Việc nổ mìn đánh sập các tòa nhà của Khu nhà ở xã hội Pruitt-Igoe từ năm 1972 đến năm 1976 tại Mỹ đã gây chấn động dư luận thế giới. Nhiều năm sau người ta vẫn luôn đổ lỗi cho kiến trúc, đặc biệt là do những triết lý của Chủ nghĩa kiến trúc hiện đại, mà dự án đã được thiết kế theo. Bài viết của Katharine G. Bristol, giảng viên tại trường Đại học California, Berkeley sẽ phân tích trên nhiều khía cạnh để làm sáng tỏ giai thoại này. Bài viết mang nhiều thông tin bổ ích, đã là cơ sở để đạo diễn Chad Freidrichs làm cuốn phim tài liệu dành nhiều giải thưởng quốc tế “Giai thoại Pruitt-Igoe, một câu chuyện đô thị”. Cuốn phim đã được CLB Điện ảnh Kiến trúc chiếu vào ngày 16/3 vừa qua. Xưởng VUUV biên dịch lại bài viết này để giới thiệu tới bạn đọc.
Hình 1- Sự phá hủy của Pruitt-lgoe (Nguồn: St. Louis Post-Dispatch)
HIẾM CÓ HÌNH ẢNH KIẾN TRÚC NÀO CÓ SỨC TÁC ĐỘNG MẠNH MẼ HƠN QUANH CẢNH DỰ ÁN NHÀ Ở XÃ HỘI PRUITT-IGOE KHI NÓ BỊ PHÁ HỦY (hình 1).
Kể từ sự phá hủy thử nghiệm ba tòa nhà vào năm 1972, Pruitt-Igoe đã trở thành biểu tượng sau khi được sử dụng liên tục trong hàng loạt các cuộc tranh luận trong kiến trúc. Trong các cuộc tranh luận này, gần như tất cả đều nhất trí rằng sự sụp đổ của dự án là chứng minh cho sự thất bại về kiến trúc. Khi Charles Jencks tuyên bố vào năm 1977 rằng việc phá hủy Pruitt-Igoe đại diện cho cái chết của kiến trúc hiện đại, ông đã đưa ra một giải thích về dự án mà ngày nay đã được chấp nhận rộng rãi. Bất cứ ai chỉ biết qua về lịch sử kiến trúc Mỹ gần đây đều tự động liên tưởng Pruitt-Igoe với sự thất bại của Chủ nghĩa hiện đại cực đoan (High Modernism), và với sự bất cập trong nỗ lực cung cấp môi trường sống cho người nghèo.
Phiên bản này của câu chuyện Pruitt-Igoe là một giai thoại. Cốt lõi của giai thoại là thiết kế kiến trúc chịu trách nhiệm cho sự sụp đổ của Pruitt-Igoe. Trong phần đầu tiên của bài tiểu luận này, tôi sẽ làm sáng tỏ giai thoại bằng cách tóm tắt ngắn gọn lịch sử của Pruitt-Igoe bằng cách nhìn từ vị trí của nó trong một bối cảnh lịch sử lớn hơn về chính sách tái phát triển đô thị và nhà ở. Lịch sử của nó gắn liền với những hoàn cảnh kinh tế và chính trị ảnh hưởng lớn lao đến việc xây dựng và quản lý Pruitt-Igoe. Phần tiếp theo, tôi sẽ nói về việc giai thoại Pruitt-Igoe được tạo ra và lan toả như thế nào, cả trên báo chí quốc gia, các nhà phê bình kiến trúc và các kiến trúc sư, và làm thế nào mỗi khi kể lại một câu chuyện về Pruitt-Igoe, lại có thêm các khía cạnh mới cho giai thoại. Tôi muốn tập trung sự chú ý đặc biệt vào một trong những khía cạnh quan trọng nhất của giai thoại: mối liên hệ giữa thất bại của dự án và sự kết thúc của Kiến trúc hiện đại. Trong phần cuối cùng, tôi sẽ phản biện về những lý giải của giai thoại Pruitt-Igoe như một sự đánh lừa. Bằng cách đổ trách nhiệm về sự thất bại của nhà ở công cộng cho các nhà thiết kế, giai thoại đã đánh lạc hướng sự chú ý khỏi nguồn gốc những vấn đề về nhà ở công cộng xuất phát từ thể chế hay cơ cấu. Nhưng đồng thời nó nâng cao vai trò của nghê kiến trúc bởi nó ám chỉ rằng các vấn đề xã hội sâu xa là do kiến trúc gây nên, và do đó cũng phải được giải quyết bằng thiết kế kiến trúc.
Câu chuyện Pruitt-lgoe: Nhà ở xã hội và tái phát triển đô thị
Pruitt-Igoe được tạo ra theo Đạo luật Nhà ở Hoa Kỳ năm 1949, bằng cách cấp ngân sách trực tiếp cho các thành phố để giải phóng mặt bằng khu ổ chuột, tái phát triển đô thị và nhà ở xã hội. Giống như nhiều thành phố khác trong khu vực sau chiến tranh, St. Louis đã trải qua sự thay đổi lớn với tầng lớp trung lưu, chủ yếu là da trắng, di dời đến các vùng ngoại ô. Trong khi đó, các khu ổ chuột ở trung tâm thành phố đang ngày càng lan rộng, khi các gia đình nghèo di cư đến những khu vực bị bỏ lại bởi những người trung lưu rời khỏi thành phố. Nằm trong vành đai ngay cận khu trung tâm thương mại, những khu ổ chuột này hoàn toàn bị phân biệt chủng tộc. Người da đen chiếm khu vực ngay phía bắc trung tâm, trong khi người da trắng có xu hướng sống ở phía nam. Khu ổ chuột mở rộng nhanh chóng với dòng người da đen nghèo thời hậu chiến từ miền Nam. Khi các khu ổ chuột này phát triển gần hơn tới khu thương mại trung tâm, các quan chức thành phố và cộng đồng doanh nghiệp địa phương lo ngại về sự suy giảm giá trị tài sản, đi kèm với sự đe dọa kinh tế của bất động sản trung tâm thành phố. Họ đã phản ứng bằng cách phát triển một kế hoạch toàn diện để tái phát triển khu vực bao quanh ngay ngoài trung tâm thương mại của thành phố.
Sử dụng các điều khoản tái phát triển đô thị của Đạo luật Nhà ở năm 1949, Cơ quan Tái phát triển và Giải phóng mặt bằng của St. Louis đã lên kế hoạch để sở hữu và dọn sạch các vùng rộng lớn trong khu ổ chuột đồng thời bán chúng với giá rẻ cho các nhà đầu tư tư nhân. Những dự án tái phát triển này được tổ chức chủ yếu để phù hợp với nhà ở thu nhập trung bình và phát triển thương mại nhằm lôi kéo tầng lớp trung lưu trở lại trung tâm thành phố. Đồng thời, Cơ quan Nhà ở St. Louis sẽ giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà ở xã hội. Các dự án này nhằm cung cấp số lượng lớn các đơn vị nhà ở cho người nghèo để ngăn chặn sự mở rộng khu ổ chuột, và cũng để dành cho các hộ gia đình phải di dời do tái phát triển và các dự án giải phóng mặt bằng khu ổ chuột khác.
Hình 2- View nhìn trên không của Pruitt-Igoe
Hình 3- Tổng mặt bằng dự án
Pruitt-Igoe là một trong những dự án nhà ở xã hội này. Nằm trên một khu đất rộng 57 mẫu ở khu ổ chuột da đen phía bắc, đây là một trong số những vùng được nhắm giải phóng mặt bằng theo kế hoạch tái phát triển sau chiến tranh. Vào năm 1950, St. Louis đã nhận được một cam kết của liên bang đối với 5800 đơn vị nhà ở xã hội, một lượng tiền trong đó được Cơ quan Nhà ở St. Louis phân bổ cho Pruitt-Igoe. Dự án 2700 căn hộ sẽ chứa 15.000 người thuê nhà với mật độ cao hơn so với nhà ở khu ổ chuột ban đầu. Mật độ cao xuất phát từ kỳ vọng của các quan chức nhà ở và tái phát triển, rằng các dự án này cuối cùng sẽ đến không chỉ với những người tái định cư do giải phóng mặt bằng khu ổ chuột của Pruitt-Igoe, mà còn đến từ những hộ di dời bởi việc san bằng cho các dự án tái phát triển và nhà ở xã hội trong tương lai.
Năm 1950, Cơ quan Nhà ở St. Louis ủy quyền cho công ty Leinweber, Yamasaki và Hellmuth thiết kế Pruitt-Igoe. Yêu cầu của kiến trúc sư bị hạn chế bởi quy mô và vị trí của địa điểm, số lượng đơn vị và mật độ dự án, tất cả đều được xác định trước bởi Cơ quan Nhà ở St. Louis. Đề xuất thiết kế đầu tiên của họ kêu gọi xây dựng một khu hỗn hợp các cấu trúc cao tầng, trung tầng và đi bộ. Mặc dù sự sắp xếp này được chính quyền địa phương chấp nhận, nhưng nó vượt quá chi phí tối đa cho phép của chính phủ liên bang cho mỗi đơn vị ở. Đúng lúc đó, một giám đốc hiện trường của Cơ quan Quản lý Nhà ở Liên bang (P.H.A.) đã can thiệp và khăng khăng một kế hoạch sử dụng 33 tòa nhà có thang máy mười một tầng giống hệt nhau (Hình 2 và 3). Những thay đổi thiết kế này diễn ra trong tình hình kinh tế nghiêm ngặt và nỗ lực hiệu quả của P.H.A. Sự phản đối chính trị đối với chương trình nhà ở xã hội đặc biệt căng thẳng trong bầu không khí chính trị bảo thủ đầu những năm 1950. Ngoài ra, sự bùng nổ của chiến tranh Triều Tiên đã tạo ra lạm phát và thiếu hụt nguyên liệu, và P.H.A. nhận ra họ phải lý giải được việc chi tiêu cho nhà ở xã hội trước một Quốc hội không tán đồng.
Hình 4- Một khối nhà điển hình của Pruitt-Igoe
Bất chấp áp lực mạnh mẽ của nền kinh tế, các kiến trúc sư đã dành rất nhiều sự quan tâm để cải thiện điều kiện sống trong các đơn vị ở cao tầng. Một trong những chiến lược của họ là sử dụng hai đặc trưng thiết kế mới phổ biến với những thang máy nhảy cóc tầng (“skip-stop”) và hành lang (galleries) kính hướng ra bên ngoài (Hình 4 và 5). Chúng được dự định để tạo ra "không gian giao lưu" trong mỗi tòa nhà. Các hành lang, cách ba tầng có một, được hình thành như những "hành lang tổ hợp trên mặt tiền". Thang máy “skip-stop” vận chuyển cư dân đến các hành lang, từ đó họ sẽ đi bộ đến căn hộ của họ. Phòng giặt và kho cũng mở ra các hành lang này. Khi Pruitt-Igoe được công bố trên các tạp chí kiến trúc của Mỹ như Architectural Forum hay Architectural Record, chính những đặc điểm thiết kế đặc trưng này này đã nhận được nhiều sự chú ý nhất. Architectural Record ca ngợi thang máy “skip-stop” và hành lang là sự bù đắp sáng tạo cho những thiếu sót về hình thức của nhà ở cao tầng:
Bởi vì theo luật pháp liên bang, các toà nhà này là sự kết hợp của các dự án nhà ở cho thuê giá rẻ cũng như giải phóng mặt bằng khu ổ chuột, nằm gần trung tâm thành phố, một giải pháp nhà cao tầng, mật độ cao là không thể tránh được, nhưng vấn đề là làm thế nào để quy hoạch một dự án nhà cao tầng trên quy mô lớn mà vẫn đem lại cho người dân sự gần gũi và tính cá thể nhiều nhất có thể, trong phạm vi luật pháp cho phép, để tránh bầu không khí "dự án" thường bị chỉ trích.
Ngay cả sau khi các kiến trúc sư đã chuyển sang giải pháp toàn bộ nhà cao tầng, họ vẫn phải đối mặt với áp lực liên tục từ Cơ quan Quản lý Nhà ở Cộng đồng để giữ chi phí ở mức tối thiểu. Trong một nghiên cứu năm 1975 về chi tiêu của Cơ quan Nhà ở St. Louis đối với Pruitt-Igoe, nhà khoa học chính trị Eugene Meehan đã phân tích mức độ mà những hạn chế về ngân sách này ảnh hưởng đến thiết kế cuối cùng. Ngoài việc loại bỏ các tiện nghi, chẳng hạn như sân chơi trẻ em, cảnh quan, và phòng tắm ở tầng trệt, sự cắt giảm chi phí hướng vào nhiều điểm trong hợp đồng giữa người thuê và các đơn vị ở. “Chất lượng của trang thiết bị nghèo nàn đến nối những tay nắm cửa và khóa bị hỏng trong quá trình sử dụng ban đầu. Cánh cửa sổ bị thổi bung từ các khung cửa do không chịu được áp lực gió. Trong các khu bếp, tủ được làm bằng gỗ dán mỏng nhất có thể.”
- Hình 5 (bên)- Bản vẽ mặt cắt (Nguồn: Ryoge Mrontgomery)
Pruitt-Igoe được hoàn thành vào năm 1954. Mặc dù ban đầu dự định là hai phần tách biệt (Pruitt cho người da đen và Igoe cho người da trắng), một quyết định của Tòa án tối cao đã đưa ra cùng năm đó đã cấm việc phân biệt chủng tộc. Tuy nhiên, những nỗ lực hoà nhập đã thất bại và Pruitt-Igoe trở thành một dự án dành cho người da đen hoàn toàn ngay từ khi thành lập. Những người thuê nhà đầu tiên của Pruitt-Igoe có vẻ hài lòng với nhà ở mới của họ. Mặc dù chất lượng xây dựng tương đối rẻ, các đơn vị ở vẫn tiện nghi hơn nhiều so với các khu nhà ổ chuột đổ nát mà họ đã bỏ lại hoặc bị buộc phải rời đi.
Tuy nhiên, đến năm 1958, các điều kiện bắt đầu đi xuống. Một trong những tín hiệu đầu tiên là tỷ lệ thuê nhà giảm dần. Như Roger Montgomery đã lập luận một cách thuyết phục, các quan chức nhà ở của St. Louis đã không lường trước được việc thay đổi xu hướng nhân khẩu học sau chiến tranh đã ảnh hưởng đáng kể đến thị trường nhà ở nội thành và đe dọa khả năng tồn tại của các dự án nhà ở xã hội. Ý tưởng Pruitt-Igoe được hình thành vào thời điểm nhu cầu về các khu nhà ở thu nhập thấp trong nội thành chưa bao giờ cao hơn, do sự dịch chuyển lan rộng gây ra bởi giải phóng mặt bằng khu ổ chuột, cải tạo đô thị và chương trình đường cao tốc liên bang. Tuy nhiên, vào thời điểm dự án mở cửa vào năm 1954, nhu cầu này đã giảm xuống. Tăng trưởng dân số đô thị chậm và việc xây dựng quá mức của nhà ở ngoại ô giá rẻ đã mở rộng thị trường cho thuê nhà ở nội đô cho người da đen. Nhiều người đã chọn sống trong những ngôi nhà tư nhân rẻ tiền hơn là nhà ở xã hội. Tỷ lệ lấp đầy của Pruitt-Igoe đạt đỉnh điểm vào năm 1957 ở mức 91% và ngay lập tức bắt đầu giảm.
Sự suy giảm tỷ lệ lấp đầy này đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng duy trì dự án của Cơ quan Nhà ở St. Louis, như Eugene Meehan đã trình bày. Trong Đạo luật Nhà ở năm 1949, chính quyền nhà ở địa phương dự kiến sẽ sử dụng số tiền thu được từ việc thuê nhà vào việc vận hành và bảo trì. Trong thời kỳ chi phí gia tăng và tỷ lệ lấp đầy giảm, Cơ quan Nhà ở bị đặt trong tình trạng ép thu nhập chi phí, cản trở khả năng tiến hành bảo trì sửa chữa nhà ở. Ngoài ra, thu nhập trung bình của người thuê nhà đang giảm xuống. Dự án ngày càng trở thành nơi sinh sống của phân khúc dân số da đen nghèo nhất: chủ yếu là nữ chủ hộ gia đình sống phụ thuộc vào bảo trợ xã hội. Những thay đổi nhân khẩu học và áp lực kinh tế dẫn đến việc cơ sở vật chất bị bỏ bê và hỏng hóc. Thang máy không hoạt động và bị phá hoại đã không được sửa chữa. Trong một dự án ngày càng có nhiều người dân ở khu vực nghèo nhất và mất tinh thần nhất, sự phá hoại cũng đi kèm với tỷ lệ tội phạm bạo lực ngày càng tăng.
Việc phá hoại, bạo lực và bất ổn tài chính đã thúc đẩy một số nỗ lực để cứu vãn Pruitt-Igoe. Năm 1965, họ nhận được một số khoản trợ cấp liên bang đầu tiên nhằm cải thiện về thể chất và thiết lập các chương trình xã hội để mang lại lợi ích cho người dân và tránh việc thay đổi giá thuê nhà. Các chương trình này có tác dụng rất ít ỏi: Tỷ lệ lấp đầy khu ở tiếp tục giảm, tỷ lệ tội phạm tăng lên, và việc quản lý và bảo trì thường xuyên bị bỏ qua. Vào năm 1969, những người thuê nhà Pruitt-Igoe đã cùng cư dân của hai dự án nhà ở xã hội khác ở St. Louis tham gia một cuộc đình công kéo dài chín tháng. Điều này càng làm cạn kiệt nguồn dự trữ tài chính hạn chế của Cơ quan Nhà ở và làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu người ở, khiến Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị phải cân nhắc đóng cửa dự án. Trong khi quyết định liệu các toà nhà sẽ bị phá huỷ bằng cách làm nổ hay theo cách thông thường, tất cả những người thuê còn lại đã được chuyển đến 11 tòa nhà, và vào ngày 16 tháng 3 năm 1972, lần phá hủy thử để san bằng ba tòa nhà ở trung tâm của dự án đã diễn ra. Mặc dù có một số kế hoạch phục hồi vào phút cuối, năm 1973, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị đã quyết định phá hủy phần còn lại của dự án, và cuối cùng đã kết thúc nó vào năm 1976.
Sự trỗi dậy của giai thoại Pruitt-lgoe
Rõ ràng có một số yếu tố kinh tế và xã hội tác động mạnh mẽ lên sự trỗi dậy và sụp đổ của Pruitt-Igoe. Tuy nhiên, đối với hầu hết các kiến trúc sư, toàn bộ câu chuyện có thể được tóm lại trong một dòng: thất bại là do thiết kế. Cách lý giải này đã được dư luận ủng hộ nhiều nhất sau khi dự án bị phá hủy. Tuy nhiên, gốc rễ của giai thoại Pruitt-Igoe trở lại từ những năm đầu tiên của lịch sử dự án.
Sự suy thoái của Pruitt-Igoe trở nên rõ ràng chỉ vài năm sau khi hoàn thành vào năm 1954, và báo chí địa phương ghi nhận vào đầu năm 1960 rằng một số đặc trưng của thiết kế đã làm trầm trọng thêm các vấn đề của dự án. Các thang máy “skip-stop” và hành lang, ngoài việc thúc đẩy tính cộng đồng, cũng trở thành môi trường lý tưởng cho tội phạm bạo lực. Buộc phải đi bộ qua các hành lang để đến khu vực của mình, cư dân đã bị đe dọa và tấn công bởi các băng đảng, những người sử dụng những không gian này làm nơi lui tới. Cư dân cũng thường xuyên bị tấn công trong thang máy.
Mối liên hệ giữa lỗi thiết kế và sự xuống cấp của Pruitt-Igoe lần đầu thu hút sự chú ý của đông đảo các chuyên gia thiết kế vào năm 1965, khi tiếng tăm ngày càng lớn của dự án đã khiến Architectural Forum xuất bản một bài viết thứ hai về Pruitt-Igoe. Trong "The Case History of a Failure" (tạm dịch: Lịch sử của một thất bại), James Bailey đã rút lại hầu như tất cả các tuyên bố trước đây trên Architectural Forum về dự án, thừa nhận rằng nhiều tính năng được ca ngợi trong bài báo năm 1951 của họ lại trở thành mối nguy hiểm, thay vì cải thiện chất lượng cuộc sống:
Thang máy quá nhỏ bị phá hoại tàn nhẫn, đầy nước tiểu của những đứa trẻ không kịp đi ra đúng tầng nhà mình. Bởi chúng chỉ dừng lại ở mỗi ba tầng, thang máy trở thành nơi ẩn nấp thuận tiện cho tội phạm… Các dãy hành lang là bất cứ thứ gì ngoài những nhóm cộng đồng vui vẻ. Những người thuê nhà gọi chúng là “thách thức” mà họ phải đi qua để đến cửa nhà. Lưới tản nhiệt bằng kim loại nặng giờ che chắn cho các cửa sổ, nhưng đã được lắp đặt quá muộn để ngăn ba đứa trẻ rơi ra ngoài. Các ống hơi vẫn lộ ra ở hành lang và trong các căn hộ thường gây bỏng nặng. Các phòng giặt liền kề không an toàn và ít được sử dụng... Các phòng kho cũng bị khóa - và trống rỗng. Do đồ đạc trong đó bị trộm quá thường xuyên nên người thuê từ chối sử dụng chúng.
Với uy tín của mình, Bailey đã giảm bớt sự chỉ trích về kiến trúc bằng cách chỉ ra rằng các bất cập tại Pruitt-Igoe còn nặng nề hơn nhiều so với vấn đề thiết kế. Cụ thể, ông đã đề cập đến việc không có đàn ông làm chủ hộ, sự tai tiếng của dự án, sự thiếu hụt về quản lý và bảo trì. Dù sao, bài báo của Bailey đã đặt nền tảng cho những câu chuyện về Pruitt-Igoe được tái hiện liên tục trong suốt những năm cuối thập niên 60 và đầu những năm 70 khi tình hình tại Pruitt-Igoe tiếp tục xấu đi.
Vụ phá hủy thử nghiệm năm 1972 đã mang lại cho Pruitt-Igoe sự quan tâm chưa từng có trên khắp các báo chí kiến trúc và quốc gia. Các tạp chí Architectural Forum, AIA Journal, Architecture Plus và The Architect's Journal đều xuất bản các bài báo về sự thất bại của các tính năng thiết kế được cho là sáng tạo. Life, Time, The Washington Post, và The National Observer, trong số những tờ báo khác, đã đưa tin về lần phá hủy thử nghiệm và chỉ ra kiến trúc là một trong những nguyên nhân chính. Những bài viết này là nơi giai thoại Pruitt-Igoe lần đầu xuất hiện. Không còn giới hạn những lời chỉ trích của họ đối với các đặc trưng kiến trúc cụ thể, như các hành lang mở, các nhà phê bình bắt đầu quan tâm đến thất bại của dự án liệu có phải sai sót trong cách tiếp cận tổng thể hoặc triết lý thiết kế. Điểm chung nổi bật nhất đưa ra là cho rằng các kiến trúc sư không nhạy cảm với nhu cầu của tầng lớp thấp hơn và đang cố gắng sử dụng thiết kế để ép buộc một lối sống trung lưu, da trắng, đối với cư dân Pruitt-Igoe. Ví dụ, một bài báo trên Architecture Plus lập luận rằng thiết kế chỉ đơn giản là không phù hợp với cấu trúc xã hội của những người sẽ sống ở đó. George Kassabaum, một trong những kiến trúc sư của dự án, được trích dẫn rằng: "Bạn có những người da trắng thuộc tầng lớp trung lưu như bản thân tôi thiết kế cho một tầng lớp hoàn toàn khác." Hàm ý là người da đen thành thị có thu nhập thấp tạo thành một nhóm người thuê nhà có nhu cầu đặc biệt: Họ không thấm nhuần giá trị của tầng lớp trung lưu là tự hào về việc bảo vệ môi trường sống của mình, và họ cũng mang theo những hành vi phá hoại nhất định. Như Washington Post đã nói, có một "sự không tương thích giữa cấu trúc nhà cao tầng và số lượng lớn gia đình nghèo đến sinh sống, những người mà một thế hệ trước đấy vẫn ở nông thôn.”
Diễn giải này về sự sụp đổ của Pruitt-Igoe đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ khi nó xuất hiện trong “Defensible Space” (tạm dịch: Không gian phòng thủ) của Oscar Newman trong cùng năm với sự kiện phá hủy thử nghiệm. Bài viết có ảnh hưởng này đến từ lĩnh vực đang nổi lên về môi trường và hành vi lập luận rằng có một mối liên hệ trực tiếp giữa môi trường vật lý và hành vi của con người. Theo Newman, sự phá hoại và bạo lực lan rộng tại Pruitt-Igoe xuất phát từ sự hiện diện của không gian công cộng "không thể bảo vệ" được. Hành lang quá dài và không thể bao quát từ các căn hộ. Các cư dân không cảm thấy rằng những không gian này "thuộc về" họ và do đó họ không nỗ lực để bảo trì hoặc giám sát chúng. Các lối vào, nằm trong các sảnh mở lớn, không được bảo vệ, không cho phép người thuê có bất kỳ quyền kiểm soát nào đối với những người ra vào tòa nhà. Newman lập luận thêm rằng, với thiết kế nhà ở xã hội theo hướng đem lại một sự cân bằng thích hợp giữa riêng tư, bán riêng tư và công cộng, kiến trúc sư sẽ giảm bớt bạo lực và phá hoại.
Với tất cả sự chú ý dành cho thiết kế của dự án vào đầu những năm 1970, một mối liên kết mạnh mẽ đã được tạo ra giữa các lỗi kiến trúc và sự xuống cấp của Pruitt-Igoe. Năm 1965, James Bailey đã chỉ ra rằng hai trong số những nguyên nhân chính dẫn đến sự xuống cấp của Pruitt-Igoe là sự bảo trì không đầy đủ và tình trạng nghèo của người thuê nhà ngày càng tăng. Đến năm 1972, những yếu tố cốt yếu của câu chuyện đã bị quên lãng bởi sự kết án vội vàng dành cho kiến trúc. Việc những vấn đề thiết kế được đặc biệt quan tâm hơn những vấn đề sâu xa hơn nhiều của kinh tế và xã hội đã tạo thành cốt lõi của giai thoại Pruitt-Igoe.
Giai thoại không nói gì về mối liên hệ giữa các vấn đề của Pruitt-Igoe và cuộc khủng hoảng tài chính của Cơ quan Nhà ở St. Louis hay điều mà Keith Meehan đã gọi là "thất bại được lập trình" của nhà ở xã hội Mỹ. Những vấn đề xung quanh chính trị và xã hội đối với nhà ở xã hội đã dẫn đến một chương trình nhà ở không khả thi về việc quản lý tài chính. Cơ quan Quản lý Nhà ở Liên bang cũng cản trở những nỗ lực nhà ở xã hội bằng cách ép chi phí xây dựng thấp không tưởng. Giai thoại cũng bỏ qua sự lệ thuộc của nhà ở xã hội vào các chương trình tái phát triển đô thị sau chiến tranh. Quỹ liên bang đã giúp các thành phố dọn dẹp những khu ổ chuột khó coi và hỗ trợ lợi ích tư nhân trong việc phát triển giá trị vùng nội đô. Các dự án nhà ở xã hội đã bị giới hạn ở các vị trí không mong muốn trong trung tâm của khu ổ chuột, và được phát triển với mật độ cao để phù hợp với những người phải di dời tái định cư do sự san lấp mặt bằng các khu dân cư nghèo.
Giai thoại cũng bỏ qua mối liên hệ giữa sự thờ ơ của xã hội đối với sự nghèo nàn của người da đen ở nội thành và sự suy tàn của Pruitt-Igoe. Năm 1970, nhà xã hội học Lee Rainwater đã viết bài "Behind Gheto Walls" (tạm dịch: Phía sau bức tường khu ổ chuột), dựa trên những phát hiện của một nghiên cứu lớn được thực hiện vào giữa những năm 1960 tại Pruitt-Igoe. Rainwater lập luận rằng bạo lực và phá hoại xảy ra tại dự án là một phản ứng dễ hiểu của người dân trước sự nghèo đói và phân biệt chủng tộc. Theo ông, thiết kế kiến trúc không phải là nguyên nhân cũng không phải là liều thuốc cho những vấn đề này. Cũng theo ông, cải thiện điều kiện nhà ở và những nỗ lực khác nhằm thay đổi hành vi của người nghèo là vô ích nếu không đi kèm với những nỗ lực nâng cao mức thu nhập của họ.
Bằng chứng này mâu thuẫn trực tiếp với giai thoại Pruitt-Igoe, bằng cách chứng minh tầm quan trọng của các nguồn lực chính trị và kinh tế trước sự suy tàn của Pruitt-Igoe. Ngoài ra, nó cho rằng lập luận trong “Defensible Space” là một cách tinh vi nhằm đổ lỗi cho nạn nhân. Ý tưởng của “Defensible Space” dựa trên giả định rằng khi một lượng "cư dân" nhất định mang trong họ những vấn đề hành vi không thể tránh khỏi, thì kiến trúc phải được thiết kế để chống lại điều đó. Luận điểm này không đặt câu hỏi tại sao các dự án nhà ở xã hội có xu hướng bị tác động bởi tội phạm bạo lực ngay từ đầu. Nó tự nhiên hóa sự hiện diện của tội phạm trong các nhóm dân cư thu nhập thấp thay vì coi đó là một sản phẩm của những sự áp bức kinh tế và phân biệt chủng tộc được thể chế hóa.
Pruitt-lgoe và sự kết thúc của Chủ nghĩa Hiện đại
Mặc dù có nhiều bằng chứng về các nguyên nhân kinh tế và xã hội dẫn đến sự suy thoái của Pruitt-Igoe, giai thoại Pruitt-Igoe cũng đã trở thành điều hiển nhiên trong những nghiên cứu về môi trường và hành vi. Ví dụ, “Urban Social Space” (tạm dịch: Không gian xã hội đô thị) của John Pipkin, một cuốn sách giáo khoa về các yếu tố xã hội tiêu chuẩn, sử dụng Pruitt-Igoe là một ví dụ về không gian không thể bảo vệ và sự thiếu phù hợp giữa các tòa nhà cao tầng và cấu trúc xã hội của tầng lớp thấp hơn. “Ở khía cạnh xã hội, nhà ở xã hội đã là một thất bại. Các cấu trúc xã hội đã bị tan rã bởi sự tách biệt của nhà cao tầng. Nhiều dự án đã chín muồi để bị phá hủy. Một trong những dự án khét tiếng nhất là Pruitt-Igoe. Khi được xây dựng, nó đã giành giải thưởng kiến trúc, nhưng... nó đại diện cho những căn bệnh của nhà ở xã hội.”
Đoạn văn này đáng chú ý vì nó minh họa một ví dụ cụ thể về cách mà giai thoại Pruitt-Igoe đã lan rộng bằng cách kết hợp thông tin sai lệch. Mặc dù nó thường được coi là biểu tượng "giành giải thưởng", Pruitt-Igoe chưa từng giành được bất kỳ loại giải thưởng kiến trúc nào. Một dự án nhà ở St. Louis trước đó của cùng một nhóm kiến trúc sư, John Coch điều hành "Garden Apartments", đã giành được hai giải thưởng kiến trúc. Tại một vài điểm, giải thưởng này dường như được quy nhầm cho Pruitt-Igoe. Ký ức kỳ lạ này không được đề cập giữa các kiến trúc sư trong các cuộc thảo luận của họ về Pruitt-Igoe, là vấn đề vô cùng quan trọng. Bắt đầu từ giữa những năm 1970, Pruitt-Igoe ngày càng được sử dụng như một minh họa cho lập luận rằng Phong cách Quốc tế chịu trách nhiệm cho sự thất bại của Pruitt-Igoe. Giải thưởng không có thực là cốt yếu trong khía cạnh này của giai thoại, bởi nó đã phác họa Pruitt-Igoe như một tượng đài của Chủ nghĩa hiện đại.
Mối liên hệ giữa sự sụp đổ của Pruitt-Igoe với những thất bại được nhận thấy của phong trào Hiện đại đã bắt đầu từ năm 1972. Sau khi dự án bị phá hủy, một số nhà báo đã cho rằng sự vô cảm với nhu cầu của người dân là điển hình của Kiến trúc hiện đại. Tạp chí The Architect’s Journal gọi việc phá hủy Pruitt-Igoe là "thất bại lớn nhất của Phong trào hiện đại". Với sự phê phán của Chủ nghĩa hiện đại xuất hiện vào những năm 1970, không có gì đáng ngạc nhiên khi một số nhà phê bình và nhà lý luận, những người nôm na có thể được coi là “hậu hiện đại”, bắt đầu sử dụng dự án này trong bài viết của họ để làm minh họa cho phong trào Hiện đại.
Sự xuất hiện quan trọng đầu tiên của Pruitt-Igoe trong một bài phê bình về Chủ nghĩa hiện đại xuất hiện vào năm 1976 khi Colin Rowe và Fred Koetter sử dụng bức ảnh về sự phá hủy của nó trong phần giới thiệu của họ về “Collage City” (tạm dịch: Thành phố cắt dán). Phần này của cuốn sách dành để minh chứng cho tiền đề rằng cuộc cách mạng kiến trúc và xã hội của phong trào hiện đại đã phản tác dụng. Thay vì đẩy mạnh sự phát triển của một xã hội mới, "thành phố của kiến trúc hiện đại, vừa là công trình tâm lý vừa là mô hình vật lý, đã trở nên vô lý một cách bi thảm. Thành phố của Ludwig Hibersheimer và Le Corbusier, thành phố được Hội đồng Quốc tế về Kiến trúc Hiện đại (CIAM) tôn vinh và quảng cáo bởi Hiến chương Athens, thành phố của sự cách mạng trước đây ngày càng trở nên bất cập". Mặc dù Rowe và Koetter không đề cập cụ thể đến Pruitt-Igoe, nhưng hàm ý của họ là rõ ràng. Pruitt-Igoe được sử dụng như một ví dụ về "thành phố kiến trúc hiện đại" này có cuộc cách mạng thất bại. Nó trình bày Pruitt-Igoe như một sản phẩm của các ý tưởng của Hibersheimer, Le Corbusier và CIAM và ngụ ý rằng sự bất cập của ý tưởng của họ dẫn đến việc phá hủy dự án.
Chỉ một năm sau khi xuất bản “Collage City”, Charles Jencks đã giải thích thêm trong "The Language of Post Modern Architecture" (tạm dịch: Ngôn ngữ của kiến trúc hậu hiện đại). Trong phần giới thiệu về phần thảo luận của mình về chủ nghĩa hậu hiện đại, Jencks đã khẳng định rằng việc phá hủy Pruitt-Igoe đại diện cho cái chết của kiến trúc hiện đại. Giống như Rowe và Koetter, ông đã liên hệ Pruitt-Igoe với các nguyên tắc duy lý của CIAM, và đặc biệt với các nguyên tắc thiết kế đô thị của Le Corbusier. Theo Jencks, mặc dù dự án được thiết kế với mục đích khơi dậy hành vi tích cực ở người thuê nhà, nó không có khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội của họ:
Pruitt-Igoe được xây dựng theo những ý tưởng tiến bộ nhất của CIAM... và đã giành được giải thưởng từ Viện Kiến trúc sư Hoa Kỳ khi được thiết kế vào năm 1951. Dự án bao gồm các khối nhà thanh lịch cao mười bốn tầng, với "đường phố trên không" hợp lý (an toàn khỏi ô tô, nhưng, khi có vấn đề, không an toàn trước tội phạm); "ánh sáng, không gian và cây xanh" mà Le Corbusier coi là "ba đặc tính thiết yếu của chủ nghĩa đô thị" (thay vì lối đi, các khu vườn và không gian bán riêng tư như thông thường, mà ông đã loại bỏ). Giao thông dành cho người đi bộ và xe cộ được tách riêng, cung cấp không gian vui chơi và các tiện nghi tại chỗ như chỗ giặt, nơi giữ trẻ và không gian trò chuyện - tất cả đều thay thế hợp lý cho các mô hình truyền thống một cách hợp lý.
Những cách sử dụng biểu tượng Pruitt-Igoe đã góp phần đáng kể vào giai thoại Pruitt-Igoe. Giống như cuộc tranh luận ở “Defensible Space” được xuất bản bởi Oscar Newman, các bản thảo này đã thất bại trong việc xác định tình hình của Pruitt-Igoe trong bối cảnh lịch sử của nó, bằng cách bỏ qua bằng chứng cho thấy khủng hoảng kinh tế, sự phân biệt chủng tộc đóng vai trò lớn nhất trong sự sụp đổ của dự án. Bây giờ, họ đã thêm một tập hợp ý kiến về ý định của kiến trúc sư trong việc thiết kế dự án. Cả hai bản thảo đã trình bày dự án như một tượng đài hiện đại kinh điển (đặc biệt là Jencks bảo thủ ý kiến sai lầm rằng đó là một thiết kế đã giành giải thưởng). Họ mô tả dự án là Chủ nghĩa hiện đại không chỉ về mặt kiến trúc, mà cả về mặt chính trị và xã hội, cũng như phản ánh chương trình kiến thiết xã hội.
Những sự lạm dụng câu chuyện của Pruitt-Igoe đã bóp méo ý định của các nhà thiết kế và mức độ mà các kiến trúc sư kiểm soát thiết kế của dự án. Như tóm tắt về lịch sử của Pruitt-Igoe chứng minh, phần lớn thiết kế của dự án được kiểm soát bởi Cơ quan Nhà ở St. Louis và Cơ quan Quản lý Nhà ở Công cộng liên bang. Các kiến trúc sư không kiểm soát được vị trí biệt lập của dự án, mật độ quá mức của nó, việc loại bỏ các tiện nghi hoặc sử dụng các tòa nhà thang máy cao tầng. Nhiệm vụ của họ chỉ giới hạn ở việc cung cấp hình thức của các tòa nhà riêng lẻ và kết hợp càng nhiều tiện nghi càng tốt, với nguồn ngân sách hạn chế.
Khi thực hiện nhiệm vụ này, các kiến trúc sư đã làm theo các nguyên lý chính thống của kiến trúc hiện đại. Pruitt-Igoe là một trong những dự án lớn đầu tiên của Leinweber, Yamasaki và Hellmuth, vì vậy chắc chắn rằng họ muốn tạo ấn tượng với các đồng nghiệp kiến trúc sư của họ. Các hành lang kính kết hợp với thang máy “skip-stop”, không gian mở giữa các tầng và cách xử lý bề mặt tối giản, chắc chắn phản ánh Chủ nghĩa hiện đại thú vị đang thịnh hành của CIAM. Tuy nhiên, việc sử dụng các nguyên lý chính thống này không chứng minh rằng các kiến trúc sư có ý định đặc biệt cho cải cách xã hội. Trên thực tế, trong các tuyên bố được ban hành, Minoru Yamasaki bày tỏ băn khoăn rằng hình thức nhà cao tầng sẽ có lợi đối với người thuê nhà ở xã hội.
Những tuyên bố này xuất hiện trong một loạt các bài báo trên tạp chí The Journal of Housing, trong đó Yamasaki tham gia vào một cuộc tranh luận với nhà cải cách nhà ở tiến bộ Catherine Bauer. Yamasaki bảo vệ thiết kế nhà cao tầng, không phải vì giá trị kiến trúc của nó, mà vì đó là giải pháp tốt nhất có thể với sự cấp bách xã hội của giải phóng mặt bằng khu ổ chuột và nhu cầu kinh tế cho tái phát triển đô thị. Ông cho rằng với chi phí cao của phần đất đô thị bị chiếm dụng bởi nhà ổ chuột, việc mua lại các lô đất trung tâm và xây dựng với mật độ cao là hiệu quả kinh tế nhất. Mặc dù có những thuận lợi về kinh tế của đồ án, Yamasaki vẫn nghi ngờ về giá trị của nhà cao tầng khi nhân rộng chúng như một hình thức nhà ở đại chúng: "tòa nhà thấp với mật độ thấp sẽ đỡ băn khoăn hơn là khu nhà ở nhiều tầng. Nếu không phải vì hạn chế của kinh tế hay xã hội, tôi sẽ giải quyết tất cả các vấn đề này với những ngôi nhà một tầng." Ông bảo vệ thiết kế nhà cao tầng vì đây là cách duy nhất để đáp ứng các điều kiện kinh tế và chính sách bên ngoài.
Để bảo vệ nhà ở thấp tầng, Catherine Bauer cho rằng chính sách dọn dẹp các khu ổ chuột và sau đó đưa người dân thu nhập thấp đến các toà nhà mật độ cao ở trung tâm thành phố không nhất thiết là kết quả của nhu cầu kinh tế mà là một lựa chọn có ý đồ của các nhà hoạch định. Các dự án nội thành mật độ cao là kết quả của việc biến nhà ở xã hội phụ thuộc vào các chiến lược tái phát triển đô thị: Nếu các doanh nghiệp và quan chức thành phố quan tâm đến các dự án ở ngoại ô rồi mới đến nhà ở mật độ cao, thì các toà nhà cao tầng là không cần thiết. Bauer ít chỉ trích Yamasaki bởi quan điểm kiến trúc của ông hơn là về tư tưởng chính trị; cho rằng ông đã quá sẵn lòng thỏa hiệp để tạo động cơ lợi nhuận cho chính sách tái phát triển và nhà ở hiện hành.
Trong các phát biểu của mình trong cuộc tranh luận này, Yamasaki hầu như không ăn nhập với hình ảnh của một nhà cải cách xã hội cấp tiến như trong giai thoại Pruitt-Igoe. Công ty của ông thực sự đã áp dụng các nguyên lý thiết kế đặc trưng để phù hợp với các xu hướng mới nhất và đã không lường được những hậu quả tiềm tàng của những đặc điểm này. Các kiến trúc sư đã sai khi cho rằng các hành lang mở sẽ thúc đẩy sự tương tác của cộng đồng trong một môi trường chắc chắn là khắc nghiệt. Tuy nhiên, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào, họ đã đồng ý làm việc trong khuôn khổ của dự án quy mô lớn, cao tầng, mật độ cao được ủy thác bởi các hoạt động tái phát triển đô thị. Thay vì trở thành các nhà cải cách xã hội phá bỏ chương trình nhà ở xã hội với những thiết kế khổng lồ hoang đường, thì các kiến trúc sư về cơ bản đã thụ động trong việc chấp nhận những thế lực thống trị xã hội.
Mặc dù tính xác thực hoặc tính chính xác lịch sử còn đáng ngờ, giai thoại Pruitt-Igoe đã trở thành một tín điều kiến trúc vào cuối những năm 1970. Ý kiến cho rằng sự thất bại của Pruitt-Igoe xuất phát từ sự vô cảm của kiến trúc hiện đại chính thống cũng được một số người ủng hộ và trở thành minh họa cho nhiều bài viết hậu hiện đại và chống hiện đại. Peter Blake, trong "Form Follows Fiasco: Why Modern Architecture Hasn't Worked" (tạm dịch: Thất bại do hình thức: Tại sao kiến trúc hiện đại không hiệu quả), đã lặp lại khẳng định rằng Pruitt-Igoe tuân theo nguyên lý thiết kế "Ville-Radieuse" (Thành phố tươi sáng). Ông nói, kết quả là "không thể nào con người có thể ở được trong một dự án đáng thất vọng như vậy" và người dân sống ở các tòa nhà cao tầng chắc chắn sẽ không có lối thoát. Nó cũng trở thành một biểu tượng thuận lợi để Tom Wolfe sử dụng để công kích vấn đề du nhập kiến trúc lấy cảm hứng từ những năm 1930 của Đức vào Hoa Kỳ sau Thế chiến II. Trong "From Bauhaus to Our House" (tạm dịch: Từ Bauhaus đến nhà chúng tôi), Wolfe đã nhắc lại một điều không thật mà bấy giờ được công nhận rộng rãi, rằng dự án đã đoạt giải thưởng, và thêm vào đó một điều chính ông thêu dệt nên, khẳng định rằng vào năm 1971, một cuộc họp toàn bộ dân cư đã được tổ chức và tại đó người dân đã kêu gọi cho nổ các tòa nhà.
Giai thoại Pruitt-lgoe là sự lừa đảo
Tại sao giai thoại Pruitt-Igoe lại mạnh mẽ như vậy? Rõ ràng có nhiều bằng chứng cho thấy thiết kế kiến trúc chỉ là một phần, và có lẽ là phần ít quan trọng nhất, trong các yếu tố dần đến sự sụp đổ của dự án. Tại sao sau đó cộng đồng kiến trúc lại quả quyết rằng sự thất bại của Pruitt-Igoe là do lỗi của chính nó?
Ở một mức độ nào đó, giai thoại có thể được hiểu đơn giản là một vũ khí trong cuộc xung đột đang diễn ra giữa các phe phái khác nhau trong nghề kiến trúc. Hai bài phê bình quan trọng nhất về thiết kế của Pruitt-Igoe đã đến từ các phong trào kế thừa của Chủ nghĩa hiện đại cực đoan (High Modernism): Chủ nghĩa hậu hiện đại, và môi trường và hành vi. Đối với những người đề xuất những cách tiếp cận mới này, chẳng hạn như Oscar Newman hay Charles Jencks, Pruitt-Igoe đem lại một minh họa lý tưởng cho tất cả những thất bại được cho là của Chủ nghĩa Hiện đại. Tuy nhiên, mặc dù những người kế nhiệm này chỉ trích cách tiếp cận hiện đại trong thiết kế nhà ở xã hội, họ không đặt câu hỏi về quan niệm cơ bản rằng sự thành công hay thất bại của nhà ở xã hội liệu có phải là do thiết kế. Họ đổ lỗi các vấn đề của nhà ở xã hội cho sự thất bại của kiến trúc, và đề xuất kiến trúc hậu hiện đại như một giải pháp, một cách tiếp cận mới để thiết kế. Họ không thừa nhận bất kỳ bối cảnh chính trị - kinh tế và xã hội nào dẫn đến sự thất bại của Pruitt-Igoe. Điều này là do giai thoại không chỉ đơn giản là kết quả của tranh luận trong ngành kiến trúc: sâu xa hơn thế, nó nhằm đáp ứng lợi ích của toàn bộ ngành kiến trúc.
Như chúng ta đã thấy trong quá trình tìm hiểu sự trỗi dậy của giai thoại Pruitt-Igoe, phiên bản câu chuyện từ các kiến trúc sư đã luôn nhấn mạnh vào vai trò cốt yếu của thiết kế tổng thể dự án dẫn đến sự sụp đổ của nó. Giải thích này phủ nhận sự tồn tại của những vấn đề lớn hơn đặc thù của chương trình nhà ở cộng đồng của St. Louis. Bằng cách đổ lỗi nguyên nhân do kiến trúc hơn là sự thiếu sót trong chính sách, khủng hoảng trong nền kinh tế địa phương, hay áp bức giai cấp và phân biệt chủng tộc, giai thoại này đã che giấu sự tồn tại của toàn bộ các yếu tố ngoại cảnh tác động lên những quyết định của kiến trúc sư và thêu dệt nên vai trò trung tâm của kiến trúc trong thành công hay thất bại của nhà ở xã hội. Nó đặt kiến trúc sư vào vị trí của người có thẩm quyền trong việc cung cấp nhà ở thu nhập thấp cho người nghèo.
Việc coi kiến trúc sư là người có thẩm quyền trong lịch sử của Pruitt-Igoe đã được củng cố bằng cách liên hệ sự thất bại của dự án với những khiếm khuyết của Chủ nghĩa hiện đại cực đoan. Việc tuyên bố rằng Pruitt-Igoe đã thất bại vì nó được thiết kế dựa trên chương trình cải cách xã hội, thứ xuất phát từ lý tưởng của Le Corbusier và CIAM, không chỉ giả định rằng thiết kế là trung tâm của sự thành công hay thất bại của nhà ở xã hội, mà còn cho rằng những thiết kế đã được bổ sung để thực hiện các chương trình xã hội của kiến trúc sư. Điều bị che khuất là sự thụ động của các kiến trúc sư khi đối mặt với những vấn đề vĩ mô có nguồn gốc không phải từ công cuộc cải cách xã hội triệt để, mà trong bối cảnh kinh tế chính trị của Thế chiến II ở St. Louis và với sự phân biệt chủng tộc vẫn đang diễn ra. Pruitt-Igoe như được định hình bởi các chiến lược ngăn chặn sự lan rộng của khu ổ chuột lan rộng và hồi sinh khu nội thành - các chiến lược vốn không xuất phát từ các kiến trúc sư, mà là từ hệ thống thượng tầng mà họ phục vụ. Do đó, huyền thoại Pruitt-Igoe không chỉ thổi phồng sức mạnh của kiến trúc sư để tạo ra sự thay đổi xã hội, mà nó che giấu mức độ vướng mắc vào những hệ thống và vấn đề xã hội mà nó không thể thay đổi.
Song song với sự thổi phồng sức mạnh của kiến trúc sư, giai thoại được tạo ra để ngụy trang mục đích thực tế và hàm ý của nhà ở xã hội bằng việc chuyển hướng cuộc tranh luận sang câu hỏi về thiết kế. Bằng cách tiếp tục thổi phồng các giải pháp kiến trúc thay cho những vấn đề cơ bản của giai cấp và chủng tộc, giai thoại che giấu hoàn toàn sự bất cập của chính sách nhà ở xã hội bấy giờ. Nó hiệu quả trong việc đổ lỗi cho ngành nghề thiết kế thay vì nguồn gốc của chính sách nhà ở. Bằng cách tiếp tục gây hiểu lầm như vậy, giai thoại đã ngụy trang nguyên nhân thất bại của nhà ở xã hội, và cũng đảm bảo ngành kiến trúc tiếp tục can thiệp vào những nỗ lực chiếu lệ và góp phần giải quyết vấn đề nghèo đói ở Mỹ. Giai thoại là một sự lừa đảo nhằm có lợi cho tất cả các bên liên quan, ngoại trừ những đối tượng mà chương trình nhà ở xã hội đáng ra hướng đến.
Katharine G. Bristol - Đại học California, Berkeley (Mỹ)
Biên dịch: Xưởng VUUV
- Dòng sông 'nuôi' 400 triệu người Ấn Độ ô nhiễm nặng vì quá tải dân số
- Từ Singapore Heritage Trails, nhìn về di sản Đà Lạt
- 15 tòa nhà cao nhất thế giới hiện nay
- Tòa nhà "năng lượng bằng không"
- Đài Bắc, thành phố “giàu ngầm” của châu Á
- 6 thành phố siêu tắc nghẽn trên thế giới
- 10 sân bay tốt nhất thế giới (SkyTrax 2018)
- Những siêu đô thị Trung Quốc đông dân hơn một quốc gia
- Sân bay châu Á xóa ấn tượng bẩn thỉu, tệ hại thế nào?
- Nhật Bản hơn Trung Quốc về uy tín xây dựng hạ tầng ở châu Á