Trung Quốc có những thành phố với diện tích hàng nghìn km2, dân số hàng chục triệu người, với quy mô GDP lớn hơn nhiều quốc gia trên thế giới.
Với dân số 30,75 triệu người, Trùng Khánh là thành phố đông dân nhất của Trung Quốc. Dân số của Trùng Khánh lớn hơn nhiều quốc gia tại Bắc và Trung Âu, hay thậm chí Australia. Trùng Khánh có diện tích lên tới 82.300 km 2, tức chỉ nhỏ hơn đôi chút so với diện tích của nước Áo. Đây là một trong những thành phố lớn nhất trên thế giới. Ảnh: CNN.
Nhỏ hơn 13 lần so với diện tích của Trùng Khánh, nhưng Thượng Hải có dân số 24,18 triệu người. GDP của thành phố đạt 448 tỷ USD, biến nơi đây thành đô thị giàu có nhất Trung Quốc. Nếu là một quốc gia, Thượng Hải sẽ có GDP lớn thứ 29 thế giới, xếp trên nhiều quốc gia phát triển như Na Uy, Ireland hay Đan Mạch. Từ năm 2010, Thượng Hải cũng là thành phố có thương cảng bận rộn nhất toàn cầu. Ảnh: CNN.
Thủ đô Bắc Kinh là thành phố đông đúc thứ 3 của Trung Quốc với dân số 21,71 triệu người. Nhà ga trung tâm thủ đô Bắc Kinh là ga đường sắt bận rộn thứ 4 tại châu Á, chỉ sau Tokyo, Thượng Hải và Thành Đô. Ảnh: CNN.
Thành Đô được coi là "ngôi sao đang lên" của Trung Quốc. Đây là thành phố nổi tiếng với những công viên bảo tồn gấu trúc và món lẩu cay nổi tiếng. Thành Đô có diện tích 12.132km 2, là thành phố lớn thứ 4 trên toàn Trung Quốc. Dân số của thành phố đạt khoảng 16,3 triệu người, gấp đôi các quốc gia như Thụy Sĩ hay Lào. Ảnh: CNN.
Cáp Nhĩ Tân là một siêu đô thị độc đáo của Trung Quốc, nhờ vào mùa đông khắc nghiệt với tuyết trắng phủ dày và lối kiến trúc chịu ảnh hưởng từ văn hóa Nga, do thành phố nằm cách không xa biên giới với Nga. Để giúp người dân vượt qua những mùa đông lạnh giá tới -38 độ C, thành phố đã xây dựng một công viên nước trong nhà rộng hơn 300.000 m2, với nhiệt độ trong nhà là 30 độ C. Cáp Nhĩ Tân có dân số khoảng 16 triệu người, diện tích 12.100km2. Ảnh: CNN.
Quảng Châu là một trong những thành phố lớn nhất tại miền Nam của Trung Quốc, với dân số 14,5 triệu người. Thành phố có lịch sử từ thế kỷ thứ 6, nằm bên bờ con đường tơ lụa trên biển, là đô thị thương mại sầm uất nhất trong nhiều thế kỷ của Trung Quốc. Hàng Châu có GDP đạt 297 tỷ USD, xếp thứ 4 trong số các thành phố của Trung Quốc. Ảnh: CNN.
Thiên Tân là một trong 4 thành phố trực thuộc trung ương duy nhất của Trung Quốc, với dân số 15,57 triệu người, diện tích 11.760 km2. Dù nằm giữa hàng loạt các thành phố lớn và giàu có hơn như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Trùng Khánh, thành phố biển này vẫn là điểm thu hút khách du lịch lớn của Trung Quốc. Mỗi năm Thiên Tân thu hút hơn 15 triệu lượt du khách. Ảnh: CNN.
Từ một thành phố làng chài ven biển, Thâm Quyến đã chuyển mình thành một trong những siêu đô thị trù phú nhất thế giới chỉ sau 30 năm. Từ khi được trao quy chế đặc khu kinh tế năm 1980, Thâm Quyến không ngừng phát triển và trở thành câu chuyện cổ tích về kinh tế của châu Á. Tòa nhà cao thứ 4 của thế giới, Trung tâm tài chính Bình An, cũng được xây dựng tại Thâm Quyến. Thâm Quyến có dân số 11,9 triệu người, diện tích 2.050 km2. Ảnh: CNN.
Với dân số 10,89 triệu người, Vũ Hán là siêu đô thị đông đúc nhất tại miền Trung của Trung Quốc. Do vị trí địa lý đặc trưng, thành phố trở thành điểm trung chuyển giao thông lớn nhất của Trung Quốc, với các chuyến tàu đến và đi liên tục suốt 24/7. Ảnh: CNN.
Với những người không thân thuộc với lịch sử và địa lý của Trung Quốc, Thạch Gia Trang là một cái tên xa lạ. Ít người có thể tưởng tượng rằng thành phố hiện là nhà của 10,87 triệu dân từng là một ngôi làng với vài trăm dân vào đầu thế kỷ 20. Vào thập kỷ 70 khi các tuyến đường sắt bắt đầu được xây dựng, Thạch Gia Trang trở thành trung tâm giao thông của tỉnh Hà Bắc và bắt đầu phát triển nhanh chóng. Ảnh: CNN.
Duy Anh
(Zing.vn /Theo CNN)
- Tòa nhà "năng lượng bằng không"
- Đài Bắc, thành phố “giàu ngầm” của châu Á
- Giai thoại Pruitt-Igoe
- 6 thành phố siêu tắc nghẽn trên thế giới
- 10 sân bay tốt nhất thế giới (SkyTrax 2018)
- Sân bay châu Á xóa ấn tượng bẩn thỉu, tệ hại thế nào?
- Nhật Bản hơn Trung Quốc về uy tín xây dựng hạ tầng ở châu Á
- Chỉ 1% rác bị thải ra môi trường - câu chuyện thành công của Tokyo
- Hà Lan, đất nước xe đạp nhiều hơn người
- Bài học từ các dự án đường sắt cao tốc thất bại ở châu Á