Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Công thức phát triển của Curitiba (Brazil): Môi trường + Xã hội + Di sản = Thịnh vượng

Công thức phát triển của Curitiba (Brazil): Môi trường + Xã hội + Di sản = Thịnh vượng

Viết email In

Thành phố 3 triệu dân Curitiba ở miền Nam Brazil đã nổi tiếng khắp thế giới là nơi ra đời hệ thống xe buýt tốc hành BRT (Bus Rapid Transit) vô cùng hiệu quả mà giờ đây riêng ở châu Á đã xuất hiện tại hơn 70 thành phố. Nhưng Curitiba - phòng thí nghiệm đô thị của nhân loại - không chỉ có BRT. Với tinh thần sáng tạo, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước dân chúng, những người lãnh đạo tại Curitiba đã giải quyết từng vấn nạn của đô thị từ ngập lụt, rác thải, nhà ở xã hội tới bảo tồn di sản. Đương đầu với cùng vấn đề và không quá cách biệt về trình độ phát triển, Curitiba mang lại những bài học và nguồn cảm hứng cho những thành phố đang phát triển của Việt Nam.


Chi phí không phải là rào cản đối với quy hoạch, phát triển và quản lý đô thị sinh thái - kinh tế


Khung cảnh thành phố Curitiba.
(Nguồn: IPPUC) 

Thành phố Curitiba ở Brazil là một ví dụ cho thấy chi phí không phải là rào cản trong việc quy hoạch, phát triển và quản lý đô thị vừa mang tính sinh thái vừa đảm bảo mục tiêu phát triển. Curitiba đã phát triển được môi trường đô thị bền vững thông qua phương pháp quy hoạch tích hợp (integrated urban planning). Để tránh việc phát triển dàn trải không theo quy hoạch, Curitiba đã tập trung tăng trưởng đô thị dọc theo những trục chiến lược mà ở đó thành phố khuyến khích đầu tư vào các khu ở và thương mại mật độ cao dựa theo quy hoạch tổng thể và quy hoạch sử dụng đất. Curitiba đã phát triển một hệ thống xe buýt có chi phí vừa phải nhưng mang tính đột phá thay vì xây dựng những tuyến tàu điện tốn kém và đòi hỏi nhiều thời gian thực hiện. Hệ thống xe buýt hiệu quả và chất lượng thiết kế cao của Curitiba phục vụ hầu khắp khu vực đô thị, và tỉ lệ người dân tham gia giao thông công cộng (xe buýt) đạt đến con số 45%i. Tắc nghẽn giao thông ở thành phố giờ đã ít hơn, giúp giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ và cải thiện chất lượng không khí. Diện tích mảng xanh được gia tăng, phần lớn là những công viên được tạo ra để tăng cường khả năng chống ngập lụt, nhờ vào những quy định khuyến khích chuyển nhượng quyền phát triển (transfer of development rightsii) để bảo tồn không gian xanh và các di sản văn hóa. Như một phần kết quả của nỗ lực tập trung cửa hàng và các tiện nghi đô thị khác vào trung tâm thành phố và dọc theo các trục mật độ cao, khu vực trung tâm không xe hơi của Curitiba (gồm cả các con phố chính và những nơi vui chơi khác như công viên) đã trở nên thân thiện hơn với việc đi bộ, sống động và hấp dẫn hơn đối với người dân. Tỉ lệ tội phạm cũng giảm đi. Ngoài ra, người dân, đặc biệt là người nghèo, có thêm cơ hội để tham gia các hoạt động môi trường và các chương trình giáo dục.

  • Hình bên: Mô hình liên kết chính sách của Curitiba (Nguồn IPPUC)

Các yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội của phát triển bền vững tại Curitiba đã được cân nhắc thấu đáo trong các quy hoạch tích hợp ba mục tiêu sử dụng đất, giao thông công cộng và mạng lưới đường sá. Phần lớn thành công có được là nhờ Viện Nghiên cứu và Quy hoạch Đô thị Curitiba (IPPUC – Institite for Research and Urban Planning of Cuririba), một cơ quan công quyền độc lập không chỉ chịu trách nhiệm nghiên cứu và quy hoạch mà còn thực thi và giám sát các bản quy hoạch đô thị đó. IPPUC điều phối nhiều mặt hoạt động phát triển đô thị, đảm bảo sự liên tục và thống nhất trong các quy trình quy hoạch và qua các thời kỳ lãnh đạo của thành phố. Đây là một mẫu hình thành công về sự kiên định và nhất quán (path dependency) trong phát triển đô thị xét theo những khía cạnh không gian, thể chế và văn hóa.


Phát triển mảng xanh và tăng cường năng lực kiểm soát ngập lụt


Công viên Barigoi, Curitiba
(Nguồn: IPPUC) - Chú thích: Khu vực này từng là nơi bị các khu ổ chuột lấn chiếm và thường xuyên bị ngập lụt. Nơi này ngày nay đã được chuyển đổi thành một công viên rộng 140 hecta với hồ nước rộng 40 hecta.

Nhằm gia tăng chất lượng cuộc sống của người dân, Curitiba đã phát triển các mảng xanh và các tiện nghi vui chơi trong phạm vi thành phố, gồm công viên và đường dành cho xe đạp. Curitiba được bao bọc trong những con sông như sông Iguaçu nên lụt lột thường xuyên là một vấn đề lớn. Tuy nhiên, thay vì kiểm soát lũ lụt bằng những cấu trúc bê tông thì Curitiba đã sử dụng một hệ thống thoát nước tự nhiên. Các khu vực bờ sông được chuyển đổi thành công viên nơi mà nước tràn bờ có thể thấm vào đất và các hồ chứa được xây dựng làm nơi chứa nước. Sông và nước mưa có thể được giữ lại một cách tự nhiên trong các hồ và công viên bao quanh hồ. Hệ sinh thái này do đó cũng được duy trì một cách tự nhiên. Vì phần nước lũ đã được hấp thụ vào đất công viên chỉ được xả ra từ từ thay vì thoát trực tiếp vào cống bê tông ra các con sông nên sẽ tránh được tình trạng ngập lụt ở hạ lưu. Ngoài ra, người dân cũng tránh được nguy cơ bị ảnh hưởng từ những tác động môi trường và bệnh dịch liên quan đến ngập lụt. Những khoản chi tiêu khổng lồ cũng được tiết kiệm vì không phải đầu tư nhiều vào các con kênh thoát nước, các biện pháp kiểm soát ngập lụt và chi phí khắc phục những thiệt hại do lũ lụt, bao gồm cả chi phí kiểm soát bệnh dịch. Chi phí dùng để xây dựng các công viên và tái định cư người dân ở các favela (khu ổ chuột) được ước tính thấp hơn năm lần so với chi phí xây dựng các con kênh bê tông (Vaz Del Bello và Vaz 2007).

Những khu vực kiểm soát ngập lụt trong điều kiện bình thường được sử dụng làm công viên và cho các hoạt động vui chơi giải trí. Mảng xanh đã tăng từ dưới 1m2/người vào những năm 1970 lên 51.5 m2/người như hiện nay (ICLEI 2002; IPPUC 2009a). Curitiba có 34 công viên, và mảng xanh bao phủ khoảng 18% đất đô thị (Curitiba S. A. 2007). Đường dành cho xe đạp được xây dựng dọc các đường phố và trong các công viên với tổng chiều dài khoảng 120 km. Khi diện tích công viên được mở rộng thì thành phố lại thiếu hụt những khoản chi cho việc chăm sóc các bãi cỏ. Người ta đã cho nuôi cừu trong công viên thay vì bỏ tiền thuê người cắt cỏ, vừa có được nguồn phân bón tự nhiên, vừa giúp cắt giảm 80% chi phí chăm sóc và xây dựng được hình ảnh sinh thái của thành phố.


Những khu ổ chuột trước đây tại khu vực bị ngập lụt của Curitiba
(Nguồn IPPUC)

Những nơi thường xuyên bị ngập lụt trước đây từng là các khu ổ chuột. Curitiba đã thu hồi (acquire) những khu đất đó, tái định cư người dân đến những vùng đất tốt hơn và đền bù cho họ. Sau khi công viên được hình thành, khu vực nhìn ra phía công viên trở thành những khu dân cư cao cấp. Những căn nhà có với góc nhìn đẹp về phía công viên và hồ nước có giá trị bất động sản cao; nguồn thu từ thuế bất động sản (property tax) do đó cũng tăng theo. Khoản thuế thu được từ bất động sản cao cấp được ước tính tương đương với chi phí xây dựng công viên, bao gồm cả chi phí bồi thường và tái định cư.


Quy trình chuyển đổi quyền phát triển nhằm mục đích bảo vệ môi trường của Curitiba
(Nguồn: IPPUC)

Curitiba có nhiều cây xanh. Khoảng 300,000 cây được trồng dọc dọc các con đường giúp tạo bóng mát và hạn chế hiện tượng tỏa nhiệt (IPPUC 2009b). Cây xanh hấp thu các chất ô nhiễm và carbon dioxide. Những khu rừng bảo tồn của Curitiba giữ lại một lượng carbon dioxide ước tính là 140 tấn/hecta, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đồi khí hậu (IPPUC 2009b). Ngoài ra, bóng mát của cây còn làm mát các tòa nhà và môi trường giúp tiết kiệm năng lượngiii. Quy định của thành phố giới hạn diện tích đất tư nhân được phép đầu tư xây dựng dựa trên tỉ lệ giữa đất ở với đất rừng hay cây xanh. Để khuyến khích trồng cây xanh đô thị, thành phố đề xuất các phương án bồi thường cho cho chủ đất để trồng cây như là nới lỏng quy định tỉ lệ sàn xây dựng hay giảm thuế. Ví dụ, thành phố sẽ giảm 10% thuế nếu chủ đất có trồng một cây thông Paraná trên đất của mình. Ngoài ra, quyền phát triển ở những khu vực trồng rừng cũng có thể được trao đổi lấy quyền phát triển ở những khu vực đô thị khác. Tuân theo những quy luật của thị trường, IPPUC đã quản lý và điều hành các hoạt động thực thi, thương thuyết và chuyển đổi quyền phát triển giữa các bên lợi ích (ở đây là các nhà đầu tư tư nhân và chủ sở hữu đất). Như vậy, thành phố không phải đảm đương chi phí tái định cư hay thu hồi đất khi phải tạo ra các mảng xanh hay bảo tồn những khu vực lịch sử.


Xử lý chất thải rắn

Curitiba đã xây dựng được những chương trình đột phá về quản lý chất thải rắn. Các bãi rác của Curitiba đã bị quá tải và thành phố không có đủ tài chính để xây dựng lò đốt rác. Để cắt giảm bớt tốc độ gia tăng rác thải, Curitiba đã phát triển những chương trình quản lý chất thải độc đáo dựa vào người dân thay vì xây dựng những cơ sở hạ tầng xử lý mới tốn kém. Điều mang tính đột phá ở đây là các chương trình này không chỉ làm giảm tốc độ tăng rác thải mà còn tạo ra nhiều cơ hội cho người nghèo, vốn là một trong những mục tiêu chính của thành phố.


Chương trình tái chế rác của Curitiba
(Nguồn: IPPUC) - Chú thích: Chương trình Rác Mà Không Phải Rác (ảnh trên) và Chương trình Trao đổi Xanh (ảnh dưới).

Chương trình Rác Mà Không Phải Rác (Garbage That Is Not Garbage Program) của Curitiba khuyến khích khuyến khích người dân phân loại rác thải thành rác tái chế và không tái chế. Để xây dựng nhận thức của người dân đối với chương trình, Curitiba giáo dục trẻ em hiểu được tầm quan trọng của việc phân loại chất thải và bảo vệ môi trường. Chương trình còn xây dựng các linh vật làm biểu tượng cho chiến dịch và thường xuyên tổ chức các hoạt động trong trường học. Hàng tuần từ một đến ba lần, xe tải đến thu gom giấy, bìa các tông, kim loại, chất dẻo và thủy tinh đã được phân loại tại nhà. Quy trình tái chế này giúp tiết kiệm tương đương với 1,200 cây xanh mỗi ngày, và số lượng cây xanh được bảo vệ được hiển thị thường xuyên trên bảng thông tin tại các công viên địa phương (Rabinovitch và Leitmann 1993). Số tiền thu được từ việc bán đồ tái chế được sử dụng để hỗ trợ các chương trình xã hội và thành phố thuê những người vô gia cư hay những người trong chương trình cai nghiện rượu vào làm việc trong những nhà máy phân loại rác. Việc tái chế rác cũng đem lại những lợi ích khác. Ví dụ, chất xơ tái chế được sử dụng để sản xuất nhựa đường. Việc tái chế cũng giúp loại bỏ hàng đống vỏ xe đã qua sử dụng, vốn là nơi sinh sống của muỗi gây bệnh sốt xuất huyết. Việc thu gom vỏ xe hợp lý đã làm giảm bệnh sốt xuất huyết đến 99.7% (Vaz Del Bello và Vaz 2007). Gần 70% dân số thành phố tham gia vào chương trình tái chế rác thải của Curitiba. Khoảng 13% chất thải của Curotiba được tái chế, vượt trên con số 5% và 1% của Porto Alegre và São Paulo, những nơi mà việc giáo dục về sự tràn lan của rác thải không được chuyển hóa thành những kết quả rõ ràng (Hattori 2004).

Chương trình Trao đổi Xanh (Green Exchange Program) cũng được bắt đầu ở những khu ổ chuột của Curitiba mà xe thu gom rác không thể tiếp cận được. Để khuyến khích người nghèo và cư dân các khu ổ chuột chuyển đến những khu vực sạch sẽ hơn và giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng, thành phố bắt đầu hỗ trợ vé xe buýt và rau quả cho những người mang rác đến những trung tâm cộng đồng. Ngoài ra, trẻ em được phép trao đổi đồ tái chế để lấy đồ dùng học tập, sô-cô-la, đồ chơi và vé xem biểu diễn. Thành phố mua rau quả với giá ưu đãi từ những nông dân gặp khó khăn trong việc bán các sản phẩm dư thừa. Thông qua chương trình này, thành phố tiết kiệm được chi phí tổ chức thu gom rác trong những khu ổ chuột, những nơi có hệ thống đường sá yếu kém, và giúp nông dân tiêu thụ hết sản phẩm. Chương trình cũng giúp cải thiện chất lượng dinh dưỡng, khả năng tiếp cận đối với giao thông và cơ hội tận hưởng các dịch vụ giải trí của người nghèo. Quan trọng nhất là các khu ổ chuột đã sạch sẽ hơn và bớt đi các ca nhiễm bệnh, và rác thải ra những khu vực nhạy cảm như sông ngòi cũng ít hơn.


Quan tâm đến lợi ích xã hội

Dù xét về kinh tế thì Curitiba khá phát triển so với các thành phố khác của Brazil, nhiều người dân vẫn phải sống trong các khu ổ chuột. Để giúp người nghèo có thêm việc làm và thúc đẩy một cộng đồng có trách nhiệm hơn, Curitiba đã thực hiện những bước đi xã hội mang tính đột phá.

Thành phố đã chuyển đổi những khu đất trống phía dưới đường dây điện cao thế ở phía nam thành “đường dây việc làm” tạo cơ hội cho người dân làm ăn kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Hai lò ấp xã hội hỗ trợ đào tạo và cơ sở vật chất cần thiết để lập nghiệp, và kết quả 12 xưởng kinh doanh đã được ra đời (Guimarães 2009). Những cơ sở này còn hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh. Những khu đất có chủ nhưng không được khai thác hiệu quả được giải phóng, người dân ở đó được tái định cư và giao thông công cộng được thiết lập; vốn là những biện pháp thể hiện tiến trình phục hồi đất đai (land recovery) (Hattori 2004).


Nhà ở bất hợp pháp ở Curitiba
(Nguồn: IPPUC)

Một trong những vấn đề lớn nhất của Curitiba chính là các khu ổ chuột. Những người không có sở hữu đất đai lấn chiếm và sinh sống trên đất tư nhân. Thông thì những khu vực này trở thành vô thừa nhận, gây ra ô nhiễm sông ngòi và khuyến khích tội phạm. Thay vì tiêu tốn thời gian và tiền bạc vào việc tái định cư những người sinh sống bất hợp pháp và khôi phục lại những mảnh đất đã bị chiếm dụng, thành phố đã mua lại với giá thấp những khu đất tư nhân có thể ở được. Những khu đất này sau đó được dùng làm nơi sinh sống không chính thức. Những khu đất này được đưa vào danh mục sử dụng đất chính thức của thành phố. Từ đó chúng được thừa nhận trong các bản quy hoạch thành phố và người dân cảm thấy mình được quan tâm. Thành phố cũng cung cấp những tổ chức không gian đơn giản, nước và điện vì những dịch vụ này có thể bị lấy đi một cách bất hợp pháp nếu không được cung cấp và có thể dẫn đến những tai nạn chết người. Những người dân ở đó cảm thấy mình được sở hữu mảnh đất và có thể chăm sóc thêm cho đường sá và tạo ra một môi trường sống có chất lượng. Dưới sự điều phối của các cơ quan chính quyền, người dân có thể mua lại những khu đất lấn chiếm đó từ chính phủ thông qua những khoản vay dài hạn. Ngoài ra, địa chỉ thư tín hợp pháp cũng được lập ra cho người dân để giúp họ tìm việc làm (Hattori 2004; Nakamura 2007).


Nhà ở xã hội ở Curitiba
(Nguồn: IPPUC)


Quy trình chuyển đổi quyền phát triển để phát triển nhà ở xã hội ở Curitiba
(Nguồn: IPPUC)

Curitiba xây dựng các khu nhà ở xã hội ở khu vực ngoại ô, nơi giá đất tương đối rẻ, và trong thành phố, đặc biệt là khu vực giữa khu trung tâm và các khu công nghiệp. Thay vì khuyến khích các nhóm cư dân với cùng mức thu nhập vào ở cùng một khu vực, Curitiba khuyến khích các nhóm dân có thu nhập khác nhau để tạo thêm sự gắn kết cộng đồng. Nhà ở xã hội được cung cấp theo dạng căn hộ và nhà ở biệt lập loại nhỏ. Những người nghèo có khả năng mua nhà ở biệt lập được cho các khoản trợ cấp để cải thiện ngôi nhà và môi trường sống nói chung bằng cách xây thêm hay mở rộng trên khu đất của mình. Ở Curitiba người ta được phép mua bán quyền phát triển. Số tiền do những nhà đầu tư đất chi trả cho quyền sử dụng đất có thể được dùng đế xây nhà ở xã hội ở những khu vực khác.

Các dịch vụ công được phi tập trung hóa và tập trung ở những nhà ga xe buýt lớn. Người dân không cần phải đi một quãng xa vào trung tâm thành phố cho những dịch vụ đó. Việc cho phép người dân sống xa trung tâm thành phố được tận hưởng các dịch vụ ở gần nhà thể hiện sự công bằng về cơ hội. Vé xe buýt đồng giá cũng hỗ trợ người dân đi đến những nhà ga xe buýt nơi có các cơ quan hành chính của thành phố. Ngoài ra, những dịch vụ công như giáo dục, y tế, văn hóa và xã hội cũng được phân bố đồng đều khắp thành phố. Hệ thống này đem lại những dịch vụ công bằng, dễ tiếp cận và chất lượng cao đến tất cả người dân mà không bị thu nhập của họ chi phối.


Bảo tồn văn hóa và di sản


Quy trình chuyển đổi quyền phát triển để bảo tồn di sản của Curitiba (Nguồn: IPPUC)

Curitiba duy trì được một cảnh quan đô thị hấp dẫn và sống động. Đây là kết quả của một quá trình thiết kế đô thị cẩn thận và bảo tồn di sản văn hóa thành công. Những con đường dành cho xe cơ giới trong khu vực trung tâm thành phố đã được chuyển đổi thành đường dành cho người đi bộ để dân chúng có thể tận hưởng không gian văn hóa đô thị. Theo Quy hoạch Bảo tồn Di sản Đô thị năm 1977 của Curitiba, 363 tòa nhà đã được xếp hạng để bảo tồn. Tuy nhiên, vì phần lớn các toàn nhà này nằm trên đất tư nhân nên việc bảo tồn cũng không dễ dàng. Thành phồ đã ban hành một chính sách mà theo đó quyền phát triển hay xây dựng có thể được chuyển sang những khu vực khác trong thành phố. Năm 1993, thành phố phân loại ra những đơn vị bảo tồn đặc biệt. Tiền thu được từ việc bán quyền phát triển của những công trình này bắt buộc phải dùng cho việc bảo tồn. Thông qua những biện pháp này, nguồn tài chính cần cho việc bảo tồn chủ yếu được huy động từ thị trường và thành phố không cần phải dùng ngân sách để chi trả. Ngoài ra, dự án Corsda Cidale của Curitiba cũng đã khôi phục và sơn lại theo nguyên bản 44 tòa nhà trong lịch sử trong thành phố. Khu vực nằm trong dự án này từng chịu tình trạng xuống cấp và là nơi tập trung tội phạm. Tuy nhiên, sau khi tôn tạo người dân đã quay trở lại khu vực này, chủ nhân những tòa nhà cũng chăm sóc chúng tốt hơn và tỉ lệ tội phạm đã giảm khoảng 30%. Hơn thế, Curitiba còn trở thành một ví dụ tốt về một thành phố được bảo tồn nhờ vào bảo tồn di sản và thiết kế đô thị hiệu quả. Mặc khác, các cơ sở văn hóa trong thành phố vốn trước đây thiếu thốn đã được thiết lập một cách sáng tạo. Một nhà máy thuốc súng cổ được chuyển thành rạp chiếu bóng. Một nhà hát opera xây dựng bằng kính và ống thép nằm trong một khung cảnh xinh đẹp được xây dựng ở nơi trước đây là hố khai thác đá. Vườn bách thảo, một trong những địa điểm chính thu hút khách du lịch, cũng ra đời tại một nơi từng là đất bị bỏ không (Hattori 2004).


Phố đi bộ ở khu trung tâm Curitiba
(Nguồn: IPPUC)


Những bài học từ kinh nghiệm từ Curitiba

Chất lượng lãnh đạo và tính kế thừa: Các thị trưởng của Curitiba luôn chú ý đến quy hoạch đô thị, nhiều thị trưởng có xuất thân từ giới kỹ sư hay kiến trúc. Kề từ những năm 1960, khi quy hoạch chung Curitiba ra đời, định hướng quy hoạch đô thị của Curitiba luôn nhất quán qua các thế hệ lãnh đạo. Curitiba ưu tiên đặc biệt cho việc thực thi và hành động nhanh chóng để giải quyết các vấn đề đô thị; nếu xác định có khoảng 70% cơ hội thành công thì thành phố sẽ nhanh chóng thực hiện kế hoạch.

Thể chế hóa quy hoạch và chuyên môn: những biện pháp của Curitiba tác động đến thành phố theo nhiều cách tích cực. Thành công của Curitiba có liên quan đến tinh thần lãnh đạo mạnh mẽ của các thị trưởng và sự tham gia tích cực của người dân vào các chương trình của thành phố. Ngoài ra cũng phải kể đến đóng góp của IPPUC. Viện nghiên cứu quy hoạch đa ngành này có vai trò quan trọng như một cơ quan công quyền độc lập với nhiệm vụ nghiên cứu, tính toán, thực hiện và giám sát các bản quy hoạch đô thị. IPPUC vừa chịu trách nhiệm quy hoạch đô thị tích hợp và liên ngành cũng như tầm nhìn cho việc thực hiện và điều phối, vừa phải đảm bảo sự nhất quán qua sự thay đổi các thế hệ lãnh đạo. Những tiếp cận toàn diện như vậy đối với quy hoạch đô thị đã được thực hiện nhờ vào sự sáng tạo của các quy hoạch sư cùng trí tưởng tượng và thấu hiểu văn hóa địa phương của họ. Trong hơn 50 năm, các kỹ sư và kiến trúc sư đã sử dụng quy hoạch đô thị để giải quyết các vấn đề đô thị mấu chốt một cách thấu đáo. Công việc của IPPUC đảm bảo sự liên tục và nhất quán trong những quy trình quy hoạch kéo dài qua nhiều đời thị trưởng kể từ năm 1966, năm IPPUC được thành lập. Curitiba đã tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng sẵn có và những đặc điểm địa phương mà không phải chi quá nhiều tiền vào việc xây dựng mới. Rất nhiều lợi ích đã hình thành dù những hoạt động của Curitiba được thực hiện với nguồn lực giới hạn.

Sự làm chủ của người dân và ý thức sinh thái: Người dân được khuyến khích và được trao cho cơ hội nêu lên ý kiến trong quá trình quy hoạch đô thị. Thành phố thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ công chúng với thị trưởng và các đồ án quy hoạch được thảo luận và đánh giá với cộng đồng. Người dân có thể phát biểu trực tiếp với thị trưởng hay và các quan chức của thành phố. Hơn 250 buổi gặp gỡ công chúng đã được tổ chức kể từ năm 2005. Người dân được chủ động tham gia vào quy hoạch bởi họ nhận ra sự gắn bó giữa chất lượng quy hoạch và chất lượng cuộc sống. Thành phố tạo ra những cơ hội cho người dân được tham gia vào những hoạt động đô thị khác như thu gom rác, xây dựng đường sá ở các khu dân cư và tôn tạo mảng xanh, những việc này giúp củng cố tinh thần làm chủ của người dân và đảm bảo chất lượng hạ tầng đô thị. Trẻ em cũng được tham gia vào những hoạt động giáo dục ý thức môi trường như chương trình chất thải đô thị. Việc cư xử cho thân thiện với môi trường ngày nay là một chuẩn mực ở Curitiba.

Tính đặc thù địa phương: Curitiba cân nhắc kỹ lưỡng đến bối cảnh ở địa phương, bao gồm ngân sách, năng lực và các điều kiện xã hội trong quá trình vạch ra những chiến lược đô thị. Nhờ chú ý đến thực tế năng lực của địa phương, các quan chức có thể phát triển những giải pháp sáng tạo để giải quyết các vấn đề đô thị. Ví dụ, thay vì chờ cho có đủ ngân sách để xây dựng tàu điện ngầm, Curitiba đã xây dựng trước hệ thống BRT, vốn đã được chứng minh là nằm trong khả năng chi trả và có thể được tiến hành nhanh chóng mà không phải trải qua giai đoạn xây dựng tốn kém thời gian.

Hiroaki Suzuki, Arish Dastur, Sebastian Moffatt, Nanae Yabuki, Hinako Maruyamai (nhóm tác giảiv)
Nguyễn Thanh Việt (biên dịch)

(Bài đã được đăng trên Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 09 - 2012)

Chú thích:
i.  Tỉ lệ các loại hình tham gia giao thông là giao thông công cộng (xe buýt), 45%; xe đạp, 5%; đi bộ, 27%; xe hơi cá nhân, 22%. Dữ liệu lấy từ IPPUC (2009a).
ii. Transfer of development rights (TDR) – chuyển nhượng quyền phát triển: là một công cụ rất tiến bộ và sáng tạo trong việc kiểm soát sử dụng đất để hỗ trợ phân vùng và quy hoạch chiến lược nhằm đạt được hiệu quả cao hơn trong viện quản lý tăng trưởng đô thị và bảo tồn đất đai. Quyền này đem đến cho chủ đất những khoản trợ cấp để bảo trì hay tôn tạo những giá trị môi trường, di sản hay nông nghiệp trên phần đất của minh. TDR được xây dựng dựa trên khái niệm là quyển sở hữu đất đai đi kèm với quyền sử dụng hay phát triển và do đó chủ sở hữu đất có thể sử dụng, không sử dụng, chuyển đổi, bán lại hay gửi vào trong ngân hàng tín dụng TDR trong trường hợp chưa thể nhận ngay khu đất mới. Ngân hàng này thường do một tổ chức phi lợi nhuận hay một tổ chức đại diện cho cộng đồng chịu trách nhiệm quản lý. Nguồn: Wikipedia.
iii. Ví dụ như tại Houston, Texas người ta đã nhận thấy rằng quá trình bốc hơi nước của cây xanh có thể làm giảm nhiệt độ tối đa xuống 1.1 đến 5 độ C. Bóng mát từ cây xanh giúp Houston tiết kiệm được một phần năng lượng có giá trị tương đương 26 triệu đô la Mỹ (HARC 2004).
iv. Nhóm tác giả chủ biên quyển sách Eco2 Cities: Ecological Cities as Economic Cities do Ngân hàng Thế giới xuất bản nhân dịp cho ra đời Eco2 Cities Initiative, một chương trình nhằm giúp đỡ các nước đang phát triển đạt được các mục tiêu bền vững kinh tế và sinh thái; thành phố Curitiba được lấy làm ví dụ đầu tiên trong quyển sách. Tiêu đề bài viết do người dịch đặt.


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo