Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Vật liệu / Thiết bị Thị trường Thép thừa, dự án vẫn cấp

Thép thừa, dự án vẫn cấp

Viết email In

Chỉ trong vòng ba tháng, Hiệp hội Thép VN (VSA) đã làm hai công văn khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị việc chấn chỉnh cấp giấy phép đầu tư trong ngành thép. Theo VSA, năng lực sản xuất đã vượt quá xa so với nhu cầu của thị trường thép trong nước.

Bất chấp quy hoạch ngành đã được phê duyệt cùng các văn bản chỉ đạo yêu cầu siết lại việc cấp phép ở các địa phương, các giấy phép vẫn tiếp tục “mọc” ra kể cả khi cung vượt cầu, đặc biệt trong lĩnh vực thép xây dựng.


Năng lực sản xuất thép đang vượt so với nhu cầu thị trường - Ảnh: T.T.D.

Thừa vẫn cấp

Giữa tháng 5-2010, Ban quản lý các khu công nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Posco SS Vina xây dựng và vận hành nhà máy sản xuất thép công suất 1 triệu tấn/năm. Trong đó thép hình chữ H, I, U, thép góc công suất 700.000 tấn/năm, thép đốt, thép tròn 300.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 620 triệu USD.

Sẽ không có gì đáng bàn nếu giấy phép đầu tư chỉ đề cập đến các loại thép hình, thép góc - vốn là những loại thép mà VN đang kêu gọi thu hút đầu tư rất lớn - còn thép đốt, thép tròn (tức thép xây dựng) hiện công suất của các nhà máy thép trong cả nước đã đạt 7,83 triệu tấn, vượt nhu cầu tiêu thụ gần 3,8 triệu tấn.

Trước đó, dự án Nhà máy luyện thép Dung Quất do Công ty TNHH Guang Lian Steel VN làm chủ đầu tư cũng có văn bản gửi đến UBND tỉnh Quảng Ngãi và ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất báo cáo về tiến độ chi tiết xây dựng nhà máy. Theo ông Nguyễn Xuân Thủy - trưởng ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất, dự án này có vốn đầu tư đăng ký 3 tỉ USD hiện đã xin phép điều chỉnh lên tới 4,5 tỉ USD, đồng thời nâng công suất từ 5 triệu tấn lên 7 triệu tấn.

Ông Thủy cho hay đây là dự án luyện thép từ quặng với công nghệ lò cao và là dự án lớn nhất hiện nay trong số các dự án lớn đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất, nên tất cả vấn đề chủ đầu tư điều chỉnh, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương xem xét quyết định.

Ngoài hai dự án trên, nhiều dự án khác như khu liên hợp luyện kim lớn do các công ty của Đài Loan, Malaysia đã khởi công xây dựng sau khi nhận được giấy phép đầu tư. Theo quy hoạch phát triển công nghiệp thép đến năm 2020 và tầm nhìn tới 2025 được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 9-2007, hiện đã có 26 dự án được phê duyệt, với tổng vốn đầu tư trên 11 tỉ USD.

Ngoài ra, số dự án không thuộc danh mục quy hoạch, tính đến cuối năm 2009, đã được các tỉnh, thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư lên đến 32 dự án, với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 11,55 tỉ USD và gần 39.000 tỉ đồng. 


Năng lực sản xuất và nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thép. Nguồn: VSA - Đồ họa: VÕ TÂN

“Thuốc bốc” chưa đủ mạnh

Trước thực trạng trên, từ năm 2009 đến nay VSA đã có nhiều văn bản gửi các bộ ngành và Thủ tướng Chính phủ phân tích những mặt thiếu sót sau hai năm thực hiện quy hoạch phát triển ngành thép, và kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành có liên quan xem xét để chấn chỉnh.

Ngay sau đó, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công thương đã có công văn yêu cầu tạm dừng việc xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án thép xây dựng thông thường, chỉ xem xét đối với các dự án sản xuất thép đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu quặng sắt, các dự án sản xuất thép chất lượng cao như thép kỹ thuật điện, ống thép không hàn, thép hình cỡ lớn, thép hợp kim, thép đặc biệt...

Đặc biệt, Bộ Công thương với tư cách cơ quan chủ quản cũng có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành những quy định tạm thời điều kiện đầu tư các dự án sản xuất gang thép, áp dụng từ quý 4-2009.

Theo ông Phạm Chí Cường, chủ tịch VSA, những quy định trên tương đối chặt chẽ ngay từ khâu xin phép đầu tư. Cụ thể, các dự án có hoặc chưa có trong quy hoạch, chủ đầu tư phải báo cáo Bộ Công thương để chủ trì xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung vào quy hoạch trước khi lập dự án đầu tư xây dựng công trình. Ngoài ra, các dự án xin cấp giấy chứng nhận đầu tư phải đảm bảo các điều kiện nghiêm ngặt về công nghệ, thiết bị sử dụng, nguyên liệu đầu vào lẫn khả năng tài chính...

Mặc dù đã có những văn bản chi tiết như trên, nhưng tình hình cấp giấy phép đầu tư ở các địa phương cho các dự án gang thép cuối năm 2009 và đầu năm 2010 vẫn không có biến chuyển. “Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến cạnh tranh giành giật thị trường, nhiều nhà máy sẽ phải vận hành thấp xa so với công suất thiết kế, làm cho hiệu quả kinh tế thấp và lãng phí” - ông Cường nhận xét.

TRẦN VŨ NGHI - TRÀ MINH

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo