Ashui.com

Monday
Jan 06th
Home Tương tác Phản biện Dự thảo quy định tách thửa, hợp thửa đất tại Hà Nội: Quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả

Dự thảo quy định tách thửa, hợp thửa đất tại Hà Nội: Quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả

Viết email In

UBND thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo Quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Dự thảo nhằm cụ thể hóa các điều khoản của Luật Đất đai 2024, xây dựng hành lang pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, giúp quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả, đồng thời bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn Thủ đô. 


Hoàn thiện dự thảo Quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa với từng loại đất giúp quản lý và sử dụng đất hiệu quả hơn trên địa bàn Hà Nội. Trong ảnh: Khu đất được phân thành các thửa tại huyện Ứng Hòa. (Ảnh: Nguyễn Quang) 

Nhiều quy định mới về tách thửa

Bám sát Điều 220, Luật Đất đai 2024 quy định về việc tách thửa đất, hợp thửa đất, thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương, người dân về dự thảo Quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo dự thảo, nếu tách thửa không hình thành lối đi mới, tại phường, thị trấn, thửa đất phải bảo đảm chiều dài từ 4m trở lên, chiều rộng tiếp giáp đường giao thông từ 4m trở lên và diện tích ngoài chỉ giới đường đỏ không nhỏ hơn 50m²; tại xã vùng đồng bằng, diện tích tối thiểu là 80m²; tại xã vùng trung du, diện tích tối thiểu 100m² và tại xã miền núi, diện tích tối thiểu 150m². Đối với trường hợp tách thửa có hình thành lối đi, lối đi phải có chiều rộng mặt cắt ngang từ 3,5m trở lên đối với thị trấn, 4m trở lên đối với khu vực đồng bằng và 5m trở lên đối với khu vực trung du, miền núi.

Về đất phi nông nghiệp, quy định này áp dụng cho các thửa đất ngoài trường hợp được Nhà nước giao hoặc cho thuê để thực hiện dự án. Tại phường, thị trấn, đối với đất thương mại, dịch vụ, thửa đất mới phải có chiều rộng tiếp giáp đường giao thông từ 10m trở lên và diện tích không nhỏ hơn 400m². Đối với các loại đất phi nông nghiệp khác, phải có chiều rộng từ 20m trở lên và diện tích không nhỏ hơn 1.000m². Tại các xã khác, đối với đất thương mại, dịch vụ, diện tích không nhỏ hơn 800m² và đối với đất phi nông nghiệp khác, diện tích không nhỏ hơn 2.000m².

Còn điều kiện tách thửa đối với đất nông nghiệp, quy định này áp dụng cho đất không thuộc đối tượng giao đất theo Nghị định số 64-CP (ngày 27/9/1993) của Chính phủ về việc ban hành bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp và nằm ngoài phạm vi khu vực dồn điền, đổi thửa.


Người dân làm thủ tục hành chính tại chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội ở huyện Sóc Sơn. (Ảnh: Đỗ Tâm)

Đề xuất giảm diện tích tách thửa ở miền núi

Hầu hết các ý kiến của người dân và các địa phương đồng tình với quy định mới về tách thửa, song kiến nghị thành phố Hà Nội điều chỉnh diện tích đất ở tối thiểu khi tách thửa tại khu vực miền núi.

Theo Chủ tịch UBND xã Minh Quang, huyện Ba Vì Nguyễn Tiến Tha, với các quy định cụ thể về chia tách thửa và hợp thửa như dự thảo của thành phố, các xã miền núi sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nếu phải chuyển mục đích sử dụng đất để bảo đảm các điều kiện về chia tách thửa, số tiền nộp theo quy định của Luật Đất đai 2024 là quá lớn, nhiều người dân không có điều kiện kinh tế để nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất trước khi chia tách thửa.

Bày tỏ dự thảo quy định mới về chia tách thửa sẽ gây khó khăn cho nhiều hộ dân, bà Nguyễn Thị Hoa, một người dân ở xã Yên Bình, huyện Thạch Thất kiến nghị thành phố nên điều chỉnh diện tích tối thiểu khi tách thửa tại khu vực miền núi xuống còn 100m², thay vì 150m² như hiện nay. Còn bà Lê Thị Thu ở thôn Lặt, xã Minh Quang, huyện Ba Vì đề xuất, việc quy định lối đi hình thành khi tách thửa nên điều chỉnh từ 3m trở lên đối với các phường, thị trấn và 4m trở lên đối với các xã khu vực đồng bằng, trung du, miền núi.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho rằng, hiện quy định chia tách thửa sử dụng "chỉ giới đường đỏ" làm căn cứ xác định vị trí và chiều sâu thửa đất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc xác định chỉ giới đường đỏ tại nhiều tuyến đường, thôn, xóm trong các khu dân cư vẫn chưa được thể hiện cụ thể, nhất là ở những khu vực chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Điều này sẽ gây khó khăn trong quá trình tách thửa đất, khiến thủ tục trở nên phức tạp hơn.

Những ý kiến, kiến nghị của người dân và các địa phương là cơ sở quan trọng để thành phố Hà Nội hoàn thiện dự thảo quy định về tách thửa, hợp thửa đất. Việc tiếp thu và điều chỉnh các quy định sao cho phù hợp với thực tiễn sẽ giúp Hà Nội không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, mà còn bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân trong việc sử dụng đất.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Tấn: Bảo đảm sự phát triển đô thị và đời sống dân sinh

Việc chia tách thửa đất cần thực hiện sao cho bảo đảm sự phát triển bền vững của đô thị và nâng cao chất lượng đời sống dân sinh. Các quy định về chia tách thửa đất phải cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của người dân và mục tiêu phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại. Điều này đòi hỏi việc phân lô, tách thửa đất không chỉ tuân thủ tiêu chí về diện tích và hạ tầng kỹ thuật, mà còn cần cân nhắc kỹ lưỡng về quy hoạch đô thị và không gian sống.

Việc tách thửa đất cần bảo đảm không gây áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội nhằm tránh tình trạng quá tải và bảo đảm chất lượng cuộc sống trong các khu vực dân cư. Việc chia tách thửa đất về lâu dài cần tính đến các yếu tố phát triển bền vững, tránh phá vỡ quy hoạch chung hoặc gây ra sự mất cân đối trong hạ tầng kỹ thuật và xã hội; đồng thời, duy trì các giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai

Nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục đất đai, nhất là chia tách và hợp thửa đất, cần xây dựng và triển khai cổng thông tin điện tử chuyên về đất đai để người dân có thể dễ dàng tra cứu thông tin, nộp hồ sơ và theo dõi tiến độ xử lý trực tuyến.

Việc xác định chỉ giới đường đỏ trong các khu vực nội đô và những nơi có hạ tầng, quy hoạch rõ ràng cần ứng dụng công nghệ hiện đại, không làm phát sinh thêm chi phí hoặc thủ tục hành chính. Đối với vùng có địa hình phức tạp, việc quản lý đất đai và thực hiện các quy định về tách thửa gặp nhiều trở ngại, do đó cần có sự quan tâm, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ địa chính thông qua các chương trình đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ để bảo đảm rằng các quy định mới về tách thửa đất được thực hiện hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Chủ tịch UBND xã Đông La, huyện Hoài Đức Kiều Duy Tập: Không để phát sinh thêm thủ tục và chi phí

Quy định về diện tích tối thiểu và chỉ giới đường đỏ là cần thiết, nhưng cần linh hoạt hơn trong cách áp dụng, nhất là đối với các địa phương khác nhau. Điều quan trọng, cần đẩy nhanh tiến độ cập nhật chỉ giới và cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch cho người dân, giúp họ dễ dàng thực hiện các thủ tục đất đai, tránh được phiền hà, tiết kiệm thời gian; đồng thời, tăng cường tính minh bạch trong quản lý đất đai, hạn chế tiêu cực, tham nhũng.

Để thủ tục chia tách và hợp thửa đất thuận lợi và bảo đảm sự phát triển chung, quy trình và thủ tục hành chính cần được rút gọn. Cơ quan thực thi cần giảm bớt các bước kiểm tra, yêu cầu tài liệu không cần thiết, không để phát sinh thêm thủ tục và chi phí; tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ người dân, cung cấp thông tin chi tiết về quy định, quy trình liên quan, đào tạo cán bộ hướng dẫn và tổ chức các buổi tư vấn cộng đồng để giải đáp thắc mắc, hỗ trợ người dân yên tâm thực hiện thủ tục.

Thanh Dương ghi

(Hà Nội Mới)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...