Đây là những câu chuyện lạ đối với tôi, một người dân đến từ nước đang phát triển, với phong tục tập quán và văn hoá hoàn toàn khác với đất nước và con người Hà Lan mặc dù đều đang đối diện với những vấn đề tương tự.
Chuyển nhà thờ thành nhà ở
Trên con đường chính Brinklaan của thành phố Bussum, một ngôi nhà thờ cổ đồ sộ nằm ven đường nhưng lại không được đánh dấu trên bất cứ bản đồ nào của thành phố. Việc toà nhà này từng là một nơi linh thiêng của những tín đồ Thiên Chúa giáo La Mã đã trở thành quá khứ cho dù hình dạng bên ngoài vẫn là một ngôi nhà thờ chính hiệu. Hiện nay, nhà thờ đã trở thành một toà chung cư hiện đại giữa trung tâm thành phố.
Bà Catherina, một dân cư sống tại toà nhà giải thích: “Khi cha xứ và giáo dân không đủ tiền duy trì nhà thờ, họ bán cho một công ty xây dựng, mua mảnh đất khác xây nhà thờ nhỏ hơn”. Năm 2003 một công ty xây dựng mua lại và thiết kế, phân chia phía trong nhà thờ thành chung cư với 30 căn hộ, kèm hệ thống thang máy hai tầng ngay cửa ra vào. Hình dạng và màu sắc phía ngoài nhà thờ được giữ nguyên. Kiến trúc, hoa văn và các bệ bàn thờ nằm sát tường phía trong nhà thờ cũng không bị phá huỷ mà được tận dụng thành một phần kiến trúc trong các căn hộ. “Một ngày nào đó, nếu muốn dùng lại nhà thờ, họ chỉ cần tháo dỡ các căn hộ bên trong”, bà Catherina nói.
- Ảnh bên: Ngôi nhà thờ cổ này đã trở thành chung cư với 30 căn hộ bên trong.
Người con trai của bà đã mua một căn hộ ở lầu hai để bà Catherina năm nay ngoài 90 tuổi sống những ngày cuối đời. Tầng thứ hai trong căn hộ của bà, trần nhà và cửa sổ kính vẫn giữ nguyên các hoạ tiết hoa văn, màu sắc theo kiến trúc Gothic. Ánh sáng chiếu vào làm bừng lên các hình ảnh trong kinh thánh trên tường. “Tôi thích ngôi nhà thờ. Tôi đã khóc khi biết nhà thờ bị bán, nhưng không ngờ lại được sống ngay trong nhà thờ. Được ngắm nhìn tháp chuông và trần nhà thờ với khoảng cách rất gần, điều mà tôi luôn làm khi xưa mỗi lần đến nhà thờ”, bà Catherina tâm sự.
Việc một ngôi đền hay nhà thờ được mang bán cho một đơn vị kinh doanh là câu chuyện lạ đối với những người có tín ngưỡng. Mặc dù, không ít nhà thờ từng được chuyển thành những căn biệt thự sang trọng và độc đáo trên thế giới. Để có thể bảo tồn một di tích hàng trăm năm tuổi và việc chuyển chức năng của một di tích nhưng vẫn có thể trả lại chức năng đúng của nó trong tương lai cũng là một lựa chọn có hậu.
Xây cầu cho động vật hoang dã
Sự phát triển đô thị tại Hà Lan đã khiến cho các vùng đất tự nhiên của nước này bị các con đường cao tốc cũng như hệ thống đường sắt chia cắt. Điều này khiến động vật hoang dã như cáo, thỏ, hươu nai hay chồn rất khó di cư theo mùa, thậm chí bị cô lập. Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra khi động vật từ các khu vực tự nhiên lao ra đường để di chuyển từ vùng này sang vùng khác. Giải pháp mà người dân Hà Lan chọn giải quyết vấn đề trên là xây những “cây cầu tự nhiên”.
Phần bắc qua đường cao tốc của “cây cầu tự nhiên” dài nhất thế giới ở Hà Lan.
Ông Edward, cán bộ bảo tồn tự nhiên Goois cho biết, cây cầu được xây dựng với kết cấu đặc biệt nhằm đổ lên khối lượng lớn cát đất để trồng cây và cỏ. Môi trường phải hoàn toàn giống tự nhiên để động vật hoang di chuyển thoải mái. Một con đường mòn nhân tạo nằm giữa cây cầu cho phép người đi bộ hoặc xe đạp qua lại, ngắm động vật hoang di chuyển cùng họ. Những cây cầu này còn giúp cho những vùng bảo tồn tự nhiên không hề bị ảnh hưởng hay đe doạ khi nằm ngay cạnh khu dân cư sinh sống.
Cách thủ đô Amsterdam khoảng 30km về phía đông nam, hai hệ thống đường cao tốc và đường sắt song song nối Bussum và Hilversum luôn bận rộn. Cây cầu tự nhiên dài nhất thế giới (dài 800m, rộng 50m) đã được xây dựng nhằm nối khu rừng Spanderswoud và vùng đất hoang Bussumerheide. Khoản tiền 15 triệu euro là chi phí cho toàn bộ dự án của cây cầu tự nhiên bắc qua đường cao tốc và đường sắt. Để xây dựng cây cầu này, ngoài một số khoản đóng góp của các công ty tại Hà Lan, người dân tự quyên góp tiền thông qua hoạt động bán xổ số trong suốt một năm trước khi xây cầu.
Nếu mang ra so sánh thì quả là khập khiễng, bởi quê mình còn nghèo. Nhưng tôi vẫn thấy ngậm ngùi xót xa khi biết bao tai nạn thương tâm vẫn xảy ra như cơm bữa trên bao cung đường bộ... trên cả nước vì đường chưa đủ chuẩn, chưa phân làn, chưa có đường tránh trên cao…
Kim Dung
- Kiểm soát lụt lội ở Hà Lan
- Mercer: 10 nơi có chi phí sinh hoạt đắt nhất thế giới
- Nghệ thuật Fesco trong lâu đài Qasr Amra
- Phát triển nhà ở xã hội tại Singapore
- Thổ Lâu Phúc Kiến - Di sản từ chất liệu đất nung
- “Ngôi đền thiên nhiên” ở Anh Quốc
- 10 công trình có chi phí xây dựng cao nhất thế giới
- Chính sách nhà giá rẻ ở Anh
- Nhà ở modul có phải là cứu cánh?
- Những góc nhìn về thành phố Melbourne