Người ta thường cho rằng kiến trúc và thiết kế đô thị là lĩnh vực của chuyên gia, mà quên rằng, những người đầu tiên liên quan đến nó trong đời sống thường nhật chính là công chúng.
Cầu đi bộ Simone de Beauvoir – giải nhất dạng không gian công cộng.
Pavillon de l’Arsenal
Từ nhận xét hiển nhiên đơn giản này, từ năm 1988, tại Paris đã hình thành một không gian độc nhất và độc đáo, để người dân có thể tìm hiểu, thảo luận những vấn đề về quy hoạch cũng như các đề án kiến trúc của thành phố. Đó là “Trung tâm thông tin, tư liệu, triển lãm về thiết kế đô thị và kiến trúc của Paris và ngoại thành” – môt cái tên quá dài để trở nên thông dụng, nên người Paris quen gọi trung tâm này bằng tên của dinh thự nơi nó toạ lạc, là Pavillon de l’Arsenal thuộc quận 4, Paris.
Nằm gần sông Seine và không xa quảng trường Bastille, toà nhà bằng thép xây dựng thế kỷ thứ 19 trên đại lộ Morland trước đây là dinh thất của một doanh nghiệp thành đạt trong ngành buôn bán gỗ, Laurent-Louis Borniche – người yêu hội hoạ đến mức biến cơ ngơi của mình thành “bảo tàng bình dân” để chia sẻ với công chúng cái đẹp của hai ngàn bức tranh mà ông sưu tầm. Về sau, toà nhà thay chủ nhiều lần, biến thành xí nghiệp bột thực phẩm, kho bán rượu, quán ăn, xưởng may mặc..., cho đến khi thành phố Paris quyết định mua lại, để khôi phục và hoàn trả chức năng ban đầu của nó là không gian dành cho công chúng.
Từ đầu hè năm nay, Pavillon de l’Arsenal tập trung giới thiệu kết quả một cuộc thi kiến trúc độc đáo, khá tiêu biểu cho tinh thần của toà nhà. Đó là “Giải thưởng công chúng về kiến trúc đương đại vùng Paris” từ năm 2005 đến 2010, thông qua cuộc bỏ phiếu trên mạng được tổ chức trong suốt sáu tháng đầu năm.
Một trong những công trình được giải.
Khẩu hiệu cuộc thi bên trong Pavillon.
Việc tuyển chọn được tiến hành như sau: từ một danh sách 287 công trình phân chia theo bảy dạng – chung cư, nhà riêng, trường học, cơ sở hành chính, cơ sở doanh nghiệp, cở sở văn hoá - thể thao, không gian công cộng – do ban tổ chức đưa ra, 25.800 người tham gia bình chọn đã bầu ra 21 công trình được công chúng yêu thích nhất, trong đó dẫn đầu mỗi dạng là: chung cư xã hội ở quận 4, nhà riêng Techtone ở Le Chesnay, trường trung học Robert Schuman ở Charenton, viện nghiên cứu về mắt ở quận 12, nhà máy điện cải tạo thành toà nhà văn phòng ở quận 14, thư viện media Marguerite Yourcenar ở quận 20, cầu đi bộ Simone de Beauvoir ở quận 13. Đồng thời, môt ban giám khảo gồm 10 công dân, trong đó không ai là chuyên gia, đã chọn từ 287 đề cử trên, công trình cải tạo chung cư xã hội ở quận 4, nơi trước đây vốn là nhà tập thể xuống cấp và độc hại cho sức khoẻ cư dân để trao “Giải kiến trúc của công chúng”. Trên website của giải thưởng kiến trúc này, người ta còn có thể đọc hơn 1.500 ý kiến liên quan đến các công trình đề cử.
Be-Green
Cũng trên con đường này, đối diện ngay phía trước Pavillon de l’Arsenal, hai tạp chí kiến trúc Architectures à vivre và Ecologik đã có sáng kiến xây dựng, triển lãm trong suốt mùa hè hai mẫu nhà ở liên kế (90m2 và 60m2) có tên Be-Green, với quan tâm đầu tiên là “giảm dấu ấn con người trên môi trường sinh thái”. Bởi, theo lời giới thiệu của các chủ nhân Be-Green, nếu mọi người trên thế giới đều có lối sống như người Pháp hiện nay, thì “có đến ba trái đất cũng chưa đủ lực để cung ứng”.
Toàn cảnh nhà Be-Green
Nguyên tắc xây dựng của Be-Green là sử dụng tối thiểu vật liệu, ưu tiên vật liệu tái sinh. Với nguyên tắc này, những cây trồng trang trí khu triển lãm cũng là cây hoang dã, không sử dụng phân hoá học.
Nhờ tự sản xuất năng lượng mặt trời và ứng dụng kỹ thuật tiết kiệm điện, tổng kết khí CO2 phát ra của hai ngôi nhà là trung tính, trong đó một nhà có năng lượng dương (có thể bán ra). Về giá thành xây dựng, Be-Green không phải là ngôi nhà của số đông vươn tới, nhưng nó đã làm cho bất cứ ai ghé thăm phải tự vấn, ý thức hơn về thái độ hành xử với môi trường.
Ngoài việc đồng chủ nhân của nhà triển lãm Be-Green 2010, tạp chí Architectures à vivre còn được biết đến trước đây qua sáng kiến tổ chức chương trình “Những ngày kiến trúc để sống” cực kỳ hấp dẫn và thiết thực. Theo chương trình này, vào tháng sáu hàng năm, chủ của nhiều ngôi nhà đẹp có kiến trúc độc đáo trên khắp nước Pháp, sẽ đồng loạt mở cửa để đón tiếp những ai muốn đến tham quan.
Kiến trúc Pháp lâu nay vốn được thế giới ưa chuộng, đặc biệt kiến trúc công cộng. Điều này xem ra không khó hiểu khi vai trò của công chúng được tôn trọng như thế.
HẢI ANH
- Tata Tower - bãi đỗ xe thẳng đứng ở Mumbai (Ấn Độ)
- Stockholm - thủ đô sinh thái nhất châu Âu
- New York - Thành phố phát triển bền vững nhất nước Mỹ
- Cappadocia - thành phố trong lòng đất
- Tòa nhà "siêu chọc trời" Miapolis sẽ soán ngôi Burj Khalifa
- Malaysia với kế hoạch Great Kuala Lumpur
- Nhật Bản: Hiện đại hoá và những khoảng trống nhân tâm
- Lebanon "giải cứu" các biệt thự cổ
- Jakarta - đô thị nghẹt thở
- Christchurch thoát khỏi thảm họa nặng nề nhờ áp dụng tiểu chuẩn xây dựng mới