Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Vật liệu / Thiết bị Thị trường Thị trường gạch ốp lát: Bao giờ người tiêu dùng hướng tới gạch Việt?

Thị trường gạch ốp lát: Bao giờ người tiêu dùng hướng tới gạch Việt?

Viết email In
Nằm trong tốp 10 quốc gia trên thế giới về sản lượng, có tổng công suất đến vài triệu m2/năm, nhưng ngành sản xuất gạch ốp lát của Việt Nam (VN) cũng như thị trường gạch nội vẫn đang bị “hụt hơi” so với hàng ngoại nhập. Vậy đâu là nguyên nhân, giải pháp cho sự “thờ ơ” của người tiêu dùng với hàng Việt?
  • Ảnh bên : Dây chuyền sản xuất gạch của Cty Gạch ốp lát Hà Nội
Thị phần nhỏ hẹp

Các DN sản xuất gạch hiện nay đang phải chịu trận trước thực trạng “ế ẩm” của gạch VN so với các loại gạch ngoại có xuất xứ từ châu Âu (Italia, Đức, Ai Cập..) và đặc biệt là Trung Quốc (TQ).. Các công trình chung cư cao cấp, nhà biệt thự chủ yếu sử dụng gạch nội thất Italia, Tây Ban Nha với giá thành cao hơn hẳn các thương hiệu Việt như Viglacera, Prime, Đồng Tâm… Một mét vuông gạch Italia được “ưa thích” sử dụng  tại các công trình xây dựng giá đắt hơn gạch Việt gần 6 lần. Trong khi đó, phân khúc thị trường hướng tới hàng Việt (đa phần là các công trình nhà ở từ cấp 2 trở lên tại các đô thị) chưa phải là đối trọng với mảng thị trường bình dân (bao gồm các nhà tái định cư, căn hộ cấp 4 cũng như các công trình xây dựng tại nông thôn hiện đang chiếm tỷ lệ lớn). Gạch Việt dù chất lượng tốt, bền nhưng nhược điểm là giá thành cao (so với hàng TQ) và mẫu mã chưa đa dạng (so với những mặt hàng có nguồn gốc châu Âu và TQ). Tại một cửa hàng bán gạch ốp lát trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), khách hàng Nguyễn Văn Toản cho biết: Tôi mua gạch về ốp lại nền nhà. Không có tiền nhiều để mua gạch châu Âu, châu Mỹ nên tôi chọn mua gạch Tàu thôi. Vừa đẹp lại rẻ hơn gạch của mấy ông VN nhà mình mà cũng tốt ra phết…

Theo đại diện một số cửa hàng kinh doanh gạch lát tại Q.Tân Bình và Q.10 (TP.HCM), các loại gạch lát nền, ốp tường của TQ đang có sức mua tăng đột biến từ đầu 2010. Có cửa hàng mỗi ngày bán hơn 100m2 gạch lát nền cỡ 60x80 cm của TQ. Trong khi đó nhiều loại gạch do VN sản xuất bán chỉ cầm chừng. Nhiều chủ cửa hàng cho biết hàng TQ có giá rẻ hơn nhiều so với hàng VN và các loại hàng ngoại nhập khác. Chẳng hạn, gạch lát nền loại 60x60cm của TQ giá bán 80.000 -85.000 đồng/m2 thì mặt hàng cùng loại trong nước 140 - 160.000 đồng/m2 tùy theo từng mã gạch (của Prime hay Viglacera), hàng cùng loại của Italia, Đức có giá cao gấp rưỡi. Tương tự, gạch ốp tường của TQ loại 20x20 cm giá chỉ 20.000 - 30.000 đồng/m2, thấp hơn hàng sản xuất trong nước gần 30.000 đồng/m2. Ngoài lợi thế về giá cả, các sản phẩm gạch lát nền, gạch ốp tường của TQ nhìn bề ngoài khá bắt mắt về hoa văn và màu sắc.

Nhiều mẫu và giá rẻ?

Rõ ràng, sức mua dành cho gạch nội còn quá thấp so với hàng ngoại. Theo ông Lê Đình Quý Sơn - Viện trưởng Viện nghiên cứu công nghệ Gốm sứ cũng như ông Đinh Quang Huy - Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam, các DN trong nước cần chung sức đầu tư thích đáng cho khoa học công nghệ để liên tục đổi mới, chuyên môn hoá từng khâu; không để “mạnh ai nấy làm” như trước kia sẽ rất lãng phí và không hiệu quả. Tất cả phải hướng tới giảm giá tối đa bởi đại bộ phận người tiêu dùng đều ham rẻ. Nói như đại diện một Cty xây dựng tại huyện Từ Liêm: “Hầu hết chủ đầu tư trung bình và nhỏ lẻ đều chọn hàng TQ bởi giá cực rẻ, mẫu mã rất đẹp, chất lượng hơi kém cũng ok vì họ sẵn sàng thay nếu hỏng bởi phụ kiện kèm theo rất nhiều”.

Hiện chỉ có một vài điểm sáng trong bức tranh chung các DN trong nước như Prime Group (được Tạp chí World Ceramic xếp thứ 5 trong các nhà sản xuất gạch ceramic thế giới về sản lượng), Viglacera Hà Nội (với sản phẩm mới nhất là gạch ốp ngoại thất mosaic chống ẩm, mốc, mưa acid... do ứng dụng công nghệ tự làm sạch có giá thành rất cạnh tranh)… DN trong nước không thể cạnh tranh một cách bình đẳng với các loại VLXD từ TQ là do tình trạng hàng nhập lậu qua đường biên mậu, trốn thuế quá nhiều. “Nếu tính mức thuế nhập khẩu 25%, cộng thêm các chi phí khác, hàng nhập khẩu từ TQ khó lòng cạnh tranh nổi với hàng VN về mặt bằng giá, chất lượng lẫn chính sách hậu mãi”- ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty CP Đồng Tâm khẳng định. Nhưng điều này vẫn còn là một câu hỏi.

Rõ ràng, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Đầu tiên là yếu tố nội sinh: DN sản xuất phải tự tìm đường ra bằng cách thay đổi công nghệ để giảm giá thành cũng như đa dạng hóa mẫu mã bắt mắt hơn. Vấn đề còn lại là hạn chế đến mức tối đa các mặt hàng xâm nhập vào thị trường VN qua đường tiểu ngạch, trốn thuế. Có như vậy viên gạch mang thương hiệu VN mới có thể chinh phục được người tiêu dùng với giá thành rẻ, chất lượng tốt và mẫu mã đẹp.

Nguyễn Cảnh
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo