Theo chiều dài lịch sử, chúng ta đã có những sự tiếp thu, ảnh hưởng của nhiều dòng văn hóa khác nhau. Sự tiếp thu, ảnh hưởng các dòng văn hóa này về khía cạnh sản phẩm làm ra được biểu hiện ở nhiều mặt trong đời sống xã hội. Những biểu hiện này tuy có khác nhau nhưng đều có điểm gặp nhau, đó là một kiểu lựa chọn riêng của mỗi tộc người hay một nhóm người. Kiến trúc cũng không nằm ngoài điều đó. Nhờ khoa học - kỹ thuật mà những thành tựu của kiến trúc - xây dựng ngày nay, không còn giới hạn về mặt không gian, thời gian. Nhưng cũng vì thế mà nó dễ trở thành kiến trúc của những vật sao lại, của kỹ thuật sao và truyền đi khắp nơi. Tiếp thu điều ấy vừa có thể là một sự bột phát vừa có thể là một nguy cơ dẫn đến hiệu quả xấu nếu như ta chỉ tiếp nhận các hình thức này ở khía cạnh tiêu thụ và xử dụng đơn thuần.
Tình hình phát triển xây dựng nhanh chóng hiện nay đã đẩy việc kiến trúc - quy hoạch vào thế phải chạy đua với quá trình xây dựng. Do đó, công tác kiến trúc - quy hoạch ở các đô thị mới thường không được đầu tư nghiên cứu, tư duy về quy hoạch, tổ chức không gian đô thị một cách kỹ và sâu, cũng như không chú trọng đến các giá trị nhân văn hay cố gắng đi tìm, thể hiện những giá trị đặc trưng cho đồ án. Và nếu không sớm tìm ra phương pháp tiếp cận nhằm tạo ra một phong cách kiến trúc, quy hoạch theo một bản sắc riêng khác có thể thì kiến trúc, quy hoạch ở các đô thị mới sẽ bị lẫn lộn, na ná giống nhau trong hàng loại. Do vậy, việc tạo dựng những nét riêng trong đồ án quy hoạch, công trình kiến trúc từng vùng miền trong giai đoạn hiện nay là một việc làm cần thiết để cho tương lai của các đô thị phát triển hoàn hảo chứ không phải vừa cải tạo vừa hoàn thiện.
Đã có nhiều nghiên cứu về kiến trúc phù hợp với các điều kiện tại Việt Nam trong những năm qua nhưng đa phần được thực hiện ở những đô thị lớn với cách tiếp cận ở một số khía cạnh nổi trội về điều kiện tự nhiên (khí hậu, địa hình…) nhưng vẫn chưa phân xuất ra được những nét tiêu biểu của các đô thị đó. Với các đô thị không có các thế mạnh đặc trưng nổi trội thì lại càng khó có cơ hội để tạo ra một phong cách kiến trúc đặc trưng. Điều này đòi hỏi công tác nghiên cứu, tìm hiểu cũng như thái độ nhìn nhận về cái gọi là “bản sắc kiến trúc” cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc và sâu sắc hơn. Khái niệm bản sắc kiến trúc lâu nay thường được lý giải và nhìn nhận theo kiểu tinh thần luận. Cần có cách nhìn nhận và lý giải theo thao tác luận mới có những biện pháp để duy trì, phát huy các mặt tốt. Theo đó, bản sắc trong kiến trúc không phải là một Vật mà là một kiểu Quan hệ. Kiểu quan hệ kết hợp, chắp nối từ nhiều gốc khác nhau nhưng tạo nên một kiểu thống nhất hữu cơ. Cái gọi là bản sắc kiến trúc không thể tìm thuần túy theo cách mà ta mô phỏng. Chúng là những biểu hiện mà với nó đã phải trải qua một độ khúc xạ nhất định sau quá trình tiếp thu, sàng lọc từ các yếu tố bên ngoài. Tính khúc xạ này được thể hiện qua bản sắc từng vùng, không chỉ ở kiến trúc mà ở hầu hết các mặt như ngôn ngữ, hội họa, âm nhạc, thơ ca, ẩm thực, khoa học kỹ thuật. Do đó, tìm hiểu những biểu hiện kiến trúc theo tính độ khúc xạ mới là điều cốt lõi chúng ta cần nghiên cứu để tìm hiểu bản sắc kiến trúc địa phương.
Tiếp cận bản sắc kiến trúc trước hết còn là phân xuất ra được những nét tiêu biểu tạo thành phong cách đặc trưng của một khu vực, một đô thị và được biểu hiện cụ thể thành những thành tựu kiến trúc của một khu vực hay đô thị đó, trên cơ sở phân tích các giá trị đặc trưng của vùng, đánh giá ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên địa phương và tiềm thức văn hoá kiến trúc địa phương đồng thời kết hợp với các giá trị kiến trúc truyền thống để tìm kiếm và tạo dựng cho đô thị có nét riêng khác biệt so với các vùng khác. Sau đó đối chiếu với tình hình thực tại trong quan hệ với nền kiến trúc hiện đại, đặc biệt là những tiến bộ về công nghệ kỹ thuật để rút ra những ưu và khuyết điểm, nhằm đưa ra những phương án, những hình thức có thể chấp nhận được.
Nghiên cứu, tìm hiểu bản sắc kiến trúc của từng vùng, từng địa phương là một công việc phức tạp nhưng hết sức cần thiết. Việc nghiên cứu, tìm hiểu đó còn cho ta chủ động trong việc tiếp nhận chứ không thể ngồi chờ sự tiếp thu, sàng lọc. Với cách tiếp cận đó thì một cái nhìn được đặt trong mối quan hệ tổng quan và một phương pháp nghiên cứu nghiêm túc sẽ tránh đi những thái độ áp dụng cứng nhắc. Bởi đôi khi một yếu tố cực kỳ địa phương trong kiến trúc có thể gây phản ứng khó chịu ở một nhóm người khác khi đối tượng đó có thể tự nó gợi lên những liên tưởng khác nhau tùy theo thói quen trong tâm thức của mỗi người mà văn hóa truyền thống đã cấp cho họ. Chẳng hạn như hình ảnh cây Tre, cây Đa có thể gợi cho người Việt cái thế giới thôn dã êm đềm nhưng cũng có thể gợi lên hình ảnh những khu rừng nhiệt đới đáng sợ trong con mắt một số người phương Tây!…
Trong thời đại hội nhập này, bản sắc có thể đóng vai trò điều tiết sự phát triển kiến trúc nhưng cũng cần nhìn vấn đề đó theo những mối tương quan và ý nghĩa khác bởi nếu một sản phẩm không ai thích thì chúng ta dân tộc với ai?. Vì thế còn cần phải nhìn bản sắc kiến trúc như là một động lực phát triển kinh tế, kinh doanh văn hóa, giới thiệu bản sắc văn hóa đồng thời củng cố nhiệt tình bảo vệ bản sắc văn hóa. Cách nhìn này có thể không phù hợp với những người quen nhìn bản sắc kiến trúc như là một bộ phận của thượng tầng kiến trúc nhưng nó cũng là một cách tiếp cận cần thiết trong mối quan hệ qua lại cùng với ý nghĩa, mục đích giáo dục, xây dựng tâm hồn và những nhu cầu tự thân khác của kiến trúc.
KTS Hồ Thế Vinh
- Trung tâm nghe nhìn ở TP Hilversum (Hà Lan)
- Những công trình kiến trúc GDR ở Đông Đức
- Trụ sở toà án - Một di sản kiến trúc quí giá của Hà Nội
- Kiến trúc container
- Kiến trúc thế giới 1 năm nhìn lại
- Tháp đôi KIO - "cửa ngõ châu Âu"
- Nhà thờ Đức Bà (Frauenkirche) ở Dresden
- Tạp chí Guardian: Top 10 công trình kiến trúc hấp dẫn nhất thập kỷ
- Bảo tàng nghệ thuật đương đại Serralves
- Thư viện công cộng Villanueva - Colombia