Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Phản biện Đà Nẵng: Phát triển cảng biển và khu du lịch cùng một chỗ?

Đà Nẵng: Phát triển cảng biển và khu du lịch cùng một chỗ?

Viết email In

Dự án nghìn tỉ đồng và gây xôn xao dư luận, đầu tư mở rộng bến cảng Liên Chiểu, và dự án khu du lịch Làng Vân là hai trong số những dự án trọng điểm của thành phố Đà Nẵng trong 10 năm tới.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là dự án công nghiệp và dự án du lịch này nằm sát cạnh nhau dưới chân đèo Hải Vân.

Chi tiết này được ghi nhận trong Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được UBND thành phố Đà Nẵng công bố để lấy kiến rộng rãi của công chúng sau nhiều lần lấy ý kiến các nhà tư vấn, chuyên gia trong và ngoài nước với nhiều ý kiến trái chiều. 


Một phần bản đồ quy hoạch trong Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
(Ảnh: Viện Quy hoạch xây dựng thành phố Đà Nẵng)

Tuy nhiên, theo vị trí địa lý, cảng Liên Chiểu nằm ngay sát cạnh khu du lịch Làng Vân, dưới chân đèo Hải Vân. Và theo đơn vị tư vấn quốc tế thì việc đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu phải xem xét vấn đề môi trường và hệ sinh thái xung quanh.

Như TBKTSG Online từng đưa tin, vào tháng 10 năm ngoái, đơn vị tư vấn đã đề xuất với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng mở rộng cảng Tiên Sa và không phát triển cảng Liên Chiểu trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo lý do của đơn vị tư vấn này đưa ra, dự án đầu tư cảng Liên Chiểu có quy mô lớn, sử dụng diện tích đất lớn, bao gồm lấn biển, nên có nguy cơ cao ảnh hưởng đến môi trường cũng như toàn bộ vịnh Đà Nẵng.

Ngay sau đó, nhiều hội thảo, tọa đàm khác nhau được tổ chức để lấy kiến. Một số ý kiến cho rằng Đà Nẵng đã xác định du lịch và công nghệ cao là những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố, thì nên tập trung đầu tư cho những lĩnh vực này. Đầu tư thêm cảng và logistics chỉ là thứ yếu. Hơn nữa, trong khu vực này cũng có nhiều cảng đang phát triển như Chân Mây, Dung Quất, Chu Lai, Kỳ Hà…

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng đầu tư cảng Liên Chiểu sẽ giúp Đà Nẵng có lợi thế trong việc đón các tàu lớn từ 100.000 TEUs (đơn vị vận tải đường thủy). Trong khi đó mở rộng cảng Tiên Sa sẽ giúp phát triển du lịch.

Với nhiều điều khúc mắc như trên, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cần thêm nhiều ý kiến để 2 dự án trên và đồ án nói chung đạt hiệu quả.

Được biết, theo đồ án, các khu vực phát triển mới trong quy hoạch năm 2030 bao gồm các dự án đã được phê duyệt, như khu du lịch Làng Vân, Khu phi thuế quan, cảng Liên Chiểu, mở rộng Khu công nghệ cao Đà Nẵng, các khu công nghiệp mới và trung tâm logistic. Các cơ sở công nghiệp nhỏ lẻ và nghĩa địa rải rác trong khu dân cư sẽ được di dời và hợp nhất trong các khu vực được phê duyệt.

Đồng thời, các dự án mới được đề xuất, bao gồm cụm logistic gần cảng Liên Chiêu, cụm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở phía Tây Nam và một khu đô thị kiểu mẫu mới ở phía Tây. Khu đô thị mới sẽ bao gồm các tòa nhà cao tầng mới, từ đó hình thành các khu nhà ở cho người dân, cùng các khu tái định cư cho cư dân di dời do tái thiết đô thị.

Đến năm 2045, khu đô thị hiện tại của Đà Nẵng sẽ được tái thiết hoàn chỉnh để tối đa hóa tiềm năng phát triển. Tất cả các vùng đất dự trữ còn lại ở phía Nam và phía Tây cũng sẽ được phân vùng để sử dụng trong tương lai phù hợp với định hướng phát triển của Đà Nẵng.

Những dự án trọng điểm đến năm 2045 bao gồm giai đoạn cuối của Khu công nghệ cao Đà Nẵng, một khu đổi mới sáng tạo và khu công nghiệp ở phía Nam giáp ranh với tỉnh Quảng Nam, các cụm du lịch và các khu đô thị mới ở khác nhau ở phía Tây thành phố.

Bên cạnh đó, theo đồ án điều chỉnh, đến năm 2025, dân số của Đà Nẵng dự kiến đạt khoảng 1,35 triệu người. Tổng số đất xây dựng đô thị sẽ là 27.846 ha, bao gồm 13.792 ha đất dân dụng và 14.054 ha đất ngoài dân dụng.

Đồ án này do Liên danh Công ty Sakae Corporate (Nhật Bản)  và Công ty tư vấn Surbana Jurong (Singapore) tư vấn lập quy hoạch. Cơ quan tổ chức lập quy hoạch là UBND thành phố Đà Nẵng. Và cấp phê duyệt là Thủ tướng Chính phủ.

Lý do thực hiện đồ án điều chỉnh là để phù hợp với Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị vè xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định 393/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Những chính sách mới này ảnh hưởng đến quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đã được phê duyệt năm 2013.

Nhân Tâm

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo