Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Mô hình Unicity: Một vùng đô thị - một chính quyền

Mô hình Unicity: Một vùng đô thị - một chính quyền

Viết email In

Một mô hình tổ chức vùng đô thị như là chiến lược để phát triển kinh tế – So sánh Calgary và Edmonton (Alberta, Canada) 

Một trong những vấn đề phức tạp mà các vùng đô thị tại Bắc Mỹ phải đối mặt là sự “tan vỡ” (fragmentation) về chức năng và quản lý thành nhiều đơn vị hành chính khác nhau. Sự “tan vỡ” này dẫn đến sự lặp lại và trùng lặp về dịch vụ công đô thị, cơ sở hạ tầng, sự bất-hợp-tác trong quy hoạch, và sự khác biệt về chi phí và lợi ích trong dịch vụ công của các đô thị ngoại ô (suburb). Sự tan vỡ vùng (metropolitan fragmentation) làm gia tăng chi phí quản lý và cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ trong vùng đô thị, dẫn tới chi phí sinh sống và kinh doanh đắt đỏ, và cuối cùng trở thành rào cản cho phát triển kinh tế.  


Hình 1: Edmonton và Calgary là hai vùng đô thị lớn nhất tại tỉnh Alberta, Canada với quy mô dân số xấp xỉ một triệu người mỗi vùng (2005). Nguồn: mappery.com 

Để giải bài toán tan vỡ vùng, thành phố Calgary (tỉnh Alberta, miền Tây Canada), với sự ủng hộ của người dân các thị trấn nhỏ xung quanh và chế tài của quy hoạch vùng, đã triệt để theo đuổi mô hình unicity (TD: một vùng đô thị – một chính quyền): mở rộng ranh giới hành chính của thành phố trung tâm tới các đô thị/đơn vị hành chính xung quanh thông qua sát nhập và/hoặc hợp nhất. Ngược lại, thành phố Edmonton, có cách tiếp cận “thận trọng” hơn với mô hình unicity. Kế quả là cấu trúc của vùng đô thị Edmonton “tan vỡ” hơn Calgary và tốn kém hơn cũng như kém cạnh tranh hơn so với đối thủ cùng tỉnh Alberta (Hình 1). Nghiên cứu tinh huống về hai thành phố chính của tỉnh Alberta minh họa sự tan vỡ vùng đô thị và mô hình unicity ảnh hưởng đến phát triển kinh tế như thế nào. 


Bảng 1: Sự “tan vỡ” về quản lý hành chính trong các vùng đô thị của Mỹ, 1997. Nguồn: (5)


Hình 2: Các đơn vị hành chính trong vùng Edmonton và Calgary vào năm 2002. Nguồn: Statistics Canada 2002.


Sự tan vỡ vùng và các vấn đề liên quan: Một nền tảng lý thuyết 

Tại Bắc Mỹ, đô thị hóa đồng nghĩa với hai quá trình song hành: phi tập trung hóa dân cư ở cấp độ địa phương và cấp vùng (dân cư chuyển dịch từ trung tâm ra ngoại ô thành phố và từ các thành phố trung tâm ra các thành phố vệ tinh), và quá trình tập trung hóa dân cư vào các vùng đô thị lớn (6). Quá trình kép này đã dẫn đến một sự tái tổ chức trong không gian về phân bố dân cư và hoạt động kinh tế và phân bố đô thị ra một vùng rộng lớn (vốn thuộc các địa giới hành chính khác nhau) và tạo ra việc có nhiều chính quyền đô thị trong một vùng. Hiện tượng này xảy ra ở hầu hết các đô thị tại Bắc Mỹ và trở thành một chủ đề được thảo luận nhiều nhất trong lĩnh vực nghiên cứu về vùng (regionalism) (5)(6)(18)(16)(8)(12). Ví dụ về sự tan vỡ trong quản trị vùng có thể kể tới vùng Montreal (Canada) có 74 thành phố, vùng St.Louis (Hoa Kỳ) có 90 thành phố và vùng Los Angeles có hơn 200 thành phố (xem thêm bảng 1 và 2)

Sự tan vỡ hành chính trong các vùng đô thị tạo ra một thị trường cho hàng hóa/dịch vụ công (public goods) mà nhà sản xuất là các đơn vị hành chính khác nhau và người tiêu dùng là cư dân và doanh nghiệp (13). Trong khi cạnh tranh để thu hút dân cư và đầu tư, tình thế giữa các đơn vị hành chính lớn và nhỏ, trung tâm và ngoại vi rất khác nhau. Các đơn vị hành chính nhỏ phải đạt tới một quy mô dân số nhất định mới có khả năng để đầu tư vào cơ sở hạ tầng (để đạt “tính kinh tế về quy mô” hay economies of scale) để thu hút thêm dân cư có thu nhập cao hơn và đầu tư có chất lượng. Còn nếu không thể cung cấp hàng hóa/dịch vụ công mong muốn, lựa chọn của các đô thị nhỏ là thu hẹp chi tiêu để hạ thuế và từ đó thu hút các nhóm có thu nhập thấp hơn và các đầu tư ít hấp dẫn (như công nghiệp gây ô nhiễm). Vào thời kỳ hậu Thế chiến lần II, các thị trấn Bowness và Montgomery ở ngoại ô thành phố Calgary đều rơi vào tình trạng sau cùng này khi chúng chỉ thu hút cư dân nghèo vì thuế thấp và thiếu vắng các dịch vụ công cơ bản. 

Ở một chiều hướng khác, người dân và doanh nghiệp từ các thành phố nhỏ thường sử dụng hàng hóa/dịch vụ công của các thành phố lớn, trong khi không phải chi trả thuế cho các thành phố này. Các thành phố trung tâm là hạt nhân phát triển kinh tế của toàn vùng và thường có các cơ sở hạ tầng tốn kém như: sân bay, khu thể thao, đường sắt,v.v… Cư dân từ các thành phố nhỏ xung quanh thường di chuyển vào thành phố trung tâm để làm việc mỗi ngày và sử dụng các dịch vụ và cơ sở hạ tầng của thành phố trung tâm. Thành phố Edmonton ở trung tâm tỉnh Alberta và các thành phố vệ tinh của nó cung cấp một ví dụ về trường hợp này.

Để giải quyết những vấn đề nói trên, câu hỏi cần được trả lời là làm sao để thực hiện các chính sách đô thị ở cấp vùng mà không có thẩm quyền vùng để đảm bảo chính sách được thực thi cũng như cơ chế để thu thuế mỗi đơn vị hành chính cho ngân sách cấp vùng. Trong khi một số vùng đô thị như Vancouver (tỉnh Bristish Colombia) và Toronto (tỉnh Ontario) loay hoay đi tìm các cơ chế quản lý vùng để giảm thiểu mặt tiêu cực của tình trạng tan vỡ, một số vùng khác như Calgary, Edmonton (tỉnh Alberta) và Winnipeg (tỉnh Manitoba) lại nỗ lực từ nhiều năm để giảm số lượng đơn vị hành chính bằng cách mở rộng ranh hành chính của đô thị trung tâm và sát nhập các đơn vị nhỏ hơn vào đơn vị trung tâm này. Giải pháp thứ hai này còn được gọi là mô hình Unicity hay một vùng đô thị – một chính quyền


Hình 3: Quy hoạch vùng Calgary, 1964. Các đô thị đều được bao quanh bởi một vành đai không-phát-triển (màu hồng). Nguồn: Calgary Planning Commission, 1964 


Bản báo cáo McNelly

Việc khám phá ra mỏ dầu tại Leduc, phía Nam Edmonton, vào năm 1946, cùng với xu hướng gia tăng dân số và phát triển kinh tế vào thời kỳ hậu Thế chiến lần II đã tạo ra một nhu cầu phát triển đô thị mạnh mẽ tại vùng Calgary và Edmonton. Cả hai thành phố bắt đầu một quá trình tăng trưởng mạnh mẽ với dân số gia tăng 10.000-15.000 người mỗi năm (8). Sự bùng nổ về dân số trong đô thị không chỉ diễn ra ở hai thành phố lớn kể trên mà cả những thị trấn vệ tinh của chúng (14)(9). Tại vùng Calgary, các khu đô thị ngoại vi như Bowness, Forest Lawn, Ogden, Manchester, Glenmore, v.v…. lần lượt xuất hiện trên bản đô dân cư. Tới trước năm 1960, Bowness, Montgomery và Forest Lawn đã được công nhân là đơn vị hành chính cấp thị trấn. Điều tương tự cũng xảy ra ở ngoại vi Edmonton khi mà Jasper Place, St. Albert, Strathcona Heights, Pleasant View and Campelltow Height trở thành những đơn vị hành chính độc lập. 

Sự bùng nổ dân số và sự ra đời của những thị trấn này đặt ra rất nhiều thách thức: thành phố trung tâm chịu gánh nặng hạ tậng khi dân cư từ vùng ngoại vi di chuyển vào trung tâm làm việc mỗi ngày trong khi đó nhiều thị trấn có điều kiện hạ tầng yếu do chi phí đầu tư ban đầu cao trong khi nguồn thu thuế rất eo hẹp. Trước tình hình đó, quốc hội tỉnh Alberta thành lập Hội đồng Hoàng gia về Phát triển vùng đô thị tại Edmonton và Calgary[1] với thẩm quyền có thể xem xét mọi số liệu, truy vấn mọi thông tin và thảo luận mọi vấn đề với các cơ quan khác nhau và các cộng đồng dân cư nhằm tìm ra lời giải cho những thách thức phát triển của hai vùng trên (14)(9). Vào năm 1956, Hội đồng ra bản báo cáo, vẫn được biến đến với tên gọi Bản báo cáo McNelly[2], trình bày chi tiết về tình hình phát triển tại hai vùng đô thị và các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài. Bản báo cáo McNelly đưa ra giải pháp dựa trên bốn nguyên tắc sau (14, p.30):

  1. Trong một đơn vị vùng đô thị xét dưới góc độ kinh tế và xã hội, công bằng về nguồn thu thuế là điều quan trọng. Mô hình quản trị tốt nhất để đạt được sự công bằng này là thông qua một chính quyền tập trung quản lý toàn vùng;
  2. Nơi nào mà cơ sở sản xuất (bao gồm tất cả các đơn vị nộp thuế doanh nghiệp) xuất hiện ngay bên ngoài ranh giới một đơn vị hành chính đô thị[3] (urban municipality), nguồn thuế từ cơ sở này nên trả cho cùng một đơn vị hành chính mà đã cung cấp các dịch vụ công và đào tạo cho công nhân và gia đình họ;
  3. Các đơn vị hành chính đô thị là khu vực cho phép phát triển, do đó chúng có thể mở rộng diện tích ra khu vực nông thôn xung quanh;
  4. Bất cứ nơi nào tiếp giáp một thành phố lại xuất hiện sự hình thành đô thị mới thì cần phải được quy hoạch và quản trị bởi một đơn vị hành chính địa phương duy nhất. 

Dựa trên những nguyên tắc này, Báo cáo McNelly đề xuất hai vùng đô thị nên theo đuổi mô hình unicity, cụ thể làmở rộng diện tích Calgary gấp đôi và Edmonton gấp ba lần để bao gồm các đô thị nhỏ xung quanh (14)(9). Bản báo cáo cũng cảnh báo các đô thị vệ tinh đang lớn dần phía Đông Edmonton:”Bản thân (việc phát triển đô thị vùng ven) có thể là một dự án tốt, nhưng nhìn từ góc nhìn của quy hoạch có tổ chức, những vị trí này là một thảm kịch cho vùng. Đây cũng là một lời chứng cho sự thất bại của việc hợp tác quy hoạch (giữa các đơn vị hành chính) một cách tự nguyện” (trích lại từ 9, p.6)


Bảng 2: Sự “tan vỡ” về quản lý hành chính trong các vùng đô thị của Canada, 1996. Nguồn: (9)


Hình 4: So sánh thu nhập đầu người giữa Canada, tỉnh Alberta, Calgary, Edmonton và các thành phố trong vùng Edmonton (cột biểu màu da cam). Nguồn. Statistics Canada 2001


Calgary và sự phát triển mô hình một vùng đô thị – một chính quyền

Theo khuyến nghị của Báo Cáo McNally, Calgary đã áp dụng mô hình unicity như là hòn đá tảng cho các chính sách quản lý sự phát triển của thành phố với kỳ vọng sẽ đạt được “vô số những lợi thế so với sự “phân tán” của các chính quyền địa phương trong vùng, đặc biệt trong các lĩnh vực như dịch vụ, thuế, và sự hiệu quả của chính quyền” (4). Quá trình sát nhập của Calgary với các thành phố lân cận được thúc đẩy. Nhờ có sự tiên liệu về tốc độ phát triển, chính sách chủ động của Calgary đã giúp thành phố không phải đối mặt với những khó khăn về quỹ đất như Edmonton. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là Calgary không sát nhập đất trống vô điều kiện. Thành phố ưu tiên sát nhập những khu vực có nguồn thu thuế dồi dào và không mặn mà với những thị trấn nghèo, có hạ tầng yếu kém như Bowness, Montgomery (xin sát nhập với Calgary 6 lần), và Forest Lawn. Calgary chỉ sát nhập các thị trấn này khi Hội đồng Chính quyền Địa phương (Local Authorities Board – LAB), cơ quan cấp tỉnh nhằm phân xử mâu thuẫn giữa các đơn vị hành chính địa phương, phê chuẩn yêu cầu sát nhập của các thị trấn trên. Đối với các thị trấn nghèo kể trên, sát nhập vào Calgary là giải pháp để cư dân được hưởng hàng hóa/dịch vụ công chất lượng cao hơn với chi phí thấp hơn. Ví dụ, việc sát nhập với Calgary sẽ giúp người dân Bowness tiết kiệm được chi phí đầu tư vào cứu hoả và cảnh sát, đồng thời giúp người dân giảm chi phí dịch vụ điện nước (60 dollar Canada/năm), và giảm chi phí giao thông công cộng (100 dollar/năm) bên cạnh khả năng tiếp cận nhiều dịch vụ khác nữa.

Thiết lập mô hình unicity chỉ là bước khởi đầu, duy trì chính sách này mới thực sự là bài toán khó. Bên cạnh việc thực hiện chính sách sát nhập một cách bền bỉ và quyết liêt để đảm bảo quỹ đất phát triển cho 30 năm, Calgary còn không ngừng tăng cường tính hiệu quả của Quy Hoach Vùng Calgary (Hình 3), một cơ chế vùng cưỡng bức được bảo trợ bởi chính quyền tỉnh. Vào năm 1965, bản Quy hoạch Vùng này đã lập luận rằng sử dụng đất ở khu vực giáp ranh địa giới hành chính không được mâu thuẫn với những dự kế hoạch phát triển đô thị đã được hoạch định. Quy hoạch Vùng Calgary thiết lập một “vùng đệm” không-phát-triển rộng 8 km xung quanh ranh giới thành phố. Dải vùng đệm này nhằm đảm bảo không có dự án nào được thực hiện bên ngoài ranh giới đô thị để hưởng thuế thấp nhưng tận dụng các tiện ích của đô thị hoặc có thể tác dụng xấu đến môi trường đô thị trung tâm. Chính sách này cũng hạn chế việc hình thành các khu dân cư có xu hướng trở thành các thành phố vệ tinh xung quanh Calgary nhưng không nằm trong sự quản lý của chính quyền Calgary. Quy Hoạch Vùng chính vì thế có vai trò đặc biệt quan trọng đối với chính sách unicity vì đã giúp Calgary đảm bảo được việc giữ cho các quỹ đất mà Calgary muốn sát nhập cho nhu cầu tương lai không bị phát triển qua mức cho phép và nhờ đó thành phố cũng không phải đối mặt với những phản đối gay gắt của chủ đất khi có nhu cầu sát nhập. 


Hình 5: Trung tâm thành phố Calgary vào mùa thu 2007. Nguồn: tác giả. 


Edmonton và sự hình thành một vùng “tan vỡ”

Edmonton cũng trải qua một quá trình tương tự như Calgary với các thị trấn nhỏ mọc lên trong vùng ven thành phố. Thị trấn Jasper Place và Beverly đã khởi xướng việc “hợp nhất” với vùng trung tâm của Edmonton để cứu vãn tình trạng thiếu ngân sách và chất lượng dịch vụ kém. Hiệp hội Bảo Vệ Người Đóng Thuế và Hội đồng Tài Chính của thành phố Edmonton đã phản đối việc hợp nhất này vì với họ thay đổi này không có lợi gì cho Edmonton ngoài trách nhiêm về tàii chính (8). Tuy nhiên, sau đó chính quyền thành phố đã thông qua việc hợp nhất với hy vọng là nó sẽ thu hút thêm đầu tư vào các ngành công nghiệp tại khu vực mới để bù lại những thiệt hại về mặt tài chính.

Khác với Calgary, Edmonton bỏ ngoài tài các khuyến nghị của bản báo cáo McNelly mà theo đuổỉ một chiến lược phi tập trung hóa và ủng hộ việc thành lập các đô thị vệ tinh trong vùng. Lý do của sự khác biệt này là vì các chính sách Quy hoạch Vùng của Edmonton chịu nhiều ảnh hưởng của lý thyết “vành đai xanh” và “đô thị vệ tinh” đang rất phổ biến ở Anh. Chính sách này đã dẫn đến sự bùng nổ những thành phố vệ tinh có thể vận hành độc lập, nằm tách biệt với Edmonton bởi vành đai xanh (9). Những thành phố này ngày càng có tinh thần tự chủ mạnh mẽ và có thể phủ quyết tham vọng mở rộng địa giới của Edmonton.

Vào năm 1979, khi mà những vấn đề vùng trở nên bức bách, Edmonton đã thay đổi chính sách và quyết định việc sát nhập hàng loạt bao gồm cả St.Albert và toàn bộ hạt Strathcona với tổng diện tích gần 1900 km2. Quyết định này nếu thành công sẽ mở rộng diện tích thành phố Edmonton lên gấp 6 lần. LAB sau một năm tham khảo ý kiến người dân đã chỉ cho phép mở rộng gấp đôi Edmonton, và giữ nguyên các thành phố vệ tinh như St Albert. 


Bảng 3: Các chi tiêu cơ bản của chính quyền thành phố Calgary và Edmonton vào năm 1996 tính trên đầu người. Nguồn (9)


So Sánh Cấu Trúc Của Hai Trung Tâm Đô Thị: Chi Phí Vận Hành và Phát Triển Kinh Tế

Mặc dầu cả Calgary và Edmonton cuối cùng đều lựa chon sát nhập và hợp nhất như là phương thức để có cấu trúc chính quyền phù hợp hơn với quá trình phát triển đô thị, kết quả của nỗ lực này rất khác nhau. Ngày nay, thành phố Edmonton có 71.4% dân số toàn vùng, 28% còn lại phân tán ở bốn thành phố, bốn khu vực nông thôn ven đô, 9 thị trấn và 6 làng (Bảng 2, Hình 2). Có 33 chính quyền địa phương trong vùng Edmonton, và họ phải cạnh tranh với nhau để thu hút dân cư và đầu tư (công cũng như tư) để cân đối ngân sách (9). Ngược lại, thành phố Calgary tập trung tới 93% dân số của toàn bộ vùng. Calgary trở thành vùng đô thị “tập quyền” nhất ở Canada (Bảng 2). Do cả hai vùng đô thị phát triển trong cùng một khuôn khổ pháp lý, một môi trường chính trị văn hoá, và chính sách kinh tế của tỉnh Alberta và có quy mô dân số tương đương, khoảng 1 triệu dân vào năm 2005, việc nghiên cứu hai vùng này cho phép chúng ta tìm hiểu tính hiệu quả tương đối của chi phí và khả năng thúc đẩy phát triển kinh tế của mô hình unicity so với mô hình chính quyền phân tán. 

Trước hết, sự khác biệt cơ bản giữa hai vùng là chi phí vận hành chính quyền địa phương (9). Một ví dụ nhỏ: vào năm 1996, vùng Edmonton có tổng cộng 169 ủy viên các hội đồng thành phố và chi phí cho các vị này là 3.40 dollar Canada/người dân. Trong khi vùng Calgary chỉ có 62 ủy viên hội đồng và chi phí chỉ 1.46 dollar/người dân. Vấn đề cơ bản của Edmonton là chi phí cung cấp hàng hóa/dịch vụ công đắt đỏ. Vào năm 1995, tổng chi ngân sách chính quyền địa phương trên đầu người là 1592 dollar ở Calgary và 1566 dollar ở toàn vùng Calgary. Chi phí này là 2217 dollar ở Edmonton và 2131 dollar ở toàn vùng Edmonton (9), nơi có thu nhập đầu người chỉ bằng 80% so với Calgary (Bảng 4). Thêm nữa, thành phố Edmonton chi tiêu hàng hoá/dịch vụ công trung bình trên đầu người cao hơn 1,5 lần các thành phố và thị trấn ở ngoại vi vì Edmonton phải gánh trách nhiệm vùng và hỗ trợ nhiều dịch vụ cho các đô thị vệ tinh. Thành phố Edmonton cung cấp dịch vụ quy hoạch và an ninh cho các thành phố nhỏ hơn và dịch vụ quản lý môi trường và giao thông công cộng cho toàn bộ vùng. Trong khi thu nhập đầu người của Edmonton nhìn chung thấp hơn các thành phố vệ tinh, nơi người dân lại đóng ít thuế hơn (Hình 4). 

Chi phí vận hành chính phủ thấp đã trực tiếp dẫn đến chi phí kinh doanh thấp (mặc dù cả Calgary và Edmonton đều được hưởng lợi từ chính sách thuế thấp của tỉnh Alberta). Mức thuế đánh vào giá trị bất động sản của Calgary chỉ có 0.77% so với 0.94% ở Edmonton, 1.9% ở Ottawa và 1.5% ở Montreal. Thuế doanh nghiệp ở Calgary chỉ ở mức 8,7%, so với 9,8% ở Edmonton (1). Theo nghiên cứu của Boyd, một công ty tư vấn ở New Jersey, Calgary là thành phố có chi phí vận hành doanh nghiệp thấp nhấp trong 52 thành phố trên toàn Bắc Mỹ (1). Chi phí vận hành thấp đã góp phần làm Calgary trở thành thành phố cạnh tranh nhất ở Canada (1). Với chỉ 1 triệu dân, Calgary giờ đây đứng thứ nhì Canada về diện tích văn phòng/đầu người, chỉ sau Toronto với 5 triệu dân (Hình 5). Trong 14 năm, từ 1989 tới 2003, dân số và việc làm tại vùng Calgary tăng 50% và 53%. Con số tương tự tại vùng Edmonton là 27% và 29%. Trong thời kỳ này, trong khi thành phố Calgary bùng nổ về dân số, Edmonton lại giảm dân số, 80% sự gia tăng dân số tại vùng Edmonton xảy ra ở vùng ngoại vi thành phố.


Kết luận

Bằng chứng cho thấy mô hình chính phủ ít phân tán ở các vùng đô thị lớn sẽ giúp tăng cường phát triển kinh tế thường “yếu và mâu thuẫn” (18). Các yếu tố và các biến số ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế thường rất phức tạp và không thể tách rời. Mặc dù thua kém Calgary, Edmonton đứng trước Winnipeg, một điển hình khác ở Canada về áp dụng chính sách unicity với bộ máy chính quyền ít cồng kềnh nhất (Bảng 2), trong bảng xếp hạng về phát triển dân số ở 10 thành phố lớn nhất ở Canada (9). Những nghiên cứu ở Mỹ cho thấy mặc dầu sự liên kết giữa bộ máy chính quyền và sự phát triển kinh tế là yếu, thì sự liên kết giữa mô hình vùng đô thị và chất lượng cuộc sống của người dân là rất rõ ràng (18). Những mô hình quản trị vùng có tính thống nhất và hợp tác hơn thường sẽ giúp hỗ trợ cho người dân đạt được chất lượng sống cao hơn. 

Tại Canada đã chứng kiến một phong trào tái tổ chức đô thị nhằm đạt được cấu trúc chính quyền ít phân tán hơn vào đầu những nắm 1990 (5)(16). Các vùng đô thị phân tán được tái xắp xếp thông qua rất nhiều các cuộc hợp nhất lớn ví dụ như cuộc hợp nhất London (tỉnh Ontario) và vùng ngoại đô, thiết lập vùng Halifax, tổ chức các “siêu” thành phố ở Montreal và Quebec (5)(12). Việc tái tổ chức này đã thay thế hệ thống chính quyền hai-cấp (vùng và địa phương) vốn từng là đặc trưng của tổ chức vùng đô thị ở Canada. 

Việc thực thi và phát triên mô hình unicity ở Calgary là một bài học thành công của việc quy hoach với tầm nhìn xa bắt đầu từ nguyện vọng của người dân muốn có một cuộc sống có chất lượng tốt hơn và kết thúc với một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ và sống động cùng với khả năng cung cấp dịch vụ với chi phí thấp. Cũng có ý kiến phê phán rằng mô hình unicity thường làm các thành phố kém nhanh nhạy trong việc ứng phó với các thay đổi (12). Có những quan ngại về khả năng giảm tính dân chủ khi các chính quyền địa phương bị sát nhập hay thống nhất thành một cơ quan hành chính lớn hơn (12). Cho tới nay chưa có bằng chứng nào của những hậu quả tiêu cực của mô hình này, người dân Calgary đang được hưởng chất lượng cuộc sống tốt nhất ở Bắc Mỹ (14). Ngược lai, thành phố Edmonton vẫn đang chật vật với sự phân tán vùng. Những nỗ lực không thành công của Edmonton đã gợi nhớ một khuyến nghị trong Bản báo cáo McNally: “khi đưa ra những quyết sách, Hội đồng cần lưu tâm rằng một sự cuộc “phẫu thuật” vô cùng tốn kém và đau đớn có thể tránh khỏi trong nhiều năm bằng cách tạo ra một thay đổi nhỏ ngay lúc này” (14, trang 32). 

Nguyễn Đỗ Dũng

Chú thích: 

  • [1] Tên tiếng Anh: Royal Commission on Metropolitan Development in Edmonton and Calgary
  • [2] McNelly Report – McNelly là tên nghị sĩ quốc hội tỉnh Alberta, người được giao trọng tránh đứng đầu Hội đồng trên.
  • [3] Toàn bộ hệ thống chính quyền của Canada chỉ gồm 3 cấp: Liên bang (Federal), Tỉnh (Province) và Địa phương (Municipality). Cả ba cấp này tương đối độc lập về nguồn thuế và quản trị. Tuy nhiên cấp tỉnh có nhiều quyền lực đối với cấp địa phương và có vai trò công nhận các đơn vị hành chính mới (do đô thị hóa vùng nông thôn) trong khi cấp Liên bang không có vai trò gì với địa phương. 

Tài liệu tham khảo: 

  • Calgary Economic Development (2006). Costs of Business. Retrieved from http://www.calgaryeconomicdevelopment.com/relocateAndExpand/costOfBusiness.cfm in November 29th, 2006.
  • Calgary Regional Planning Commission (1964). Primarily Regional Plan. Calgary: Calgary Regional Planning Commission.
  • Calgary Regional Planning Commission (1986). Regional Settlement Patterns Study. Unpublished. Calgary: Calgary Regional Planning Commission.
  • City Planning Department (1983). City of Calgary: Annexation Study. Calgary: City Planning Department
  • Collin, J. and Léveillée, J. and Poitras, C. (2002). New Challenges and old solutions: Metropolitan reorganization in Canadian and U.S. city-regions. Journal of Urban Affairs, Vol. 24, No. 3, pp. 317 – 332
  • Collin, J. and Robertson, M. (2004). Metropolitan Change and Related Political Behaviour
  • in Canadian Metropolises. Symposium conducted at the International Metropolitan Observatory Meeting Bordeaux, January 9-10, 2004
  • Diemer, H. (1974). Annexation and Amalgamation in the territorial expansion of Edmonton and Calgary. Master Degree Thesis. Unplished. Edmonton: Department of Geography, The University of Alberta
  • Lightbody, J. (1998). The comparative costs of governing Alberta’s Metropolitan areas. Western Centre for Economic Research, Bulletin #48, January.
  • National Research Council (1999). Governance and Opportunity in Metropolitan America. Washington, DC: National Academy Press.
  • The City of Calgary (1989). Comprehensive Annexation. Calgary, Alta.: The City of Calgary.
  • Tindal, R. and Tindal, S. (2000). Local Government in Canada (5th ed.). Scarborough: Nelson.
  • Tiebout, C. (1956). A pure theory of local expenditures. The Journal of Political Economy, Vol. 64, No. 5, pp. 416 – 424
  • Richard Parker (2005). Calgary: a uni-city at 50 years. Plan Canada, autumn 2005
  • Sancton, A. (1991). Local Government Reorganization in Canada since 1975. Toronton: Intergovernmental Committee on Urban and Regional Research.
  • Sancton, A. (2001). Canadian Cities and the New Regionalism. Journal of Urban Affairs, Vol. 23, No. 5, pp. 543-555
  • Sancton, A. (2005). The governance of metropolitan areas in Canada. Public Administration and Development, vol. 25, no. 4, pp. 317-327
  • Swanstrom, T. (2001). What we argue about when we argue about regionalism. Journal of Urban Affairs, vol. 23, No. 5, pp. 479-496 

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo