Ashui.com

Thursday
Jan 23rd
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Xử lý rác tại TPHCM (kỳ 2): Nỗi buồn từ bãi chôn lấp rác số 3 Phước Hiệp

Xử lý rác tại TPHCM (kỳ 2): Nỗi buồn từ bãi chôn lấp rác số 3 Phước Hiệp

Viết email In

Bãi chôn lấp rác số 3 Phước Hiệp (huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh) có tổng giá trị đầu tư 976 tỷ đồng do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh và nhà thầu Hàn Quốc KBEC thi công.

Bãi xử lý rác này sẽ biến thành bãi rác dẫn đến lãng phí hàng trăm tỷ đồng đầu tư, đồng thời mất đi các giá trị gia tăng khác từ tái chế rác như khí gas, điện và đặc biệt có thể gây ra các sự cố môi trường nghiêm trọng. 

Lý do đơn giản là đã có những văn bản thiếu cơ sở được ban hành để đưa toàn bộ rác từ bãi số xử lý rác số 3 Phước Hiệp về bãi xử lý rác Đa Phước.  


Cảnh thi công ngổn ngang tại công trường Phước Hiệp.
(Ảnh: Mai Quốc Ấn/Vietnam+) 

Vô cớ đóng cửa

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận cho đầu tư gần 976 tỷ đồng cho dự án bãi xử lý rác số 3 Phước Hiệp song cũng chính Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đóng cửa và quyết định đóng dự án này. 

Tháng 6/2014, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra văn bản số 475 chỉ đạo công ty Môi trường đô thị xây dựng kế hoạch đóng cửa bãi chôn lấp số 3 của bãi chôn lấp rác Phước Hiệp. Ngày 17/10/2014, Ủy ban tiếp tục gửi văn bản 5363 cho Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về việc đóng cửa bãi chôn lấp số 3 Phước Hiệp và chuyển rác sinh hoạt về Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn Đa Phước (thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xử lý rác Việt Nam - VWS) với lý do “công nghệ chôn lấp có nguy cơ gây ô nhiễm.”

Thời gian giữa hai văn bản trên ra đời, tháng 7/2014, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra Nghị quyết 07 yêu cầu Ủy ban nhân dân chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện chấm dứt xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp tại bãi rác Phước Hiệp vào đầu năm 2015. 

Bãi chôn lấp rác số 3 Phước Hiệp vì thế bị đóng cửa và hiện nay hoạt động cầm chừng với khoảng 400 tấn rác phải nhận từ nhà máy sản xuất phân compost Vietstar cũng tại Củ Chi.

Công nghệ chôn lấp cho bãi chôn lấp số 3 Phước Hiệp là công nghệ Hàn Quốc được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá là tiên tiến và cho phép tiến hành dự án. Thế nhưng công trình chưa xây dựng xong đã phải đóng cửa chỉ vì một số phản ánh không có căn cứ. Sau khi đối chiếu hồ sơ, phóng viên nhận thấy bãi xử lý rác số 3 Phước Hiệp hoàn toàn không có vi phạm nào phải nhận quyết định xử phạt để làm cơ sở cho 3 văn bản nói trên ra đời.

Trong cuộc làm việc tại văn phòng công trường xử lý rác Phước Hiệp ngày 9/2/2015, ông Nguyễn Tấn Tuyến, Phó trưởng Ban Kinh tế ngân sách Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao những nỗ lực khắc phục các vấn đề ô nhiễm của công ty Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh bằng những nỗ lực khắc phục, ứng dụng công nghệ để xử lý mùi hôi, nước rỉ rác tại bãi xử lý rác số 3 Phước Phiệp. 

Bà Phạm Thị Thanh Hiền, đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời là Chánh văn phòng huyện ủy Củ Chi cũng xác nhận dân địa phương không còn phàn nàn gì về mùi hôi, nước rỉ rác của bãi xử lý rác số 3 Phước Hiệp sau khi xử lý.

Cũng tại cuộc làm việc, ông Trương Lâm Danh, Trưởng ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Có thể sửa lại nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố về việc đóng cửa bãi chôn lấp rác số 3 Phước Hiệp, chuyển thành bãi chôn lấp rác dự phòng bởi đây là nghị quyết chất vấn của Hội đồng nhân dân do trước đây cử tri xã Phước Hiệp phản ánh có mùi hôi, nước rác bị rò rỉ. Nghị quyết là để giám sát các sở, ngành, Ủy ban dân dân thành phố Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ có thể các báo bị hiểu lầm. Công ty Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh nên làm bảng so sánh công nghệ giữa Đa Phước và Phước Hiệp để thuyết phục dư luận.” 

Nguy cơ ô nhiễm do làm nửa vời

Đầu tư hoàn chỉnh bãi xử lý rác số 3 Phước Hiệp cần gần 1.000 tỷ đồng nhưng theo quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thì công trình ngàn tỷ này phải đóng cửa và chỉ được dùng làm bãi xử lý rác dự phòng. Làm bãi xử lý rác dự phòng có nghĩa là không có rác được chôn lấp hàng ngày, khiến công ty Môi trường đô thị thành phố Hồ Chí Minh không có nguồn thu để trả nợ ngân hàng.

Tuy nhiên, khi đến thực tế tại bãi chôn lấp rác số 3 Phước Hiệp, người viết nhận thấy bãi chôn lấp rác này vẫn đang tiếp tục được thi công bởi nói theo ông Huỳnh Minh Nhựt, Tổng giám đốc công ty Môi trường Đô thị thành phố Hồ Chí Minh (phát biểu ngày 9/2/2015), nếu dừng công trình thì bãi chôn lấp rác sẽ biến thành bãi rác, nguy cơ ô nhiễm sẽ rất cao.

Nếu bãi chôn lấp rác số 3 Phước Hiệp không được tiếp tục thi công các ô chôn lấp rác còn lại thì nơi đây có nguy cơ rác trượt từ vị trí cao xuống vị trí thấp chưa lót đáy. Điều này sẽ làm rỉ nước rác, phát tán mùi hôi, thu hút côn trùng, gây ô nhiễm không khí và nguồn nước ngầm,... dẫn đến các thảm họa môi trường lâu dài và phải tốn kinh phí rất nhiều lần để khắc phục sự cố. Theo lý do kỹ thuật thì bãi chôn lấp rác cần đóng cừ vây ngăn các ô rác để cố định lượng rác, tránh xảy ra hiện tượng trượt rác.

Một yếu tố kỹ thuật khác là khi thi công hoàn tất bãi chôn lấp (đủ rác theo công suất thiết kế) cần có công đoạn phủ đỉnh bãi chôn lấp rác rồi thi công trồng cây xanh lên trên bề mặt. Nếu phải dừng lại công trình bãi chôn lấp rác số 3 Phước Hiệp, nguy cơ ô nhiễm môi trường trong tương lai sẽ xảy ra. Nếu không phủ đỉnh thì nước mưa có điều kiện xâm nhập vào rác nên vẫn phải tiếp tục xử lý nước rỉ rác phát sinh, xử lý mùi và côn trùng như giai đoạn ban đầu khiến kinh phí phát sinh tăng cao. Nước mưa cũng khiến trọng lượng rác trong các ô tăng cao, gây nguy cơ trượt rác.

Một công nhân làm việc tại bãi xử lý rác số 3 Đa Phước buồn bã cho hay: “Họ [Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - PV] ép chúng tôi quá! Họ nói nếu muốn thì xuống khu Đa Phước làm việc nhưng nhà chúng tôi ở đây, đi từ Củ Chi xuống Bình Chánh mất bao lâu họ có biết không? Xuống dưới đó thuê nhà trọ ở để làm rác tiếp thì đâu còn dư ra được đồng nào. Bây giờ công ty (Môi trường Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ trả lương cầm chừng 40% cho công nhân so với trước đây nên nhà ai cũng khó khăn hết”./. 

(Vietnam+) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...