Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, Liên minh châu Âu (EU) ngày 6/3 đã chính thức thông qua cam kết giảm ít nhất 40% lượng khí thải hiệu ứng nhà kính từ nay đến năm 2030 so với mức năm 1990, như một phần kế hoạch đóng góp tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Paris (Pháp) vào tháng 12 tới.
(Ảnh minh họa: The Canadian Press)
Phát biểu sau cuộc họp với các Bộ trưởng Môi trường EU ở Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Môi trường Pháp Segolene Royal cho biết châu Âu là lục địa đầu tiên đưa ra cam kết đóng góp cho hội nghị trên theo yêu cầu của Liên hợp quốc.
Cam kết của EU, khu vực chiếm 9% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới, đã được gửi đến Ban thư ký của Liên hợp quốc.
Ngoài ra, các bộ trưởng EU cũng nhất trí về danh sách các hành động cụ thể trong tất cả các lĩnh vực kinh tế liên quan đến cam kết này, đặc biệt về công nghiệp, nông nghiệp và chất thải.
Trong khi đó, Ireland đấu tranh để đưa khí thải sử dụng đất và rừng vào cam kết của EU, song đề nghị này bị các nhà môi trường chỉ trích. Theo nghị sĩ đảng Xanh của Pháp Yannick Jadot, lượng khí thải trong sử dụng đất và rừng không thể đưa vào mục tiêu cắt giảm của các quốc gia vì như vậy có nghĩa lượng khí thải cắt giảm được rất thấp, chỉ giảm được 4%.
EU yêu cầu các quốc gia thành viên phải đưa ra cam kết của mình về hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính trước ngày 31/3. Một số cường quốc trên thế giới đã đưa ra cam kết của mình, như Mỹ - quốc gia chiếm 12% lượng khí thải nhà kính trên thế giới- thông báo mục tiêu giảm từ 26%-28% vào năm 2025 so với mức giảm năm 2005./.
(TTXVN /Vietnam+)
- Cơ quan Phát triển Pháp cam kết cùng Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu
- Xử lý rác tại TPHCM (kỳ 2): Nỗi buồn từ bãi chôn lấp rác số 3 Phước Hiệp
- Xử lý rác tại Thành phố Hồ Chí Minh: Tồn tại nhiều điều phi lý (Kỳ 1)
- Sao khổ thế, Đồng Nai ơi!
- Lấp sông Đồng Nai làm dự án: Chắc chắn ảnh hưởng đến việc thoát lũ
- Ivanpah - Nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới
- Hitachi trúng thầu dự án mở rộng nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn tại TP.HCM
- Trái Đất tới ngưỡng "nguy hiểm" đối với sự sinh tồn của loài người
- Đề xuất mô hình xử lý chất thải rắn phù hợp với từng vùng
- Quy định rõ mức xử phạt trong Luật Bảo vệ Môi trường