Ashui.com

Sunday
Apr 28th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Firenze - Trung tâm nghệ thuật Phục Hưng

Firenze - Trung tâm nghệ thuật Phục Hưng

Viết email In

Firenze là một thành phố có chiều dài lịch sử lâu đời ở Italia. Là một đô thị từ thời đế chế La Mã vào năm 200, thành phố chuyển sang tay người Goth rồi người Byzance vào năm 539, sau đó vào thế kỷ IX, trở thành thủ phủ của lãnh địa Bá tước Toscan. Năm 1115, Firenze trở thành thành phố tự do khi nữ Bá tước Mathilde qua đời. Năm 1138, thiết lập chế độ lãnh sự, và sau đó đã đánh bại đạo quân của Frediric I Barberousse cầm đầu cuộc nổi dậy chống lại quyền lực của đế chế.  

Đây là thành phố trung tâm của tỉnh Toscan thuộc miền trung Italia, nằm ở vị trí rất đẹp trong lòng chảo bao la giữa các núi ở bên sông Arno. Là một trong những thành phố bảo tàng đẹp nhất và lớn nhất trên thế giới vẫn giữ được một cấu trúc đô thị lịch sử. Thành phố được người La Mã (Roma) thành lập vào thế kỷ I tCn ở nơi cư trú của người Etrusk, từ năm 1115 là thành phố công xã, phát triển rực rỡ nhất trong thế kỷ XIV và đầu thế kỷ XVI, là một trung tâm thương mại - thủ công nghiệp lớn, là lò phát nguyên nền văn hóa và nghệ thuật Phục Hưng. 


Trung tâm Firenze với hình ảnh nổi bật của nhà thờ Thánh Maria del Fiore 

Vào thế kỷ XIII, ở Firenze diễn ra cuộc đối đầu giữa hai phái ủng hộ và phản đối Giáo hoàng. Sau một thời gian ngắn phái Gibelin (ủng hộ) lên cầm quyền trong khoảng thời gian từ 1239 - 1250, phái Guelfe (phản đối) giành quyền cai trị thành phố khi hoàng đế Fredric II qua đời. Năm 1260, phái Guelfe bị phái Gibelin đánh đuổi, nhưng nhờ sự giúp đỡ của Charles I d’Anjou, năm 1266, phái Guelfe quay lại nắm giữ chính quyền. Năm 1293, đã ban hành những pháp lệnh nổi tiếng tước bỏ quyền hành của tầng lớp quý tộc và của một số thị dân giàu có. Năm 1300 nội bộ phái Guelfe lục đục chia làm hai phe đối địch: phe Trắng và phe Đen, cuối cùng phe Đen thắng thế. 

Năm 1860, Toscan trở thành một phần của Vương quốc Italia và Firenze được chọn là thủ đô từ năm 1865 - 1871, có vai trò quan trọng là trung tâm văn hóa và nghệ thuật hàng đầu của Italia. Theo thống kê của UNESCO thì 60% những công trình kiến trúc quan trọng nhất của nhân loại nằm tại Italia và có đến một nửa trong số đó là thuộc về Firenze.

Là thủ phủ của vùng Toscan và có lịch sử hàng ngàn năm tuổi, thành phố cổ kính bậc nhất châu Âu này luôn hấp dẫn du khách vì đây là một trong những cái nôi văn minh suốt 5 thế kỷ (từ XIV - XIX). Đối với Firenze, du khách được thăm những quảng trường gắn với các nhà thờ lớn, nhiều công trình là kết tinh của tinh hoa văn hóa Italia nói chung và của Firenze nói riêng. Thành phố này còn được biết đến với những viện bảo tàng, nơi lưu giữ những bức tranh quý giá của các danh họa nổi tiếng và các tác phẩm điêu khắc vô giá.

Sau hai chính phủ chuyên chế của người con trai của Robert d’ Anjou là Charles (trị vì từ 1326-27) và chính phủ của Gautier de Brienne (trị vì trong khoảng từ 1342-43), Firenze thiết lập một cơ chế gồm 21 tổ chức cơ sở. Năm 1331 chinh phục Pistoia, năm sau chinh phục Cartona và năm 1337 chinh phục Arezzo. Nhưng rồi lãnh địa này bị đe dọa bởi phong trào quần chúng đối lập. Cuộc bạo động Ciompi vào năm 1378 nhưng quần chúng không giữ được chính quyền, các dòng họ Albizzi và Allberti khôi phục lại quyền cai trị của giai cấp tư sản (1382). Năm 1406, Eloren chinh phục Pisa và năm 1421 đã mua cảng Livourne. Tuy thường xuyên có tình trạng tranh giành quyền lực và cũng nhiều cuộc chiến tranh với bên ngoài, nhưng Firenze vẫn có đời sống văn hóa phát triển. Trong hơn 200 năm từ thế kỷ XIV, không có một thành phố nào trên khắp lục địa châu Âu lại có sự liên tục về thành tựu trí thức và văn hóa như tại thành phố này. 


 

Những quảng trường và không gian kiến trúc đặc sắc 

Quảng trường Nhà thờ và giáo đường thánh Maria del Fiore

Quảng trường với công trình nhà thờ có quy mô đồ sộ, nằm ở giữa thành phố đã trở thành trung tâm chú ý của du khách. Tổng thể thánh đường là một quần thể kiến trúc tôn giáo nằm trong số các thánh đường lớn nhất châu Âu. Đặc biệt công trình có mái vòm vươn tới độ cao 100m, phía trước lại có nhà thờ Rửa tội hình bát giác và sát cạnh nhà thờ là tòa Tháp chuông có độ cao 85m, chỉ thấp hơn một chút so với Tháp Chuông lớn ở Venezia.

Việc xây dựng nhà thờ Thánh Maria del Fiore khởi đầu vào năm 1296 và diễn ra trong nhiều thế kỷ. Tại vị trí này xưa kia từng có nhà thờ nhỏ; vào cuối thế kỷ XIII dân cư theo đạo trong vùng tăng lên rất nhiều nên phải có nhà thờ lớn hơn.

Năm 1289, công việc thiết kế nhà thờ mới được giao cho kiến trúc sư Arnolfo di Cambio (1250 - 1302). Đây là công việc khó khăn vì vào lúc đó người ta chưa có kinh nghiệm về xây dựng nhà thờ có quy mô lớn như vậy. Công việc đang ở bước đầu thì xảy ra sự cố lớn: Nhà kiến trúc qua đời vào năm 1302 khiến công việc bị đình trệ.

Đến năm 1331 công việc mới được khởi động lại. Người được giao tiếp tục công việc là họa sĩ kiến trúc sư Giotto và sau đó có sự góp sức của nhiều kiến trúc sư tài năng khác như Pisano, Francisco, Talenti... Công việc xây dựng nhà thờ mất khoảng 150 năm mới xong. Tổng thể kiến trúc khu giáo đường có quy mô đồ sộ nhằm thể hiện một giai đoạn phát triển rực rỡ của cộng đồng dân cư gắn liền với trung tâm tôn giáo này. ở vùng miền trung Italia, thánh đường này cùng với tháp nghiêng Pisa và đấu trường Colosseo được xếp vào hàng các kiến trúc “bộ ba tiêu biểu nhất”.

Việc xây dựng vòm mái là công việc khó khăn nhất vì quy mô quá lớn: vòm có đường kính 45m, đỉnh vòm cao tới 100m. Công việc được giao cho kiến trúc sư Filippo Brunelleschi (1377 - 1446) vào năm 1420 sau một cuộc thi tuyển phương án, và việc xây dựng đã kéo dài trong 14 năm. Tác giả công trình đồ sộ này đã phải đúc rút kinh nghiệm từ các vòm mái xây dựng trước đó, đặc biệt là vòm mái điện Pantheon ở Roma đồng thời đưa ra nhiều cải tiến kỹ thuật để sáng tạo nên vòm mái nhà thờ này. Mặt bằng nhà phải có kích thước đủ lớn (dài 155m, rộng 90m) để làm bệ đỡ xứng đáng với tòa mái vòm đồ sộ. Tuy được xây dựng thành không gian đồ sộ nhưng các chi tiết trang trí nội thất vẫn được xử lý vô cùng tinh tế và kỹ lưỡng. Có đường cầu thang 463 bậc để đi lên đỉnh mái vòm.

Tòa tháp chuông của nhà thờ cũng là một kiệt tác kiến trúc thời Phục Hưng Italia bởi quy mô đồ sộ (cao 85m) và dáng vẻ bay bổng. Công trình trở thành điểm mốc không gian quan trọng nhất ở trung tâm thành phố. Từ tầng cao, khách thăm được chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố và cả khung cảnh đồi núi phía xa.
Công trình được xây dựng năm 1334 theo thiết kế của kiến trúc sư Giotto. Vị kiến trúc sư này qua đời trước khi công trình kết thúc, nhưng đã được tiếp tục thực hiện với sự góp sức của nhiều kiến trúc sư tên tuổi khác, đó là các kiến trúc sư Andrea Pisano và Francesco Talenti. Bên trong tháp có cầu thang 414 bậc để khách thăm có thể lên đỉnh tháp ngắm toàn cảnh thành phố.

Đóng góp vào tổng thể kiến trúc quảng trường còn có công trình Nhà thờ Rửa tội hình bát giác nằm phía trước Nhà thờ Thánh Maria del Fiore, có quy mô nhỏ hơn nhưng kiến trúc rất tinh tế, mặt nhà bằng đá hoa, xây dựng theo thiết kế của Lorenzo Ghiberti. Các bộ cửa của nhà thờ được trang trí bằng các pa-nô phù điêu các hình ảnh tôn giáo, được coi là các kiệt tác về nghệ thuật điêu khắc.

Nằm ở phía bắc quảng trường Nhà thờ Duomo là quảng trường Annunziata có một phong cách kiến trúc riêng.

Quảng trường gắn với nhà thờ cổ có mặt bằng hình chữ nhật (kích thước 50 x 80m) đã được cải tạo theo phong cách Phục Hưng. Năm 1419 lần đầu tiên kiến trúc sư Brunelleschi đưa yếu tố của kiến trúc Phục Hưng vào cải tạo mặt đứng của Nhà đón trẻ em lang thang cơ nhỡ (Hospice des enfants trouvés) ở dọc một cạnh dài của quảng trường. Mặt chính của công trình là hành lang có hình thức kiến trúc vòm cuốn và thức cột Korinth, sau đó còn được bổ sung một hành lang ở mặt chính. Đầu thế kỷ XVI, để tạo hiệu quả kiến trúc thống nhất của quảng trường, kiến trúc sư Antonio da Sangallo đã bổ sung một công trình tương tự công trình của Brunelleschi ở phía đối diện. Năm 1598, cùng theo nguyên tắc đối xứng, Jean Bologne và Pietro Tacca hoàn thiện quảng trường bằng tượng công tước Ferdinand cưỡi ngựa và hai đài phun nước.

Quảng trường Signoria và lâu đài Vecchio 

Vào thời Phục Hưng, nghệ thuật xây dựng quảng trường rất phát triển và đã làm nên những quảng trường đẹp nổi tiếng. Quảng trường Signoria (tức quảng trường Lãnh chúa) ở trung tâm thành phố Firenze là một ví dụ tiêu biểu. Thời Phục Hưng đề cao giá trị con người và quyền tự do công dân nên quảng trường là nơi nhân dân cũng như các nghệ sĩ đến tụ hội, gặp gỡ. Đây là nơi sinh hoạt công cộng luôn tấp nập với các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Quảng trường có nhiều kiến trúc đẹp bao quanh và đặc biệt còn có các bể cảnh có vòi phun nước với rất nhiều tượng đẹp.

Quảng trường Signoria là ví dụ tiêu biểu của việc vận dụng các nguyên tắc quy hoạch, kiến trúc Phục Hưng Italia, đặc biệt trong việc trang trí quảng trường, đây là một trong số ít quảng trường ở Italia có số lượng lớn các kiến trúc sư, nhà điêu khắc nổi tiếng của thời Phục Hưng (Michelangello, Baccio Bandinelli, Donatello, Giuliano da Sangallo, Jean Bologne...) tham gia cải tạo và trang trí. Các tác giả đã sáng tạo ra những công trình nghệ thuật tạo hình đặc sắc mang phong cách Phục Hưng và dành nhiều thời gian nghiên cứu vị trí thích hợp đặt các tác phẩm nghệ thuật để chúng phát huy hiệu quả trang trí tốt nhất. Vì thế người ta được chiêm ngưỡng trên quảng trường này cả một bộ sưu tập rất phong phú về tượng, đài phun nước, cùng các chi tiết trang trí khác theo phong cách Phục Hưng Italia. Đó là bức tượng David nổi tiếng, tượng đài công tước dòng họ Medici của Michelangello, tượng Judith của Donatello, tượng Hercule và Cacus Bandinelli, đài phun nước Neptune của Jean Bologne... Nằm trong khu vực có mạng lưới các đường phố hẹp bố cục tự do, hình dạng quảng trường Signoria được hình thành qua nhiều lần cải tạo và tới thế kỷ XVI thì quảng trường có dạng hình thang (gần với hình chữ nhật 80 x 120m).

Kiến trúc đẹp và nổi bật trước không gian quảng trường là lâu đài Vecchio có khối tích đồ sộ và có ngọn tháp cao đột xuất. Tòa nhà này được coi là mốc không gian quan trọng thứ hai sau vòm mái nhà thờ Thánh Maria del Fiore.

Các kiến trúc khác thấp hơn, với dáng vẻ và độ cao khá thống nhất tạo cho quảng trường một không gian ấm cúng. Quảng trường trở thành một bộ phận quan trọng liên kết các không gian của thành phố và đóng vai trò như một gian sảnh, tức phòng tiếp khách của cả ngôi nhà.

Lâu đài Vecchino có dáng vẻ kiên cố của một pháo đài với mặt tường đá để trần, tầng mái có tường lan can hình răng cưa và dãy cửa cuốn tròn là những hình ảnh của kiến trúc thời Trung Cổ còn lưu lại. Công trình được xây dựng từ năm 1299 theo thiết kế của Arnolfo di Cambio và đã được tu sửa nhiều vào thế kỷ XIV - XV. Ngọn tháp cao 94m đặt lệch một bên được xây dựng vào năm 1310 theo kiểu tháp canh thời trung cổ, tạo một điểm nhấn không gian trên quảng trường.

Công trình được dùng làm trụ sở của Hội đồng thành phố và ngày nay là tòa Thị trưởng.

Quang cảnh sân trong của lâu đài Vecchio cho thấy sự phong phú của nghệ thuật trang trí thời Phục Hưng. Đây là những tác phẩm do nghệ sĩ Michelozzo thực hiện vào thế kỷ XV. Sự cân đối hài hòa của hàng cột và dãy vòm cuốn của hành lang bao quanh đạt tới độ “tỷ lệ vàng” của nghệ thuật kiến trúc cổ điển. Những bức tranh lớn trên tường mô tả những cảnh đẹp của Italia và nước áo.

Phòng hội nghị của Hội đồng thành phố đủ chỗ cho 500 người, đồng thời cũng là gian triển lãm lớn trưng bày tác phẩm nghệ thuật của những tài năng lớn của Firenze. Việc thiết kế trang trí do Vasari thực hiện với những bức tranh lớn mô tả nhiều sự kiện lịch sử, và nhiều bức tượng nổi tiếng của Michelangelo.

Nằm trên quảng trường phía trước lâu đài Vecchio là một loạt tượng các nhân vật quan trọng được tạc bằng đá cẩm thạch, đó là tượng công tước dòng họ Medici trên mình ngựa (cao 4,5m, làm năm 1587), nhóm tượng đài phun nước Neptune (cao 5,6m, làm năm 1560), tượng David (cao 4,34m, làm năm 1501), tượng Hercule (1525). Bức tượng David do Michelangelo tạc diễn tả một chàng trai oai hùng được coi là biểu tượng sức mạnh của thành phố Firenze.

Bức tượng David của Michelangelo là một kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc, nguyên bản được bảo quản trong bảo tàng, bức tượng ngoài trời là phiên bản. Khuôn mặt cương nghị, vóc dáng đầy khí thế của tuổi trẻ, chàng trai David là tượng trưng của xã hội đang đi lên vào thời Phục Hưng.

Nằm phía trái lâu đài Vecchio có một kiến trúc không lớn nhưng lại có giá trị đặc biệt, đó là hiên trưng bày tượng. Hiên có mái che nhưng không có tường vây kín, mở thông ra quảng trường với ba vòm cuốn lớn, bao quanh thềm hiên có bậc lên và ghế đá để ngồi nghỉ.

Được các kiến trúc sư Cione và Talenti xây dựng năm 1380, ban đầu hiên được dùng cho việc soạn sửa các nghi lễ diễn ra trên quảng trường, sau đó có thời gian là nơi nghỉ đội cận vệ của công tước dòng họ Midici. Nay là nơi trưng bày nhiều tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của các nghệ sĩ đã thành danh ở Firenze.

Kiến trúc sư Andrea Orcagna thiết kế và xây dựng công trình Nhà trưng bày và hội họp từ năm 1376 đến 1382. Công trình có hình thức kiến trúc dạng vòm, khởi đầu phong cách kiến trúc Phục Hưng trên quảng trường Signoria. Phong cách kiến trúc Phục Hưng của quảng trường lần lượt bộc lộ đầy đủ nhờ các thành phần kiến trúc và trang trí được bổ sung qua các giai đoạn cải tạo với sự đóng góp của nhiều thế hệ kiến trúc sư và nhà điêu khắc Phục Hưng.

Năm 1560 kiến trúc sư Giorgio Vasari hoàn thiện hình thái kiến trúc quảng trường bằng cách xây dựng các cửa hàng, nhà làm việc đồng thời dỡ bỏ những ngôi nhà lụp xụp ở xung quanh quảng trường. Từ đó, quảng trường là một tổng thể không gian khép kín, mang đặc trưng không gian kiến trúc của một quảng trường điển hình thời Phục Hưng Italia.

Nhà triển lãm Uffizi

Nằm kề bên lâu đài Vecchio, nhà triển lãm Uffizi có mặt bằng dạng chữ U, với hai cánh nhà dài song song gồm rất nhiều phòng bày tranh theo từng chuyên đề. Công trình nguyên là nhà làm việc của bộ máy hành chính thành phố, xây dựng vào năm 1559 theo thiết kế của kiến trúc sư Giorgio Vasari. Tại vị trí đất đai khá chật chội, kiến trúc sư đã khéo giải quyết bố cục hai cạnh dài song song, tạo ra bên trong như một đường phố nội bộ. Công trình chưa kết thúc thì tác giả đề án qua đời (1574), công việc được hai kiến trúc sư khác tiếp tục là Bernado Buontalenti và Alfonso Parigi. Kiến trúc tỉ mỉ, tinh tế và cầu kỳ theo phong cách chủ nghĩa Thủ pháp (mannerism).

Đây là nơi lưu trữ các tác phẩm hội họa thời Phục Hưng rất phong phú, được xếp trong số những bảo tàng nghệ thuật hàng đầu thế giới về thời kỳ này.
Một đường hành lang có mái che dài tới 1000m nối tòa nhà Uffizi với cây cầu bắc qua sông Arno (cầu Vecchio) thẳng tới lâu đài Pitti ở bên kia sông. Công trình hành lang mang tên Corridoio Vasariano đã góp phần tạo nên cảnh quan đẹp bên bờ sông và cũng rất nổi tiếng, đã thu hút rất đông khách qua lại.

Bảo tàng Bargello

Từ lâu đài Vecchio tới nhà thờ Thánh Maria del Fiore, du khách đi qua đoạn phố cổ Proconsolo nằm kẹp giữa bảo tàng Bargello và nhà thờ Fiorentina. Đây là nơi khách bốn phương thường đến ghi lại hình ảnh tuyệt đẹp của con phố nhỏ ấm cúng xen giữa hai ngọn tháp cao.

Bargello chính là bảo tàng quốc gia được đặt trong công trình giống như một pháo đài cổ xưa xây dựng từ năm 1225. Đặc điểm kiến trúc pháo đài thời trung cổ thể hiện rõ ở bờ tường răng cưa trên mái cũng như trên nóc tòa tháp. Công trình có thời gian dùng làm tòa án và nhà tù (1502) và trụ sở của cơ quan bảo vệ an ninh đô thị (1574). Chỉ từ năm 1859 mới được chuyển đổi thành bảo tàng quốc gia. 

Kiến trúc đẹp trên sông Arno 

Vùng Toscane nằm ở miền trung Italia có đồng bằng phì nhiêu và cũng là nơi có nhiều cảnh đẹp. Sông Arno hiền hòa phát nguồn từ rặng núi Apennine phía đông rồi chảy về phía tây, qua các thành phố đẹp nổi tiếng là Firenze và Pisa (nơi có tòa tháp nghiêng nổi tiếng). Sông có chiều dài 240km chảy vào Địa Trung Hải.
Chính sông Arno đã làm cho Firenze có kinh tế trù phú và từ đó có văn hóa và nghệ thuật phát triển rực rỡ.

Lòng sông không rộng, mặt nước khá phẳng lặng in bóng trời mây trong vắt và các kiến trúc đẹp trên đôi bờ. Đặc biệt, để nối hai phần đô thị phía bắc và phía nam, trên sông có nhiều cây cầu đẹp, kiến trúc đặc sắc.

Trên đoạn sông Arno chảy qua trung tâm thành phố có tới năm cây cầu bắc qua, các cầu cách nhau chỉ khoảng bốn năm trăm mét.

Theo chiều dòng chảy, phía thượng nguồn (phía đông) là cầu Grazie, tiếp đến là cây cầu độc đáo nhất: cầu Vecchio, sau đó là các cầu Trinita, cầu Carraia và cầu Vespucci.

Cầu Vecchio độc đáo ở chỗ có hai dãy cửa hàng ở hai bên mặt cầu, nên cây cầu không khác một đường phố thương mại trong khu phố cổ.

Trên cầu ở mặt phía đông có hành lang Vasariano nằm phía trên các cửa hàng, nối từ nhà triển lãm Uffizi tới lâu đài Pitti ở bờ nam sông Arno.

Cầu Vecchio được xây dựng vĩnh cửu từ năm 1345. Cầu là lối qua lại chính giữa hai phần bắc nam nên có nhiều quán bán hàng, thậm chí có lúc cầu trở thành nơi họp chợ. Sau chính quyền thành phố quy định chỉ có hàng hóa tinh khiết mới được mua bán tại đây, từ đó cầu được chỉnh trang với hai dãy cửa hàng đẹp bán hàng lưu niệm, đồ kim hoàn xen giữa vài hàng giải khát.

Lâu đài Pitti được xây dựng giữa thế kỷ XV ở bờ nam sông Arno, do kiến trúc sư Brunelleschi thiết kế cho một nhà buôn giàu có, sau được dòng họ Medici mua lại và mở rộng thêm. Đến thế kỷ XVII lại được sửa sang thành nhà triển lãm nghệ thuật tranh và đồ mỹ nghệ vàng bạc. Sân trong của lâu đài Pitti do Bartolomeo Ammanati (1511 - 1592) thiết kế theo phong cách điển hình của chủ nghĩa Thủ pháp (mannerism) ở Firenze. 

KTS Trần Hùng 

(Bài viết được đăng trong Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 12

 

Lời bình  

 
+1 # nguyễn minh thông 26/12/2012 20:29
Tôi hiện đang sống tại tp HCM,tôi muốn mua ấn phẩm của tạp chí Quy hoạch đô thị,vậy tôi có thể tìm và mua ở đâu tại tp Hồ Chí Minh
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
0 # Ashui Admin 26/12/2012 21:54
Bạn có thể liên lạc tòa soạn (Hà Nội) để đặt mua: Chị Hương Giang / 04.37823910 / Email: tapchiquyhoachdothi@ gmail.com
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo