Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Lebanon "giải cứu" các biệt thự cổ

Lebanon "giải cứu" các biệt thự cổ

Viết email In
Các nhà bảo tồn Lebanon đang vội vã cứu nguy các di sản kiến trúc của Beirut khi hiện nay nhiều tòa nhà chính đã trở thành nạn nhân của các nhà tài trợ “tham lam” và các chính trị gia đang muốn biến thủ đô của Lebanon thành một mớ hỗn độn các công trình bằng bê tông.

Beirut từng là một thành phố của những biệt thự và khu vườn lớn, nhưng giờ đây thành phố này đã trở thành mớ hỗn độn của những tòa nhà cao tầng và các dự án xây dựng”, Yvonne Sursock Cochrane, 88 tuổi, người sáng lập Hiệp hội bảo vệ các di sản tự nhiên và tòa nhà cổ ở Lebanon (APSAD), nói. “Chúng ta đang phá hủy các ngôi nhà cổ mà ở nhiều nước khác không ai dám động tới”. 

Beirut đang xấu đi từng ngày
 
Các ngôi nhà cổ điển hình của Beirut, với những chiếc cửa sổ hình vòm, những ban công được làm công phu, mái nhà màu đỏ và những khu vườn ngát mùi hoa nhài đã biến mất để “nhường” chỗ cho các tòa nhà cao tầng đang mọc lên như nấm. Các quan chức nước này cho biết, trong số 1.200 biệt thự cổ được Bộ Văn hóa Lebanon kiểm kê hồi năm 1995 thì hiện chỉ còn 400.
  • Ảnh bên : Tòa biệt thự cổ điển hình ở Beirut.
Sự bùng nổ xây dựng, bắt đầu vào cuối cuộc nội chiến 1975-1990, mà chủ yếu do những người biệt xứ giàu có và các nhà đầu tư A-rập vùng vịnh đã đẩy giá lên để khuyến khích các chủ sở hữu bất động sản ở Beirut bán tài sản của mình cho những người trả giá hời.

Beirut đang xấu đi từng ngày và người Lebanon đã trở nên quen với sự xấu xí đó”, Pascale Ingea, thành viên của địa chỉ Cứu nguy Di sản Beirut được lập trên mạng lưới xã hội Facebook trong năm nay. “Tôi cảm thấy phải làm gì đó khi quan sát từ ban-công nhà mình một biệt thự 200 năm tuổi bị phá dỡ từng viên đá một. Kết cấu xã hội và đô thị của chúng tôi đang biến mất. Beirut không còn là thành phố mà chúng tôi từng biết nữa”, nghệ sĩ 33 tuổi này nói.
 
Dự thảo luật bảo vệ di sản đã phủ bụi 8 năm

Người ta thường gọi thủ đô Beirut của Lebanon là “Paris của khu vực”. Beirut nằm ở điểm giao thoa Đông-Tây, trên một mũi đất khổng lồ nhô ra biển Địa Trung Hải xanh biếc. Đây là một khu định cư rất cổ, một vùng đất với quá khứ hào hùng, với 5.000 năm lịch sử và trải qua hàng trăm lần bị tàn phá.
Mặc dù nhiều người cảm thấy đã quá muộn để có thể ngăn chặn được tình trạng này, song các nhà bảo tồn đang hết sức nỗ lực để cứu được một số công trình còn tồn tại và cuối tuần qua họ đã diễu hành ở trung tâm Thủ đô Beirut nhằm khuyến khích người Lebanon phản ứng lại.

Trong một chương trình truyền hình mới đây, một nhóm bảo tồn đã thể hiện hình ảnh những ngôi mộ - tượng trưng cho các tòa nhà bị phá - trên hình nền là các tòa nhà chọc trời. Với hình ảnh đó, họ muốn truyền đi thông điệp về các mối nguy cơ với di sản, nhằm thúc giục Quốc hội nước này nhanh chóng ban hành luật bảo vệ các ngôi nhà cổ.

Chiến dịch của họ đã nhận được sự ủng hộ của Bộ trưởng Văn hóa Salim Wardy và giờ đây, bất cứ giấy phép phá hủy nào ở Beirut cũng phải có chữ ký của ông. Ông đã lập một đường dây nóng để công chúng có thể cung cấp thông tin về những tòa nhà đang bị đe dọa và nhờ vậy “đã giảm được đáng kể việc phá dỡ các tòa nhà cổ”, Wardy cho biết.

Kiến trúc sư Fadlallah Dagher, thành viên của APSAD, cho biết nhiều chính trị gia của Lebanon cũng đang tham gia buôn bán bất động sản nên chẳng có gì ngạc nhiên khi dự thảo luật bảo vệ di sản kiến trúc của đất nước đã 8 năm phủ bụi trong tòa nhà quốc hội.

Còn Bộ trưởng Văn hóa Wardy cho biết ông đã bị nhiều chính trị gia và nhà phát triển thúc ép nhận hối lộ và làm ngơ trước tình trạng phá hủy di sản kiến trúc ở Leban, nhưng ông nói: “Chúng tôi đang cố gắng bảo tồn tính đồng nhất của thành phố mình và cứu những gì còn lại”.

Việt Lâm
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo