Xu hướng người dân ở nhiều nước ít sinh con hơn nay bắt đầu rõ nét, dân số chững lại, có nước số trẻ sinh ra hàng năm ít hơn số người già qua đời. Nếu xu hướng này cứ tiếp diễn, đến giữa thế kỷ này trái đất sẽ trải qua nhiều thay đổi to lớn, chưa thể lường hết được.
Báo chí tường thuật nhiều nhà hộ sinh bắt đầu đóng cửa ở Ý. Tại Trung Quốc, Nhật Bản đã xuất hiện nhiều thành phố không người sống. Các trường đại học ở Hàn Quốc không tuyển sinh đủ sinh viên như kế hoạch. Ở Đức thì hàng trăm ngàn cơ sở địa ốc bị san bằng biến đất ở thành công viên. Xu hướng tỷ lệ sinh giảm mạnh đang lan ra từ nước này sang nước khác, có lẽ trừ châu Phi, còn lại khu vực nào trên thế giới cũng trải nghiệm xu hướng này. Nhiều chuyên gia dự báo đến nửa sau của thế kỷ này hay có thể sớm hơn, dân số toàn cầu sẽ bắt đầu suy giảm - lần đầu tiên trái đất chứng kiến điều này.
Năm ngoái chỉ có 12 triệu trẻ được sinh ra ở Trung Quốc, một con số thấp nhất kể từ năm 1961. Từ chính sách hạn chế mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh một đứa con, một chính sách được cho là đã ngăn chừng 400 triệu trẻ ra đời, nay Trung Quốc phải đối phó với nỗi lo dân số già đi nhanh, không đủ người trẻ gánh vác cho lực lượng lao động. Tỷ suất sinh của Trung Quốc hiện chỉ ở mức 1,3 thấp hơn nhiều so với tỷ suất đủ để duy trì dân số bền vững là 2,1. Nhóm người từ 65 tuổi trở lên hiện chiếm đến 13,5% tổng dân số, tăng khá nhanh so với 8,9% vào năm 2010.
Số liệu thống kê mới công bố ở Mỹ cũng cho thấy tốc độ tăng dân số của nước này đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1970, vừa do tỷ suất sinh thấp vừa do giảm số lượng dân nhập cư. Tỷ suất sinh ở Nhật hiện đang giảm nhanh hơn dự báo, năm nay ước tính chỉ 800.000 trẻ, một mức mà trước đây chính phủ nước này dự báo phải mười năm nữa mới xảy ra...
Nếu trước đây người ta lo về nạn nhân mãn, rằng dân số thế giới tăng nhanh vượt quá khả năng chịu đựng của trái đất thì nay khi dân số thế giới chững lại, lại xuất hiện những nỗi lo khác. Một mặt dân số ít đi thì áp lực lên môi trường, tác động lên biến đổi khí hậu cũng giảm đi phần nào. Mặt khác, suất sinh thấp sẽ dẫn tới lực lượng lao động của xã hội sẽ giảm trong khi người già hưởng lương hưu hay an sinh xã hội sẽ tăng lên.
Điều này làm đảo lộn mọi mô hình tổ chức xã hội hiện nay, trong đó người ta kỳ vọng giới trẻ lao động tạo ra của cải vật chất, hỗ trợ an sinh cho người già theo một vòng tròn khép kín. Cứ thử tưởng tượng một xã hội vận hành nền kinh tế chia sẻ trong đó người giao hàng, giao thức ăn toàn trên 70 tuổi! Hay thay vì xây tường ngăn dòng người nhập cư, đến một lúc nào đó các nước giàu sẽ phải mời gọi hay thưởng công cho ai chịu đến nước họ sinh sống, làm ăn. Thay vì kế hoạch hóa gia đình, chính phủ các nước phải phát tiền thưởng hậu hĩnh cho các bà mẹ chịu sinh con.
Mô hình dự báo của họ cho thấy với Trung Quốc, dân số sẽ giảm từ 1,41 tỉ người hiện nay xuống còn 730 triệu vào năm 2100. Lúc đó số lượng người 85 tuổi sẽ đông bằng số lượng người 18 tuổi! |
Thật ra, đây không còn là điều cần phải tưởng tượng nữa. Frank Swiaczny, từng là trưởng bộ phận phân tích xu hướng dân số cho Liên hiệp quốc nói với tờ New York Times rằng các nước phải bắt đầu học để thích nghi với xu hướng giảm dân số.
Một điều cần lưu ý là một khi xu hướng người dân ít sinh con hơn đã bắt đầu thì hiệu ứng giảm dân số sẽ tăng nhanh hơn người ta tưởng. Đó là bởi tỷ suất sinh giảm thì sẽ có ít phụ nữ có khả năng sinh nở hơn và một khi quy mô gia đình nhỏ đi so với các thế hệ trước, quy mô này khó lòng bị đảo ngược.
Ở một số nước như Mỹ, Canada hay Úc, nơi tỷ suất sinh nằm ở ngưỡng 1,5 đến 2, chính phủ có thể dùng chính sách nhập cư để bù đắp mức giảm dân số. Nhưng ở các nước khác như Đông Âu, dòng người di cư đi nước khác càng làm xu hướng giảm dân số trầm trọng hơn. Tỷ suất sinh ở Hàn Quốc rơi xuống mức thấp kỷ lục - 0,92 vào năm 2019 và 0,84 vào năm ngoái, mức thấp nhất thế giới. Liên tục 59 tháng qua, tháng nào số trẻ sinh ra cũng giảm so với tháng trước đó.
Năm ngoái nước này ghi nhận lần đầu tiên số trẻ sinh ra còn thấp hơn số người già qua đời. Tỷ suất sinh thấp, tốc độ công nghiệp hóa nhanh đẩy người dân từ nông thôn ra sinh sống ở thành thị... làm xã hội Hàn Quốc như chia làm hai: trong khi các đô thị lớn như Seoul tiếp tục tăng trưởng, tạo ra áp lực to lớn lên cơ sở hạ tầng, địa ốc, các thị trấn nhỏ ngày càng ít người sống, trường học phải đóng cửa, sân chơi mọc đầy cỏ dại, ngày càng hiếm cảnh trẻ con vui đùa cùng gia đình.
Các trường đại học không phải loại danh tiếng ngày càng khó tuyển sinh; số lượng thanh niên 18 tuổi ở Hàn Quốc sụt từ 900.000 vào năm 1992 còn 500.000 vào năm nay. Để khuyến khích phụ nữ sinh con, Chính phủ Hàn Quốc tăng mức trợ cấp cho trẻ, cấp tiền cho phụ nữ điều trị vô sinh, cho xây nhà trẻ, trường mẫu giáo, tặng quà cho trẻ mới sinh.
Ở Seoul, xe buýt, xe điện ngầm đều có ghế màu hồng dành riêng cho phụ nữ mang thai. Nỗ lực là thế nhưng vừa rồi, Phó thủ tướng Hàn Quốc Hong Nam-ki thừa nhận kết quả không được là bao dù 15 năm qua chính phủ nước này đã chi hơn 178 tỉ đô la để khuyến khích phụ nữ sinh thêm con. Xu hướng giảm sinh đã trở thành một hiện tượng văn hóa với giới trẻ. Mới cách đây một, hai thế hệ, mỗi gia đình có thể có 4, 5 con là chuyện bình thường. Nay giới trẻ đa phần chỉ muốn có 1 con; đến 40% dân số đang sống một mình.
Capracotta là một thành phố nhỏ ở miền Nam nước Ý. Cư dân thành phố này đang ngày càng già đi và giảm dần, từ 5.000 người giờ chỉ còn 800. Một tòa nhà cổ vẫn còn treo biển là trường mẫu giáo nhưng nay được biến thành viện dưỡng lão. Thành phố Agnone gần đó phải đóng cửa nhà hộ sinh vì số trẻ sinh ra dưới 500, mức tối thiểu để duy trì. Năm nay ở Agnone chỉ có 6 trẻ chào đời. Cảnh tượng này hầu như diễn ra khắp nước Ý đến nỗi tại một hội thảo về khủng hoảng tỷ suất sinh, Đức Giáo hoàng Francis phải than rằng “mùa đông nhân khẩu học” “thật lạnh lẽo và đen tối”.
Tờ The Lancet năm ngoái công bố một công trình nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học quốc tế. Mô hình dự báo của họ cho thấy với Trung Quốc, dân số sẽ giảm từ 1,41 tỉ người hiện nay xuống còn 730 triệu vào năm 2100. Lúc đó số lượng người 85 tuổi sẽ đông bằng số lượng người 18 tuổi! Liên hiệp quốc vừa điều chỉnh dự báo đến năm 2050 cứ 6 người thì có 1 người trên 65 tuổi, trong khi mới năm ngoái dự báo này đưa ra con số trong 11 người sẽ có 1 người trên 65 tuổi.
Hiện nay nhiều nước đã học cách thích nghi với xu hướng dân số mới như Hàn Quốc tìm cách sáp nhập các trường đại học thiếu sinh viên, đề xuất nới lỏng các hạn chế người nhập cư; Nhật cũng sắp xếp địa giới hành chính; Thụy Điển chuyển nguồn lực trước đây dành cho trường học sang chăm sóc cho người già; Đức mới nâng tuổi về hưu lên 67 nay cân nhắc nâng thêm lên 69. Biết đâu dân số ít hơn sẽ dẫn tới lương cao hơn, chất lượng sống tốt hơn và biết đâu lúc đó giới trẻ lại có điều kiện và mong muốn có nhiều con hơn như cha ông họ từng mong muốn.
Nguyễn Vũ
(KTSG Online)
- Cách nào để các thành phố thân thiện hơn với xe đạp?
- Lagos - "Venice của châu Phi": Thành phố "nổi" giữa ngập lụt
- Sự chuyển đổi về kinh tế của UAE
- Mô hình thành phố Tokyo tỷ lệ 1:1000 được làm hoàn toàn thủ công
- Đường sắt Pháp dưới góc nhìn của kỹ sư gốc Việt
- 10 thành phố đưa xe đạp vào quy hoạch đô thị
- 10 nhà hát độc đáo nhất thế giới
- Vì sao Nhật Bản ít thùng rác?
- Những căn nhà trên vách núi
- Zug, từ thành phố cổ trở thành thủ phủ blockchain