Minato Mirai 21 của thành phố Yokohama tại Nhật. Hơn hai thập kỷ trước, hàng loạt bến tàu và cơ sở cảng lớn chiếm cứ trung tâm thành phố Yokohama.

Năm 1981, chính quyền Yokohama lập kế hoạch di dời các cơ sở này, biến nơi đây thành một trung tâm đô thị hiện đại, phát triển. Thành phố lập ra Tập đoàn Yokohama Minato Mirai 21 theo mô hình hợp tác công tư để phát triển khu Minato Mirai 21.

Tập đoàn Yokohama Minato Mirai 21 di dời toàn bộ các cơ sở công nghiệp tại đây, xây dựng hàng loạt công viên ven sông, kết hợp phát triển các tòa nhà cao tầng hiện đại, đồng thời tích hợp với các khu phố cổ của Yokohama.

Kết quả là khu Minato Mirai 21 trở thành một trung tâm đô thị hiện đại, một khu du lịch nổi tiếng thu hút nhiều du khách trong nước và nước ngoài. Nhờ đó, Yokohama trở thành một thành phố quốc tế cạnh tranh với cả thủ đô Tokyo. 

Hiếu Trung 
(Tuổi Trẻ)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo