Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Từ Singapore Heritage Trails, nhìn về di sản Đà Lạt

Từ Singapore Heritage Trails, nhìn về di sản Đà Lạt

Viết email In

Gần mười năm trước, Tổng cục Du lịch Singapore có chiến lược đẩy mạnh truyền thông sản phẩm du lịch di sản của đảo quốc Sư tử biển.

Báo chí, blogger du lịch trên thế giới được mời đến giới thiệu một hình ảnh Singapore khác, không chỉ là du lịch mua sắm và hưởng thụ dịch vụ hiện đại ở các trung tâm thương mại khu Raffles hay Orchard, không chỉ choáng ngợp bởi những công trình kiến trúc phức hợp hiện đại, cao cấp ở khu Marina Bay Sands, mà tự hào đưa ra thông điệp mới: “Quý vị hãy nhớ cho rằng, Singapore còn có lịch sử và di sản”.

Và những tuyến di sản (heritage trails) được nhà chức trách đảo quốc hồ hởi giới thiệu với giới truyền thông.


Khu chợ Tiong Bahru của Singapore có tuổi đời xấp xỉ khu chợ cũ Đà Lạt nhưng số phận may mắn hơn: khi chỉnh trang đã được bảo tồn, không bị quyết định tháo dỡ như sự việc đang xảy ra ở Đà Lạt

Di sản, thì có những gì?

Về thực địa, chúng tôi được đưa đến một khu “phố cổ”, thực ra không “cổ” gì cho lắm, đó là Tiong Bahru.

Khu Tiong Bahru hình thành trong thập niên 1930 - 1940 (xấp xỉ với lịch sử xây dựng rạp Hòa Bình, tức chợ cũ Đà Lạt đang đứng trước nguy cơ bị tháo dỡ!) là khu vực buôn bán của người Hoa, với tâm điểm là ngôi chợ mở cửa năm 1951.

Thập niên 1940, các cửa hiệu, các dãy nhà liên kế, khu hành chính ở Tiong Bahru được xây dựng, cộng đồng dân cư và các cửa hiệu buôn bán được hình thành với sắc thái riêng. Và rồi đời sống buôn bán, kinh tế vỉa hè (hàng rong, tự phát...) của cư dân khu vực này đã dẫn tới những nhếch nhác cần chấn chỉnh.

Thập niên 1990, khu vực này trải qua một đợt đại chỉnh trang, cấu trúc lại để sinh kế người dân vẫn được đảm bảo nhưng vẫn hợp xu thế phát triển. Rất may, các di sản đã không bị dọn sạch để xây trung tâm thương mại cao tầng hay khách sạn cao cấp theo quyền biến của một ông chủ bạo tiền nào, mà được chính phủ cho sắp xếp lại đầy lý tính. Tất cả vẫn đảm bảo nét đặc thù; một ngôi chợ mới với hình thái kiến trúc và cao độ hài hòa - là nơi giải quyết sinh kế cho cư dân từng buôn bán hàng rong, vỉa hè lâu đời đi vào nề nếp, trật tự.

Bởi chính họ là tài nguyên nhân văn, là chủ thể của di sản.


Hành lang một dãy nhà được xây từ thập niên 1940 tại Tiong Bahru

Dạo bước trên đường Tiong Poh, Yong Siak hay Lim Liak... ngày nay, có thể nhận ra một Singapore mang đậm dấu ấn lịch sử. Ký ức cộng đồng trở thành nguồn bảo vật vô giá. Tầng trệt của những khu nhà chung cư xây dựng thập niên 1940 được giữ nguyên trạng, trùng tu khá tươm tất, là không gian sinh sống bình yên của cư dân.

Một tiệm bánh lâu đời của địa phương trở thành nơi du khách xếp hàng dài mỗi sớm để chờ lượt thưởng thức, một quán cà phê nghệ thuật có tên The Orange Thimble là nơi chúng ta có thể đắm mình trong tĩnh lặng để thưởng thức các tác phẩm sắp đặt và tranh giá vẽ của họa sĩ địa phương, các shop house hàng lưu niệm, đặc sản... ở đây cũng có sức quyến rũ đặc biệt.


Bên trong chợ Tiong Bahru


Không gian một tiệm bánh xưa ở Tiong Bahru


Cà phê nghệ thuật ở Tiong Bahru

Nhà sách Book Actually ở số 9, Yong Siak là một nơi chốn để du khách có thể tìm thấy những trứ tác biên khảo lịch sử cho đến cẩm nang du lịch, hàng phụ kiện và cả tác phẩm của các tác gia đương đại Singapore đặt cạnh những tác phẩm lớn của văn chương thế giới.

Nhỏ nhắn, sang trọng và đậm dấu ấn thời gian, trong ngôi chợ Tiong Bahru xây theo phong cách art-decor, cái vẻ “xuềnh xoàng tự nhiên có chủ ý” được phục dựng, thu hút khách tham quan một cách tự nhiên. Vừa giữ gìn “hệ sinh thái” kinh doanh mộc mạc bản quán cố hữu, vừa đảm bảo các yếu tố “đóng gói chuyên nghiệp” của một sản phẩm - điểm đến du lịch có bản sắc.


