Ashui.com

Wednesday
Dec 04th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Trung Quốc kim cổ

Trung Quốc kim cổ

Viết email In

Thượng Hải, Bắc Kinh là hai thành phố biểu trưng cho sức bật của một Trung Quốc mới. Nhưng trái với tốc độ tăng trưởng và biến hóa chóng mặt đó, nét cổ về văn hóa, lối sống, thậm chí là cả tín ngưỡng ngàn đời dường như vẫn không hề thay đổi.

Hiện đại “nóng”

Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân lên đất Thượng Hải là hệ thống giao thông và các tòa cao ốc thương mại lẫn chung cư. Qua 20 năm phát triển, đến nay Thượng Hải đã có hơn 1.000 nhà cao trên 30 tầng, sở hữu ba tòa nhà nằm trong danh sách 10 tòa nhà cao nhất thế giới.

  • Ảnh bên : Giao thông Thượng Hải

Ngoài tòa nhà Trung tâm Tài chính Thượng Hải gồm 101 tầng, cao thứ ba thế giới (492m), chính quyền Thượng Hải đã chính thức bắt tay xây dựng Trung tâm Thượng Hải ở Phố Đông cao tới 580m, tức còn cao hơn tòa nhà Burj Dubai (555m) đang đứng hạng nhất hiện nay.

Triệu Lương Phấn, cô hướng dẫn viên du lịch đã từng học ở Hà Nội, tiết lộ, sẽ còn nhiều tòa nhà cao nữa mọc lên ở Thượng Hải một khi trên thế giới tiếp tục có thêm những tòa nhà cạnh tranh về độ cao. Dường như ý nghĩ “phải cao hơn, to hơn” đã ăn sâu vào tâm thức lãnh đạo chính quyền và người dân nơi đây.

Đến Thượng Hải vào thời gian này, trở ngại lớn nhất có lẽ là tìm khách sạn. Hầu như tất cả các khách sạn tại trung tâm Phố Đông Thượng Hải đều không còn chỗ, bởi cả thế giới vẫn đang đổ dồn về đây, nơi diễn ra hội chợ Expo 2010 phải đến tháng Mười mới kết thúc.

Trong số khoảng 600 ngàn người đổ vào Trung Quốc mỗi ngày, có tới gần 400 ngàn người đến Thượng Hải với mục đích tham quan Expo. Thế nhưng, một điều lạ là giao thông ở Thượng Hải vẫn không có gì xáo trộn, chỉ trừ giờ cao điểm sáng sớm và chiều tối.

Có lẽ, ngoài hệ thống đường nội thành 4 - 6 làn xe, Thượng Hải là thành phố sở hữu nhiều cầu vượt, đường trên cao, hầm chui nhất thế giới. Chỉ riêng hầm chui qua sông Hoàng Phố, tính cả thảy có 12 cái, mỗi cái có chiều dài gần 2km.

Một điều lạ nữa là ngoài xe ô tô, Thượng Hải không có bóng dáng xe máy. Tất cả đều dùng xe đạp, xe máy điện hoặc đi tàu điện ngầm. Có lẽ do xe máy điện giá rẻ, chỉ khoảng 2.000 tệ (khoảng 6 triệu đồng), hoặc chính sách phạt tiền kèm theo tịch thu xe do chính quyền đưa ra, nên mọi thứ rất quy củ và trên các tuyến đường trong thành phố hầu như vắng bóng cảnh sát giao thông. Tất cả đều được quản lý bằng camera công cộng.

Dân Trung Quốc ví von rằng, ban ngày Thượng Hải giống như một chiếc tivi trắng đen, nhưng đến đêm thì chiếc tivi đó sẽ hóa màu. Từ 6 giờ chiều, cả thành phố bắt đầu bừng sáng. Không chỉ các tòa cao ốc, khu phố buôn bán, công trình công cộng, mà ngay cả các chung cư bình thường cũng được trang hoàng bằng hệ thống đèn trang trí.

Theo tính toán, mỗi đêm, chính quyền Thượng Hải phải chi ra 6 triệu tệ (khoảng 18 tỷ đồng) chỉ để phục vụ cho việc thắp sáng thành phố. Thế nhưng, tương đồng với sự hào nhoáng này là sức ép đang đè nặng lên lối sống của người dân Thượng Hải.

Triệu Lương Phấn cho biết, ngày xưa khi còn khó khăn, tiêu chuẩn vươn tới của người Thượng Hải là phải có “ba vòng”: đồng hồ, xe đạp, máy khâu. Ngày nay, tiêu chuẩn đó đã nâng lên thành “ba chìa”: khóa nhà, khóa xe ô tô và khóa két.


Phố Đông (nguồn: Ashui.com) 

>> Các bài học từ Phố Đông của Thượng Hải

Với tình trạng nam nhiều hơn nữ như hiện nay, đàn ông Thượng Hải muốn cưới được người vợ ưng ý thì tốt nhất là phải đạt được ba tiêu chuẩn này. Chưa hết, đám cưới ở Thượng Hải cũng rất cầu kỳ. Muốn được coi là một đám cưới đúng điệu thì phải tổ chức trên du thuyền chạy trên sông Hoàng Phố. Chỉ riêng chi phí thuê thuyền trung bình cũng 30 ngàn tệ/giờ, mà mỗi đám cưới thường kéo dài ba giờ đồng hồ, như vậy chú rể sẽ phải trả khoảng gần 300 triệu đồng.

Đi thuyền trên sông Hoàng Phố có lẽ chỉ là để chứng tỏ tinh thần hoài cổ, còn tàu cao tốc hiện đại mới được nhắc đến nhiều nhất ở thành phố năng động này. Để phục vụ Expo 2010, chính quyền Trung Quốc đã chi 45 tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng thành phố Thượng Hải, trong đó có việc nâng tổng chiều dài đường ray cao tốc lên 6.400km.

Tháng 7/2010, con tàu nhanh nhất Trung Quốc được đưa vào hoạt động với vận tốc có thể đạt tới 355km/giờ, nối các thành phố Thượng Hải, Tô Châu và Nam Kinh. Nhưng theo cô hướng dẫn viên Phấn, tàu cao tốc không dành cho số đông người dân, ngay cả với người có mức lương trên 5.000 tệ (khoảng 15 triệu đồng) như cô.

Đa số người Trung Quốc hiện nay vẫn di chuyển bằng con tàu cũ, dù chậm hơn nhưng rẻ. Ví như chuyến tàu cao tốc từ Bắc Kinh đi Thiên Tân có giá vé là 58 tệ, nhưng cũng tuyến đường này, nếu đi trên tàu chậm hơn khoảng hai tiếng, hành khách chỉ phải trả 11 tệ.

Nơi nơi tín ngưỡng

Bắc Kinh được coi là cái nôi về lịch sử, văn hóa, chính trị của Trung Quốc, và có phần mang nặng nét cổ kính. Nhưng tốc độ phát triển kinh tế nơi đây không hề thua kém so với Thượng Hải. Cuộc chạy đua về số lượng nhà cao tầng vẫn đang tiếp tục, cầu vượt xuất hiện ngày càng nhiều để phục vụ lượng xe ô tô cá nhân đang tăng cao do giá xe ô tô sản xuất trong nước hiện khá rẻ, trung bình từ 30 ngàn tệ trở lên (gần 100 triệu đồng).

Tuy khoác lên mình chiếc áo mới, nhưng thủ đô Bắc Kinh vẫn giữ cho mình những nét đặc trưng: không chỉ có sự đồ sộ, nguy nga của Tử Cấm Thành, cung Di Hòa Viên, Vạn Lý Trường Thành..., hay những nhà hàng, khách sạn, thậm chí là ga tàu Bắc Kinh được xây dựng theo lối kiến trúc cổ, mà còn là bóng dáng của tín ngưỡng thấp thoáng khắp nơi, từ trung tâm thủ đô cho tới vành đai 7.

  • Ảnh bên : Phố cổ ở Bắc Kinh 

Đối diện với ga tàu Bắc Kinh là một tòa cao ốc cao, rộng, vốn là siêu thị, đang trong tình trạng bỏ hoang vì không hợp phong thủy.

Chuyện là một tòa nhà đối diện siêu thị vì nằm trên vị trí bị coi là trấn long mạch, nên chủ đầu tư tìm cách hóa giải bằng cách xây dựng tòa nhà theo hình lưỡi dao để... chém đi những xui xẻo. Thế là siêu thị hứng trọn lưỡi dao đó và không hiểu vô tình hay hữu ý, nhiều tai họa đã xảy đến với cả bảy đời chủ của siêu thị. Cuối cùng cả tòa nhà đồ sộ bỗng chốc bị coi như tòa nhà ma, chẳng nhà đầu tư nào hỏi tới.

Không chỉ người Bắc Kinh tin phong thủy, ngay chính quyền Thượng Hải cũng vậy. Tại cầu vượt Viên An trên đường Trùng Khánh có một chiếc trụ cầu rất đặc biệt, được chạm khắc chín con rồng, gọi là cột Cửu Long.

Trước đây, khi chính quyền Thượng Hải khởi công xây dựng cầu vượt Viên An, nhiều sự cố xảy ra đã khiến việc xây dựng không tiến hành được. Cuối cùng, chính quyền thành phố Thượng Hải đã phải nhờ vị cao tăng trụ trì chùa Phật Ngọc đến hóa giải vị trí trấn ngay long mạch thành phố của chiếc cầu thì việc thi công mới được thuận lợi.

Trở lại Bắc Kinh, hình tượng tín ngưỡng phổ biến nhất là ba linh thú: Sư tử, Kỳ lân và Kỳ hưu. Sư tử luôn được trưng bày ở các công ty nhà nước. Kỳ lân ở tòa án, trụ sở quân đội, công an. Kỳ hưu ở ngân hàng, công ty tư nhân, khách sạn. Trong số đó, Kỳ hưu được coi trọng nhất.

Viện Đức Thắng Môn được coi là địa điểm cung cấp tượng Kỳ hưu nổi tiếng nhất ở Bắc Kinh. Đến đây, điều ngạc nhiên nhất là hơn 90% danh thiếp trên tấm bảng lưu lại danh thiếp là của khách người Việt. Theo giới thiệu của Viện Đức Thắng Môn, Kỳ hưu có hình dạng như con chó nhưng miệng rộng, có cánh, có sừng và không có hậu môn. Sừng là để bảo vệ chủ, miệng rộng là để gom tiền tài vào cho chủ, không có hậu môn là để không có chỗ cho tiền tài thoát ra, có cánh là để cho chủ mau thăng quan tiến chức...

Thế nên, nếu “thỉnh” một Kỳ hưu càng đắt tiền về nhà thì càng có giá trị, do đó Kỳ hưu có giá từ vài trăm đến vài chục ngàn tệ cũng có khách hàng bỏ tiền ra “thỉnh” về.

Phong thủy, Kỳ hưu được coi trọng là thế, nhưng khi hỏi Lan Phương, hướng dẫn viên du lịch, cái gì đắt và được quan tâm nhất ở Bắc Kinh thì anh cho biết là rau và nhà.

Một bó rau muống ở đây có giá 8 tệ, tức khoảng 24.000 đồng. Giá chung cư ở Bắc Kinh khoảng 20.000 tệ/m2. Lương của Phương là 8.000 tệ/tháng, sau khi chi tiêu mọi thứ thì còn khoảng 2.000 tệ, vậy là muốn mua được một căn chung cư, Phương phải mất... 20 năm tiết kiệm.

NGUYỄN MẠNH

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...