Kiến trúc đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy việc sử dụng xe đạp.
Nhiều thành phố bắt đầu định hình lại cơ sở hạ tầng đô thị theo cách khuyến khích xe đạp như xây cầu, làn đường dành riêng cho xe đạp hay có bãi đậu xe cố định cho loại hình này.
Copenhagen, Đan Mạch
Copenhagen được coi là một trong những thành phố thân thiện với xe đạp nhất trên thế giới, với khoảng 62% công dân sử dụng xe đạp để đi làm hoặc đi học. Thành phố không ngừng đầu tư vào cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp và thiết kế lại bố cục đô thị. Trong số nhiều công trình kiến trúc thân thiện với xe đạp, 4 cây cầu dành cho xe đạp đã được hoàn thành, một số cây cầu nữa đang được xây dựng.
Amsterdam, Hà Lan
Được coi là một trong những thành phố thân thiện với xe đạp nhất trên thế giới, Amsterdam tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp trong phạm vi đô thị của mình. Vào năm 2019, thành phố đã đưa ra một kế hoạch mới cho năm 2022 tập trung vào việc cải thiện các bãi đậu xe đạp và cơ sở hạ tầng hiện có.
Thành phố đang tạo ra “các tuyến đường hoàng gia” mới để chứa nhiều xe đạp hơn, vì hàng nghìn người dân mới đang chuyển đến thủ đô mỗi năm và cần mở rộng các đường đi xe đạp hiện có. Họ cũng đang tăng số lượng đường dành cho xe đạp tốc độ chậm và thiết kế lại các giao lộ chính để đảm bảo an toàn cho người.
Utrecht, Hà Lan
Tương tự như các thành phố khác ở Hà Lan, Utrecht đã tạo ra cơ sở hạ tầng đi xe đạp đẳng cấp thế giới và đặt mục tiêu tăng gấp đôi lưu lượng đi lại bằng xe đạp vào năm 2030. Định hướng này đối với xe đạp được đưa ra như một phản ứng với chi phí cao khi đi ôtô, khuyến khích người dân chuyển sang xe đạp để đi làm .
Trở lại năm 2017, thành phố Utrecht đã mở bãi đậu xe đạp lớn nhất thế giới. Tổng số 22.000 chỗ đậu xe sẽ được chia cho 5 khu vực dành riêng cho xe đạp gần các lối vào ga để đa dạng phương thức đi lại. Nó cũng sử dụng một hệ thống kỹ thuật số để giúp người dùng tìm thấy các điểm đỗ xe.
Berlin, Đức
Mặc dù Berlin không đứng cao trong danh sách các thành phố thân thiện với xe đạp của châu Âu nhưng một kế hoạch mới về “siêu xa lộ” dành cho xe đạp hiện đang được thực hiện, thúc đẩy đi xe đạp như một phương tiện giao thông hiệu quả. Berlin đã khám phá 30 con đường dành cho xe đạp xung quanh thành phố, trong đó 12 con đường đã được chấp thuận để tách biệt hoàn toàn với các phương tiện giao thông khác.
Sáng kiến thân thiện với xe đạp là một trong những nỗ lực gần đây của Berlin nhằm tạo ra một môi trường đi lại không rủi ro bằng cách tăng số lượng xe đạp trên đường cho 2,4 triệu người vào năm 2025.
Bogota, Colombia
Bogota được xếp hạng trong top 3 những thành phố tắc nghẽn nhất thế giới. Việc thúc đẩy sử dụng xe đạp thay vì ôtô là một trong những giải pháp quan trọng để hạn chế tắc nghẽn khi hệ thống giao thông công cộng quá đông đúc.
Mặc dù thành phố vẫn chưa hoàn toàn thân thiện với xe đạp nhưng một số giải pháp đã được thực hiện trên quy mô đô thị để khuyến khích sử dụng loại hình xe 2 bánh này. Chẳng hạn như làn đường dành cho xe đạp tạm thời và cố định dọc theo các con đường của thành phố.
Strasbourg, Pháp
Đây là thành phố dành cho xe đạp đầu tiên của Pháp vì nó có tầm nhìn xa hơn một mạng lưới đạp xe đô thị tập trung. Một vài năm trước, thành phố đã thực hiện chiến lược khuyến khích những người mới đi xe đạp thay vì đi ôtô, bằng cách tái tạo lại mạng lưới giao thông hiện có. Về mặt cải tiến, thành phố đã mở rộng các tuyến đường cao tốc dành cho xe đạp và bắt đầu xem xét sử dụng xe đạp để chở hàng.
Antwerp, Bỉ
Một trong những thành phố thân thiện với xe đạp khác ở châu Âu là Antwerp. Thành phố có làn đường dành riêng cho xe đạp, chỗ đậu xe và các chương trình đi chung xe, đồng thời hạ giới hạn tốc độ trong nội thành xuống 30 km/h. Antwerp cũng đang nỗ lực mở rộng mạng lưới đường dành cho xe đạp bằng cách triển khai các tuyến đường cấm ôtô dẫn đến các địa điểm du lịch trong khu vực.
Barcelona, Tây Ban Nha
Trong vài năm qua, Barcelona, thủ phủ của Catalan đã trở thành nơi sáng tạo xe đạp đô thị nổi bật với các chương trình chia sẻ xe đạp được coi là tốt nhất trên thế giới. Barcelona cũng đã hạ giới hạn tốc độ xuống 30km/h trong thành phố và bổ sung nhiều đường đi xe đạp mới, giúp người đi xe đạp di chuyển bằng xe đạp của họ an toàn hơn, khuyến khích các công dân khác tránh ôtô hoặc xe bus.
Malmö, Thụy Điển
Malmö có hơn 500 con đường dành cho xe đạp được bảo vệ - nhiều nhất trong số tất cả các thành phố của Thụy Điển. Để thúc đẩy việc sử dụng xe đạp, thành phố đã thực hiện các chiến dịch như “Không có những chuyến đi bằng ôtô vô lý” nhằm thuyết phục người dân giảm việc sử dụng ôtô.
Thành phố cũng đã áp dụng các công nghệ mới trong hệ thống đô thị của họ, chẳng hạn như lắp đặt cảm biến ở giao lộ để cảnh báo cho người lái xe ôtô khi người đi xe đạp đang đến gần.
Montreal, Canada
Mặc dù các thành phố châu Âu thường dẫn đầu bảng xếp hạng các thành phố thân thiện với xe đạp nhất, nhưng Montreal cũng dẫn đầu khi nói đến quy mô toàn cầu. Trong những năm qua, thành phố đã đầu tư vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp bằng cách bổ sung thêm 600 km đường dành cho xe đạp dọc theo các con đường. Thành phố cũng tổ chức lễ hội xe đạp hàng năm, cho phép người đi xe đạp tham quan quanh thành phố bằng xe 2 bánh.
Lê Xuân
(Người Đồng Hành /Theo ArchDaily)
- Lagos - "Venice của châu Phi": Thành phố "nổi" giữa ngập lụt
- Sự chuyển đổi về kinh tế của UAE
- Mô hình thành phố Tokyo tỷ lệ 1:1000 được làm hoàn toàn thủ công
- Đường sắt Pháp dưới góc nhìn của kỹ sư gốc Việt
- Nỗi lo trái đất thiếu người
- 10 nhà hát độc đáo nhất thế giới
- Vì sao Nhật Bản ít thùng rác?
- Những căn nhà trên vách núi
- Zug, từ thành phố cổ trở thành thủ phủ blockchain
- Kinh nghiệm quản lý thành phố xanh, sạch, đẹp, bền vững