Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Nghệ thuật Fesco trong lâu đài Qasr Amra

Nghệ thuật Fesco trong lâu đài Qasr Amra

Viết email In

Bên trong lâu đài Qasr Amra ở Jordan là không gian khổng lồ của những bức tranh được vẽ theo nghệ thuật Fesco. Tôi bị mê hoặc qua nét vẽ tinh xảo của vua Umayyad Caliph Walid II dù chưa biết nhiều về nghệ thuật tranh.  

Những cung đường phẳng lì nằm quanh co trong sa mạc dường như làm cho chiếc xe trôi đi nhanh hơn. Bác tài xế Allied luôn miệng chỉ dẫn: “Chỉ cần đi thêm 200km nữa thôi, chúng ta sẽ đến biên giới Iraq. Đây là con đường thương mại vận chuyển hàng hoá chủ yếu giữa thành phố Aqaba và Amman của Jordan đến Iraq. Trong thời kỳ Mỹ thực hiện cuộc chiến vùng Vịnh, con đường này là huyết mạch chính quản để Mỹ có thể tiếp cận Iraq…” Khoảng 1 tiếng 30 phút sau khi xuất phát từ Amman, chúng tôi cũng đến với cụm lâu đài nằm trên sa mạc. 


Lâu đài cổ đã tồn tại 13 thế kỷ qua. 


 

Dấu ấn của vương triều Umayyad 

Được xem là một trong những vương triều mạnh nhất ở khu vực Trung Đông vào đầu thế kỷ thứ 8 với kinh đô đặt tại Damascus (Syria), những vị vua thuộc vương triều Umayyad luôn chứng minh sức mạnh bằng việc xây dựng các lâu đài nằm rải rác trong vùng đất mà họ quản lý. Hầu hết vật liệu xây dựng lâu đài là đá vôi và đá bazan. Phía trên các lâu đài thường là các nóc vòm tròn. Từ các bậc thang, những lối hẹp quanh co cho đến những ô cửa trong lâu đài đều mang đậm kiến trúc Hồi giáo. Có ít nhất 11 lâu đài được các vị vua thuộc vương triều Umayyad xây dựng tại Jordan và tất cả được xem là kiến trúc mẫu trong xây dựng ở thời kỳ “Hồi giáo sớm”. 

Lấy từ tiếng Latin “fresh”, người La Mã là “affesco” dùng để diễn tả các bức bích hoạ vẽ trên tường được làm bằng bùn, hoặc những bức hoạ được vẽ bằng hỗn hợp thạch cao trên tường hay trần nhà. Và, một cách quen gọi là Fesco. Không xuất phát từ La Mã, nhưng chính người La Mã lại tiếp thu và phát huy rực rỡ nhất nghệ thuật Fesco do nền văn minh Hy Lạp để lại. Trên con đường giao thương từ Á sang Âu, đặc biệt là con đường tơ lụa, nghệ thuật Fesco bắt đầu phát triển sang khu vực Trung Đông và lan dần đến châu Á. 


 

Nghệ thuật Fesco trong lâu đài Qasr Amra 

Trong ba lâu đài nằm chơ vơ trên sa mạc (Qasr Kharana, Qasr Amra và Qasr Azray), Qasr Amra gây ấn tượng mạnh trong tôi bởi trong lâu đài là cả một kho tàng đồ sộ về nghệ thuật Fesco. Theo tiếng Arập: Qasr có nghĩa là lâu đài hay pháo đài, Amra là cuộc sống. Yêu thích nghệ thuật vẽ tranh Fesco một cách say đắm, vua Umayyad Caliph Walid II xây dựng và đặt tên lâu đài là “Cuộc sống” với ý nghĩa chỉ có nơi đây mới giúp ông thoả mãn niềm vui của mình.

Trong thứ ánh sáng mờ ảo của lâu đài, những bức hoạ qua nét vẽ của vua Umayyad Caliph Walid II vào khoảng năm 715 vẫn còn sống động với thời gian. Hầu hết ý tưởng của các bức hoạ đều là môtíp thịnh hành nhất trong thế kỷ 8 với nhiều cảnh nói về cuộc sống của con người qua việc trồng trọt, săn bắn, hoặc những cảnh đời thường diễn ra trong cung điện hoàng gia. Cả những loại cây trồng hay những loài thú cũng thường xuất hiện nhất trong tranh. Con người và thiên nhiên dường như hoà quyện vào nhau trong những buổi đầu tiên của ánh sáng nhân loại. Phong trào vẽ tranh khoả thân nghệ thuật cũng đã bắt đầu xuất hiện tại thế kỷ này, một bức tranh lớn vẽ “người đàn bà khoả thân” được đặt ngay sảnh trung tâm của lâu đài. Ki Tô giáo xuất hiện ở đây cũng được hình tượng bằng những thiên thần đáng yêu hay hình ảnh của Chúa Jesus.

Những bức tranh được vẽ nhiều nhất bên trong hay trên trần nhà của các phòng tắm lạnh. Tranh phản ánh một cách xác thực nhất về “ba nguyên lý cơ bản của người Arập”: dòng nước đã gạt bỏ đi những gì mà trần tục mang lại một cách “giả tạo” cho con người. Sau khi tắm xong, con người trở về những gì cơ bản nhất của loài người: một linh hồn trong sạch như thiên nhiên khi mới sinh ra, hoang dã và sống bầy đàn như những loài động vật.

Nối tiếp qua phòng tắm lạnh là bức tranh to được vẽ trên trần nhà thể hiện hình tròn Zodiac và 35 ngôi sao nằm riêng lẻ phía bên trong (tựa như vòng tròn ngũ hành). Bức tranh thể hiện là cầu nối giữa “trời” và “đất” hay một cách khác, giữa linh hồn trong sạch sau khi tắm và thiên đường trên cao… 

Dù vết màu sơn không cầu kỳ như tranh hiện đại và cũng chưa từng biết nhiều về nghệ thuật tranh, nhưng qua nét vẽ tinh xảo của vị vua Umayyad Caliph Walid II, tôi như đắm chìm trong không gian đồ sộ của các bức hoạ... 

Hớp một ly trà đường thoảng chút hương thơm bạc hà trong ngôi lều của người dân tộc Bedul bán đồ lưu niệm dọc đường, một chút hối tiếc đến trong tôi: Qars Amra là di sản văn hoá thế giới bởi UNESCO, nhưng du khách đã lãng quên một bảo tàng nghệ thuật Fesco ở Jordan bởi sự chói sáng của thành phố hoa hồng đỏ Petra. 

Nguyễn Chí Linh 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo