Tuy nhiên, theo cảnh báo của Hiệp hội Thép Việt Nam, ngay cả khi nền kinh tế “cất cánh”, nhu cầu thép của Việt Nam tăng mạnh thì thị phần cũng không dành cho các doanh nghiệp yếu.
Điều này có nghĩa là trong thời gian tới, nếu cơ hội ngày càng rộng mở với các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, sản xuất quy mô lớn thì cánh cửa thị phần cũng đang dần khép lại với các doanh nghiệp vẫn duy trì quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu.
Sống dựa vào cơ chế
Năm 2009, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép nói chung vẫn tiếp tục lãi lớn do thị trường thép tiếp tục biến động từ những bất ổn của suy thoái kinh tế.
Dù lãi và sống ổn nhưng các chuyên gia ngành thép bày tỏ lo ngại với các doanh nghiệp thép “nội”. Bởi lẽ, thay vì sống khỏe do năng lực quản trị, công nghệ sản xuất tiên tiến thì việc sống khỏe là do các doanh nghiệp đã tranh thủ được cơ hội bất ổn của suy thoái kinh tế thế giới để nhập giá gốc-bán giá ngọn.
Cơ hội này từ năm 2010 sẽ không còn, các doanh nghiệp thép nội sẽ ra sao?
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, hiện mức thuế nhập khẩu thép vào Việt Nam đang áp dụng với phôi là 8%, thép thành phẩm là 15%, mặt hàng thép lá mạ phủ màu vừa tăng từ 13 lên 15%.
Với mức thuế suất này, các doanh nghiệp thép dù có công nghệ hạng trung hay lạc hậu vẫn sống ổn.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đã 3 năm hội nhập WTO mà các doanh nghiệp thép vẫn xin bảo hộ là tín hiệu đáng lo ngại bởi việc tăng thuế để bảo hộ sản xuất trong nước sẽ chỉ có giới hạn.
Hơn nữa, việc tiếp tục bảo hộ sẽ không thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, tăng sức mạnh cạnh tranh sản phẩm trên thị trường.
Ngày vui sẽ chẳng tày gang
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Sưa, nguyên Viện trưởng Viện Luyện kim đen, Bộ Công Thương, 4 năm qua, thị trường thép Việt Nam đã bùng nổ với sự tham gia ồ ạt của nhiều thành phần kinh tế. Trình độ công nghệ của ngành thép Việt Nam đã có sự phân chia rõ rệt.
Thứ nhất là nhóm các nhà máy hiện đại, là các nhà máy liên doanh như Posco, Vinakyoei, Thép Việt-Hàn VSP, các nhà máy mới xây dựng như Hòa Phát, Việt-Ý, Pomihoa, Pomina, Thép Phú Mỹ, Thép tấm lá Phú Mỹ, cán mới Lưu Xá...
Đây là các nhà máy sử dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến của Italy, Nhật Bản và sản xuất với quy mô lớn từ 250.000-400.000 tấn/năm/nhà máy.
Thứ hai là nhóm trung bình, là các nhà máy cũ của Công ty gang thép Thái Nguyên, Công ty Thép Miền Nam, Công ty Thép Đà Nẵng, các liên doanh Vinausteel, Natsteelvina, Tây Đô và các công ty thép Hải Phòng, Thái Nguyên, Nam Đô...
Các nhà máy này đang sử dụng thiết bị của Trung Quốc với quy mô sản xuất từ 120.000-200.000 tấn/năm/nhà máy.
Thứ ba là nhóm lạc hậu, là các nhà máy cán có quy mô nhỏ, sử dụng thiết bị tự chế tạo trong nước. Công suất của các nhà máy này khoảng từ 5.000 đến 20.000 tấn/năm. Công nghệ lạc hậu, quy mô nhỏ khiến chất lượng sản phẩm thấp, tiêu hao vật tư và năng lượng cao, ảnh hưởng môi trường lớn và giá thành sản phẩm không có sức cạnh tranh trên thị trường.
Tiến sĩ Nghiêm Gia, Tổng Công ty Thép Việt Nam cho rằng, về lâu dài, với một thị trường hẹp như Việt Nam nhưng lại có quá nhiều dự án sản xuất thép lớn vào đầu tư khiến cung vượt cầu quá mức sẽ dẫn đến cuộc cạnh tranh khốc liệt. Do thị trường mở cửa nên đòi hỏi sản phẩm thép phải có tính cạnh tranh cao.
Hiện tại, do trình độ công nghệ của ngành thép “nội” còn ở mức thấp, quy mô nhỏ nên tổn hao nhiều nguyên liệu và năng lượng. Hậu quả là tính cạnh tranh của sản phẩm rất thấp.
Trong tương lai gần, dần dần các “đại gia” thép sẽ chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam, gây áp lực sống còn cho các doanh nghiệp sản suất thép xếp hạng từ trung bình xuống lạc hậu.
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam khẳng định thách thức hội nhập và cảnh báo về sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thép Việt Nam trong thời gian tới đã được hiệp hội liên tục nhấn mạnh nhưng các doanh nghiệp vẫn chạy đua đầu tư.
Thậm chí, năm 2009, vẫn còn có các doanh nghiệp nhập thiết bị, công nghệ sản xuất quy mô nhỏ của Trung Quốc về lắp đặt.
Hiện Bộ Công Thương đã có quy định và danh mục cấm nhập những công nghệ sản xuất quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu từ quý IV/2009 nhưng việc thực hiện ra sao thì rất khó vì việc cấp phép đầu tư lại do địa phương chủ động./.
Xuân Hương
Tin mới hơn:
- Quy hoạch và phát triển nhìn từ ngành thép
- Ngành thép Việt Nam: Ngon làm, khó bỏ
- Siêu thị nội thất Phố Xinh: Hướng đi riêng để tồn tại
- Xi măng Việt Nam: khó khăn phía trước
- Năm 2010, giá vật liệu xây dựng khó tăng mạnh
Tin cũ hơn:
- Sẽ quy hoạch lại ngành xi măng
- Ngừng đăng ký đầu tư các dự án xi măng
- Ngành thép đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2010
- Ngành thép về đích vượt dự đoán
- Thị trường kính xây dựng: Khi quy chuẩn... chưa chuẩn