Ashui.com

Wednesday
Dec 04th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Huyền thoại Venice

Huyền thoại Venice

Viết email In

Một thành phố duy nhất ở châu Âu giữa thế kỷ XXI không sử dụng ô tô và xe tải làm phương tiện giao thông. Một thành phố có tuổi thọ lâu đời trong lịch sử nhưng cũng có thế ngày mai là tận thế. Một thành phố ẩn mình dưới sự lãng mạn và thăng hoa của những chiếc mặt nạ ôn hòa là một chế độ độc tài tàn ác… Đó là Venice.

Venice nằm ở vùng đông bắc nước Ý, chỉ cao hơn mực nước biển 1m, diện tích toàn phần 414,57km², trong đó gồm 118 hòn đảo to nhỏ khác nhau, 160 con kênh, hơn 500 cây cầu và 115 nhà thờ. 

Venice xứng đáng với vinh dự một trong những thành phố đẹp nhất thế giới, vì ẩn chứa trong lòng nó nhiều điều kỳ diệu, dưới chân những cây cầu hay trên dòng kênh xanh thẳm. Người ta đặt ra câu hỏi Venice sẽ có thể chìm được không? Câu trả lời là có nhưng không biết bao giờ.



Bề dày lịch sử

Sau sự sụp đổ của kỷ băng hà, mực nước biển lại tiếp tục dâng lên, ba con sông dưới chân dãy Alpen, Brenta, Sile và Piave, tự tìm đường chảy cho mình. Để đáp lại công việc cần mẫn qua thời gian của chúng, một điều kỳ diệu đã được thiên nhiên tạo ra, một dải đất gần với mép biển dần dần hình thành. Sau hàng nghìn năm miệt mài bồi đắp phù sa qua những trận sạt lở rồi lại bồi đắp, dải đất này được ba con sông cung cấp hầu hết các khoáng sản cần thiết tạo nên điều kiện tuyệt vời cho cây cối và động vật sinh sôi nảy nở.

Mảnh đất tươi đẹp và phồn hoa ấy bắt đầu được người tiểu Á và Hi Lạp khai phá sau cuộc chiến tranh đẫm máu vào thành Troy năm 1.200 trước công nguyên. Nhiều thế kỷ sau, người La Mã tiếp tục mở rộng bằng nhiều cuộc xâm chiếm. Tính đến nay, người dân Venice là tổng hợp của người tiểu Á (Thổ Nhĩ Kỳ), Hi Lạp, La Mã và người Đức cổ. Thiên nhiên ban tặng cho người dân nơi đây một nguồn thực phẩm dồi dào do ba con sông mang lại. Họ sinh sống bằng nghề đánh bắt cá, trồng trọt và làm muối. Với lý do trên, ngày nay, ngoại trừ pizza, bất cứ ngõ ngách nào ở Venice cũng có cửa hàng cá, cá là một món ăn đặc trưng nơi đây.

Đặt chân lên con xuồng - waterbus, (cũng có thể chọn đi xe taxi nước nhưng với giá... trên trời - 22 euro cho 10 phút) để đi từ đất liền vào thành phố, tôi vô cùng kinh ngạc khi nhìn thấy những công trình kiến trúc tuyệt đẹp cổ kính có, hiện đại có đang dầm mình giữa mênh mông sông nước, thậm chí có cánh cửa cảm tưởng như chỉ cần mở ra mình sẽ bị rơi xuống sông. Tại sao với một điều kiện địa lý hầu như rất ít đất liền mà người ta đã có thể xây dựng được lên những công trình kiến trúc vĩ đại đến như vậy? Câu trả lời rất đơn giản, bởi các kiến trúc sư tạo nên những công trình ấy có một niềm say mê nghệ thuật và một tham vọng chinh phục đỉnh cao. Nó thuộc về văn hóa nghệ thuật không chỉ từ hôm qua đến hôm nay mà còn cho mãi mãi về sau. Người Venice xây nhà một cách rất đặc biệt, đều quay mặt chính của ngôi nhà hoặc cửa hàng ra thắng sát mép với mặt sông, cố ý giới thiệu một kiểu kiến trúc riêng, tinh xảo nhưng cũng không kém phần lãng mạn.

Piazza San Marco

Người Venice học các nghệ thuật kiến trúc của người Đông La Mã (người Byzanz) rồi cải biến thành nét đặc trưng riêng. Vì thế ở khắp nơi đều nhìn thấy dáng dấp nghệ thuật La Mã nhưng cũng không hẳn rõ nét. Đặc biệt, tại đây người ta tạo nên công trình kiến trúc mang đậm phong cách Gotic, hay còn gọi là một sự kỳ diệu của nghệ thuật kiến trúc Gotic. Các cung điện và nhà thờ đều có mái hình kim nhọn, chĩa thẳng lên bầu trời, ngược lại thì các vòm điện và lối vào ra lại mang hình đường cung rất mềm mại, uyển chuyển. Tại quảng trường San Marco, có thể thấy sự kết hợp của nhiều kiểu nghệ thuật kiến trúc khác nhau. Nhà thờ thánh Marco mang nét nghệ thuật kiến trúc Byzan từ phương Đông, dinh tổng trấn mang nét Gotic từ phương Bắc, thư viện sách mang kiến trúc Phục Hưng của phương Tây.

Piazza San Marco không hổ danh là một trong những quảng trường đẹp nhất thế giới. Có thể tìm thấy 24 quán cà phê rất cổ, trong đó có Florian là quán cà phê ra đời đầu tiên tại châu Âu, từ thế kỷ 17 và tồn tại đến tận bây giờ. Nơi đây, Casanova, Goethe và Rousseau (nhà triết học) đã ngồi uống cà phê và sáng tác những tác phẩm nghệ thuật văn thơ.

Hai bên cánh gà của tòa nhà Procuratie là Procuratie Vecchie nằm bên trái, còn Procuratie Nouve nằm bên phải, đều được xây dựng vào thế kỷ 16 sau khi thư viện Marciana hình thành. Ngoài ra còn có hai kiến trúc đồ sộ được giữ gìn từ thế kỷ thứ chín, đó là tòa thánh Basilica di San Marco và tháp đồng hồ Toore dell'Orologio. Tháp đồng hồ thiên văn học mô tả các chu kỳ mặt trăng, mặt trời và hoàng đạo, hai tượng đồng khổng lồ gõ vào chuông đồng mỗi đầu giờ.

Tòa thánh Marco là nhà thờ đầu tiên được người Venice xây dựng nhằm tưởng nhớ đến người bảo trợ cho toàn thành. Truyền thuyết về thánh Marco rất thú vị. Trước đây, ông làm thủy thủ của một con tàu, con tàu không may bị đắm. Ông bị sóng đánh dạt vào một hòn đảo hoang không người sinh sống, trong lúc mơ màng, một thiên thần đã hiện lên trong giấc mơ và nói: “Ta ban cho con sự tự do“. Sau đó ông tỉnh dậy và cứu sống được thêm một số người nữa. Từ đó họ lập đàn xây ấp tạo nên Venice ngày nay. Khi mất, Marco được chôn cất tại Alexandria, nhưng người Venezia đã đánh cắp một xương ống chân của ông, đắp thịt lợn lên rồi chuyển về Venice. Biểu tượng của thánh Marco là tượng sư tử có cánh, tượng trưng cho sức mạnh của vị thần này. Khi vào thăm tòa thánh không được phép mặc quần ngắn và vai phải được che kín, đặc biệt cấm không được chụp ảnh.

Quảng trường San Marco dài 175m, rộng 82m, khách du lịch đến đây còn bị thu hút bởi trăm nghìn con chim bồ câu, biểu tượng hòa bình của Venice. Trước đây, khách du lịch được phép cho chim ăn nhưng do sự ảnh hưởng vệ sinh nên hiện nay việc này đã bị cấm, vì thế số lượng chim cũng giảm nhiều. Khi cho chim ăn mà bảo vệ nhìn thấy thì khả năng sẽ bị phạt tiền lên tới 500 euro.

Cầu Rialto

Từ quảng trường San Marco dẫn đến cây cầu nổi tiếng Rialto, đi vòng vèo qua từng ngõ nhỏ. Những tòa nhà đứng san sát nhau bên mép nước, hầu hết được xây dựng bằng gạch nung, chạy dài theo ngõ hẹp, nhiều ngõ rất hẹp, chỉ đủ rộng cho một người đi. Từ ngõ này sang ngõ kia thường gắn bằng một cây cầu, ở Venice người ta đếm được hơn 500 cây cầu. Có thể tìm các cửa hàng ăn và cửa hàng bán đồ lưu niệm tại đây. Đặc sản của người Venice là kem và cá chiên dầu olive. Kem ở Venice có một mùi vị rất đặc biệt, rất ngon, nếu đến Ý mà không ăn kem là đã bỏ qua một cơ hội lớn.



Đằng sau từng cửa sổ kính của các cửa hàng lưu niệm rất nhiều chiếc mặt nạ hóa trang được bày bán. Venice còn là nơi diễn ra lễ hội hóa trang lớn nhất thế giới vào tháng hai hàng năm. Vào thời kỳ trung cổ các vở hài kịch được diễn ra để chế giễu vua chúa nhưng họ phải đẹo mặt nạ để đảm bảo an toàn tính mạng, nó cũng là nguồn gốc của lễ hội này. Đại diện là một anh hầu đội lốt vua và một bà bán rau đội lốt hoàng hậu. Năm 1797, lễ hội bị Naponeon cấm vì người dân dùng hình thức này để  giễu cợt nhà cầm quyền, đến những năm 1980 mới được khôi phục.

Men theo dòng sông, thỉnh thoảng đâu đó có con thuyền Gondola đang dựa hờ hững vào bờ làm cho cảnh sắc càng nên thơ, như trong những tác phẩm của Goethe. Gondola cũng là một trong những “đặc sản“ của người Venice, loại thuyền này dài như hình chiếc lá, đế bằng, mũi trên được bọc sắt với sáu thanh ngang chĩa về phía trước tượng trung cho sáu quận của Venice, một mũi chĩa về phía sau, tượng trưng cho hòn đảo Giudecca. Có thể đi trên con thuyền này dọc theo dòng sông, xuyên qua gầm cầu, ngắm nhìn những ngôi nhà trên mặt nước. Nhưng giá cho một chuyến đi Godola không phải rẻ, từ 80-100 euro cho 40 phút, nếu muốn đi thuyền dưới ánh trăng thì lại càng đắt hơn.

Ngõ ngách nào ở Venice cũng có cửa hàng cá, cá là một món ăn đặc trưng nơi đây.

Qua bao ngõ phố ngoằn nghèo, chúng tôi cũng tìm đến được cây cầu Rialto, được xây dựng vào năm 1588 nhưng đến 1591 mới hoàn thành. Sau nhiều cuộc tranh cãi về  bản thiết kế và hình dáng, nó cũng được chấp thuận với một nhịp duy nhất dài 48m, bắc qua kênh Canal Grande, chất liệu xây cầu hoàn toàn làm từ đá cẩm thạch. Nằm dưới chân cầu là khu thương mại quốc tế lớn nhất của các thương gia nước ngoài, chủ yếu là người Đức, khu Fonaco die Tedeschi, họ bán rượu, than đá, sắt. Ngoài ra còn có một khu chợ được họp vào buổi sáng, có truyền thống từ thế kỷ 16, họ bán cá, rau, thịt, củ quả. Cây cầu Rialto xuất hiện rất nhiều trên các tác phẩm văn thơ của các nghệ sĩ, trong các phim ảnh nổi tiếng.

Bản thân Venice không sản sinh ra các thiên tài nhưng lại là nơi các thiên tài sáng tác ra các tác phẩm. Nhưng trên hết phải kể đến một người Venice chính gốc, một người đem lại không chỉ cho thành phố niềm tự hào mà còn cho toàn thế giới một bước ngoặt vĩ đại. Đó là Maro Polo, nhà thám hiểm đại tài. Ông là người châu Âu đầu tiên đi men theo con đường tơ lụa đến Trung Quốc, gặp gỡ hoàng đế Trung Hoa, sau đó khám phá Tibet. Sách về các cuộc thám hiểm của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Phan Thị Hà Anh 

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...