Tác động của biến đổi khí hậu là nghiêm trọng và ngày càng mạnh hơn, như trong năm 2017 đã có hàng loạt thảm họa xảy ra trên toàn cầu, riêng tại Việt Nam đã có 16 cơn mưa bão và lũ bất thường, gây ra tổng thiệt hại ước tính khoảng 2,6 tỉ đô la Mỹ. Do vậy rất cần một hành động khẩn cấp được thực hiện đồng bộ trên toàn cầu. Và cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống tác động của biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long. Trong ảnh là một ruộng lúa bị khô hạn. (Ảnh: Trung Chánh)
Để chống biến đổi khí hậu, hầu hết các nhà khoa học đều tin rằng điều quan trọng chúng ta cần làm là giữ nhiệt độ toàn cầu không nóng hơn 2°C so với trước thời kỳ công nghiệp. Điều này yêu cầu chúng ta thay đổi và cải tạo lại nhiều hoạt động kinh tế đã được xây dựng hơn 1,5 thế kỷ qua. Chất thải từ các nhà máy và các trạm năng lượng cần được giảm xuống.
Các tòa nhà – và toàn bộ các thành phố – cần kiểm soát hiệu quả về nước và năng lượng. Và đường sá, đập nước, nhà cửa và mạng lưới viễn thông cần được xây dựng hoặc gia cố để có thể trụ vững trước những cơn bão lớn mật độ ngày càng dày hơn và mực nước biển dâng cao – đặc biệt tại các quốc gia nằm ở vị trí thấp so với mực nước biển như Việt Nam.
Cơ sở hạ tầng là trọng tâm của giai đoạn chuyển đổi này – và các quyết định về đầu tư cơ sở hạ tầng đưa ra hôm nay sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trong nhiều thập kỷ tới.
Trên thực tế, không chỉ do biến đổi khí hậu, toàn thế giới cũng cần phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng vì rất nhiều nguyên nhân khác như dân số dịch chuyển ngày càng nhiều, nhiều nền kinh tế đang tìm cách nâng cao năng suất lao động. Tất cả những điều này đồng nghĩa với nhu cầu lớn về năng lượng, vận tải, nhà ở và mạng lưới viễn thông cùng công nghệ thông tin.
Lấy Việt Nam làm ví dụ. Chính phủ ước tính cần đầu tư khoảng 48 tỉ đô la từ nay đến năm 2020 nhằm phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Trong khi đó, nhu cầu năng lượng của quốc gia sẽ tăng khoảng 2,5 lần từ năm 2015 đến năm 2035, mang đến nhu cầu đầu tư rất lớn.
Rõ ràng, biện pháp cần thiết là đầu tư vào cơ sở hạ tầng để vừa nâng cao năng suất, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng và vừa có thể giảm thiểu tối đa lượng khí thải trong tương lai cũng như giúp các nền kinh tế và cộng đồng thích ứng được với các tác động của biến đổi khí hậu.
Hoạt động này đi cùng với nhu cầu về vốn. Ước tính cần khoảng 100.000 tỉ đô la để đầu tư vào cơ sở hạ tầng trên toàn cầu trong khoảng thời gian 15 năm tới, vừa để thay thế các hệ thống cũ và vừa đáp ứng nhu cầu tăng trưởng. Những hoạt động nhằm đối phó với biến đổi khí hậu trong tương lai sẽ chỉ làm tăng thêm nhu cầu về tài chính này, do đó cơ sở hạ tầng được thực hiện “xanh” càng sớm ngay từ giai đoạn đầu sẽ càng tốt.
Việt Nam cũng nhận thấy nhu cầu cấp bách trong việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng nước, gió và mặt trời hay nhiên liệu sinh học. Tham gia ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã khẳng định cam kết của mình trong việc làm xanh nền kinh tế cũng như thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Những tiến bộ công nghệ gần đây mang đến những giải pháp “xanh” thay thế vừa thân thiện môi trường vừa mang lại lợi ích kinh tế. Nhưng chúng ta cần hành động khẩn cấp – và những quyết định của ngày hôm nay sẽ là yếu tố quyết định trong việc giảm thiểu những thách thức trong tương lai.
Zoë Knight - Giám đốc Điều hành Trung tâm Tài chính bền vững Ngân hàng HSBC
(TBKTSG)
- Đẩy mạnh hoạt động đầu tư xử lý rác thải thành điện
- Ấn Độ có nhiều thành phố ô nhiễm nhất thế giới
- 8 thành phố đẹp nhưng chất lượng không khí tệ
- [Infographic] Rác thải nhựa đang hủy hoại môi trường sống toàn cầu
- Tham nhũng và năng lượng tái tạo
- Nghịch lý thuế bảo vệ môi trường và ô nhiễm môi trường
- Trung Quốc chú trọng phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng
- Vốn Hàn Quốc chảy mạnh vào năng lượng tái tạo
- Kêu gọi các ngân hàng Singapore chấm dứt tài trợ nhiệt điện than
- Hướng đến thành phố sinh thái tuần hoàn