Nhà sách Book Actually nơi bạn có thể tìm thấy các tác phẩm của tác giả Singapore

Không chỉ Tiong Bahru

Ngoài dãy phố Tiong Poh thì đường Pagoda, nơi đặt Chinatown Heritage Centre hay khu Little India, khu Kampong Glam mang đậm dấu ấn văn hóa Malaysia, Ả Rập cũng là những tuyến trên hành trình di sản Singapore được du khách ưa chuộng. Ở Kampong Glam, các cửa hiệu bán vải vóc, thảm và những ngôi đền có tuổi đời hơn 150 năm được giữ nguyên trạng. Đặc biệt, có một dãy phố sơn màu sặc sỡ gợi cảm giác những phố bình dân Mã Lai tạo cho không gian di sản của cộng đồng một sự tiếp biến đa sắc thái, có thể khiến du khách “lạc lối”.


Khu di sản Kampong Glam

Chúng tôi còn được giới thiệu những trại lính, nhà kho được cải thiện thành không gian sáng tạo mỹ thuật đương đại. Các điểm lưu trú sáng tác tại Singapore trở nên có “số má” trong khu vực châu Á nói riêng và thế giới nói chung.

Dự án quốc gia phát triển du lịch Singapore Heritage Trails được tổ chức bởi nhóm Crowd Trails tại Trung tâm Keio-NUS CUTE, phối hợp với Ủy ban Di sản Quốc gia Singapore. Dự án này đưa những con đường di sản đến với công chúng, và nhằm mục đích hợp nhất tất cả những con đường di sản của Singapore trên một ý hướng chủ đạo, đó là sử dụng chính dịch vụ cộng đồng để tạo ra giá trị sản phẩm du lịch, mang lại nguồn lợi kinh tế.

Singapore Heritage Trails giới thiệu đời sống, sinh hoạt văn hóa, các biến chuyển lịch sử của người Singapore qua các thời kỳ. Du khách được hòa nhập thực sự vào văn hóa, bản sắc cộng đồng thay vì đi đến các trung tâm thương mại mà họ có thể bỏ tiền ra để có được ở các thành phố hiện đại khác.


Những công trình theo kiến trúc Art Decor xây dựng thập niên 1940 trên đường Tiong Poh được bảo tồn

Một gợi ý cho Đà Lạt

Như vậy, sau cơn say phát triển hiện đại kéo dài hơn 20 năm (thập niên 1980 - 1990) ồ ạt đầu tư cho du lịch mua sắm, Singapore chợt ngộ ra rằng, sự gắn bó với nơi chốn không phải nằm ở những thứ hào nhoáng hay xa xỉ ai có tiền cũng làm được, mà phải bằng những giá trị văn hóa bản địa, ký ức cộng đồng và những gì được làm nên từ căn tính của mình.

Giữ gìn, tôn trọng di sản, để di sản không bị bỏ đói, hoang phí, nhếch nhác xuống cấp, vừa biến di sản thành giá trị cộng hưởng vào phát triển là bài toán mà Singapore đã có lời giải kịp thời, chính xác và hiệu quả.

Thành phố Đà Lạt, với những con đường di sản đặc thù, rất cần tham khảo cách làm của dự án Singapore Heritage Trails để có giải pháp sáng suốt, đúng đắn trong lựa chọn phát triển.

Một “Con đường Di sản Đà Lạt”, tại sao không?

Bài và ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên

Sức hấp dẫn của phế tích nhà thờ ở Macao

Nói Macao chỉ có thế giới dịch vụ gắn với những sòng bài thì thật sai lầm. Vùng lõi di sản Macao có hơn 20 công trình kiến trúc tôn giáo và văn hóa, đa số được người Bồ Đào Nha xây dựng từ thế kỷ XVII, XVIII.

Trong đó, điều để lại ấn tượng nhất cho du khách chính là phê tích ngôi nhà thờ St. Paul bề thế do các giáo sĩ Dòng Tên Bồ Đào Nha xây dựng từ đầu thế kỷ XVII, sau một cuộc hỏa hoạn năm 1835, chỉ còn lại một bức tường với nhiều phù điêu, tượng đá hoa cương. Phế tích ấy đứng sừng sững như một nhân chứng lịch sử cho đến ngày nay.


Học sinh Macau được dạy lịch sử thông qua di sản - trong đó có phế tích nhà thờ thánh St. Paul

Cùng với việc bảo tồn bức tường, chính quyền Macao cho làm một phòng trưng bày những kỷ vật và tài liệu ngầm bên dưới nền ngôi nhà thờ để khách tham quan có thể tìm hiểu sâu về công trình nói riêng, lịch sử văn hóa, truyền giáo khu vực nói chung.

Mỗi ngày bức tường nhà thờ St. Paul đón hàng nghìn lượt khách tham quan. Các trường học thuộc đặc khu Macao cũng cho học sinh thực địa, tìm hiểu về lịch sử địa phương thông qua di sản phế tích này.

Năm 2005, bức tường nhà thờ St. Paul thuộc nhóm công trình được UNESCO công nhận di sản thế giới.

N.V.N

(Người Đô Thị)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...