Trên truyền hình của Nhật Bản đang có một cuộc tranh luận kéo dài nhiều kỳ với chủ đề tại sao người Nhật Bản lại sống lạnh lùng hơn so với dân ở các quốc gia khác. Tháng 8 vừa qua, cũng trên truyền hình, một loạt các bản tin liên tiếp truyền tải việc hơn 250 cụ già Nhật Bản đơn thân ở các thành phố lớn bị chết do nóng, trong số đó có nhiều người mất mà hai đến ba ngày sau mọi người mới biết.
Từ những chuyện này, người ta nhận thấy sau 160 năm phát triển đô thị mạnh mẽ, Nhật Bản buộc phải xem lại mô thức phát triển đô thị như thế nào là bền vững, việc quá mải mê chạy theo tạo dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật hiện đại chưa chắc đã tạo ra được một thành phố sống tốt cho người dân cho dù đó là một tiền đề rất quan trọng.
Một góc nhỏ của Tokyo.
Lạnh lùng vì quá ngăn nắp và trật tự
Đến các thành phố của Nhật Bản như Tokyo, Yokohama, Osaka người ta nhận thấy một cơ sở vật chất thật tuyệt hảo, quá sạch sẽ, quá ngăn nắp và trật tự, dường như vị trí của tất cả các đồ vật lẫn hành vi của con người đều được tính toán một cách rất chính xác để không có một sự dư thừa nào cả. Thành phố được quy hoạch đến từng phân, còn sự vận hành của nó được lập trình theo một chế độ tối ưu, trong một thành phố như thế mỗi cá nhân chỉ việc thực hiện các hành động theo những quy trình và quy chuẩn có sẵn, từ việc lên xuống tàu điện ngầm, xếp hàng trong siêu thị, thứ bậc ngồi trong một phòng họp đến chuyện lớp lang thứ tự trong một bữa ăn, uống trà. Thanh thiếu niên Nhật Bản được chuẩn hoá các hành vi ngay từ nhỏ trong gia đình, trường học và thông qua thông tin đại chúng, tất cả các hành vi thường ngày đều phải tuân theo những quy chuẩn được coi là đúng từ việc cúi chào, tư thế ngồi ăn, việc bước vào thang máy, nghi thức đáp lễ cấp trên và đồng nghiệp,…
Hiện đại hoá và những khoảng trống nhân tâm
Nếu để ý sẽ thấy tất cả các giáo sư Nhật Bản khi đưa danh thiếp cho người khác bao giờ cũng đưa hai tay và tên của chủ nhân danh thiếp phải được quay ngược lại để người nhận đọc được ngay tên và danh vị người đối diện. Ai cũng thấy sống trong một thành phố trật tự là tốt nhưng nếu quá mức và duy trì cả đời người thì dễ làm cho con người ta nhàm chán và căng thẳng. Sức ép công việc và đời sống căng thẳng thường xuyên làm cho người dân Nhật Bản rơi vào tình trạng stress nặng, do vậy không khó để hiểu tại sao tỷ lệ người Nhật Bản tự tử cao nhất thế giới.
Thật ra thế hệ trẻ Nhật Bản ngày nay cũng muốn canh tân để cho xã hội cởi mở, thoáng hơn nhưng gặp nhiều khó khăn trong định chế xã hội mang tính truyền thống quá nặng nề.
(ảnh minh họa: Ashui.com)
Quan hệ xã hội lỏng lẻo
Ai cũng hiểu đời sống đô thị diễn ra nhanh, nhưng có đến Tokyo mới thấy nó nhanh đến mức nào. Đã từ lâu người Nhật Bản hình thành một thói quen mà ít thành phố nào có là vừa đi vừa ăn, đó là hệ quả xấu của xã hội “tốc độ”. Người Nhật đi rất nhanh, ăn nhanh và giải quyết công việc cũng rất nhanh. Hầu hết các sinh viên Việt Nam trong thời gian đầu mới tới Nhật đều bị những cú sốc vì sự khác biệt văn hoá, và khó hoà nhập được ngay vào dòng chảy xã hội diễn ra cuồn cuộn với một tốc độ kinh hoàng.
Phải thừa nhận nhịp độ sống và tốc độ làm việc của người Nhật rất nhanh nhưng lại khá hiệu quả, tuy vậy nó cũng bộc lộ ra mặt trái của nó là quan hệ xã hội khá lỏng lẻo, và lạnh lùng thoáng qua nhanh mà theo cách nói của GS Hiroaki Suzuki thì người Nhật đang lướt nhanh qua bên cạnh nhau hơn là đi cùng với nhau. Nếu chịu khó quan sát sẽ thấy người Nhật ít nói chuyện với nhau trên tàu điện ngầm, trên xe buýt hay trong quán ăn.
Ở Nhật Bản có rất nhiều công viên, vườn dạo, ghế đá nhưng quả thật ít thấy người Nhật ngồi trò chuyện với nhau như ở các thành phố châu Á khác. Còn ở khu dân cư, tình trạng cũng không khá hơn. Trong một cuộc khảo sát ở Tokyo năm 2007 cho thấy, hơn 97% người Nhật Bản ở chung cư không bao giờ qua viếng thăm nhau, thậm chí không biết đến người hàng xóm là ai. Có thể với lý do là người Nhật rất tôn trọng chốn riêng tư của người khác nhưng quả thật như thế thì lạnh lùng và khép kín quá.
Chính người Nhật cũng thừa nhận là cách nay 30, 40 năm về trước thế hệ cha ông họ sống cởi mở và hồn nhiên hơn bây giờ nhiều. Thậm chí có ý kiến cho rằng càng trẻ người Nhật càng sống ích kỷ, chả biết điều đó có đúng không nhưng có một điều chắc chắn là ở Nhật Bản rất ít trẻ con, đất nước đang bị lão hoá đi một cách nhanh chóng.
Có một thực tế khác nữa cần ghi nhận là có rất ít (thậm chí là không có) trường hợp người già bị chết trong nhà vài ba ngày sau mới biết xảy ra ở các thành phố ở Đông Nam Á, trong khi ở Nhật Bản là chuyện không hiếm gặp. Rõ ràng là quan hệ cộng đồng làng xã của người Việt ở TP.HCM, quan hệ chặt chẽ của cộng đồng Hồi giáo ở Kuala Lumpur, Thiên Chúa giáo ở Manila là những giá trị rất tốt đẹp cần được giữ gìn và gia cố.
Thờ ơ vì hệ thống dịch vụ quá tốt
Nhật Bản là một trong số các quốc gia có hệ thống dịch vụ cực kỳ tốt, các công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến được liên tục đưa vào đời sống nhằm hướng đến một xã hội tự động hoá cao, nhưng sự hoàn thiện ấy đôi khi vô tình lại làm triệt tiêu các quan hệ xã hội, nhất là đối với những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương. Có thể nói các thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật của Nhật Bản quá hoàn hảo, từ toilet dành riêng cho người khuyết tật, hệ thống âm thanh ở các ngã tư định hướng cho người mù, bàn nâng ở xe buýt cho người đi xe lăn, đến nút ấn có số nổi trong thang máy dành cho người mù…sự hoàn thiện tốt đến mức không cần có ai giúp đỡ thì người khuyết tật vẫn sống bình thường. Có lẽ do vậy mà chẳng ai quan tâm đến họ, nhưng trong cuộc sống thì dẫu là ai cũng cần có sự chia sẻ, đôi khi chỉ là một lời thăm hỏi, một lời đề nghị được giúp đỡ cũng làm cho nhau ấm lòng.
Người già đơn thân ở các đô thị Nhật Bản rất nhiều, họ thường đóng cửa sống trong nhà, các dịch vụ như trả tiền điện, nước, điện thoại, gas đều qua hệ thống chi trả tự động, họ không phải đi ra ngoài và cũng không có ai đến đưa hoá đơn, chính vì vậy mà việc phát hiện ra người già chết thường là những người thu gom rác khi không thấy chủ nhà không có rác nhiều ngày liên tiếp thì sẽ báo chính quyền, nhưng điều này lại tuỳ thuộc vào lòng từ tâm của những người thu gom rác. Từ chuyện này những nhà khoa học đã chỉ ra một lỗ hổng lớn trong quản lý khi mà chính quyền cho rằng các cơ quan chức năng không cần giao tiếp trực tiếp với con người mà chỉ thông qua một mã số đại diện là đủ, nhưng trên thực tế đời sống con người có vô vàn chuyện khác nhau, chỉ một dãy số khô khan là chưa đủ, điều này cũng đang diễn ra ở Việt Nam khi mà các cụ về hưu hàng tháng phải đánh vật với chiếc thẻ ATM.
GS Tsutomu Fuse, hiệu trưởng trường đại học Yokohama, đồng thời là chủ tịch hội đồng Mạng lưới các thành phố phát triển bền vững châu Á có phân tích với các đồng nghiệp Đông Nam Á, lý giải tại sao Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng liên tục trong nhiều năm liền tăng trưởng âm, mặc dù Nhật Bản cố gắng tìm kiếm con đường tái cấu trúc nền kinh tế nhưng không thành công vì Nhật Bản là một xã hội luôn cố gắng đạt đến sự hoàn thiện một cách quá cứng nhắc và như thế việc dỡ ra làm lại là điều không thể.
Từ Nhật Bản người ta rút ra được bài học kinh nghiệm rất quan trọng về quy mô, cấp độ và tốc độ của hiện đại hoá, cũng như cách thức tổ chức không gian sống sao cho không làm mất đi các giá trị văn hoá truyền thống, và để còn chừa lại những khoảng trống cho quan hệ nhân văn tự do nảy sinh.
TS Nguyễn Minh Hoà
- New York - Thành phố phát triển bền vững nhất nước Mỹ
- Cappadocia - thành phố trong lòng đất
- Tòa nhà "siêu chọc trời" Miapolis sẽ soán ngôi Burj Khalifa
- Kiến trúc vì cuộc sống
- Malaysia với kế hoạch Great Kuala Lumpur
- Lebanon "giải cứu" các biệt thự cổ
- Jakarta - đô thị nghẹt thở
- Christchurch thoát khỏi thảm họa nặng nề nhờ áp dụng tiểu chuẩn xây dựng mới
- Các siêu đô thị lớn nhất thế giới
- Trung tâm Thương mại Thế giới mới: vươn lên từ đống tro tàn