Ashui.com

Wednesday
Dec 04th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Từ Dakar đến Abuja

Từ Dakar đến Abuja

Viết email In

Nóng nực, thiếu trật tự có lẽ là ấn tượng chung về Dakar và Abuja – hai thành phố mà chúng tôi có dịp đi qua trong một chuyến công tác ngắn ngày. Tuy nhiên, ngoài cái ồn ào thành thị và bụi đường mịt mờ trên những cung đường châu Phi, vẫn có nhiều điều đọng lại trong chúng tôi về đời sống ở lục địa đen.

Dakar - thành phố đẹp nhất Tây Phi

Chuyến bay hạ cánh xuống Dakar vào lúc sáng sớm, thủ đô của Senegal nằm bên bờ Đại Tây Dương dần hiện ra trước mắt chúng tôi trong nắng ban mai. Từ trên máy bay, Dakar khá thơ mộng với những bãi biển dài xinh đẹp bao quanh. Thành phố 1,5 triệu dân này nằm gọn trong bán đảo Vert là điểm cực Tây của lục địa đen.

  • Ảnh bên : Đảo Gorée

Dù là đô thị lớn nhất của khu vực Tây Phi, Dakar vẫn còn nhiều khu nhà cũ kỹ, nhếch nhác, chỉ có một số cao ốc tập trung ở trung tâm thành phố. Tuy vậy, những năm gần đây, Dakar cũng bắt đầu thu hút du khách châu Âu nhờ có nhiều bãi biển đẹp và một số kiến trúc thuộc địa đậm chất Âu.

Dakar được thành lập năm 1857 bởi người Pháp và vị trí nằm giữa châu Âu và Nam Phi cũng như giữa châu Âu và Nam Mỹ đã khiến nó trở thành một trung tâm hàng hải và hàng không quan trọng. Cảng Dakar là một trong những cảng tốt nhất ở Tây Phi vì được đầu tư các máy móc, thiết bị bốc dỡ hàng hiện đại, rồi hệ thống nhà kho, trạm xăng cho tàu bè và các cầu cảng cũng khá lớn.

Buổi chiều, chúng tôi được đi tham quan đảo Gorée, nơi được công nhận là di sản văn hóa thế giới, là địa điểm mang tính tưởng niệm của người châu Phi. Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, đây là trung tâm buôn bán nô lệ lớn nhất của châu Phi vì từng là điểm dừng thuận tiện nhất để “chất các nô lệ vào kho” trên đường từ châu Phi đến châu Mỹ.

Trên đảo Gorée có một pháo đài kiên cố tên là Nhà nô lệ, gồm nhiều phòng giam nhỏ, mỗi phòng giam có thể chứa đến 200 người, tất nhiên là trong điều kiện rất chật hẹp. Người Bồ Đào Nha, người Hà Lan, người Pháp và cả người Anh đều đã phải đổ máu để giành quyền kiểm soát “ngành công nghiệp nô lệ” béo bở trên đảo Gorée.

Đảo Gorée chỉ cách bờ biển Dakar có ba cây số, nhưng các nô lệ bị cùm bởi những chiếc còng nặng tới năm ký và vùng biển này khá sâu khiến chẳng ai dám tìm cách trốn.

Ngày nay, đảo có khoảng 1.300 người đang sinh sống, không có xe hơi, đặc biệt là không có tội phạm. Gorée luôn lặng lẽ, như một nơi tưởng niệm hàng triệu kiếp người trong nhiều thế kỷ đã phải rời bỏ quê hương, chấp nhận cuộc đời nô lệ ở đất khách quê người.

Dạo một vòng quanh thành phố mới thấy giao thông ở đây hỗn loạn chẳng khác gì TP. Hồ Chí Minh. Dù đường sá trong thành phố khá tốt nhưng ý thức của người dân còn thấp, các tài xế thường bóp còi inh ỏi và chẳng mấy tôn trọng luật lệ giao thông. Thành phố không nhiều cây xanh, chủ yếu là cây bao báp tỏa bóng tròn, thân cây to phải năm, sáu người ôm mới xuể.

Khi đi ngang qua một quả đồi, chúng tôi phải trầm trồ trước một tượng đài khổng lồ trên đỉnh đồi. Người lái xe cho biết tượng đài này còn cao hơn tượng nữ thần Tự Do, tuy nhiên người dân thành phố lại chẳng tự hào, mà luôn có thái độ dị ứng với công trình này. Lý do là việc xây dựng tượng đài vô cùng tốn kém và là nơi kiếm ăn (tham nhũng) của nhiều quan chức cấp cao.

Do có tới một nửa dân số theo đạo Hồi, Dakar có nhiều thánh đường khá đẹp, đa số khá lớn và được xây theo kiến trúc hiện đại, thậm chí có vẻ còn hơi phá cách nhưng cũng khó chê. 

  • Ảnh bên : Thánh đường Hồi giáo ở Dakar

Ngày hôm sau, cả đoàn được mời tham quan một thắng cảnh cách Dakar khoảng một giờ rưỡi đi xe, có tên là hồ Nước Đỏ (Pink Lake). Khi chúng tôi đến thì hồ chỉ mới màu hồng phớt, nhưng càng về trưa, màu hồng của nước càng đậm dần cho đến khi đỏ như màu hồng ngọc.

Người hướng dẫn tham quan cho biết màu nước hồ thay đổi theo nhiệt độ và thời tiết của môi trường, có khi nước hồ như không có màu gì, có lúc lại chuyển sang đỏ cam như màu trái cà chua. Hồ rất rộng nhưng không sâu và điểm đặc biệt nữa của hồ là giống như biển Chết, người không biết bơi nhảy xuống nước không bị chìm vì độ mặn của nước rất cao.

Dưới lòng hồ là một mỏ muối. Chúng tôi còn thấy những mảng muối trắng bám quanh bờ hồ. Nhiều đời nay, diêm dân quanh hồ ngày ngày vẫn bơi thuyền ra giữa hồ rồi lặn xuống đáy để đào những tảng muối lên đem đi bán. Ngoài hồ nước đặc biệt này, nơi đây còn thu hút du khách bởi những đụn cát đẹp, một cánh rừng cây bao báp và một ngôi làng châu Phi truyền thống ở gần đó.

Abuja - trái tim của Nigeria


Sau bốn giờ khởi hành từ Dakar, máy bay chở chúng tôi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Abuja của Nigeria. Mất thêm 40 phút ngồi xe trên đường cao tốc mới vào đến khu vực trung tâm của Abuja - thủ đô mới của Nigeria.

Đoạn đường khá đẹp và hiện đại và chỉ đến khi kết thúc chuyến đi, chúng tôi mới biết nó chính là một trong số ít cung đường tốt nhất của Nigeria. Hai bên đường dân cư thưa thớt, chủ yếu là những cánh đồng trồng sắn, bắp, thơ mộng hơn là những mảnh rừng lưa thưa điểm xuyết màu vàng của hoa cúc dại.

Trời không nóng lắm nhưng khí hậu xem ra rất khô. Dù Nigeria là nước đông dân nhất châu Phi (dân số tới 145 triệu người), nhưng ở thủ đô Abuja mật độ dân số lại không cao.

Thủ đô cũ Lagos mới là thành phố đông đúc dân cư nhất, còn ở Abuja hầu như toàn các văn phòng của cơ quan Nhà nước, các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế, ngoài ra là trụ sở của các hãng dầu mỏ.

  • Ảnh bên : Màu xanh châu Phi (Abuja)

Do phần lớn dân số theo đạo Hồi và đạo Thiên Chúa, hai công trình kiến trúc đẹp nhất của Abuja là nhà thờ Lớn và đền thờ Hồi giáo ở ngay trung tâm thành phố.

Khi chúng tôi đến đây thì chính quyền thành phố vừa thực thi lệnh cấm xe máy trong thành phố. Quyết định này làm giao thông ở Abuja bớt hỗn loạn, nhưng đã đẩy nhiều người dân vào tình cảnh khó khăn vì rất nhiều người sống bằng nghề chạy xe ôm.

Dù có nguồn dự trữ dầu mỏ lớn nhất thế giới (ước tính 90% nguồn thu của nước này đến từ dầu mỏ) và là nước giàu thứ ba ở châu Phi, nhưng cơ sở hạ tầng của Nigeria vẫn còn kém Việt Nam. Hệ thống đường liên tỉnh, xuyên quốc gia đều rất tệ. Điện, nước ở thủ đô cũng không đầy đủ.

Tuy vậy, theo những cảm nhận của chúng tôi trong mấy ngày làm việc tại đây, giới văn phòng ở nước này ăn mặc rất lịch sự, luôn mặc vest, đi xe hơi đời mới, nói tiếng Anh khá chuẩn. Một anh bạn đã có thời gian làm việc ở đây khá lâu cho biết là dân “cổ cồn trắng” nước này trọng bề ngoài và sính bằng cấp giống như ở Việt Nam!

Không phải là thành phố du lịch nhưng Abuja cũng để lại trong chúng tôi một buổi chiều tham quan ấn tượng tại đồi Bộ Trưởng - ngọn đồi đẹp nhìn xuống quận Maitama của trung tâm thành phố. Trên đồi là dinh cơ, biệt thự của các quan chức cao cấp Nigeria với kiến trúc hiện đại, sang trọng.

Thấp thoáng sau những cánh cổng cao là vuờn hoa được cắt tỉa công phu. Aso Rock là tên tảng đá lớn như một quả đồi ngay rìa thành phố cũng là một trong những biểu tượng của Abuja. Ngay dưới chân tảng đá là một vườn cây nhiệt đới. Tại đó chúng tôi mải mê ngắm nhìn những cây cối và loài hoa đặc trưng của châu Phi.

Châu lục nóng nực và khô cằn này không phong phú về chủng loại thực vật nhưng hoa, trái vẫn tràn đầy sức sống. 

Điểm cuối trong hành trình của chúng tôi là… mua sắm. Trái ngược với hàng hóa tiêu dùng kém phong phú và đắt đỏ, đồ thủ công mỹ nghệ ở đây giá phải chăng, nhiều món hàng độc đáo, lạ và hấp dẫn. Ít ra, những bức tượng, những tấm phù điêu sắm được sẽ gợi lên trong lòng chúng tôi những kỷ niệm đẹp về một thoáng Phi châu khi đã về tới quê nhà.

Phương Bối

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...