Khi kiến trúc sư người Nhật Bản Shigeru Ban thiết kế một nhà thờ mới tại khu vực Christchurch bị tàn phá bởi động đất ở New Zealand, ông đã chọn loại vật liệu lạ thường nhất – bìa giấy – cho dự án có tính bước ngoặt này.
Nhà thờ tráng lệ theo phong cách gothic được xây dựng từ đá bazan tại thành phố này đã bị hư hại nặng trong trận động đất 6,3 độ richter đã cướp đi 185 mạng sống vào ngày 22/1 năm ngoái.
Trước nhu cầu cần một sự thay thế khẩn cấp, Giáo hội Anh đã ủy thác cho ông Ban lập ra kế hoạch về một nơi thờ phụng tạm thời cho các tín đồ ở Christchurch.
Kết quả là một nhà thờ từ vật liệu carton đang hình thành trên thành phố vẫn còn dấu vết tàn phá của động đất. Nhà thờ tạm này được xây dựng từ carton 600mm, có lớp phủ chống thấm nước và chất chống cháy, đồng thời có cấu trúc đơn giản dạng chữ A có thể chứa 700 người.
“Nó sẽ là một dấu mốc lớn đối với việc phục hồi Christchurch,” giám đốc dự án Jonny McFarlane nói. “Nó sẽ là một tòa nhà lớn để đi vào bên trong, rất nhẹ và thoáng mát và đem đến cảm giác về quy mô và sự vượt trội.”
Ban, kiến trúc sư nổi tiếng thế giới từng được nhiều tờ báo như The Wall Street Journal và tạp chí Times viết bài ca ngợi, coi việc này như một cách để ông dùng chuyên môn của mình giúp đỡ cộng đồng Christchurch tái thiết lại sau động đất.
Trong khi kiến trúc sư 55 tuổi này tập trung phần lớn các dự án của mình vào các tòa nhà văn phòng, khu du lịch, ông cũng là một người đi tiên phong trong “kiến trúc khẩn cấp” giúp nhanh chóng xây dựng công trình trong khu vực thiên tai.
Ông bắt đầu công việc tương tự vào giữa những năm 1990, làm việc với Liên hợp quốc để xây dựng nơi trú ẩn tạm thời cho những người tị nạn trong cuộc diệt chủng tại Rwanda, kế đó là giúp đỡ nạn nhân động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho tới quê hương Nhật Bản của mình.
“Đây là một phần của trách nhiệm xã hội của tôi,” ông cho AFP biết. “Thường thì chúng tôi, các kiến trúc sư, thiết kế các tòa nhà cho người có đặc quyền… và họ sử dụng tiền và quyền lực của mình dành cho các kiến trúc hoành tráng. Nhưng tôi tin rằng chúng ta nên xây dựng nhiều hơn cho những người dân đã mất nhà bởi các thảm họa tự nhiên.”
Ông Ban cho biết rất nhiều những thảm họa tự nhiên như động đất đã trở nên tồi tệ hơn bởi sự sai lầm trong các cấu trúc do con người tạo nên và các kiến trúc sư có nghĩa vụ phải giúp đỡ họ.
“Con người không bị chết bởi động đất, họ bị chết bởi các tòa nhà đổ sập xuống,” ông nói. “Đó là trách nhiệm của các kiến trúc sư nhưng các kiến trúc sư lại không ở đó khi mọi người cần những ngôi nhà khẩn cấp bởi họ quá bận rộn để làm việc cho những người có đặc quyền. Thậm chí một ngôi nhà khẩn cấp có thể trở thành một ngôi nhà thực sự.
Một trong những ưu việt của những kiến trúc mà Ban thực hiện đối phó sau thảm họa là sử dụng các vật liệu tái chế, bao gồm các container vận chuyển và thùng bia, như đã dùng để dựng nhà tạm sau vụ động đất Kobe năm 1995.
Nhưng các vật liệu mang dấu ấn của ông là thùng các tông, mà ông nói rằng rất có sẵn sau các vụ thiên tai, không giống như các vật liệu truyền thống khác như gỗ và thép.
Ông đã sử dụng chúng để xây dựng tất cả mọi thứ từ một phòng hòa nhạc tại L’Aquila, Italy, một trường học tại Thành Đô của Trung Quốc và một “nhà thờ giấy” ở Kobe, được xây dựng chỉ trong 5 tuần.
“Vật liệu này có sẵn ở khắp mọi nơi trên thế giới,” ông nói. “Ngay trong khi tôi đang xây dựng một nơi trú ẩn tị nạn ở Rwanda, tôi đã tìm thấy giấy mình cần để xây dựng các công trình ở Kigali.”
“Như vậy mọi nơi tôi có thể tới tôi đều có thể tìm thấy vật liệu này, nó không đắt và thường không phải là vật liệu xây dựng, nên rất dễ dàng tìm được nó trong các trường hợp khẩn cấp. Nó cũng có trọng lượng nhẹ và giá rẻ.”
Nhà thờ mới của Christchurch, sẽ được hoàn thành vào tháng Tư năm tới – 132 năm sau lễ cung hiến của nhà thờ nguyên bản bằng đá – là cấu trúc bằng carton lớn nhất Ban từng thiết kế.
Công ty bảo hiểm và quyên góp từ cộng đồng đã chi trả 5 triệu đôla New Zealand (4,2 triệu USD) cho dự án này.
Một đầu của nhà thờ sẽ được lấp đầy với kính màu và mái polycarbon sẽ giúp bảo vệ nó khỏi các yếu tố khác, với tuổi thọ ước tính khoảng 50 năm.
Các quan chức Giáo hội dự tính sẽ sử dụng nhà thờ này trong vòng 10 năm, cho đến khi một nhà thờ khác lâu dài được xây dựng thay thế, mặc dù Ban cho biết những phản ứng nhiệt tình tại New Zealand có thể thay đổi điều này.
“Nếu mọi người thích nó, nó sẽ là vĩnh viễn, tôi hy vọng điều này sẽ xảy ra,” ông nói.
Các cơ quan xây dựng tại Christchurch mải mê nghiên cứu các kế hoạch và tuyên bố nó hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn của trận động đất.
“Tôi nghĩ rằng đây là một khái niệm hơi lạ nhưng giờ tôi nghĩ rằng nó rất tốt,” Hunter McKenzie, cư dân Christchurch cho biết.
“Thật tốt khi nhà thờ được xây dựng và hoạt động, và cố gắng để thành phố trở lại bình thường”./.
(Vietnam+)
- Làng ứng dụng năng lượng tái tạo tại Ý
- Biến ổ gà thành tác phẩm nghệ thuật
- Tìm dấu ấn xưa ở lâu đài cổ
- Bài học kinh nghiệm của đô thị hóa Trung Quốc
- Thụy Sĩ, đất nước nhỏ nhưng đáng sống nhất thế giới
- Firenze - Trung tâm nghệ thuật Phục Hưng
- Đặt tên đường kiểu Mỹ
- Kinh nghiệm phát triển đô thị bền vững tại Toyama, Nhật bản
- London sau Olympics 2012: Càng nhà giàu gốc càng biết tiết kiệm
- Singapore - Đảo quốc của nghệ thuật cộng đồng