Ashui.com

Friday
Jan 10th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Bảo tồn di sản và nền kinh tế địa phương

Bảo tồn di sản và nền kinh tế địa phương

Viết email In

Bảo tồn di sản đem lại nhiều giá trị: văn hóa, thẩm mỹ, giáo dục, môi trường, xã hội, lịch sử cùng nhiều giá trị khác. Và một giá trị của bảo tồn di sản được nhắc đến nhiều hơn trong thời gian gần đây là giá trị kinh tế. 

Trong nhiều năm, giá trị kinh tế thường được xem là quá nông cạn và hạ đẳng đối với ý nghĩa của tài nguyên lịch sử để có thể đem ra thảo luận nghiêm túc. Thậm chí ngày nay vẫn còn những người làm bảo tồn di sản tuyệt đối hóa chối bỏ những tính toán và quan điểm ủng hộ bảo tồn dựa trên lý lẽ kinh tế, cho rằng chúng hạ thấp và xúc phạm tầm quan trọng và những giá trị siêu hình, không đo đếm được của di sản lịch sử nhân loại.  


Khu Alberto Dock, thành phố Liverpool, Anh
(nguồn: tripadvisor.com) 

Nếu xét trong quãng thời gian dài, những ý kiến như trên đương nhiên hợp lý. Trong chặng đường dài, tác động kinh tế của việc bảo tồn di sản trở nên kém quan trọng hơn rất nhiều so với ý nghĩa về giáo dục, môi trường, văn hóa, thẩm mỹ và xã hội. Qua thời gian, chẳng mấy ai còn quan tâm đến số lượng việc làm tạo ra từ việc xây dựng Angkor Wat hoặc tiền thuế thu được từ những quảng trường ở Florence. Qua thời gian, những giá trị còn lại của bảo tồn di sản trờ nên quan trọng hơn giá trị kinh tế. Nhưng, như nhà kinh tế nổi tiếng người Anh John Maynard đã nói: “Qua thời gian, ai rồi cũng sẽ chết.” 

Tuy nhiên, xét trong giai đoạn ngắn hơn, những đối tượng có sức ảnh hưởng lớn nhất đến những gì xảy ra với tài nguyên di sản của chúng ta – chủ nhân công trình, các chính trị gia, các ngân hàng và nhà đầu tư – chắc chắn có quan tâm đến khía cạnh kinh tế của những công trình di sản. Thường thì những người ra quyết định ủng hộ bảo tồn di sản dựa trên những lý lẽ kinh tế hơn là những yếu tố còn lại, dù chúng có quan trọng hơn. 

Do đó, ngày càng nhiều tổ chức bảo tồn di sản chọn kinh tế làm nội dung nghiên cứu. Europa Nostra, liên minh các nhóm bảo tồn di sản châu Âu, trong một tài liệu mang tên Cultural Heritage Counts for Europe đã ghi chú: “Di sản văn hóa mang lại nhiều lợi ích cho châu Âu ngày nay”[1]. Nhiều lợi ích trong số đó thuộc về kinh tế.

Nhiều nghiên cứu trong thập kỷ qua đã xác định năm biểu hiện chính của tác động kinh tế trong bảo tồn di sản : 1) việc làm và thu nhập hộ gia đình; 2) tái phát triển khu trung tâm thành phố; 3) du lịch di sản; 4) giá trị bất động sản; và 5) nuôi dưỡng các doanh nghiệp nhỏ

Việc làm và thu nhập hộ gia đình

Thứ nhất, việc làm và thu nhập hộ gia đình. Đối với hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực phát triển kinh tế, ưu tiên hàng đầu là tạo ra việc làm và gia tăng thu nhập hộ gia đình. Việc phục hồi những công trình lịch sử mang lại hiệu quả đặc biệt ở khía cạnh này. Tại Mỹ, chi phí xây dựng công trình mới bao gồm một nửa là vật liệu, và một nửa là nhân lực. Chi phí phục hồi di sản lại bao gồm 60-70% nhân lực và phần còn lại thuộc về vật liệu. Sự thâm dụng lao động này tác động đến kinh tế địa phương ở hai cấp độ. Thứ nhất, ví dụ, các thiết bị cấp thoát nước được mua từ một nhà máy cách xa hàng ngàn cây số và gỗ thì nhập khẩu từ bên kia đại dương, nhưng mấy ông thợ ống nước và thợ mộc thì băng qua đường là có ngay dịch vụ. Hơn thế, một khi ống nước đã lắp đặt xong thì người ta không cần phải chi thêm vào việc này nữa. Ông thợ ống nước thì lại ghé tiệm cắt tóc trên đường về nhà, đi siêu thị mua đồ ăn, góp tiền cho các quỹ từ thiện địa phương và mỗi khoản chi tiêu đó lại được xoay vòng ở địa phương.

Cơ quan Phát triển Quốc tế Thụy Điển đã tài trợ cho những dự án ở vùng Bờ Tây Palestine, ở đó họ nhận ra là cứ một dự án di sản trị giá 100.000 USD sẽ tạo ra từ 3.000 đến 3.500 ngày công với phần chi phí nhân lực chiếm khoảng 70% tổng chi phí. Ở Australia, người ta kết luận rằng các dự án bảo tồn di sản cũng sử dụng nhiều lao động hơn và kích thích sự phát triển những kỹ năng và hoạt động buôn bán truyền thống.[2]

Một vài người nghĩ rằng phát triển kinh tế chỉ có nghĩa là sản xuất. Tuy vậy, tiểu bang Tennessee là một ví dụ minh chứng điều ngược lại. Cứ mỗi một triệu USD chi cho sản xuất, một nhà máy trung bình ở Tennessee sẽ tạo ra 28,8 việc làm. Một triệu USD chi cho việc xây dựng công trình mới tạo ra 36,1 việc làm. Nhưng một triệu USD để phục hồi một công trình lịch sử thì sao? 40 việc làm.

Một triệu USD sản phẩm sẽ đóng góp thêm 604.000 USD vào thu nhập hộ gia đình ở địa phương. Một triệu USD chi cho việc xây dựng mới tạo ra 764.000 USD. Còn một triệu USD chi cho phục hồi di sản? Hơn 826.000 USD.[3]

Đến đây có thể có người cãi lại: “Thì đúng, nhưng một khi dự án hoàn thành thì công việc cũng hết.” Điều này không sai, nhưng có hai câu trả lời cho nhận định trên. Thứ nhất, bất động sản là một dạng tài sản như các thiết bị xây dựng công trình.Tức nó có tác động kinh tế trong thời gian xây dựng và cả sau đó, khi công trình đi vào sử dụng. Ngoài ra, vì hầu hết các cấu phần của một công trình có tuổi thọ 25-40 năm, một địa phương có thể phục hồi 2-3% số công trình hàng năm và hoạt động xây dựng cứ thế tiếp tục trong thời gian dài. Và những công việc thế này không thể bị chuyển ra nước ngoài.

Ở châu Âu, phục hồi di sản tạo ra nhiều hơn 16,5% việc làm so với xây dựng mới, và mỗi công việc trực tiếp trong lĩnh vực di sản văn hóa tạo ra 26,7 việc làm gián tiếp khác. Con số này trong ngành công nghiệp xe hơi chỉ là 6,3:1.[4]

Nhưng còn có một vấn đề khó nhận thấy hơn liên quan đến việc làm trong lĩnh vực bảo tồn di sản – chúng thường là những việc được trả lương cao và thị trường quốc tế thường có sự khan hiếm những kỹ năng phù hợp. Một nghiên cứu năm 2005 ở Vương quốc Anh đã cho thấy nhu cầu bổ sung 6.500 nhân lực trong 12 tháng tiếp theo để đáp ứng nhu cầu lập tức.[5] Giám đốc Cơ quan Di sản Na Uy đã xác nhận một lượng lớn tồn đọng các công trình cần được duy tu trong khi có quá ít nhân lực được đào tạo để thực hiện nó.[6] Việc phục dựng và tái phát triển khu dân cư cổ Darb al-Ahmar ở thành phố Cairo đã đem lại một lượng lớn việc làm và các chương trình đào tạo; vào những lúc cao điểm mỗi ngày có khoảng 400 người làm việc cho dự án.[7] 


Khu dân cư cổ Darb al-Ahmar ở thành phố Cairo, Ai Cập (nguồn: akdn.org)

Tầm quan trọng và cơ hội dành cho những người thợ lành nghề không hề nhỏ. Tại Anh quốc, người ta ước tính có 86.000 người làm công việc bảo tồn cho gần 4,5 triệu ngôi nhà cổ v à 550.000 tòa nhà thương mại khác có giá trị lịch sử. Tại Pháp, 40.000 thợ thủ công làm các công việc sửa chữa và duy tu di sản văn hóa.[9]

Quỹ Aga Khan đang tài trợ cho các nước Trung Đông trong chương trình khôi phục các kỹ năng truyền thống, tạo ra nhiều việc làm mới và cung cấp các chương trình đào tạo tại chỗ.[10] Tại Halmstad, Thụy Điển, các dự án phục dựng đã giúp những người thất nghiệp trong thời gian dài quay lại làm việc và đào tạo kỹ năng cho người nhập cư, người mới vào nghề và phụ nữ.[11]

Dù ở nền kinh tế đã phát triển toàn diện, kinh tế đang phát triển, kinh tế thị trường hay kinh tế xã hội chủ nghĩa, luôn có những nhà kinh tế và các chính trị gia cho rằng trong thời kì suy thoái, chi tiêu công nên được dành để tạo ra việc làm. Và thường trên thế giới, xây dựng hạ tầng giao thông là hình thức đầu tư ưa thích của các chính trị gia.

David Listokin thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đô thị tại đại học Rutgers đã tính toán tác động tương đối của các dự án công. Giả dụ chính phủ chi một triệu USD để xây dựng một con đường cao tốc. Điều này tạo ra 34 việc làm; 1,2 triệu USD thu nhập hộ gia đình; 100.000 USD tiền thuế tiều bang và 85.000 USD tiền thuế địa phương.

Hoặc chính phủ có thể xây mộ tòa nhà mới với chi phí một triệu USD. Kết quả: 36 việc làm ;1.230.000 USD thu nhập hộ gia đình; 103.000 USD thuế tiểu bang;và 86.000 USD thuế địa phương.

Hoặc một triệu USD đó có thể được dùng đề khôi phục một công trình lịch sử. Nó sẽ tạo ra 38 việc làm, 1.300.000 thu nhập hộ gia đình, 110.000 USD thuế tiều bang và 92.000 USD thuế địa phương. Lựa chọn nào có tác động kinh tế tích cực nhất trong các dự án công đã rõ ràng.[12]

Nói cho cùng, phát triển kinh tế là tạo ra công ăn việc làm và bảo tồn di sản không chỉ tạo ra việc làm, nó tạo ra nhiều việc làm tốt. 


Halmstad, Thụy Điển (nguồn: airliners.net) 

Tái phát triển khu trung tâm thành phố

Tác động thứ hai của bảo tồn di sản là tái phát triển khu trung tâm thành phố. Trên khắp nước Mỹ, nhiều khu trung tâm thành phố đã được hồi sinh. Khó mà chỉ ra được một ví dụ thành công lâu dài nào mà trong đó bảo tồn di sản không đóng một vài trò quyết định. Ngược lại, những ví dụ thất bại tốn kém đều cho thấy sự hủy hoại các công trình lịch sử đóng vai trò chính.

Cho đến nay, chương trình phát triển kinh tế đạt hiệu quả chi phí cao nhất tại Mỹ – không chỉ nói riêng về bảo tồn lịch sử hay tái phát triển khu trung tâm mà tính chung tất cả các chương trình phát triển kinh tế – là chương trình của của Quỹ Quốc gia về Bảo tồn Lịch sử mang tên Main Street. Đây là chương trình phát triển lõi thương mại dựa trên nền tảng bảo tồn lịch sử, chương trình này bắt đầu với khu trung tâm các đô thị nhỏ. Trong 25 năm qua, khoảng 1.700 địa phương ở tất cả 50 tiểu bang đã thực hiện chương trình Main Street. Trong suốt khoảng thời gian đó, tổng chi phí tái đầu tư cả công lẫn tư ở những địa phương có chương trình Main Street là 23 tỷ USD. Hơn 67.000 doanh nghiệp mới được hình thành, tạo ra 310.000 việc làm mới (net), 107.000 ngàn tòa nhà đã được nâng cấp. Mỗi USD đầu tư vào chương trình Main Street đã kích hoạt gần 27 USD đầu tư khác. Chi phí trung bình để tạo ra một việc làm là 2.500 USD, ít hơn 1/10 so với các chương trình phát triển kinh tế mà nhiều tiểu bang vẽ vời ra.[13]

Main Street bắt đầu như một chương trình phát triển kinh tế dành cho khu trung tâm các đô thị nhỏ nhưng những năm gần đây sự phát triển nhanh nhất của chương trình này lại nằm ở những thành phố lớn. Chương trình Main Street đầu tiên ở đô thị lớn và cực kì thành công là ở thành phố Boston, nơi mà nó trở thành ưu tiên hàng đầu của thị trưởng Merino. Các chương trình Main Street cũng nối bước xuất hiện ở Baltimore, San Diego, Philadelphia, Miwaukee, Dallas, Detroit, thủ đô Washington và nhiều nơi khác. 

Ngân hàng Phát triển Liên châu Mỹ có một chương trình lớn cho khu trung tâm thành phố Quito của Ecuador. Có nhiều chỉ số thể hiện cho thành công của chương trình: các doanh nghiệp mới, nhà hàng và các hoạt động văn hóa; hoạt động tái đầu tư của những cư dân mới lẫn hiện tại; sự gia tăng giá trị bất động sản; và lợi nhuận kinh tế sau cùng so với chi phí.

Những nỗ lực tương tự tại các khu lịch sử của thành phố Tunis, thủ đô của Tunisia, đã khuyến khích tầng lớp trung lưu quay trở lại nơi này vớ tư cách cư dân và chủ nhân bất động sản lẫn các hoạt động kinh doanh. Lợi tức đầu tư cá nhân luôn ở mức cao, và tỷ lệ huy động vốn nhà nước-tư nhân là 3:1.[14]

Tại bang British Columbia, Canada, người ta kết luận rằng phục hưng di sản ở khu trung tâm đã đem lại sự thịnh vượng kinh tế mà không cần đến những dự án phát triển mới quy mô lớn.

Các nước đang phát triển có một vấn đề lớn là tình trạng nhập cư quá mức từ nông thôn lên thành phố. Tuy nhiên, ở phần lớn châu Âu và Bắc Mỹ vấn đề lại trái ngược. Trong 40 năm qua đã có sự dịch chuyển của tầng lớp trung lưu ra khỏi khu trung tâm, để lại ở đó những thành phần rất giàu và rất nghèo.

Nhưng cứ khoảng năm năm một lần, các tạp chí như Times Newsweek lại đăng một câu chuyện về hiện tượng “trở lại thành phố” và thật sự đó là những gì đang diễn ra trên khắp nước Mỹ. Nhưng ở bất cứ nơi đâu có phong trào này xuất hiện, “trở về thành phố” không chỉ là quay lại thành phố nói chung, mà cụ thể là quay lại những khu dân cư lịch sử của thành phố. Có thể rồi cũng có những công trình mới, những khu dân cư mới, nhưng điều hấp dẫn đầu tiên khiến họ trở về vẫn là những khu vực lịch sử. 

Cựu thị trưởng của thủ đô Washington Anthony Williams đã xác lập một mục tiêu tham vọng nhưng đáng khích lệ về việc thu hút 100.000 cư dân mới đến thành phố trong vòng một thập kỷ. Có một nghiên cứu về những gì đã xảy ra ở Washington trong thập niên 1990. Trong mười năm đó, dân số Washington đã giảm từ 607.000 xuống khoảng 57.2000. Tuy nhiên mức giảm không đồng đều giữa các khu vực trong thành phố. Nếu các khu lịch sử của Washington suy giảm với tốc độ giống với những khu vực còn lại thì dân số thành phố năm 2000 có thể dưới 562.000. Ngược lại, nếu cả thành phố tăng dân số với cùng tốc độ ở những khu lịch sử, con số này có thể là hơn 621.000.[15] Điều đó cho thấy khi “trở lại thành phố” diễn ra, các khu lịch sử là những cực hút dân cư đầu tiên. 


Main Street ở Adams Morgan, Washington DC (nguồn: bristolrising.com) 

Du lịch di sản

Khía cạnh tiếp theo là du lịch di sản. Đây là một mảng phức tạp. Du lịch là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất của kinh tế thế giới, nhưng không phải thành phố nào cũng có thể hoặc nên xem du lịch như là một phần trọng yếu trong nền tảng kinh tế. Có những lý do văn hóa, kinh tế, hạ tầng, và đôi khi cả tôn giáo cho việc vì sao du lịch không phải phù hợp với mọi cộng đồng. Hơn nữa, sẽ là sai lầm nếu ta chỉ kết nối những công trình lịch sử với du lịch, còn rất nhiều cách khác để có thể sử dụng công trình lịch sử như một nguồn lợi địa phương. Tại Mỹ, 95% tài nguyên di sản không có liên hệ gì đến du lịch. Dù vậy, khi du lịch được xem như một phần trong chiến lược phát triển chung thì việc xác định, bảo vệ và phát huy nguồn tài nguyên di sản là thiết yếu cho bất kỳ nỗ lực bền vững nào.

Tại tiểu bang Virginia, một nghiên cứu đã so sánh sự tương phản trong hình thức chi tiêu giữa khách du lịch di sản với những khách không tham gia các hoạt động liên quan đến di sản. Họ nhận thấy rằng khách du lịch di sản lưu trú lâu hơn, viếng thăm các địa điểm nhiều hơn gấp hai lần, và do đó, chi tiêu nhiều hơn 2,5 lần trong một chuyến đi so với những dạng khách khác.Trên toàn thế giới, hiện tượng tương tự cũng xuất hiện trong tất cả những khảo sát về du lịch di sản: khách du lịch di sản lưu lại lâu hơn, tiêu nhiều tiền hơn trong một ngày, dẫn đến lợi ích kinh tế tính trên một chuyến tham quan lớn hơn rõ rệt.[16]

Biltmore, một điểm đến nổi tiếng ở tiểu bang North Carolina đã đặt hàng một nghiên cứu về tác động của nó ở địa phương. Và đây là những con số: 760 việc làm, 215 triệu USD đóng góp cho kinh tế địa phương, 5 triệu USD tiền thuế, 9,5 triệu USD tiền lương trực tiếp, và 8,4 triệu USD tiền lương gián tiếp. Nhưng đây mới là con số ấn tượng nhất: mỗi USD du khách tiêu xài ở Biltmore sẽ tạo ra 12 USD tiêu xài ở những nơi khác như khách sạn, nhà hàng, cây xăng, cửa hàng… Biltmore đóng vai trò như một thỏi nam châm hút du khách, nhưng với mỗi một đồng Biltmore thu được, những nơi khác cũng được hưởng 12 đồng.[17]

Người ta cũng phát hiện được kết quả tương tự ở Na Uy: chỉ 6-10% chi tiêu cho chuyến tham quan một địa điểm di sản văn hóa được thực hiện trong phạm vi địa điểm đó, số còn lại đi vào cộng đồng xung quanh.[18]

Trường đại học Florida đã hợp tác với đại học Rutgers để thực hiện một nghiên cứu kinh tế về hoạt động bảo vệ di sản ở Florida. Florida không phải là một tiểu bang mà khi nói đến mọi người có thể nghĩ ngay đến du lịch di sản. Người ta thường nghĩ đến Disney World, các bãi biển và sân gôn trước. Dễ nhận thấy du lịch là ngành công nghiệp lớn nhất ở Florida, nhưng điều gây ngạc nhiên là trong đó mảng du lịch di sản lại có những đóng góp ấn tượng với 3 tỷ USD chi tiêu của du khách, 500 triệu USD tiền thuế và hơn 100.000 việc làm. Dễ đoán được là hầu hết việc làm thuộc khu vực bán lẻ và dịch vụ, tuy nhiên tất cả những khu vực còn lại của nền kinh tế đều có những tác động tích cực.[19]

Evora là một thành phố La Mã 2.000 năm tuổi ở Bồ Đào Nha. Là một di sản thế giới, Evora theo đuổi chiến lược du lịch di sản bền vững hơn ba thập kỷ qua. Thành công của thành phố dựa vào nền tảng do người thị trưởng lâu năm vạch ra: “…du lịch sẽ tạo ra sự cộng sinh hòa hợp với di sản, do đó không được phép phát triển kinh tế bằng việc đánh đổi những giá trị nền tảng và không được cản trở cộng đồng tiếp cận những di sản văn hóa được thừa hưởng từ cha ông.”[20]

Đằng sau tất cả những con số kể trên còn có một kết luận quan trọng hơn: khi du lịch di sản được thực hiện đúng cách, đối tượng thụ hưởng lớn nhất không phải là du khách mà là cộng đồng địa phương, những người có thêm sự tự hào và am hiểu về thành phố họ sống và lịch sử của nó. 

Giá trị bất động sản

Mỹ là một đất nước bị ám ảnh về quyền bất động sản. Vì lẽ đó, mảng nghiên cứu được thực hiện thường xuyên nhất là ảnh hưởng lên giá trị bất động sản ở những khu vực lịch sử. Và phát hiện phổ biến nhất? Bất động sản trong những khu vực lịch sử tăng giá mạnh hơn thị trường địa phương nói chung, và chúng tăng nhanh hơn những khu dân cư có đặc điểm tương tự nhưng không được công nhận di sản. Trường hợp kém nhất là bất động sản trong khu vực lịch sử tăng giá bằng với thị trường chung của địa phương.

Ở Anh quốc, người ta phát hiện rằng những ngôi nhà xây trước năm 1919 có giá trị lớn hơn 20% so với những căn tương đương nhưng ít tuổi hơn, và với những ngôi nhà thuộc thời kỳ trước đó thì giá trị còn lớn hơn nữa.[21] Xét về khía cạnh thương mại, Hiệp hội Giám định viên Hoàng gia Anh (RICS) đã phân tích lợi tức trong 21 năm qua của những tòa nhà di sản được dùng cho chức năng văn phòng và nhận thấy rằng những tòa nhà được xếp hạng có chỉ số hơn những tòa nhà tương đương nhưng không được xếp hạng.[22] Các nghiên cứu tương tự ở Canada cũng cho thấy 1) các tòa nhà di sản cho kết quả tốt hơn nhiều so với mức chung trên thị trường trong 30 năm qua, 2) không có bằng chứng về việc xếp hạng di tích sẽ làm giảm giá trị bất động sản, và 3) giá trị bất động sản của những ngôi nhà thuộc di sản không bị ảnh hưởng trong đợt cơn suy thoái định kỳ.

Và điều này không chỉ đúng với những nền kinh tế tiên tiến nhất. Ở Quito, một nghiên cứu kéo dài 6 năm đã cho thấy giá trị đất đai ở những khu vực di sản được chọn làm mẫu tăng giá 44%, so với mức dưới 10% ở những khu vực quanh đó.[23] 


Quito, Ecuador (nguồn: wikimedia.org) 

Nuôi dưỡng doanh nghiệp nhỏ

Một đóng góp ít được nói tới của các tòa nhà lịch sử là vai trò dung dưỡng sẵn có cho các doanh nghiệp nhỏ. Ở Mỹ, 85% số việc làm mới (net) được tạo ra từ các công ty có quy mô nhân sự ít hơn 20 người. Tỷ lệ đó ở châu Âu là tương đương và thậm chí cao hơn ở những nước đang phát triển. Một trong số ít chi phí những doanh nghiệp như thế này có thể kiểm soát được là phí thuê mặt bằng. Đóng góp quan trọng của những tòa nhà cũ vào kinh tế địa phương là giá cho thuê mặt bằng thấp hơn so với các sản phẩm khác. Không phải ngẫu nhiên mà các công ty khởi nghiệp hoặc làm về sáng tạo không chọn thuê mặt bằng ở những khu văn phòng tập trung hay các trung tâm thương mại: họ không kham nổi chi phí mặt bằng ở đó. Những tòa nhà lịch sử trở thành nơi nuôi dưỡng kinh doanh một cách tự nhiên mà ít khi cần đến các biện pháp trợ vốn.

Pioneer Square ở thành phố Seattle là một trong những khu dân cư và thương mại lâu đời và nổi tiếng ở Mỹ. Hiệp hội doanh nghiệp đã khảo sát lý do vì sao các công ty chọn khu vực này. Lý do phổ biến nhất: đây là khu vực lịch sử. Lý do phổ biến thứ hai: chi phí thuê mặt bằng thấp.[24] Cả hai lý do trên đều không phải ngẫu nhiên.

Ở Ningbo, Trung Quốc, trong thập kỷ qua nhiều tòa nhà xuống cấp, quá tải dân cư và kém vệ sinh đã được chuyển đổi thành Fan Center, là nơi dành cho các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ bán đồ cổ, sách và sản phẩm nghệ thuật. Việc phục dựng Souq al Saghir ở Damascus đã kích hoạt nhiều doanh nghiệp mới và giúp các doanh nghiệp hiện tại mở rộng hoạt động, phục vụ cả du khách lẫn dân địa phương. Ở Macao, 60% doanh thu bán lẻ đến từ những khu vực bảo tồn di sản.

Ở mọi quốc gia, di sản đồng nghĩa với tài sản, và với nhiều quốc gia thuộc vùng châu Á Thái Bình Dương nó là một mảng chủ đạo cho sự phát triển kinh tế trong tương lai. Các di sản quan trọng có giá trị như những liên kết hữu hình với quá khứ, là nguồn lợi lớn thúc đẩy kinh doanh và du lịch. 

Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cũng cho thấy những con số tương tự. Chủ tịch Ủy ban Di sản của Australia đã phát biểu:
Tóm lại năm nội dung chính trong tính kinh tế của di sản là: việc làm, tái phát triển khu trung tâm, giá trị bất động sản, và nuôi dưỡng doanh nghiệp nhỏ. Các tác động khác cũng được phát hiện trong một vài nghiên cứu như doanh thu từ công nghiệp điện ảnh, sự phát triển của các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ, mối liên hệ giữa nghệ thuật trình diễn và hạ tầng lịch sử, khả năng ổn định dân cư, khả năng hấp thụ kinh tế của khu vực dân cư, khả năng sinh thuế và nhiều nội dung khác.

Lợi ích kinh tế gián tiếp

Có ba mảng khác có thể gọi tên là những lợi ích đi kèm kinh tế (tạm dịch từ economics once removed). Đây là những mảng mà hoạt động bảo vệ di sản ở Mỹ dưới sự điều hành của Quỹ Quốc gia về Bảo tồn Lịch sử càng có vị trí trung tâm trong những chiến lược có phạm vi lớn hơn. Những chiến lược này gồm có nhà ở xã hội, phong trào Tăng trưởng Thông minh (chống lại mô hình phát triển dàn trải với mật độ thấp), và cuối cùng là vấn đề rộng lớn hơn thuộc về phát triển bền vững. Các chương trình ở Mỹ có mục đích thứ nhất là nghiên cứu tác động của việc bảo tồn lịch sử quốc gia trong những mảng này; thứ hai, để giáo dục các chuyên gia bảo tồn về những phát hiện sau nghiên cứu; thứ ba; để truyền tải vai trò của bảo tồn đến công chúng; và cuối cùng, đưa bảo tồn lịch sử trở thành một trong những thành tố chủ đạo trong chiến lược phát triển tổng thể. 

Phong trào Tăng trưởng Thông minh có những tiêu chí rõ ràng như sau: 

  • Tạo ra nhiều lựa chọn và cơ hội nhà ở;
  • Tạo ra môi trường đi bộ thuận tiện trong khu dân cư;
  • Khuyến khích sự hợp tác cộng đồng và các đối tượng có lợi ích và trách nhiệm liên quan;
  • Tạo ra những nơi chốn hấp dẫn, có ‘cảm nhận nơi chốn’ đặc trưng;
  • Đảm bảo các quyết định đưa ra được công bằng, đáng tin cậy và có hiệu quả chi phí;
  • Sử dụng đất kết hợp nhiều chức năng;
  • Bảo vệ không gian mở, đất nông nghiệp, cảnh đẹp tự nhiên và những khu vực có ý nghĩa môi trường quan trọng;
  • Cung cấp nhiều lựa chọn di chuyển;
  • Tăng cường và hướng sự phát triển vào những khu vực đô thị hóa hiện hữu;
  • Khai thác mô hình xây dựng có độ nén cao.

Nếu một địa phương chỉ làm môt việc là bảo vệ các khu dân cư lịch sử của nó thì tất cả những nguyên lý của Tăng trưởng Thông minh đều được thúc đẩy. Sự thật là, bất kỳ chiến lược Tăng trưởng Thông minh nào mà không đặt bảo tồn lịch sử vào vị trí trung tâm đều là tăng trưởng ngu, chấm hết.

Còn một mảng tác động nữa của bảo tồn di sản, tuy ít rõ ràng hơn. Ngày nay, nhiều quốc gia đang tích cực thực hiện các chương trình tái chế lon nhôm đã qua sử dụng. Làm việc này đủ thứ rắc rối, nhưng ta biết nó tốt cho môi trường. Khắp nơi trên nước Mỹ, san lấp chất thải rắn ngày càng trở thành một vấn đề đắt đỏ cả về tiền bạc lẫn chất lượng môi trường.

Một phần tư số rác thải được san lấp là rác thải xây dựng. Mối liên hệ giữa môi trường và việc phá hủy các công trình lịch sử thường bị bỏ qua. Một tòa nhà thương mại điển hình ở Mỹ có 2 tầng, rộng ~7,6m, sâu ~36,6m và xây bằng gạch. Nếu hôm nay chỉ một tòa nhà nhỏ đó bị tháo dỡ thì lợi ích môi trường từ việc tái chế 1.344.000 lon nhôm sẽ thành công cốc. Không chỉ một tòa nhà lịch sử bị mất đi mà nỗ lực tái chế trong nhiều tháng của người dân địa phương cũng bị lãng phí. Sao các nhà môi trường không thiết kế một cái sticker thế này đi: “Hãy tái sử dụng lon nhôm VÀ các tòa nhà lịch sử”?

Cuối cùng, nếu các thành phố muốn thành công trong cuộc đua toàn cầu hóa kinh tế, họ sẽ phải cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới. Tuy nhiên, thành công của các thành phố không chỉ được đánh giá bằng khả năng thúc đẩy toàn cầu hóa về kinh tế mà điều quan trọng tương đương còn là khả năng giảm thiểu tác động toàn cầu hóa về văn hóa. Không gian đô thị lịch sử của thành phố đóng vai trò then chốt trong cả hai trường hợp.

Những bài học quan trọng nhất về vai trò của bảo tồn di sản đối trong cuộc đua phát triển kinh tế đến từ những nơi phát triển nhanh trên thế giới, những nơi như Dubai, Bahrain và Singapore.

Belinda Yuen từ trường Đại học Quốc gia Singapore phát biểu: “…những ảnh hưởng của toàn cầu hóa đã kích thích sự phát triển các hoạt động bảo tồn di sản như một nhu cầu gìn giữ quá khứ ngày một lớn, phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế lẫn tăng cường hình ảnh văn hóa quốc gia.”[27]

Trong thế kỷ 21, chỉ những thành phố ngu ngốc mới phải chọn lựa giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế. Những nơi sáng suốt sẽ biết tận dụng không gian lịch sử của nó để đáp ứng những đòi hỏi lâu dài về kinh tế, văn hóa, xã hội của cư dân.

Bài viết này bắt đầu bằng một trích dẫn của một nhà kinh tế người Anh và sẽ kết thúc bằng lời của một nhà kinh tế người Mỹ. Kinh tế gia nổi tiềng từ Harvard, Jon Kenneth Galbraith, đã từng viết: “Các phong trào bảo tồn di sản có một đặc điểm rất thú vị. Đó là người ta không phải tranh cãi hay cảm thấy hối tiếc khi nhìn lại hành động của mình. Những người bảo tồn là những người duy nhất trên thế giới có thể chứng minh sự sáng suốt trong hành động của mình trong tất cả các trường hợp.”[28] 

Donovan D. Rypkema(*) / Nguyễn Thanh Việt (dịch /dothivietnam.org)
(Xuất bản trên Global Urban Development Magazine; tháng 8/2008, quyển 4, tập 1.) 

— 
Chú thích: (*) Tác giả Donovan D. Rypkema là chủ tịch công ty Chiến lược Di sản Quốc tế (HIS) ở thủ đô Washington và là một thành viên trong ban giám đốc tạp chí Global Urban Development (Phát triển Đô thị Toàn cầu), với vị trí đồng trưởng ban trong Ủy ban Chương trình Tôn vinh Di sản Đô thị của Chúng ta (GUD Program Committee on Celebrating Our Urban Heritage). HIS được thành lập năm 2004 như một công ty đồng hành với PlaceEconomics, một công ty tư vấn mà Rypkema là chủ sở hữu. Rypkema đã từng làm việc với các địa phương ở 49 tiểu bang Hoa Kỳ, 7 tỉnh của Canada và hơn 20 quốc gia. Ông là tác giả các cuốn sách Kinh tế học các Hoạt động Bảo tồn Lịch sử (The Economics of Historic Preservation), Phát triển dựa vào Cộng đồng Địa phương (Community Initiated Development), Kinh tế học các Hoạt động Phục hồi Di sản (The Economics of Rehabilitation), Phát triển Kinh tế ở các Khu vực Thương mại Trung tâm (Economic Development on Main Street) cùng nhiều ấn phẩm khác của Quỹ Quốc gia về Bảo tồn Lịch sử (National Trust for Historic Preservation). 


Dẫn nguồn: 

[1] http://www.europanostra.org/downloads/documents/position_paper_to_eu_institutions.pdf, Adopted June 2, 2005. Position paper of Europa Nostra
[2] Saud Amiry, “Job Creation Through Conservation,” paper presented at Swedish Urban Heritage Network at World Urban Forum II, Barcelona, Spain 2004.
[3] Calculations by the author based on data from Regional Multipliers: A User Handbook for the Regional Input-Output Modeling System (RIMS II), U. S. Department of Commerce, Bureau of Economic Analysis, May 1992 et.seq.
[4] Terje Nypan, “Cultural Heritage Monuments and Historic Buildings as Generators in a Post-Industrial Economy”, in Culture: New Jobs and Working Conditions through New Information Technology, proceedings of the vertikult workshop at the annual MEDICI conference. 13-14 November, 2003, Milan, Italy
[5] Traditional Building Crafts Skills: Assessing the Need, Meeting the Challenge, National Heritage Training Group, 2005, http://www.english-heritage.org.uk/upload/pdf/craft_skills_report.pdf
[6] Op. cit. Terje Nypan.
[7] Aga Khan Trust for Culture, “Al-Azhar Park, Cairo and the Revitalization of Darb Al-Ahmar,” (N.p.: Aga Khan Foundation, 2005), http://www.akdn.org/hcsp/cairo/PressBrief.pdf (3 August 2005) .
[8] Op. cit. Traditional Building Crafts Skills: Assessing the Need, Meeting the Challenge, ibid
[9] Op. cit. Terje Nypan.
[10] Op. cit. Aga Khan Trust
[11] UN-Habitat, “Conservation of the Cultural Heritage, Halmstad,” UN Best Practices Database, 1 January 1996, http://database.bestpractices.org/bp_display_best_practice.php?best_practice_id=202 (1 August 2005).
[12] Personal correspondence between author and Dr. David Listokin, Center for Urban Policy Research, Rutgers University. http://www.policy.rutgers.edu/cupr/
[13] http://www.mainstreet.org/content.aspx?page=7966
[14] Ismail Serageldin, “Our Past is our Future: Investing in our Cultural Heritage,” Proceedings of the 4th International Symposium of World Heritage Cities: Évora, September 17-20, 1997, (N.P.: Organization of World Heritage Cities, N.d.).
[15] Donovan D. Rypkema, Planning for the Future, Using the Past. The Role of Historic Preservation in Building Tomorrow’s Washington, DC. Office of Planning, September 2003, http://www.inclusivecity.org/docManager/1000000073/HistPres.pdf
[16] Donovan D. Rypkema, Virginia’s Economy and Historic Preservation: The Impact of Preservation on Jobs, Business, and Community, Preservation Alliance of Virginia, 1995
[17] Donovan D. Rypkema, Profiting from the Past: The Impact of Historic Preservation on the North Carolina Economy, Preservation North Carolina, 1998
[18] Op cit. Terje Nypan
[19] Economic Impacts of Historic Preservation in Florida, Center for Governmental Responsibility, University of Florida and Center for Urban Policy Research, Rutgers University, 2002, http://www.law.ufl.edu/cgr/pdf/historic_report.pdf
[20] Abílio Dias Fernandes, “Official Opening,” Proceedings of the 4th International Symposium of World Heritage Cities: Évora, September 17-20, 1997, (N.P.: Organization of World Heritage Cities, N.d.)
[21] English Heritage, Heritage Counts 2003 (London: English Heritage, 2003), http://www.english-heritage.org.uk/heritagecounts/newpdfs/DATA2.pdf (1 August, 2005)
[22] The investment performance of listed office buildings: 2002 update, 06 December 2002,IPD, English Heritage and the RICS Foundation http://www.rics.org/Property/Commercialproperty/Officeproperty/Officepropertymarket/investment_performance_20021206.htm
[23] Eduardo Rojas, Inter American Development Bank, correspondence with author
[24] Pioneer Square Business Climate Survey, 2002, Pioneer Square Business Improvement Area
[25] David Lung, “Introduction: The Future of Macao’s Past,” The Conservation of Urban Heritage: Macao Vision, International Conference, http://www.macaoheritage.net/vision/inConfE.asp (1 August 2005).
[26] Tom Harley, “The Value-add of Cultural Heritage,” AUSHeritage/AUSTrade Export Seminar, 2003 Chairman Australia Heritage Commission, Sidney, 27 June 2003, http://www.ausheritage.org.au/HARLEY.pdf (1 August 2005).
[27] Belinda Yuen, “Strengthening Urban Heritage in Sinagapore: Building Economic Competitiveness and Civic Identity,” Global Urban Development (May 2005), http://www.globalurban.org/Issue1PIMag05/MagHome.htm (1 August 2005).
[28] Quoted in The Economics of Historic Preservation: A Community Leader’s Guide, National Trust for Historic Preservation, 2005 

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...